I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (Mi-khai-in A-lếch-xan-đrô-vích Sô-lô-khốp, 1905 - 1984), nhà văn Nga, được trao tặng Giải thưởng Nô-ben văn chương năm 1965. Sô-lô-khốp sinh tại làng Kru-gi-lin, thị trấn Vi-ô-xen-xkai-a, thuộc tỉnh Rô-xtốp. Thuở nhỏ, Sô-lô-khốp học tại trường dòng, về sau, gia đình có gửi ông lên Mát-xcơ-va học vài năm rồi ông quay lại Rô-xtốp để tiếp tục học.
Nội chiến Nga bùng nổ, Sô-lô-khốp bỏ dở việc học, gia nhập lực lượng trưng thu lương thực cho Uỷ ban Cách mạng. Công việc này không hề đơn giản chút nào. Từ năm 1920 - 1922, ông tham gia lực lượng vũ trang tiểu trừ thổ phỉ khắp miền sông Đông. Sự nghiệp văn chương của Sô-lô-khốp bắt dầu bằng các vở kịch tuyên truyền cách mạng.
Lên Mát-xcơ-va, năm 1923, Sô-lô-khốp xin được làm chân kế toán của một văn phòng nhà đất. Với mục đích theo đuổi văn chương, chàng thanh niên mười tám tuổi ấy hăng hái hoà mình vào bầu không khí nghệ thuật sôi động của thủ đô.
Ông tham gia cuộc vệ quốc vĩ đại của người Nga chống phát xít và giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng. Ông qua đời ngày 21 - 2 - 1984 tại quê nhà.
2. Văn nghiệp
Năm 1926, Sô-lô-khốp cho in hai tập truyện ngắn Truyện sông Đông và Thảo nguyên xanh.
Năm 1927, Sô-lô-khốp hoàn thành quyển một của bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm (1927 - 1940). Năm 1928, tác phẩm được in trên tạp chí Tháng Mười. Ngay lập tức, tên tuổi của Sô-lô-khốp vang dội.
Trong chiến tranh vệ quốc, Sô-lô-khốp cho in truyện ngắn mang tính thời sự: Khoa học căm thù. Hoà bình lập lại, ông viết thiên truyện ngắn bất hủ: Số phận con người...
Bộ tiểu thuyết nổi tiếng nữa của ông là Đất vỡ hoang (1932 - 1960).
3. Phong cách
Sô-lô-khốp là bậc thầy tự sự của nhân loại. Văn phong ông dung dị, đầy tình cảm và hấp dẫn lạ thường. Hình tượng nhân vật của ông mang đậm tính sử thi. Những con người sống có ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.
Toát lên trong tác phẩm của ông là cái nhìn nhân đạo, đầy tình cảm trìu mến với con người lao động và Tổ quốc hào hùng.
II. TÁC PHẨM: Số phận con người
1. Tóm tắt
Trên miền thượng lưu sông Đông, mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh, tôi cùng đi xe ngựa với một đồng chí đến làng Bu-ca-nốp-xcai-a. Tới bến đò qua con sông E-lan-ca, tôi gặp một người đàn ông đang dắt tay một em bé khoáng chừng năm, sáu tuổi.
Hai người chào nhau rồi chuyện trò. Người đàn ông tên là An-đrây Xô-cô-lốp, có “đôi mắt như bị phủ tro, chan chứa một nỗi buồn thê thảm chết chóc đến nỗi ta không dám nhìn”. Tôi quan sát thấy thằng bé ăn mặc giản dị nhưng toàn đồ tốt. Còn người bố thì ăn mặc tuềnh toàng. Anh ta bảo thằng bé ra chỗ bờ nước chơi rồi bắt đầu kể câu chuyện về cuộc đời mình.
Anh ta sinh trưởng ở tỉnh Vô-rô-nê-dơ năm 1900. Hồi nội chiến phục vụ trong Hồng quân. Anh lập gia đình với một cô gái mồ côi. Anh rất yêu thương vợ. Hai vợ chồng sinh được một con trai và hai con gái.
Chiến tranh vệ quốc nổ ra. Anh nhận giấy báo nhập ngũ. Anh được biên chế vào đơn vị lái xe ngoài mặt trận. Anh bị lính Đức bắt làm tù binh.
Anh được điều đi lái xe cho tên kĩ sư Đức hàm thiếu tá. Quân đội Nga đang phản công, đẩy lùi quân Đức. Tên thiếu tá được phái ra mặt trận xây dựng tuyến phòng vệ biên giới để cản quân Nga, anh nghĩ cách bỏ trốn.
Anh vượt tuyến tiền duyên quân Đức, thoát về phía quân Nga. Anh được mọi người chăm sóc chu đáo và viết thư về cho vợ con. Nhưng sau hai tuần lễ, chẳng nhận được hồi âm gì, anh linh cảm đến điều bất trắc. Sau đó, có người hàng xóm báo cho biết là vợ con anh đã bị máy bay Đức ném bom giết chết, chỉ còn lại A-na-tô-li, đang ra trận. Anh nhận được thư của A-na-tô-li, hiện đã là đại úy, từ mặt trận khác gửi đến. Hai cha con cùng tấn công vào Bec-lin. Nhưng đúng sáng ngày 9 tháng 5, ngày Chiến thắng, một thằng thiện xạ Đức đã giết chết A-na-tô-li.
Hoà bình lập lại, anh về sống với vợ chồng người bạn, nhận công việc lái xe. Tình cờ gặp cậu bé Va-ni-a, anh nhận mình là cha nó vừa ở mặt trận về. Va- ni-a cũng mất mẹ cha trong chiến tranh và nó cứ ngỡ anh là cha ruột của nó. Anh chăm sóc nó chu đáo và cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nó.
Rồi anh gặp chuyện rủi ro. Trong lúc lái xe, anh chạm phải chân một con bò. Người ta thu mất bằng lái. Do vậy, anh đưa Va-ni-a đến huyện Ka-xa-rư, tạm làm ở bộ phận thợ mộc chừng nửa năm, rồi quay lại nghề lái xe. Thế là anh và Va-ni-a cùng đi bộ tới đó. Anh dự định gửi Va-ni-a vào một trường học ổn định.
Trong rừng đã nghe tiếng đồng chí của tôi gọi, tôi tạm biệt người khách lạ với một nỗi buồn thấm thía. Tôi nhìn theo hai bố con rồi vội quay mặt đi để cho Va-ni-a không nhìn thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bóng lăn trên má mình.
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Người kể chuyện
Truyện được kết cấu theo lối truyện lồng trong truyện, người kể kể lại câu chuyện được nghe từ người khác. Cách kể này gần giống với cách kể truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp. Người kể chuyện ở vị trí ngôi thứ nhất ximg tôi ké lại câu chuyện của một nhân vật (Xô-cô-lốp) cũng xưng tôi. Bối cảnh để kể câu chuyện là nơi đợi thuyền sang sông. Còn bối cảnh truyện là không gian rộng lớn: cuộc chiến tranh vệ quốc của người Nga và thân phận người lính, người dân Nga thời hậu chiến. Văn bản trong sách giáo khoa tập trung vào đời sống thời hậu chiến. Sự tài nghệ của cách kể là không tập trung nhiều vào chiến tranh nhưng sự thảm khốc của nó thì vô cùng ghê gớm. Ngay cả khi tiếng súng đã im bặt, thì nỗi đau thương, tàn phá của chiến tranh phát xít vẫn hoành hành.
Số phận con người - không hề là số ít, được đặt trong sự soi chiếu giữa hai khoảng thời gian và không gian: chiến tranh và hoà bình. Những người may mắn sống sót trở về cũng đâu có thể tìm được bình yên, hạnh phúc. Chiến tranh gây thương tích trên hình hài họ, huỷ diệt hết những người thân của họ, để lại duy nhất họ đối diện với nỗi cô đơn, hoài nhớ khôn nguôi. Lời kể của nhân vật tôi, khẳng định điều đó: “Tôi đã chôn trên đất người, đất Đức, niềm vui sướng và niềm hi vọng cuối cùng của tôi; đại đội pháo đã nổ súng vĩnh biệt tiễn người chỉ huy của họ tới nơi an nghĩ cuối cùng; trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra”.
Ngay trước cửa ngõ Béc-lin, ngay trước chiến thắng cuối cùng, niềm hi vọng, chút hạnh phúc cuối cùng của tôi đã tuột mất, phát đạn của tên lính phát xít Đức đã giết chết người con trai cuối cùng còn sống của tôi. Trước đó cả gia đình tôi đều đã bị bom Đức tàn sát khi tôi đang ngoài chiến trận.
Ngón đòn số phận đã giáng cho tôi - Xô-cô-lốp nỗi bi thảm cuối cùng. Phát xít Đức bị tiêu diệt không đồng nghĩa với việc mọi bất hạnh trên cuộc đời đã ngủ yên, mà ngược lại, nỗi thảm khốc vẫn từng phút, từng giây hiện diện, giày vò tả tơi những người đang sống. Sự sống của họ dường như càng khốn cùng hơn lúc đang thời chiến.
Xem ra, kí ức chiến tranh quá đỗi kinh hoàng. Con người có thể ngừng ngay được tiếng súng, nhưng dư âm của nó thì chẳng dễ gì xoá bỏ. Nhất là đối với những ai trực tiếp nếm trải sự huỷ hoại của nó.
Mặc dù cũng rơi vào nổi khủng hoảng nhân sinh, nhưng người lính Xô Viết chọn cho mình một cách sống tích cực, có ý nghĩa. Đấy là nén nỗi đau, bắt tay xây dựng cuộc sống mới: “Chúng tôi chở các thứ hàng hoá về các huyện, và mùa thu thì chuyên sang chở lúa mì”. Nhưng cuộc sống không vì thế mà bình yên.
b. Những mảnh đời tan tác
Sẽ là vô cùng khiếm khuyết khi bức tranh đời ấy không có hình tượng chú bé Va-ni-a. Trong chiến tranh, những người trưởng thành chịu đau thương, mất mát là điều dễ thấy. Nhưng nếu khắc tạc được một hình hài thơ bé lạc lõng sau chiến tranh thì sức tố cáo tội ác của cuộc chiến ấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sô- lô-khốp đã thực hiện được điều này. Va-ni-a xuất hiện tô đậm thêm nỗi mất mát vô bờ của những người dân vô tội dưới hoạ phát xít. Cũng như Xô-cô-lốp, gia đình chú bé Va-ni-a cũng bị chiến tranh huỷ hoại. Bố cậu bé hi sinh trong chiến tranh. Kí ức của nó bây giờ chỉ còn là những chết chóc:
“Bố cháu đâu, hả Va-ni-a?”.
Nó rỉ tai: “Chết ở mặt trận”
- Thế mẹ cháu?”.
- “Mẹ bị bom chết trên tàu hoả khi mẹ con cháu đang đi tàu”.
- “Thế cháu từ đâu đến?”.
- “Cháu không biết, không nhớ...”.
- “Thế ở đây cháu có ai bà con thân thuộc không?”.
- “Không có ai cả”.
- “Thế đêm cháu ngủ ở đâu?”.
- “Bạ đâu ngủ đó”.
Bản lí lịch tốc kí giữa Va-ni-a và Xô-cô-lốp đã cho thấy toàn bộ thảm cảnh của cậu bé. Cậu bé là một phiên bản đồng dạng của Xô-cô-lốp. Hai mảnh hình hài trơ trọi trên dương thế. Thảm cảnh họ gặp phải đều đến từ chiến tranh. Họ không có khả năng lựa chọn, khi những kẻ bất nhân giáng tại hoạ xuống cuộc đời.
Có sự khác biệt đôi chút giữa hai số phận này. Xô-cô-lốp là người am hiểu và nếm trải cuộc đời, người nhận thức nỗi đau mất mát một cách sâu sắc và có thể diễn tả nên lời (dĩ nhiên là chỉ một phần nào đó). Va-ni-a cũng cảm nhận được sự mất mát, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp bởi giới hạn tuổi tác. Dẫu sao thì hai nỗi đau đã gặp nhau. Ắt hẳn sẽ có sự đồng cảm?
c. Người bố
Xô-cô-lốp là người bố, một người bố vừa mất đứa con duy nhất còn lại trên đời. Sự mất mát ấy là nỗi đau cuối cùng, cũng là nỗi đau tột đỉnh của sự mất mát. Va-ni-a là người con. Cậu bé mất bố và mọi người thân trên đời. Cậu cần một nơi nương tựa. Việc Xô-cô-lốp nhận Va-ni-a làm con xuất phát từ những mất mát bổ khuyết này.
Va-ni-a đã có một người bố. Cậu bé tin vào điều kì diệu ấy: “Nó nhảy chồm lên cổ tôi hôn vào má, vào môi, vào trán và kêu rít lên, kêu the thé vang rộn cả buồng lái: “Bố yêu của con ơi ! Con biết mà ! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà ! Thế nào cũng tìm thấy mà ! Con chờ mãi mong được gặp bố !”. Điều này chứng tỏ, tuy còn bé nhưng Va-ni-a cũng sống với thế giới nội tâm gần như người lớn. Cậu bé cũng có kí ức, kí ức quá đỗi đau buồn về những mất mát mà cậu phải gánh chịu.
Kể từ khi nhận Va-ni-a làm con, cuộc đời Xô-cô-lốp có nhiều xáo trộn. Tìm cho nó một mái nhà (đưa về ở cùng mình tại nhà vợ chồng người bạn), Xô- cô-lốp cho nó ăn, đưa nó đi cắt tóc, tắm rửa cho nó, cho nó ngủ rồi đi mua áo quần cho nó... Tất cả những hành động đó được thực hiện với tình yêu thương nồng hậu, hệt như tình cảm của người cha đối với con mình. Do vậy mà Va-ni-a thực sự tin Xô-cô-lốp là người cha mất tích từ chiến trường trở về tìm con.
Khi trái tim trẻ thơ được sưởi ấm, thì người sưởi ấm trái tim ấy cũng có được khoảnh khắc bình yên. Đây chính là triết lí vô cùng nhân đạo mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm.
d. Âm hưởng sử thi
Bằng cách để người kể bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình, tác giả đã biến một câu chuyện bi thương thành bản tình ca bất diệt về tình người và đạo lí làm người trên thế gian. Lần này thì chính người kể rơi lệ: “Không, không phải những người đứng tuổi đã bạc đầu trong chiến tranh chỉ khóc trong chiêm bao đâu. Họ cũng khóc trong thực tại đấy”.
Tính chất anh hùng ca của một văn bản nghệ thuật bao giờ cũng được đặt trên cảm hứng ngợi ca và đề cao ý thức cộng đồng, thêm vào đó là thái độ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng của nhân vật lí tưởng. Trong Số phận con người nhân vật lí tưởng là Xô-cô-lốp. Nhân vật này được tác giả khắc tạc trên bức phù điêu của những chiến công lẫy lừng - chiến công của một chiến sĩ Hồng quân Nga kiên cường. Văn bản được trích dạy vần tiếp tục nét tính cách anh hùng đó, nhưng không phải trên chiến trận mà trong chính cuộc sống đời thường.
Nhân vật của sử thi - những người anh hùng hồn nhiên như đất trời, họ dễ dàng và sẵn sàng rơi lệ trước bất kì một tình huống thương tâm hay một niềm vui khôn tả nào đó.
Phẩm chất nữa của người anh hùng sử thi là không sợ cái chết. Xô-cô-lốp đã chứng tỏ được bản lĩnh này khi ở ngoài mặt trận và khi bị bắt làm tù binh, đối diện với viên sĩ quan Đức. Quay về với cuộc sống đời thường, Xô-cô-lốp vẫn giữ được phẩm chất cao quý đó.
Tuy nhiên, nếu chỉ ghi nhận Xô-cô-lốp ở khía cạnh này, thì người đọc chưa thể thấy hết chiều sâu từ hình tượng. Phẩm chất anh hùng của Xô-cô-lốp được nuôi dưỡng từ cuộc sống đời thường. Anh không sở hữu bất kì một phẩm chất khác thường, siêu nhân nào. Anh giống hệt như bất kì một con người bình thường nào khác. Nét tính cách anh hùng của anh bám rễ sâu vào đời thường, vào những công việc cụ thể mà bất kì ai cũng phải thực hiện để sống như một con người. Như vậy, phẩm chất anh hùng của Xô-cô-lốp không hề xa lạ với mọi người, ai cũng có thể phấn đấu để đạt được tầm vóc anh hùng ấy.
Nhân vật đã mang tính sử thi, nhưng điều tạo nên âm hưởng sử thi cho văn bản trước hết phải kể đến người kể chuyện. Đặc biệt, người kể ở đây cũng mang đầy đủ phẩm chất của một nhân vật sử thi. Đầu tiên là giọng điệu kể. Giọng kể của văn bản vừa trữ tình, sâu lắng vừa cảm thông và ngợi ca. Giọng kể này có mối tương giao khắng khít với giọng của chính Xô-cô-lốp. Nhờ thế, khi kể lại lời của nhân vật này, người đọc không thấy có sự khác biệt trong cảm hứng trần thuật.
Tính chất nhập vai mãnh liệt trong tự sự của Sô-lô-khốp đã khiến câu chuyện của ông thấm đẫm chất thơ. Chất thơ ấy vừa mang âm hưởng hùng tráng của sử thi vừa mang chất bi thương của thơ hiện đại. Đấy là chất thơ toát lên từ cái nhìn bi tráng về cuộc đời và những cảnh ngộ thương tâm trên đời. Có sự đồng điệu diệu kì trong chất thơ bi hùng ấy giữa người kể, người nghe rồi kể lại và với độc giả mọi thời. Chẳng có ai không đồng cảm với những lời tự bạch chan chứa tình người này: “Không, không phải những người đứng tuổi đã bạc đầu trong chiến tranh chỉ khóc trong chiêm bao đâu. Họ cũng khóc trong thực tại đấy. Nhưng cái chính ở đây là đừng làm tổn thương em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má mình”.