Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Sự gắn bó sâu xa với quần chúng nhân là đặc điểm nổi bật trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, là nhân tố chủ yếu đào tạo nên con người và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Thứ hai - 03/04/2017 06:25
Xưa nay, vốn dĩ không có gì được coi là bất tử trước thời gian. Năm tháng đi qua, bụi thời gian sẽ xóa mờ, sẽ vùi chôn đi tất cả. Nhưng thời gian vẫn bất lực trước những dòng thơ đầy nhiệt huyết, đầy yêu thương, căm thù, có máu hòa trong nước mắt của Nguyễn Đình Chiểu - một nhà thơ kiệt xuất, một người chiến sĩ yêu nước chân chính. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu khắc sâu, in đậm trong lòng người những dấu ấn khó phai nhạt, không xa lạ, không mĩ miều, kiểu cách, thơ ông là tiếng nói chân chất, giản dị mà gần gũi. Hình ảnh những con người bình thường, những người lao động trong thơ ông vẫn mộc mạc, quê mùa, chất phác và bộc trực như muôn đời nay vẫn thế. Ngôn ngữ trong thơ ông là những tiếng nói đời thường, đượm màu dân dã, bình dị, đậm màu quê hương. Hoài Thanh dã từng viết: “Sự gắn bó sâu xa với quần chúng nhân là đặc điểm nổi bật trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, là nhân tố chủ yếu đào tạo nên con người và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu”.
Vâng! Đó là tất cả những gì bất tử với thời gian, vĩnh viễn ghi dấu trong lòng người.

Đã gần một trăm năm qua đi mà dấu ấn một thời kì lịch sử của nước ta trong những năm gần cuối thế kỉ XX chưa hề phai nhạt trong lời thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đất nước đầy những biến động, bão táp, những loạn li, đau thương. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu cũng đầy những đau khổ uất ức, những giọt nước mắt khóc cho mình và khóc cho mọi người.

Đau thương, bão táp đã ập xuống đời ông giữa lúc tuổi thanh xuân chan chứa tình yêu cuộc sống, hạnh phúc gia đình và niềm tin, ước mơ về một tương lai rực rỡ, xán lạn. Mẹ mất - nước mắt khóc thương và nỗi đau tột cùng đã cướp đi ánh sáng đôi mắt ông rồi bị từ hôn... Bấy nhiêu đau khổ, uất ức cũng đủ để quật ngã một con người bình thường, nhưng không, Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua chính bi kịch của đời mình bằng một tình yêu đất nước, yêu cuộc sống vô song, một niềm tin bền bỉ, sắt đá. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả, suốt bốn mươi năm trời tàn tật, sống trong sự đùm bọc, yêu thương của đồng bào Gia Định, nhân dân đã nâng đỡ tâm hồn đầy đau thương, mất mát của ông và cũng chính từ cuộc sống gắn liền với tâm tư, tình cảm của nhân dân đã tạo nên những tầm cao trong tư tưởng Nguyễn Đình Chiếu, những tầm cao ấy “là nhân tố chủ yếu đào tạo nên con người, sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu”.

Từ chủ nghĩa nhân đạo bước sang chủ nghĩa yêu nước, tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu không phải không có những chuyển biến về mặt tư tưởng, nó ghi dấu qua hai mốc chính đó là tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên và văn chương yêu nước chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc. Bước chuyển đó chứng tỏ sự phát triển thuận theo yêu cầu lịch sử nhưng điều chúng ta muốn nói ở đây là cả hai tư tưởng nhân nghĩa và yêu nước của tác giả đều hướng tới nhân dân, vì dân và in dấu tình cảm của nhân dân.

Ở Nguyễn Đình Chiểu, quan niệm về nhân nghĩa rất gần với quan niệm của nhân dân. Trong Lục Văn Tiên, ông ca ngợi Lục Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh là những người trọng nghĩa khinh tài, có những cử chỉ, hành động nghĩa hiệp của người quân tử nhưng cũng là nhân dân Nam bộ mà gần gũi hơn là hình ảnh ông Ngư, bà Ngư, ông Tiều, chú Tiểu đồng và nàng Nguyệt Nga chung thủy. Những con người ấy xuất thân từ cuộc sống lao động, bình dị, lương thiện nhưng trong hành động, lời lẽ của họ toát ra vẻ chân chất, hồn hậu, trong sáng mà cao thượng.

Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, nhưng khi Nguyệt Nga ngỏ lời cảm tạ cử chỉ nghĩa hiệp ấy, chàng liền cười mà rằng:

“Văn Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn”

(Lục Vân Tiên)

Nụ cười của Vân Tiên mới đáng yêu làm sao, đó là nụ cười của người quân tử, nụ cười của quân chúng rộng lượng. Trong nụ cười của chàng có một cái gì đó thật mộc mạc và chân chất, gần gũi nhân dân không một chút gượng ép, giả dối. Hay hành động của ông Ngư và gia đình cứu Vân Tiên thoát nạn cũng là một việc làm nhân nghĩa, trong sáng không một mảy may tính toán:

“Ngư rằng, lòng lão chẳng mơ
Đốc lòng nhẫn nghĩa há chờ trả ơn”

(Lục Vân Tiên)

Đằng sau những triết lí, tư tưởng dường như nặng tính chất Nho giáo ấy thực ra là tác giả đề cao tình cảm cha con, vợ chồng, bạn bè... đó là những đạo lí truyền thống từ muôn đời nay của dân tộc ta, dù trải qua bao sóng gió cũng không hề đổi thay.

Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, hiện thân của Nguyễn Đình Chiểu - nhân vật Lục Vân Tiên rõ ràng cũng đấu tranh cho lí tưởng nhân nghĩa, nhưng lí tưởng ấy không phải để phục vụ, củng cố địa vị của triều Nguyễn đương thời, mà là điều Nguyễn Đình Chiểu ước mong về một xã hội phong kiến lí tưởng, xa xưa như ông đã từng hình dung, mơ ước qua sách vở nhưng điều cơ bản là tất cả những suy nghĩ, mơ ước ấy trước hết vẫn là hướng tới quyền lợi, hạnh phúc của nhân dân trong thời đại ông.

Với Nguyễn Đình Chiểu, nhân đạo chủ nghĩa là một cái gì đó rất gần gũi, thiết thực. Trước hết, nhân đạo là thương yêu những người dân lao động nghèo khổ, là đấu tranh vì phẩm giá con người, là những cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của nhân dân trong cuộc sống cơ hàn, đói rách. Góc nhìn của Nguyễn Đình Chiểu về nhân dân trong xã hội phong kiến mới chỉ là sự đồng điệu, cảm thông của tâm hồn, phải đến khi thực dân Pháp lê gót giày trên khắp sáu tỉnh Nam bộ thì hình ảnh nhân dân trong văn chương yêu nước chống thực dân Pháp của ông mới thực sự gây ấn tượng, in dấu và soi sáng tư tưởng của ông trên từng trang giấy.

Khi tiếng súng đầu tiên của thực dân Pháp dội trên đất nước ta cũng là khi triều đình Nguyễn bạc nhược, hèn nhát đầu hàng kẻ thù để mặc nhân dân trong cái cảnh “nước mất nhà tan”, loạn li, đau thương và tang tóc. Tiếng khóc, tiếng kêu than của họ vẫn văng vẳng trong lời nói của Nguyễn Đình Chiểu:

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng?
Nỡ để dân đen mắc nạn này”

(Chạy Tây)

Câu hỏi đặt ra nhưng biết tìm câu trả lời ở đâu? Ở những kẻ áo mão, cân dai “bán nước hại dân” kia ư? Không! Chính lúc này trong hoàn cảnh đau thương, tăm tối nhất của đất nước, của mỗi cuộc đời sắp rơi vào nô lệ thì hình ảnh nhân dân sáng bừng lên như một bó đuốc giữa đêm đen. Phải! Chính họ, chính những người “dân đen”, dân cày, những người dân lao động thuần phác nhất đã vùng dậy đấu tranh chống giặc cứu nước, tự mình cứu lấy chính bản thân mình. Điểm sáng trong tâm hồn, trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu chính là ỗ chỗ đó. Ông không chỉ tìm thấy trong tâm hồn những người dân lao động kia những nét đẹp thuần túy, chất phác mà phát hiện lớn của ông chính là lòng yêu nước âm thầm cháy trong mỗi con người họ, mà giờ đây nó đang bùng cháy dữ dội, như muốn đốt cháy kẻ thù.

Đó chính là cái khác, cái cao hơn trong tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu so với các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ và trước đó. Thực ra phát hiện của Nguyễn Đình Chiểu không phải là hoàn toàn mới, hình ảnh nhân dân trước đây không phải là chưa có trong văn học Việt Nam, nhưng họ chỉ xuất hiện với tư cách là những nhân vật phụ, hình ảnh của họ mới chỉ là thoáng qua mờ nhạt, chưa để lại dấu ấn nào sâu sắc, đậm nét nhưng đến Nguyễn Đình Chiểu, đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cái bóng mờ nhạt ấy đã rực sáng lên với tất cả vẻ đẹp ẩn giấu trong tâm hồn tự ngàn xưa.

Họ! Vâng, những con người bình dị ấy, ý thức dân tộc của họ buổi ban đầu chỉ đơn thuần là lòng yêu quê hương, yêu mảnh đất nơi họ từng sinh ra và lớn lên, yêu những cái cây, ngọn cỏ. Nhưng giặc Pháp đã tàn phá, chà đạp lên những tình cảm thiêng liêng ấy, tiếng súng kẻ thù làm thức tỉnh trong sâu thẳm tâm hồn họ tiếng gọi “hãy giữ lấy những gì mình yêu thương, thờ phụng, giữ lấy những gì đã có và đã là của mình”.

Sức lớn lên của lòng căm thù và tình yêu quê hương đã tạo cho họ một sức mạnh phi thường để làm nên những việc cũng phi thường, không ai có thể ngờ tới.

“Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ”
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Vì sao ư? Vì sao những con người hiền lành chất phát kia hôm qua còn “Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhưng; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ” (Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc) chỉ quen với cuộc sống nghèo khổ, trong trói buộc, bó hẹp sau lũy tre làng, trong những sớm hôm đầu tắt, mặt tối đi về để kiếm sống, dường như họ bị lãng quên trong những lo toan, vất vả, lăn lộn của cuộc sống đời thường?

“Nhớ lính xưa côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”

Chỉ bằng hai từ “côi cút” thôi, tác giả đã gói trọn được bao nhiêu yêu thương đồng cảm, xót xa của mình trước thân phận của người nông dân nghèo, thân phận của con ong, cái kiến trong xã hội phong kiến. Hôm qua họ là những người bị lịch sử bỏ quên nhưng hôm nay họ đã trở thành những nhân vật chính, người chiến sĩ dũng cảm, tung hoành trong trận chiến, ngày đêm sống, chết gần kề.

Vì sao ư? Vì họ yêu nước, yêu quê hương từ những tình cảm chân thành nhất, họ yêu từ trong máu thịt của mình: Họ yêu nước không phải bởi bất cứ một khái niệm sách vở trừu tượng nào, mà họ yêu bởi những cái bình dị, gần gũi nhất: ngọn rau, tấc đất, bát cơm, manh áo và lòng căm thù giặc của họ cũng cụ thể như vâỵ - nó muốn biến ngay thành những hành động quyết liệt tiêu diệt kẻ thù “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ” (Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc). Trên đường đua tiếp sức của lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã đi lên với gậy với tre; xưa Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, đến giờ những người nông dân lại cầm ngọn tầm vông đánh giặc. Dù trong chiến đấu, họ vẫn mang dáng vẻ, phong cách của người lao động “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ” (Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc).

Có thể nói Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đã xây dựng và đề cao người dân trong cuộc chiến tranh nhân dân. Với Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc ông đã dựng lên một tượng đài bất tử về người nông dân cầm vũ khí chống giặc, giữ nước.

Hình ảnh người nông dân yêu nước trong văn thơ Nguyễn Đình Chiểu là một phát hiện đầy mới mẻ và có giá trị. Họ - những con người có từ ngàn xưa nhưng cũng chỉ thật nổi bật lên trong giai đoạn lịch sử này khi ý thực hệ phong kiến đang có nguy cơ tan rã và giai cấp phong kiến đang rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Chính trong khoảng thời gian này Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc đã ra đời như một bước nhảy vọt về tư tưởng, về cái nhìn đối với người dân lao động, ở Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, tư tưởng nhân dân đã chiến thắng một cách rực rỡ; phải có một sự từ bỏ, phải có một sự đấu tranh với chính mình ở mức độ mãnh liệt, Nguyễn Đình Chiểu mới có thể đón nhận tư tưởng nhân dân đi vào trong thơ văn sâu sắc như thế. Năm trăm năm trước đây, Nguyễn Trãi đã từng viết “Làm lật thuyền mới biết dân như nước”. Nhưng trong khuôn khổ chế độ phong kiến của xã hội Việt Nam ở thế kỷ XV chưa cho phép ông ghi lại hình ảnh những người đã cùng ông mười năm kháng chiến chống quân Minh. Gần gũi hơn là nhà thi hào dân tộc Nguyễn Du với những kiệt tác chan chứa trong lòng nhân đạo, những dòng nước mắt khóc thương cho những kiếp người lầm than, đau khổ nhưng trong tác phẩm của Nguyễn Du lại không hề có bóng dáng những người dân cày đã từng gây ra bão táp cuối thế kỷ XVIII, làm đảo lộn, rung chuyển cả một xã hội phong kiến đang mục nát đến cùng cực ấy... Chỉ đến Nguyễn Đình Chiếu “lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc mới có được sự tương xứng giữa phong cách người nông dân trong văn học với phong cách người nông dân ngoài đời”.

Câu hỏi được đặt ra là, cái gì? Động lực nào đã thúc đẩy Nguyễn Đình Chiểu tạo nên viên ngọc Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc với hình ảnh, nhân vật trọng tâm là những người dân lao động thuần phác mà trước đây chưa hề có?

Phải chăng điểm xuất phát của tư tưởng nhân dân trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là cuộc sống gắn bó sâu sắc với quần chúng nhân dân? Một cuộc đời có quá nhiều những dấu ấn, tình cảm, kỉ niệm của nhân dân ngay từ buổi đầu tác giả chào đời, những tình cảm sâu nặng, gắn bó với nhân dân trong những ngày đau thương nhất của đời mình đã tạo cho Nguyễn Đình Chiểu một cái nhìn sắc sảo, một tiếng nói đồng cảm với cuộc sống của những con người thấp bé nhất trong xã hội. Ông yêu thương những con người ấy bằng một thứ tình cảm chỉ có được ở một tâm hồn giàu tình nhân nghĩa, yêu nước ở ông cũng gắn liền với yêu thương nhân dân, cho dù trong ông, tư tưởng trung quân, ái quốc dù ít, dù nhiều vẫn tồn tại, nhưng Nguyễn Đình Chiểu yêu nước trước hết vẫn là thương dân:

“Ghét đời Ngũ Bá phân vân
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn”

(Lẽ ghét thương)

Trong tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, nước với dân là một, không có dân nghĩa là không có nước và ngược lại. Cũng vì có một tình yêu thương nhân dân tha thiết nên tình cảm yêu nước của ông mới dạt dào, mạnh mẽ, cụ thể, máu thịt và vững chắc như thế.

Lòng thương đã tạo nên niềm tin, sức mạnh giúp ông trong công việc của một người thầy thuốc, thầy dạy “nhân”, dạy “nghĩa”:

“Thấy người đau giống mình đau
Phương nào cứu đặng mau mau trị lành”


Tình thương vô bờ bến ấy luôn hướng tới những người dân lao động, lương thiện, nghèo khó. Ông đã từng lên tiếng khích lệ những người có tài còn ẩn thân trong xã hội:

“Thương dân sao chẳng lập thân
Đến khi nắng hạ toan phần làm mưa”
Phê phán những người cầm quyền, khiếp nhược:
“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này”


Yêu và thương đó là nguồn gốc của sự đồng cảm, mến phục sâu sắc của tác giả đối với những người đang sống và những người đã ngã xuống vì quê hương và đó cũng là nguồn gốc của lòng căm thù giặc sôi sục:

“Khá thương thay
Dân sa nước bấy chầy
Giày ép mỡ dầu hết sức”
(Văn tế nghĩa sĩ trận vùng Lục tỉnh)


Nếu như ở Nguyễn Đình Chiểu ta tìm thấy một khía cạnh rất mới trong tâm hồn tác giả, đó là những tư tưởng tiến bộ vượt bậc của ông trong cái nhìn đối với nhân dân thì trong quan niệm về người anh hùng - Nguyễn Đình Chiểu một lần nữa đã vượt qua vòng vây tư tưởng của lễ giáo phong kiến vượt qua chính mình để hướng tới một quan niệm anh hùng rất gần gũi và gắn bó với quần chúng, khác hẳn quan niệm phong kiến về “trung quân ái quốc”.

Không xa lạ, cao sang nhưng người anh hùng ấy đã gắn bó với quần chúng nhân dân bằng tình thương, tình người, tình yêu nước cùng chung ý chí giết giặc. Hình ảnh Trương Định, Phan Tòng hay Lục Vân Tiên - những người lãnh tụ anh hùng, quả cảm ấy là tấm gương yêu nước, kiên định không có gì lay chuyển được. Họ là niềm tin, là chỗ dựa của nhân dân nhưng chính họ đã dựa vào nhân dân, đã được nhân dân tiếp sức:

“Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền
Theo bụng dân phải chịu tướng quân thù, gánh vác một vai khốn ngoại”

(Văn tế Trương Định)

Và được nhân dân thương mến:

“Thương ơi! Người ngọc ở BìnhĐông
 Lớn nhỏ trong lòng thảy mến trông”

(Văn tế Phan Tòng).

Có thể nói dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Đình Chiểu hình ảnh người anh hùng lúc bấy giờ về căn bản đã mang những nét gần với những người anh hùng theo quan niệm của chúng ta ngày hôm nay. Họ anh hùng cũng một phần quan trọng là do lòng tin yêu của quần chúng và cũng chính từ lòng tin yêu ấy đã tạo nên một điểm tựa vững chắc, để họ dám đương đầu, gánh vác những công việc hết sức khó khăn, gian khổ mà không một chút tính toán vụ lợi riêng tư và dứt khoát với giáo điều phong kiến ngu trung. Xuyên suốt chiều sâu tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu và cuộc đời cầm bút viết văn của ông, tính nhân dân, tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước đã quán xuyến toàn bộ tác phẩm của ông.

Cả một đời người sống gần gũi gắn bó với nhân dân, ông đã tìm thấy ở họ những phong cách sống thật bình dị mà trong sáng, cao thượng, tìm thấy những giá trị cao đẹp không gì sánh nổi. Và cũng chính từ đó ông đã tìm thấy triết lí, ý nghĩa sống cho đời mình. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đạt tới đỉnh cao giá trị về nội dung tư tưởng không chỉ bởi mọi suy nghĩ, tình cảm, ước mơ và khát vọng của ông đều phù hợp với đời sống tinh thần của đông đảo quần chúng lao động mà nó còn chinh phục lòng người, chinh phục mọi tầng lớp nhân dân bởi “nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu rất gần gũi với văn học dân gian. Ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu trong thơ văn yêu nước cũng như Lục Văn Tiên là ngôn ngữ của quần chúng, chữ thường dùng rất táo bạo đầy cảm xúc, có khi nóng bỏng như hơi thở cuộc sống và chất chứa bao nhiêu đau xót, buồn giận, vui mừng...” (Hoài Thanh).

Ngôn pgữ đời thường, những cách nói thông dụng đã đem lại trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cái bình dị, chân chất chỉ tìm thấy ở những con người lao động thật thà, chất phác. Khi viết về người nông dân mộ nghĩa đã nói bằng tiếng nói của họ: “Trông tin quan như trời hạn trông mưa (...) ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ”.

Hay:

“Thương quan tướng khóc quan tướng chiu chít như gà
Giận thằng tà mắng thằng tà om sòm như nhái”


Khi viết về Bùi Kiệm trong Lục Vân Tiến Nguyễn Đình Chiểu hạ câu:

... “Con người Bùi Kiệm máu dê,
Ngồi chề bê mặt như sề thịt trâu”


Ôi! Nghe mới thân thuộc và buồn cười làm sao, những ngôn ngữ tưởng chừng như không bao giờ thành thơ, thành văn vậy mà nó đã đi sâu vào tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu mới thật tự nhiên và sống động làm sao và cũng chính âm hưởng, ngữ điệu từ đó đi ra tạo nên cho tác phẩm của ông một sự hấp dẫn, lôi cuốn đến kì lạ.

Nếu có người nào đó đặt câu hỏi “Ai là người đã tạo nên lịch sử?”. Tôi e không ngần ngại đáp rằng - chính nhân dân là người đã tạo nên lịch sử và cũng chính là người phán xét lịch sử. Nhân dân có từ thuở khai sinh ra loài người và còn mãi muôn đời sau. Lịch sử Văn học Việt Nam cũng bắt đầu từ cái buổi bình minh của dân tộc. Trải qua bao tháng năm thời gian đã dựng nên bao thành tựu, bao bước ngoặt nhưng cũng chính nó đã xóa bỏ, vùi chôn đi bao nhiêu. Không có gì vĩnh cửu với thời gian! Đó là quy luật ư? Có lẽ. Nhưng cuộc đời, con người và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã bất tử với thời gian, bởi lẽ nó bất tử với lòng người, bởi qua bao tháng năm vẫn còn đó sừng sững tượng đài người nông dân Việt Nam, trong thơ ca, trong lòng người đọc, vẫn còn mãi tấm lòng yêu nước, yêu nhân nghĩa của người dân lao động Việt Nam, vẫn còn mãi tấm lòng tin yêu nhân dân của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây