Ngoại tôi đã ngoài 70, hiện sinh sống ở xã Mỹ An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ngoại có 5 người con, 16 đứa cháu. Mẹ tôi là con gái thứ ba của ngoại, lấy chồng xa. Cứ một, hai năm, mẹ tôi lại đưa hai chị em tôi vào thăm ngoại một lần. Trong các đứa cháu, em Hoà được ngoại yêu quý nhất. Ngoại nói: “Má mày giống ngoại như đúc. Cháu Hoà lại rất giống má của cháu, nên ngoại thương nó nhiều…”. Nó nghịch lắm, chuyên làm đầu trò lũ trẻ lối xóm. Nhưng ngoại lại hay chiều, bênh nó. Nó trèo cây, nó đi câu cá, đá bóng, nó chèo ghe, nó đi hun chuột, đi bắt rắn,… nó nhập cuộc tất cả mọi trò chơi của lũ trẻ miệt vườn. Chỉ mới vào chơi với ngoại được mười ngày mà mặt mũi, tay chân nó đen nhẻm.
Hè năm ngoái, một sự cố đã xảy ra với em Hoà. Nó đá bóng, bị ngã gãy tay. Cậu Bường đi Châu Đốc chưa về. Bà cứ ôm lấy cháu mà khóc. Dì Tâm mặt tái mét, cứ chạy vô chạy ra. Tôi cuống lên, vô cùng lo sợ. Hơn 8 giờ tối, cậu Bường mới về. Cậu thuê xe ôm chở nó đi cấp cứu. Mãi đến trưa hôm sau, cậu Bường mới trở về. Cậu nói với ngoại: “Má khỏi lo. Ông Chín đã chữa trị cho cháu Hoà. Chỉ một tuần là chân tay cháu lành, cháu trở về nhà thôi!”.
Hai giờ chiều, cậu Bường chở tôi đi săn sóc em Hoà và mang cho em hai bộ quần áo để thay. Chập tối, hai cậu cháu mới đến nhà ông Chín Hừng ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Em Hoà hốc hác, xanh xao, tay sưng lên bằng cái bắp cày, được rịt bằng thuốc, nẹp tre, bông băng. Gặp chị, Hoà khóc như mưa. Bà Chín phải an ủi, dỗ dành mãi.
Ông Chín Hừng gần 60 tuổi, da dẻ hồng hào, gương mặt phúc hậu. Ông nói nhẹ nhàng, luôn nở nụ cười, bệnh nhân nào cũng được ông săn sóc, an ủi và động viên. Ông bốc thuốc nam, chuyên chữa trị bong gân, sai khớp, gãy xương… Ông là thầy thuốc từ thiện, rất mát tay. Gần 40 năm nay, ông chữa trị cứu giúp đến mấy vạn người, nhưng không hề nhận của bệnh nhân nào một đồng thù lao, một đồng tiền thuốc. Nhà ông đơn sơ, mộc mạc. Trong vườn trồng đủ loại cây thuốc. Sáng nào cũng vậy, hai ông bà thức dậy lúc 4 giờ để chuẩn bị mọi thứ. Bà Chín nhặt lá thuốc, ông thì cho thuốc vào cối giã nhuyễn. Khi người bệnh đến là có thuốc băng bó ngay cho họ được về sớm.
Không chỉ các bệnh nhân ở Bến Tre mà nhiều cô bác ở Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Nai,… vẫn kéo đến chữa trị và xin thuốc. Bệnh nhân nào ở xa, gặp khó khăn, hai vợ chồng ông Chín thu xếp nơi ăn chốn ở, chữa trị khỏi bệnh; ông bà không bao giờ lấy một cắc của ai bao giờ.
Vợ chồng ông Chín có năm người con, học hành thành đạt, có công ăn việc làm ổn định,… người nào cũng có gia đình riêng. Vợ chồng ông Chín có một héc-ta vườn trồng chôm chôm, nhãn, sầu riêng… cũng no đủ. Ở ấp Phú Hiệp có ba gia đình nghèo khó neo đơn, năm nào cũng được vợ chồng ông Chín cưu mang giúp đỡ.
Con đường quốc lộ 57 vào ấp Phú Hiệp dài 800 mét. Trước đây gồ ghề lầy lội, đi lại rất khó khăn, nhất là những ngày mưa gió. Ông Chín Hừng đã thế chấp vườn cho Ngân hàng vay 80 triệu, mua nguyên liệu và thuê thợ lát bê tông con đường rộng 2 mét, được bà con lối xóm ngợi ca.
Trên tủ nhà ông Chín có để mấy cuốn sổ dày, ghi lại họ tên, địa chỉ bệnh nhân được ông Chín chữa trị. Bệnh nhân tự ghi lấy. Riêng năm 2008 đã có trên 2.000 người; 5 tháng đầu năm 2009 đã có 1.400 bệnh nhân được chữa trị.
Tục ngữ có câu: “Tiếng lành đồn xa, tiếng thơm lưu mãi”. Cuối năm 2007, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã tặng bằng khen cho vợ chồng ông Chín là “Gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc”. Ông Chín là đại biểu duy nhất của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được cử đi dự "Hội nghị tuyên dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất" tổ chức vào cuối năm 2007 tại Hà Nội. Bà con cô bác quanh vùng Chợ Lách, Bến Tre ca ngợi ông Chín Hừng là “Thầy thuốc của bà con dân nghèo”.
Mẹ tôi vẫn nói với bố tôi và hai con: “Gia đình ta mang ơn ông Chín Hừng nhiều lắm, thế mà chưa báo đáp được gì. Con trai của bố mẹ phải ghi sâu trong lòng, đừng bao giờ quên!”.