Tôi biết điều đó qua những bộ quần áo mà ba người trong gia đình ấy mặc. Người mẹ mặc một chiếc áo sơ mi hoa kiểu cũ đã rất bạc màu, chiếc quần âu ống thả dài quá mắt cá cũng đã cũ có vẻ như quá rộng so với thân hình gầy gò của cô. Một đứa bé gái trạc 10 tuổi tóc cháy nắng, rối bù kẹp bằng chiếc cặp ba lá, tay cắp chiếc rổ ướt nước. Đứa bé nhỏ hơn là con trai chỉ mặc độc một chiếc quần đùi đen hình như được cắt ra từ quần dài người lớn đang túm chặt lấy tay mẹ. Họ là một gia đình sống trên sông nước mà chúng tôi quen gọi là “hàng thuyền”. Nhà của họ là chiếc thuyền xi-măng nhỏ, đồ đạc chỉ có vài chiếc xoong treo trên, mạn thuyền, mấy thứ đồ đạc lỉnh kỉnh và những bộ quần áo cũ đang phấp phới bay trước đầu con thuyền. Ngoài việc chở cát cho các chủ bãi, họ còn kiếm sống thêm bằng nghề quăng chài. Những thứ mà họ kéo được là mớ cá vụn, vài con chẫu chuộc, thỉnh thoảng là ít tôm nhỏ hay trai, hến.
Trong khi người mẹ lựa chọn những nhu yếu phẩm hàng ngày thì hai đứa trẻ đứng ngắm nhìn một cách thèm thuồng những gói kẹo xanh đỏ, những chùm bim bim hấp dẫn. Thằng bé bặm môi đứng dí mũi vào quầy bán kẹo cao su vàng, xanh, đỏ được bỏ vào những hộp thuỷ tinh. Mắt nó sáng rực lên lạ thường.
Mẹ cùng tôi đã mua hàng xong và đi tới quầy trả tiền. Tồi đứng cạnh, thấy người mẹ đang trả tiền và liên tục hỏi bác bán hàng về số tiền mà cô sẽ phải trả. Trong lúc ấy thì cô con gái vẫn mân mê chiếc mũ để ở phía dưới quầy hàng. Đứa bé trai tay nắm chặt phong kẹo cao su Chewinggum. Tôi sốt ruột nhìn cô lưỡng lự bỏ túi xà phòng to để lấy túi bé hơn rồi lần lượt bỏ chai dầu ăn, mấy gói mì tôm. Cuối cùng, cô quay lại buồn rầu bảo cậu con trai:
- Con trả lại bác phong kẹo cao su đi. Hôm sau bán được nhiều tiền, mẹ sẽ mua cho con!
Thằng bé chầu bậu môi, phụng phịu đưa lại mấy thanh kẹo cho bác bán hàng. Hình như mát nó rân rấn nước. Còn chị nó cũng thôi không nhìn vào chiếc mũ nữa, lặng lẽ nhìn đứa em trai và lại quay sang nhìn mẹ.
Ngay lúc ấy, mẹ tôi rút ví lấy tờ 50. 000 đồng dúi vào tay người mẹ của hai đứa trẻ. Cô có vẻ rất ngạc nhiên và thốt lên:
- Chị ơi, em không thể nhận được đâu.
Mẹ tôi nhìn vào mắt cô, từ tồn nói:
- Em cứ cầm lấy mà mua thêm cho cháu gái cái mũ. Đừng bỏ lại gì cả. Nhà em đang cần mà.
Mẹ tôi còn quay lại cậu con trai, cầm mấy thanh kẹo đưa cho nó. Mẹ nói với nó:
- Cháu thật ngoan. Bác cho cháu đấy.
Đứa bé cứ tần ngần, hết nhìn mẹ tôi lại quay sang nhìn mẹ nó. Cuối cùng, nó nói:
- Cháu xin bác ạ.
Cô nhận tiền, nắm lấy tay mẹ tôi và nói trong nước mắt:
- Em cảm ơn chị nhiều lắm. Em còn một đứa bé nữa ở nhà. Nhà em khó khăn quá, nhiều khi thương con nhưng không biết làm thế nào. Từ trước tới giờ, chưa ai đối xử tốt với em như chị.
Tôi nhớ rằng: mình đã khóc khi ra khỏi cửa hàng. Mẹ tôi đi bên cạnh tôi, gương mặt mẹ lặng lẽ. Đây là một kỉ niệm mà tôi luôn nhớ mãi. Dù gia đình tồi chẳng bao giờ dư tiền bạc vì chỉ có lương của mẹ, còn bố tôi lao động tự do nhưng bất cứ khi nào, gặp ai đó khó khăn, mẹ tôi đều sẵn lòng.
Tôi rất hạnh phúc vì có một người mẹ có trái tim nhân hậu. Những gì tôi chứng kiến hôm đó là một bài học quí giá mà mẹ đã dạy tôi. Tôi luôn nghĩ rằng, đó là bài học của trái tim.