Làm sao biết được cái bên trong tốt, xấu của con người? Không thể cứ nhìn cái bề ngoài để rồi đánh giá tốt xấu. Điều quan trọng hơn là cái chứa đựng bên trong. Nhân dân ta rất chú trọng phẩm chất đạo đức nên đã nêu lên quan niệm sống: cách đánh giá con người, sự vật qua tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Đó là câu nói mượn một sự vật cụ thể để khái quát thành một nhận xét chung và lớn hơn là nêu lên một quan niệm về cái đẹp. Gỗ tốt là loại gỗ mà mối mọt không đục khoét được, có tính bền lâu trong sử dụng, có giá trị và công dụng cao trong xây dựng, phục vụ đời sống con người. Nói “tốt gỗ” là nhấn mạnh về “chất lượng” của loại gỗ. Nước sơn là cái bao bọc, che phủ bên ngoài. Nó có tác dụng bảo vệ cho gỗ, làm cho gỗ đẹp hơn và cũng có thể che gỗ xấu, vế xấu bên trong của gỗ.
Quan hệ giữa “tốt gỗ” và “tốt nước sơn” nhân dân ta chỉ ra nên chọn tốt gỗ “hơn” là tốt nước sơn. Cụ thể, có thể hiểu như sau: Giữa hai chiếc bàn, một làm bằng gỗ tốt, nhưng nước sơn còn chưa đẹp lắm và một làm bằng gỗ xấu (gỗ tạp), nhưng nước sơn của nó thì tốt lắm, đẹp lắm. Sự chọn lựa được đặt hẳn về chiếc bàn thứ nhất. Liên hệ từ “tốt gỗ” sang “tốt người” là một liên hệ tự nhiên, gô gic. Vậy thì, “người tốt”; tốt lòng, tốt bụng, tốt nết… còn hơn là áo quần tốt, mặt mày đẹp… Vì vậy có lúc câu tục ngữ còn được thêm cả vế sau để cho rõ nghĩa, sáng ý hơn.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”
Suy rộng ra, nhân dân ta còn nêu lên mối quan hệ giữa nội dung, phẩm chất bên trong và hình thức che chở, bao bọc bên kia. Biết bao sự vật mà hình thức bên ngoài đã làm lòe mắt, đánh lừa người khác. Một ngôi nhà trông bề ngoài nguy nga tráng lệ, sơn phết màu sắc rực rỡ, nhưng thử đi vào bên trong thì tường mục, mái sắp đổ! Một món hàng nào đó, trông bên ngoài thì công phu, bao bì xinh xắn đẹp đẽ, hình vẽ và lời quảng cáo hấp dẫn… nhưng mua về thì bên trong là hàng giả, hàng “dỏm” không sử dụng được, phẩm chất kém rất xa những thứ hàng bình thường cùng loại.
Về con người cũng thế; có người ăn mặc sang trọng, quần là, áo lượt, nhưng về phẩm chất học là kẻ bất tài, vô đức. Còn có cả con người mới nghe họ nói thì tưởng họ là người tốt lắm, nào là lời hay, ý đẹp, bặt thiệp, xã giao khôn khéo… Nhưng thực chất họ là kẻ xảo trá, lừa đảo, xấu xa. Vậy nên phân biệt giữa nội dung và hình thức thật là khó; nhất là đối với con người. Chả vậy mà người đời chẳng từng than thở:
“Dò sông, dò biển dễ dò,
Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”.
Có hạng người “khẩu phật tâm xà”, đó là Tú Bà, Hoạn Thư, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du… “Bề ngoài thơn thớt nói cười Mà trong nham hiểm giết người không dao” Và cả bọn Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh… Chuyện nội dung, hình thức được nêu lên để cuối cùng răn dạy con người phải sống cho chân thực, cho đúng với phẩm chất của mình. Đừng quá chuộng hình thức bên ngoài mà quên đi phần tu dưỡng phẩm chất đạo đức bên trong: Anh là học sinh thì trước hết phải học cho tốt, cho giỏi. Đua đòi áo đẹp, giàu sang, trau chuốt bên ngoài mà không lo học tập, rèn luyện thì là người học sinh tầm thường bị chà đánh giá thấp. Trong quan hệ lấy sự thật thà, chân tình mà đối xử với nhau.
Những lời đầu môi, chót lưỡi có thể lừa dối người khác ở buổi đầu, nhưng về lâu dài anh sẽ bị lột chân tướng là kẻ giả dối… Khẳng định nội dung quan trọng hơn hình thức là một khẳng định đúng. Song cũng cần phải suy nghĩ, tìm hiểu thêm. Sự có mặt của hình thức là để nói lên nội dung. Khi không có nội dung thì hình thức không còn lý do tồn tại. Vì vậy hình thức và nội dung phải cần thống nhất với nhau. Giống như cái bao bì là cần để chứa đựng cái bên trong, còn cái bên trong cần có sự bao bọc của bao bì… Xét riêng từng mặt thì chính nội dung quy định hình thức, ví như người to lớn phải mặc áo rộng cho vừa.
Nhưng mặt khác, hình thức làm cho nội dung có giá trị hơn. Lấy những dẫn chứng trên, để hoàn thiện cho một nhận thức về cái đẹp, cần thống nhất về cả hai mặt nội dung và hình thức: Chiếc bàn làm bằng gỗ tốt rồi, nhưng nước sơn cũng không tốt thì giá trị của chiếc bàn tăng lên nhiều hơn. Món hàng có chất lượng tốt, làm toàn nguyên liệu thượng hạng… nếu có cả phần nhãn hiệu bao bì hấp dẫn đẹp mắt chắc chắn sẽ làm tăng giá trị của món hàng đó lên. Nói về con người trong cuộc sống cũng cần như vậy. Người học trò ngoan, chăm, siêng năng, học giỏi, phẩm chất đạo đức tốt cũng là người học trò ăn mặc tươm tất đàng hoàng dễ nhìn, dễ ưa… Người có phẩm chất tốt đẹp, sống chân thật nếu có cử chỉ giao tiếp lịch sự, lời ăn tiếng nói dễ nghe… sẽ làm tăng phẩm chất của con người đó lên biết bao.
Không nên quá coi thường hình thức. HÌnh thức có thể làm tăng giá trị của nội dung, đồng thời hình thức cũng có thể phá hoại nội dung, hạ thấp nội dung. Cách đánh giá toàn diện hơn cả là nên kết hợp giữa nội dung và hình thức.