Thông qua nghệ thuật nhân cách hoá, lối sử dụng điệp từ ngữ, đoạn thơ đã miêu tả khá sinh động diễn biến nội tâm của cô gái, qua từng thời điểm khác nhau. Việc cha mẹ ép duyên cô xảy ra khi cô “còn trên nương, còn đang ngoài ruộng”. Khi mặt trời lặn, cô trực tiếp bộc lộ những cảm xúc của mình trước việc đau đớn trên đây. Hình ảnh mặt trời vừa được nhân cách hoá thành một nhân vật thứ hai, vừa được nhắc đi nhắc lại hàng chục lần.
Mặt trời chính là biểu tượng của thời gian, mặt trời ở đây là chàng trai mà cô gái yêu quí. Cho nên cô như tâm sự cùng mặt trời. Vì cô đơn nên cô gái muốn có người cùng tâm sự cho dù đấy là những vật vô tri vô giác. Song mặt trời vẫn chỉ là mặt trời, “không gọi”, “không chờ” rồi “khuất hẳn”, khi trời “sắp tối”.... Cái lo sợ cuống quýt đáng thương của cô gái được diễn tả tình thế qua “nhân vật” mặt trời.
Vì mặt trời đã tắt, cô gái trở về với công việc của mình. Khi chặt củi, cô lại nhớ đến người yêu. Cô phải kiếm đủ ba bó củi “Một bó để mẹ yêu ninh xôi; một bó để mẹ yêu nấu rượu”. Nhưng đáng lưu ý nhất là bó củi thứ ba.
“Dành nhen lửa sàn hoa
Lửa sàn hoa để bạn trai xa hơ áo
Em chẻ đóm chờ mồi thuốc anh yêu...
Em gọi về nhà thôi vía hỡi”.
Và cô không chỉ một lần gọi vì anh yêu. Như vậy, cô gái đã trực tiếp giãi bày tình cảm của mình không chút vòng vo. Điều này thể hiện sự nồng cháy trong tình cảm của cô ... Dù nghĩ đến ai, nghĩ tới điều gì, sau cùng cô vẫn hướng về người yêu của mình với niềm hạnh phúc khó tả. Cô khao khát được ở bên anh để có điều kiện bộc lộ tình yêu say đắm nồng nàn. Đấy chính là biểu hiện của một người đang yêu, một tình yêu nồng nhiệt.
Bị cha mẹ ép duyên, tình yêu có nguy cơ bị tan vỡ. Không ai có thể cứu cô ra khỏi tình cảnh khắc nghiệt này. Cô bối rối, hỏi cha mẹ: cha mẹ không thay đổi ý kiến. Cô đi hỏi bác trai, bác gái: họ chỉ lắc đầu . Cô hỏi chị em dâu rể trong nhà: họ cũng không giúp gì được cô. Cùng đường, cô kêu xin cả con “chim cu trên ngọn cây: chim cu cũng bất lực”... Cô đau đớn thấy thân phận mình thật yếu hèn nhỏ bé:
“Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa
Bằng thân con chẫu chuộc thôi”.
Đoạn thơ “Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa” thấm đầy nước mắt và tiếng thở dài. Tâm trạng của cô gái bị cha mẹ ép duyên được diễn tả bằng những chi tiết, những vần thơ cảm động. Bi kịch tình yêu đã làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm độc đáo “Tiễn dặn người yêu” này.