Cảm hứng được gợi lên từ hương thơm của lá sen trong làn gió mùa hạ lướt qua vừng sen của mặt hồ. Hương thơm ấy gợi nhắc đến hương vị của cốm, thứ quà đặc biệt của lúa non. Và cứ thế, theo dòng cảm xúc, tác giả đã diễn tả những cảm nhận của mình thông qua nhiều giác quan, đặc biệt là khứu giác, để từ đó làm nổi bật hương thơm thanh khiết của cánh đồng lúa, của lá sen và cốm, cũng như sự khéo léo của con người trong việc làm cốm và vẻ hấp dẫn, quyến rũ của những cô hàng cốm làng Vòng với cái dấu hiệu đặc biệt là chiếc đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng. Mỗi một hình ảnh được đưa vào bài viết, đều có sức gợi cảm rất lớn. Qua trang viết của Thạch Lam, ta còn hiểu thêm cả cách thưởng thức thứ quà bình dị mà vô cùng thanh nhã và tinh khiết này phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Có như vậy mới tận hưởng được hương vị đặc biệt của cốm làng Vòng, mới thấy trọng hương vị ấy đã thu lại cả cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa Cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thì ra việc thưởng thức một thứ quà cũng thể hiện được bản sắc văn hoá đặc biệt của một vùng, một miền, một xứ sở.
Bài tuỳ bút không chỉ dừng lại ở ý nghĩa giới thiệu về một nét văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, mà thông qua đó, tác giả còn diễn tả những suy nghĩ, tình cảm của mình đối với vẻ đẹp bình dị mà tinh khiết, thân thuộc mà thanh cao của cốm Hà Nội. Đó là sự trân trọng, yêu quý và hết sức tự hào. Từ vẻ đẹp của tâm hồn người Hà Nội, Thạch Lam còn gợi cho ta nghĩ tới vẻ đẹp của con người Việt Nam, của thiên nhiên đất nước Việt Nam.
Bài văn có lối viết dung dị, nhẹ nhàng mà đằm thắm, sâu lắng. Cảm xúc cứ tuôn chảy trên đầu bút, tự nhiên tới mức người đọc khó nhận ra sự sắp xếp khéo léo của tác giả. Từng câu, từng chữ, từng lời nối tiếp nhau, tạo nên những trang viết thật xúc động. Đó là sự kết tinh bởi một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, một khả năng quan sát tỉ mỉ, kĩ lưỡng và một ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam.