Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hướng dẫn phân tích bài thơ: Bên kia sông Đuống

Thứ ba - 26/11/2019 10:24
Đề: Trong Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) có một thế giới Kinh Bắc với truyền thống văn hoá nghệ thuật lâu đời, với một vẻ đẹp cổ kính mà thơ mộng. Hãy phân tích bài thơ để làm rõ những đặc điểm của thế giới ấy.
Bên kia sông Đuống của Hoàng cầm được ra đòi vào một đêm tháng 4/1998 sau khi nhà thơ được nghe một bản báo cáo rất dài về tình hình quê hương sau trận càn của giặc. Nỗi đau rất thật ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc sự sáng tạo, làm bùng lên trong bài thơ là niềm thương nhớ vô bờ trong những hoài niệm về một bức tranh quê đẹp đến nao lòng. Bức tranh quê ấy là thế giới Kinh Bắc, một vùng đất giàu truyền thống văn hoá nghệ thuật, một vùng đất vừa cổ kính lại vừa thơ mộng, vừa tươi tắn tràn đầy sức sóng lại vừa đằm sâu trong những nét duyên riêng.

1. Phân tích
a. Kinh Bắc tươi tắn, tràn đầy sức sống mà cũng thơ mộng, êm đềm như trong giấc mộng:

Hoàng Cầm đã gửi lại trong bài thơ hình ảnh của một vùng quê trù phú với bãi bờ vừa mang màu xanh của sự sống vừa như bừng lên một thứ ánh sáng lấp lánh, lung linh (“xanh xanh bãi mía bờ dâu”, “ngô khoai biêng biếc”). Hình ảnh quê hương trong mùa gặt được gợi tả rất tình (hương lúa nếp “thơm nồng”, mùi thơm sực nức trong không gian đầy ắp lúa chín với màu vàng rực của lúa trên cánh đồng, màu vàng sậm của thóc trên sân, màu vàng tai tái của rơm phơi trên đường làng tạo dư vị đồng quê). Trung tâm của vùng đất trù phú ấy là con sông Đuống, một dòng sông “lấp lánh” ánh sáng và thơ mộng êm đềm như một miền cổ tích tuổi xưa “cát trắng phẳng lì” một con sông đang sống, đang vận động, đang bồi hồi nhịp thở “trôi đi”, “nghiêng nghiêng”.

b. Kinh Bắc trù phú, giàu có trong những giá trị văn hoá, vật chất và tinh thần.
+ Vật chất: Kinh Bắc sầm uất - cái sầm uất của một vùng tằm tang nổi tiếng. Những địa danh như chợ Hồ, chợ Sủi, Đồng Tỉnh, Huê Cầu đều gắn với chuyện canh cửi - tằm tang, giăng tơ dệt sợi, buôn bán vải lụa của vùng Kinh Bắc. Trong không gian ấy giăng mắc những bóng người, dáng người lao động “người giăng tơ”, “người dệt sợi”, “người thợ nhuộm”, “người bán lụa màu” tạo nên một không khí lao dộng, buôn bán đông vui nhộn nhịp.

+ Tinh thần: Dòng tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng - quy tụ nét tài hoa và diệu tâm hồn vừa bình dị dân dã mà cũng vừa sâu sắc, thâm thuý của người lao động xưa. Hoàng Cầm đã gợi lại những ấn tượng sâu đậm nhất về dòng tranh dân gian này bằng một lớp ngôn từ rất giàu sức biểu đạt: “tươi trong”, “sáng bừng”, “màu dân tộc” để vừa gợi hồn tranh vừa gợi được hồn người.

c. Kinh Bắc cổ kính đằm sâu mà nồng nàn quyến rũ
+ Cảnh Kinh Bắc: Không gian đặc trưng Kinh Bắc là không gian của những đền chùa, miếu mạo, gắn với những lễ hội dân gian đặc sắc, những lễ hội ấy vừa là sự ngưỡng vọng tổ tiên, vừa là khát vọng về cuộc sống hiện tại. Trong không gian ấy, giấc mộng bình yên từ ngàn đời đã bao trùm (trên núi) lan toả (giữa huyện) và thấm sâu (trong chùa) và gắn liền với những địa danh nổi tiếng: Thiên Thai, Bút Tháp, Lang Tài ...

+ Người Kinh Bắc: 3 hình ảnh nổi bật, đậm nét là cụ già, em nhỏ và thiếu nữ. “cụ già phơ phơ tóc trắng” gợi nét phúc hậu hiền từ như trong cổ tích. Em “sột soạt quần nâu” gợi vẻ ngây thơ hồn nhiên. Song đặc sắc nhất là hình ảnh thiếu nữ, hình ảnh tạo ra khí sắc riêng của vùng Kinh Bắc. Có người nói “đàn ông tạo ra luật pháp, đàn bà tạo ra phong tục”. Người phụ nữ Kinh Bắc hiện lên với tục ăn trầu “Những nàng môi cắn chỉ quết trầu. Người thiếu nữ Kinh Bắc cũng hiện lên với vẻ đẹp thanh thoát và cao quý của “gương mặt búp sen” dưới vành khăn mỏ quạ, nét đẹp truyền thống trong hàm “răng đen” và nụ cười dịu dàng tình tứ và man mác nỗi niềm Kinh Bắc “cười như mùa thu toả nắng”. Nụ cười làm bừng sáng gương mặt thiếu nữ và cũng toả sáng cả dòng thơ. Đằng sau nụ cười ấy là một vẻ đẹp tâm hồn rất riêng của người Kinh Bắc. Ở cuối bài thơ, cô gái Kinh Bắc hiện lên trong trang phục truyền thống với vẻ đẹp rực rỡ mang bản sắc của nền văn hoá Kinh Bắc “yếm thắm”, “lụa hồng”, với tuổi “xuân xanh” trong ngày lễ hội “trảy hội non sông” vừa cổ xưa trong nét truyền thống, phong tục lại vừa tươi trẻ và tình tứ trong nụ cười “mê ánh sáng” nụ cười tràn đầy hạnh phúc.

+ Hồn Kinh Bắc: Vùng đất Kinh Bắc nổi tiếng với dòng dân ca quan họ. Đây là chỗ nhạy cảm nhát, mê đắm nhất mà cũng chân thành nhất của tâm hồn người Kinh Bác, cái chất dân ca ấy như đã ngấm vào hồn thơ, hồn người tạo ra chất giọng riêng của Bên kia sông Đuống. Bài thơ ngay từ câu thơ mở đầu đã phảng phất âm điệu buồn buồn và giọng an ủi, vỗ về của những câu hát ru con. Được khơi nguồn cảm hứng từ một sự kiện đau thương song điệp đi điệp lại ở phần đầu mỗi đoạn thơ là ký ức về quá khứ lung linh sống động và tươi thắm lạ lùng như níu, như kéo, như day dứt dùng dằng trong tâm trí nhà thơ, nó như cái dùng dằng không nở, không dứt di được của lòng người trong những canh hát quan họ, lời thơ tựa như lời nhan nhủ, gửi gắm vu vơ mà đầy tha thiết “Ai về bên kia sông Đuống cho ta gửi...” “Ai về bên kia sông Đuống có nhớ...”. Và điểm vào trong những đoạn thơ tự do với những câu thơ dài ngắn bất kỳ co duỗi theo mạch cảm xúc là những câu thơ lục bát ngọt ngào tha thiết như chảy ra từ dòng dân ca, ca dao truyền thống. Giọng thơ linh hoạt biến hoá khi trầm lắng bâng khuâng, khi dạt dào sôi nổi, khi nức nở than vãn, khi tình tứ đắm đuối ... cùng góp phần gợi ra điệu tâm hồn Kinh Bắc truyền thống trong thơ ca dân gian.

d. Mọi cảm nhận về thế giới Kinh Bắc của Hoàng Cầm trong bài thơ đều gắn với ánh sáng, thứ ánh sáng đặc biệt của ký ức trong tình yêu vừa lung linh vừa rực rỡ “biêng biếc” “tươi trong” “sáng bừng” “lấp lánh” “cười như mùa thu toả nắng” “cánh đồng ta còn chan chứa bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân” “cười mê ánh sáng” ... Tất cả đã tạo nên một Kinh Bắc rực rỡ lung linh của riêng Hoàng Cầm và của chung mọi người Việt Nam yêu nước.

2. Đánh giá
Trong bài thơ, Hoàng cầm đã tái hiện và sáng tạo ra một thế giới Kinh Bắc rất đẹp, rất thơ và quan trọng là thắm thiết tình người, hồn người Kinh Bắc. Đó không chỉ là kết quả của ngòi bút tài hoa, của hồn thơ thắm thiết tình quê quan họ mà còn là kết quả của những tình cảm không thể không giải bày khi đối diện với sự kiện đau thương và hình ảnh quê hương đang sống dậy trong tâm hồn vào chính giây phút ấy. Phút cảm xúc bùng nổ cũng là phút ngòi bút thăng hoa nên mới tạo được một bức tranh lung linh sống động đến nhường ấy.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây