Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Khái niệm và đặc điểm của văn biểu cảm

Chủ nhật - 08/12/2019 10:43
Văn biểu cảm là loại văn bày tỏ những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc,... của bản thân người viết đối với đối tượng nào đó (người, vật, sự vật).
1. Khái niệm
Văn biểu cảm là loại văn bày tỏ những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc,... của bản thân người viết đối với đối tượng nào đó (người, vật, sự vật).

Hãy đọc đoạn văn sau:
Mẹ là gió thu của lòng tôi những ngày tháng chín, những ngày Vu Lan vừa qua se sẽ. Tôi vừa được hưởng hạnh phúc, an bình khi được nhẹ nhàng cài lên áo một bông hồng đỏ thắm. Ước mong sao mãi mãi màu hoa ấy, hạnh phúc ấy, bình yên ấy là nỗi yêu thương không bao giờ xưa cũ. Vậy nên tôi lại bước qua cánh liếp có lời thu gõ nhẹ, bước vào khoảng sân ẩm hơi trời thấy khói lam chiều còn vướng vít trên mái bếp nhọc nhằn, nơi có ánh lửa bập bùng, le lói không nhìn rõ mặt người nhưng tôi biết chắc chắn có mẹ tôi đang chờ ở đó. Sau một ngày vất vả, mặt trời bình yên trong núi, còn tôi sau bao lận đận thấm nắng dầm mưa lại được trở về với mẹ. Chỉ có lòng mẹ mới mang được nỗi đau của con như mẹ đã mang con chín tháng mười ngày. Và chỉ có lòng mẹ mới đủ rộng để tha thứ cho những lỗi lầm mà ai cũng mắc phải trong đằng đẳng kiếp người.
(Theo Đỗ Nhật Nam)

Suy nghĩ tha thiết về mẹ, về tình cảm được mẹ dành cho trong ngày Lễ Vu Lan với bông hồng đỏ thắm cài lên áo, người con đã bày tỏ được tình yêu sâu sắc và lặng lẽ của mình.
Trong các bài văn tự sự và miêu tả, người viết luôn có cơ hội bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc,... của mình, nhưng điều đó chỉ như một thứ “gia vị” giúp cho sự miêu tả hoặc kể chuyện gây ấn tượng hơn. Song ở kiểu văn biểu cảm, thể hiện tình cảm, suy nghĩ, ...trở thành mục đích chính của văn bản.

2. Đặc điểm của văn biểu cảm
2.1. Có thể biểu cảm trực tiếp hoặc gián tiếp
a) Biểu cảm trực tiếp
Khi biểu cảm, có thể biểu cảm trực tiếp bằng cách nói lên những suy nghĩ, tình cảm... của mình với đối tượng. Chẳng hạn:
Con yêu mẹ đâu chỉ vì nụ cười của mẹ, vì đôi mắt của mẹ mà còn bởi những điều tốt đẹp nhất mẹ đã mang đến cho cuộc đời này. Mẹ hi sinh tất cả chỉ để cho gia đình mình có những phút giây vui vẻ. Bao lo toan, vất vả mẹ đã âm thầm thu xếp một mình: việc nhà bề bộn, việc công ti căng thẳng, việc chăm sóc chúng con, việc chăm chút cho ba... Vậy mà mẹ đều vẹn tròn tất cả.
Trong đoạn văn trên, người viết đã trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình với mẹ “con yêu mẹ”.

b) Biểu cảm gián tiếp
Có một cách biểu cảm thông dụng hơn biểu cảm trực tiếp. Đó là thông qua miêu tả, kể... về đối tượng. Bằng việc lựa chọn hình ảnh miêu tả, cách so sánh, cách kể... người viết đã bộc lộ tình cảm đối với đối tượng.
Ví dụ:
Suốt năm lớp một, que tính đã giúp em học toán rất nhanh. Qua thời gian, chúng có thay đổi chút xíu. Chúng khô đi, trở thành màu nâu, và do cọ xát nhiều nên bóng nhẵn càng đẹp mắt. Lên đến lớp hai, em tính nhẩm đã rất nhanh không cần dùng đến que tính nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn mang que tính ra làm!

Trong đoạn văn trên, người viết đã kể về tác dụng của que tính, kể về việc mình đã giữ que tính cẩn thận như thế nào (giữ được từ lớp 1 đến lớp 2), biết tính nhẩm tốt vẫn mang que tính ra tính; tả về vẻ đẹp của que tính... Việc kể - tả như thế đã bộc lộ tình cảm của người viết, đó là sự yêu mến, lòng cảm ơn, thái độ trân trọng...

2.1. Biểu cảm gắn liền với các thao tác kể, tả
Trong văn biểu cảm, cần sử dụng kết hợp phương thức kể và tả để giúp hỗ trợ việc biểu cảm. Bởi lẽ có kể, tả thì mới có cớ để mà biểu cảm. Tuy nhiên, cần xác định rằng phương thức biểu cảm vẫn là phương thức chính, tránh sa đà, lạm dụng việc kể, tả, biến bài văn biểu cảm trở thành bài văn tự sự hay miêu tả. Có thể đùng các đoạn văn đã dẫn ở trên để minh chứng cho điều này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây