I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), quê gốc ở Đà Nẵng, sinh ở Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình trí thức. Cha là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Trước khi đến với thể loại kịch, Lưu Quang Vũ từng làm thơ, sáng tác truyện ngắn, vẽ tranh...
Từ năm 1978 đến 1988, ông là biên tập viên tạp chí sân khấu, đến những năm 80 của thế kỉ XX, ông đã đem đến cho người xem những vở kịch gây chấn động dư luận.
Ông được xem như một nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật hiện đại.
2. Văn nghiệp
- Thơ: Hương cây (1968, in chung trong tập Hương cây - Bếp lửa), Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1994).
- Kịch: Mãi mãi tuổi 17, Lời nói dối cuối cùng, Nàng Xi-ta, Chết cho điều chưa có, Nếu anh không đốt lửa, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc vô tận, Tôi và chúng ta... Hồn Trương Ba, da hàng thịt được tác giả viết năm 1981 đến năm 1984 thì được ra mắt công chúng.
- Ngoài ra ông còn viết một số truyện ngắn và tập tiểu luận. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
3. Phong cách
Kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông.
Ông là tác giả của gần 50 vở kịch. Các vở kịch thể hiện tính triết lí sâu sắc về cuộc đời, phản ánh được những vấn đề sâu sắc và bức thiết của thời đại.
Thơ Lưu Quang Vũ không bay bổng, tài hoa nhưng giàu cảm xúc với nhiều trăn trở, khát khao.
II. TÁC PHẨM: Hồn Trương Ba, da hàng thịt
1. Tóm tắt
Vở kịch có 7 cảnh và một đoạn kết, phần trích trong SGK thuộc cảnh 7 (cảnh nhà Trương Ba) và đoạn kết.
Trương Ba giỏi đánh cờ nên quen thân với Đế Thích, Nam Tào bắt chết nhầm Trương Ba, Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết.
Sống nhờ trong thể xác của người khác, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái. Đứa cháu không chịu nhận ông nội, tệ hơn khi ông chính là nước mắt, là nỗi đau khổ, giành giật lẫn dằn vặt khôn nguôi giữa hai người vợ. Xung quanh ông còn có đứa con học đòi phường gian xảo, những tên lí trưởng đục nước béo cò, những bậc tiên thánh trên trời cố tình lấp liếm lỗi lầm... Nên rắc rối, dị hợm của cái tâm hồn Trương Ba trong thể xác hàng thịt giờ đây đâu còn là bi kịch cá nhân nữa, hệ lụy với những người xung quanh, nó đã trở thành cái rối ren, đảo điên chung của xã hội.
Tất cả đều xuất phát từ lỗi lầm của Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích... Lỗi lầm của một con người có thể gây tai hại cho vài ba người chung quanh. Nhưng những bậc tiên thánh, những người được giao quán xuyến chuyện trăm dân trong thiên hạ thì tác hại của nó sẽ đảo điên, khuynh đảo biết bao nhiêu. Cuối cùng Trương Ba quyết định chết để giữ gìn nhân phẩm trong sạch của mình.
2. Về đặc trưng thể loại
Văn bản thuộc thể loại kịch, một trong những đặc trưng của thể loại này là phản ánh cuộc sống bằng việc khám phá, phát hiện những mâu thuẫn, những xung đột trong đời sống thực tại rồi diễn đạt bằng hành động và ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật.
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Trong thể xác thô phàm của anh hàng thịt, Trương Ba dần dần đổi tính: uống rượu nhiều, ham bán thịt, không còn mặn mà với trò chơi thanh cao, trí tuệ nữa. Nhiều phiền toái, rắc rối khiến Trương Ba đau khổ, và Trương Ba càng khổ sở hơn nữa khi ông ý thức về những điều đó mà không thể giải quyết được.
Ông càng cố gắng bao nhiêu thì kết quả dường như càng tai hại bấy nhiêu. Nghịch cảnh đó càng được đẩy đến cao trào qua các lớp đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt, với người thân, với Đế Thích.
a. Màn đối thoại giữa Trương Ba với xác hàng thịt
Linh hồn nhân hậu, bản tính ngay thẳng của Trương Ba trước kia dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thưòng của xác thịt anh đồ tể. Ý thức được điều đó, linh hồn Trương Ba đau khổ và tìm cách chống lại bằng cách muốn tách khỏi xác anh đồ tể.
Xác đồ tể biết được điều đó, biết những cố gắng của Trương Ba là không thể thực hiện được và dồn Trương Ba vào thế đuối lí. Hơn nữa, xác đồ tể còn ve vãn Trương Ba thoả hiệp với lí lẽ là cả hai đã hoà vào một rồi, không thể nào khác được. Trương Ba nổi giận, mắng mỏ, khinh bỉ dụng ý của xác hàng thịt nhưng cuối cùng cũng đành ngậm ngùi trở lại xác anh hàng thịt trong tuyệt vọng.
Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là một ẩn dụ về cuộc đấu tranh giữa tâm hồn và thể xác trong một con người. Thể xác của con người có tiếng nói riêng của nó, đó là tiếng nói của bản năng và nó có những tác động ghê gớm vào linh hồn. Linh hồn phải luôn luôn đấu tranh để vượt lên những đòi hỏi không chính đáng của thể xác.
Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn bởi nó đã bị dung tục, tầm thường. Lớp kịch còn có ý nghĩa cảnh báo sâu xa là khi con người sống trong môi trường dung tục ắt sẽ bị cái dung tục chi phối. Làm thế nào để bảo vệ, hoàn thiện nhân cách là một vấn đề lớn đưa ra trong lớp kịch này.
b. Màn đối thoại giữa Trương Ba với người thân
Sống nương nhờ xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba dần dần biến đổi, Trương Ba của hiện tại không còn là Trương Ba của ngày trước nữa. Điều đó đã đưa đến những bất ổn giữa ông và những người thân trong gia đình. Ngay người vợ cũng muốn bỏ đi để ông thảnh thơi với cô hàng thịt, đứa cháu nội thì không nhận ông nữa, thậm chí nó xua đuổi vì không chấp nhận ở ông tồn tại cái ác của gã đồ tể. Cả người con dâu, người vốn rất yêu quý ông trước đây cũng cảm thấy bố chồng ngày một khác đi và cũng không thể nào làm điều gì giúp ông được.
Trương Ba thấu hiểu được tất cả những ý nghĩ, biểu hiện của người thân, ông xót xa, tình huống bi kịch đẩy ông vào màn độc thoại quyết liệt. Và cuối cùng ông nhận ra không thể khuất phục trước xác nữa. Ông đi đến quyết định không cần cái đời sống do xác hàng thịt mang lại nữa, ông thắp hương gọi Đế Thích xuống bàn chuyện này.
c. Màn đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích
Đối thoại với Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, ông không chấp nhận cảnh sống như hiện tại nữa. Lúc đầu Đế Thích ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì khuyên Trương Ba chấp nhận vì thế giới không toàn vẹn, nhưng Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó. Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích. Đế Thích định tiếp tục sửa sai của mình và Tây Vương Mẫu bằng một giải pháp khác còn tệ hại hơn là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị, nhưng Trương Ba vẫn cương quyết phản đối, không chấp nhận cuộc sống giả tạo. Trương Ba kêu gọi Đế Thích hãy sửa sai bằng việc làm đúng, đó là trả lại hồn cho cu Tị. Đế Thích cuối cùng cũng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba.
Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Sai lầm của Đế Thích là quan niệm sự sống còn khá đơn giản: sống với hàm nghĩa là không chết, vì thế ông mới tiếp tục sai lầm lần thứ hai là muốn cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Trương Ba thì lại khác, ông cho rằng để có được một cuộc sống có ý nghĩa thì không thể nương nhờ hồn của mình vào xác người khác. Ông nói: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Sau cùng, ông đã xin cho cu Tị được sống lại, còn mình thì xin được chết. Màn đối thoại đã nhấn mạnh vẻ đẹp của con người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách.
d. Màn kết
Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết. Dẫu Trương Ba chết nhưng hồn ông vẫn còn đó, Trương Ba vẫn hiển hiện trong lòng những người thân yêu của mình. Ông đã hoá thân vào những tồn tại thân thuộc trong cuộc sống của mỗi một con người như màu xanh của cây, bậc thềm của ngôi nhà, ánh lửa ấm áp hay hiện diện ngay ở cơi trầu của người vợ thân yêu. Trương Ba đã trở thành bất tử. Đó là sự bất tử hoá linh hồn trong sự sống của con người. Đó cũng là sự bất tử của những giá trị nhân văn cao cả.