Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hình tượng người nghĩa sĩ nông dân trong vài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và cảm nghĩ của bản thân.

Thứ hai - 03/04/2017 06:36
Vinh quang có khi không làm nên anh hùng. Một thời kì lịch sử đã đi qua, đau thương và anh dũng. Còn lại với hôm nay không phải là thành quách, lâu dài; còn lại với hôm nay là những con người - những nghĩa sĩ - nông dân trong văn chương Đồ Chiểu.
Họ sinh ra không phải đã là anh hùng, cùng không nuôi ý định trở thành anh hùng. Những con người ấy lớn lên trong bình lặng, chân chất, đói nghèo. Cuộc sống cấy cày đẩy họ vào những lo toan sớm tối - lo toan suốt một đời người. Trên những cánh đồng xưa chìm trong mênh mông, bóng họ hôm nao cũng miệt mài:

“Cui cút làm ăn...”

“Cui cút” - âm thầm, lẻ loi, có gì như hắt hiu và tội nghiệp, Như biết cảnh mình, biết phận, biết thân. Cứ mỗi ngày, những dáng hình nhỏ bé ấy lại thêm một lần thu vào lặng lẽ, lặng lẽ đến gần như không tồn tại. Và phải chăng, chính lịch sử đã lãng quên những kẻ chân lấm tay bùn?

Nhưng rồi, Tổ quốc lao đao trong tiếng “súng rền” xối xả. Cuộc sống đã mất đi nhịp điệu ngày thường - nhịp điệu tẻ buồn song yên ổn. Với họ, giờ đây trong những “toan lo” không chỉ có tính suy khó nghèo. Đó còn là những thấp thỏm, âu lo, những ngóng trông, hồi hộp

“Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như, trời hạn trông mưa”...

Dầu “mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm” thì cơn mưa ngày hạn hán ấy vẫn chỉ là mong mỏi, để rồi thấm thìa bơ vơ - nỗi bơ vơ của những đứa con bị bỏ rơi trong nguy biến và vô vọng.

Thế mà...

Hình như trong huyết quản của người nông dân, máu nghĩa sĩ vẫn rần rật chảy. Từ thuở xưa, trước mũi kiếm quân thù, cha ông họ từng:

“Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông”.


Nên không chịu chung trời với bọn đê hèn là điều tất yếu. Gót giày chúng xéo lên mình Tổ quốc, phỉ báng những điều thiêng liêng trong cõi lòng phụng thờ thầm kín, cướp đi giấc ngủ yên bình nơi thôn dã, làm sao có thể dung tha? Những con người rất đỗi hiền lành ấy uất lên vì căm giận, vì bất bình, vì bàn tay chưa thể giơ lên thành nắm đất, vì tất cả những gì đang ngùn ngụt bốc lên sau những dằn nén ngột ngạt:

“Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hưu; hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó”.


Cơn giận của lòng yêu nước mạnh hơn những tức tưởi tầm thường. Mạnh hơn sự yếu hèn. Mạnh hơn cái chết. Và họ xông ra chiến trường không đợi “ai đòi ai bắt”, mặc cho chốn “trường nhung”, “mắt chưa từng ngó”, khi “ngoài cật có một manh áo vải”, “trong tay cầm một ngọn tầm vông”. Liều lĩnh ư? Nông nổi ư? Không, chí căm thù hun nên lòng nhiệt huyết, hun nên dạ sắt gan đồng, hun nên một sức mạnh tinh thần đủ để làm nên những điều kì diệu:

“Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ”.

“Con cúi” và “dao phay” - không phải chiến công nào cũng giành được từ vũ khí thô sơ. Nhưng kì tích đôi khi không bắt đầu từ lẫy lừng, danh tiếng. Thắng lợi ấy đủ vọng vào lòng người niềm tự hào chẳng dễ gì có được - niềm tự hào cất lên từ tiếng reo hân hoan của cõi lòng phấn chấn - tự hào bằng một niềm tin!

Những bàn tay quen việc cấy cày - những bàn tay chẳng bao giờ muốn cầm vũ khí - lại kinh ngạc chốn sa trường. Họ là nông dân. Nhưng trên trận mạc sống còn, màu áo bình dị ấy nhuộm thêm màu khói lửa. Phải chăng, chính họ đã hóa nên anh hùng?

Anh hùng - đó không phải là đoàn quân ào ạt ra trận. Cũng chẳng là những chàng trai “mài gươm bóng nguyệt”, quyết chí phục thù. Họ từng lao vào trận địa, hiên ngang và anh dũng, quên mình, quên đạn, quên bom:

“Chỉ nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều lĩnh như chẳng có”.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ”.

Ai tạc vào thế kỉ tối đen một tư thế tràn ánh sáng? Tư thế của người anh hùng, người nghĩa sĩ đánh Tây! Lịch sử cần đến họ hay cuộc đời cần họ mà trong tư thế quật cường, ta nhận ra chân dung những con người đang gánh trên vai mình vận mệnh non sông. Ngoài họ ra nào vua, nào chúa...!?

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”


Triều đình quy hàng trong nhục nhã. Họ có khác nào những đứa trẻ bơ vơ. Ai sẽ lấp đầy “khoảng trống” ấy? Nhưng thay vì tiếng khóc cô đơn, đứa trẻ tự tạo cho mình tiếng gọi của chàng trai Phù Đổng - tiếng gọi anh hùng! Để rồi những con người quanh năm côi cút ấy không còn bị lãng quên. Bởi chính họ, trên vũ đài lịch sử, đã khẳng định được mình - sự khẳng định nghiệt ngã mà bản lĩnh.

Những người nghĩa sĩ ấy sinh ra đâu phải để cầm gươm. Nhưng cỏn con thôi, một lưỡi dao phai, thô sơ thôi, mồi rơm con cúi - họ vẫn có cho mình vũ khí “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không” - vũ khí bình dân ấy mang trong mình sức mạnh của tấc lòng. Đấy là tất cả những gì họ có, nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng khi mũi dao kia phóng vào đầu quan hai nọ, khi ngọn tầm vông quê mùa quặt chết lũ chó dê, cơn vũ bão cuốn họ đi trong hừng hực lửa, biến những thứ tầm thường thành linh diệu. Họ đánh giặc bằng cả sức mình, bằng tất cả những gì có trong tay cộng với lòng yêu nước, căm thù giặc cháy bỏng.

Nhưng... “Ôi thôi thôi!” - Tiếng khóc quặn lòng, tiếng khóc xát vào nỗi đau. Họ ngã xuống nơi chiến trường, ngã xuống vì ai? Một sự nghiệp chưa thành, dở dang như cuộc đời họ... Tiếng khóc ấy, khóc cho những linh hồn, cho những tấc lòng, cho cả một cơ đồ “ngã gió xiêu mưa”. Cái chết ấy tạc nên tượng đài của họ, vĩnh viễn nằm trong lòng người - cái chết tráng và bi.

Nỗi hãi hùng đạn bom, tính mạng không thể ủ kín để vẹn toàn, họ đã hi sinh - dầu chẳng “gươm hùm treo mộ” - vẫn thỏa lòng, thỏa chí. Bởi họ bỏ mình cho một lẽ sống, một tâm niệm, rằng: “Tấc đất ngọn rau ơn Chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó”, rằng “Sống đạnh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh”, rằng “sống thờ vua, thác cũng thờ vua”... rằng:

“Tha thác mà đặng câu địch khải, về theo tổ phụ cũng vinh: hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.

Lẽ nhục - vinh ấy không chỉ bắt đầu từ quan niệm về đạo đức. Nó dẫn họ về với những điều khí tiết, thiêng liêng. “Thà thác...” mà chẳng chịu “đầu Tây” — lời khí khái tuyên ngôn cho một đời người. Phải đâu, khổ là nhục. Cái nhục ấy - nhục của kẻ bị đọa đày, kẻ bị đày xuống làm thân nô lệ. Và đau thương hơn tất cả - nhục mất nước - họ chẳng thể khoanh tay đứng nhìn!

Đau đớn hấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”.

Những tiếng nấc nghẹn ngào, vỡ ào trong điêu linh, ai oán. “Mẹ già ngồi khóc trẻ”, “vợ yếu chạy tìm chồng” - lại cui cút, tiêu điều, lại oan trái, tang thương. Những cảnh ngộ ấy xuất hiện bất ngờ nhưng làm thấm thìa nỗi đau. Thì ra chiến tranh đã cướp đi không chỉ của người nghĩa sĩ sự sống. Họ mãi mãi nằm xuống để lại “mẹ già”, “vợ yếu”, “con thơ” để lại sau lưng trách nhiệm nặng nề với những con người bơ vơ ấy, với non sông:

“Binh tướng nó hãy đông sông Bến Nghé, ai là nên bốn phía mây đen; ông cha ta còn ở đât Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ?"

Người nghĩa sĩ nông dân trong bài văn tế giúp ta hình dung cả một thời đại họ từng sống qua những năm cuối cùng của thế kỉ XIX sang đầu XX khổ nhục mà vĩ đại (Phạm Văn Đồng). Lịch sử đã tạo nên anh hùng cũng như anh hùng có thể vần xoay thời thế. Nguyễn Đình Chiểu đã dựng nên một tượng đài nghệ thuật bất hủ về họ, về những người anh hùng “tuy thất thế nhưng vẫn hiên ngang”. Cái hiên ngang của cả một dân tộc, một giống nòi!

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây