Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Mượn lời một người dân trong làng, em hãy kể lại câu chuyện Em bé thông minh.

Thứ năm - 05/09/2019 11:44
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu kể lại câu chuyện Em bé thông minh bằng lời của một người dân trong làng của em bé thông minh.
- Kể chuyện dựa vào câu chuyện Em bé thông minh.
- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất, nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”. Người kể chuyện trong yêu cầu của đề bài không phải là người đứng ngoài câu chuyện (vì là người cùng làng với nhân vật chính, cùng nhân vật chính tham gia trực tiếp vào một sự việc) nhưng cũng không phải là người tham gia toàn bộ câu chuyện (chuyện em bé đối đáp với ông quan, chuyện cha em bé lên kinh...). Người kể chuyện có thể tưởng tượng thêm một số chi tiết, sự việc để phù hợp với điểm nhìn nhưng vẫn phải đảm bảo sự phù hợp với nhũng chi tiết đã có.
- Bài làm cần đủ nhưng ý chính sau:
Mở bài:
+ Người kể chuyện tự giới thiệu về bản thân.
+ Giới thiệu chuyện sắp kể (về một em bé thông minh ở làng, có thể đặt tên, họ cho nhân vật).
Thân bài:
+ Chuyện em bé đối đáp với viên quan về làng.
+ Chuyện vua ra câu đố cho làng để tiếp tục thử tài em bé.
+ Chuyện em bé hiến kế cho làng và việc em lên kinh “đố lại” nhà vua khiến ông “mắc bẫy”.
+ Chuyện sứ Tàu ra câu đố thử trí người nước ta.
+ Chuyện em bé hiến kế cho nhà vua để giải câu đố của sứ giả.
Kết bài:
Suy nghĩ của người kể chuyện về em bé, về thế hệ trẻ nước nhà.

B. Bài văn mẫu
Sau khi được vua phong danh hiệu trạng nguyên, em bé thông minh đã vinh quy bái tổ về làng. Nhân dân trong và ngoài làng nô nức đi xem mặt vị quan trạng nhỏ tuổi. Ngươi dân ngoài làng hết sức tò mò không biết vì duyên cớ gì mà một chú bé đầu còn để chỏm đã được phong trạng. Một lão nông trong làng bèn tự hào cất giọng kể cho khách thập phương. Một là để họ rõ nguồn cơn câu chuyện, thoả chí tò mò, hai là tự hào về làng mình.

Đây là lời kể của ông lão:


“Cách đây chừng mấy tháng, có một vị quan to, mình mặc áo gấm, cưỡi con ngựa trắng rất đẹp đi qua làng chúng tôi. Lúc ngang thửa ruộng của hai cha con quan Trạng bây giờ, liền dừng ngựa hỏi một câu rất khó về số đường cày con trâu cày được trong một ngày. Trong khi ông bố đứng ngẩn người, không trả lời được thì quan Trạng, lúc ấy là cậu bé vô danh đang đứng bên cha nhanh chóng hỏi vặn lại về số bước mà ngựa của vị quan kia đi được trong một ngày làm cho quan phải thua cuộc. Nghe cậu bé trả lời xong, không hiểu vì kinh ngạc hay vì mừng rỡ mà vị quan kia há hốc mồm, trợn tròn mắt. Suy nghĩ giây lát, quan bèn hỏi han tên tuổi, địa chỉ làng xã quê quán của hai cha con rồi phi ngựa đi luôn. Mãi về sau mọi người mới hay vị quan lúc đó chính là sứ giả vua sai đi khắp nơi tìm người tài cho đất nước. Nay gặp cậu bé của làng tôi thông minh, sắc sảo hơn người, đoán biết là nhân tài nên về bẩm báo lại với vua.
Tuy đã nghe kĩ cuộc đối đáp đó nhưng nhà vua vẫn còn chưa tin lắm vì cậu bé còn quá nhỏ. Nếu là tôi chắc cũng chẳng tin ngay. Thế là vua quyết định thử tài.

Độ dăm hôm sau, làng tôi được vua ban cho ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội. Làng tôi như gặp phải hoạ lớn. Các cuộc họp lớn nhỏ lần lượt diễn ra nhưng mãi vẫn chưa tìm ra cách giải quyết tốt đẹp, hợp lí. Bởi vì ai cũng biết, trâu đực thì làm sao mà đẻ được! Không hiểu nhà vua có ý gì? Có người còn bi quan, nói hay Ngài có ý bắt cả làng phải chết!

Thế rồi chuyện đến tai chú bé con trai người thợ cày. Chú liền bảo với cha:

- Chả mấy khi được lộc vua ban, cha cứ thưa với làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng xôi nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tốn cho cha con ta trẩy kinh lo liệu việc đó.

Người cha lo sợ nên không đồng tình với con. Nhưng thấy chú bé cứ nằng nặc bảo thế cũng đành tin và vội ra đình trình bày câu chuyện với dân làng. Các bác thử nghĩ xem liệu làng có tin không? Đương nhiên mọi người vẫn còn ngờ vực. Dù cậu bé rất nhanh ý, làng đã biết tiếng, nhưng việc lớn thế này, làm sao giao cho cậu ta được? Cuối cùng, chuyện cũng xong khi hai cha con viết giấy cam đoan. Thế rồi, trâu được ngả ra đánh chén.

Sau đó, hai cha con khăn gói lên kinh thành. Nhờ tài trí thông minh của mình, cậu bé đã tìm cách lẻn vào sân rồng, lừa cho vua tự nói ra sự vô lí trong yêu cầu của mình. Nhờ vậy mà đã giúp cả làng tôi thoát tội lại được một bữa đánh chén no say.

Đã biết tài trí cậu bé nhưng vua vẫn muốn thử lần nữa. Lần này vua bắt cậu làm một mâm cỗ chỉ bằng một con chim sẻ. Cậu cũng đáo để không kém khi yêu cầu nhà vua mài cho mình con dao thịt chim chỉ bằng một cái kim may. Đến lần này thì vua và triều thần thực sự thán phục tài trí cậu. Nhà vua ban thưởng cho hai cha con rất hậu.

Lúc bấy giờ, có nước làng giềng luôn nhăm nhe xâm lược bờ cõi nước ta. Để dò xem bèn mình có nhân tài không, họ sai sứ đưa sang một cái vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đó làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc. Vua quan trong triều bấy giờ không ai biết làm thế nào giải được câu đố oái oăm. Các đại thần vò đầu bứt tai mãi cũng chẳng được Bao nhiêu quan Trạng, nhà thông thái được triệu vào cung đều lắc đầu bó tay.

Cuối cùng triều đình mời sứ thần ra ở công quán để có thời gian đi hỏi ý kiến cậu bé của làng tôi.

Khi viên quan mang dụ chỉ của nhà vua đến, cậu đang chơi sau nhà. Nghe nói việc xâu chỉ vào vỏ ốc, cậu chỉ hát lên một câu:

Tang tình tang! Tính tình tang
Bắt con kiến vàng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang
Tang tình tang...

rồi bảo cứ theo cách ấy mà làm.

Viên quan vui sướng, vội vàng trở về tâu vua. Vua và các quan trong triều nghe nói mừng như mở cờ trong bụng. Quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng.

Thấy được tài ngang của cậu bé, vua liền phong cho cậu là trạng nguyên. Người lại cho xây cung điện ở ngay cạnh cung vua để dễ bề hỏi han. Hôm nay là ngày quan Trạng vinh quy bái tổ, làm rạng danh dòng họ và quê hương. Thật tự hào vì chúng tôi là những người đồng hương với vị trạng nguyên thông minh, tài trí ấy.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây