Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy tả lại hình ảnh cây đào hoặc cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về.

Thứ năm - 28/01/2016 11:34
Trong các loài hoa, em thích nhất là Mai Vàng. Vì sao ư? Có quá nhiều lí do để Mai Vàng chiếm vị trí độc tôn trong lòng em, vì Mai nở là mùa xuân đã về, vì sắc màu của hoa quý phái thanh tao, vì hoa không chỉ đẹp mà còn có hương thơm, và cả vi mẹ rất yêu Mai mà em lại rất yêu mẹ.
Nhà em không có sân, trước cổng nhà có một ô trống nhỏ, vừa đủ chỗ cho một cây Mai nằm gác cửa. Gọi là nằm vì dáng cây bè bè và nghiêng sát mặt đất, cây được uốn theo hình ngoạ long (Rồng nằm). Bởi vậy dù bằng tuổi em nhưng Mai thấp hơn em rất nhiều. Ngày em chào đời ở bệnh viện thì ở nhà bố em cũng bắt đầu trồng cây Mai này. Mẹ đã dặn bố như vậy trước khi vào bệnh viện.

Đúng vào ngày rằm tháng chạp em bắc ghế trảy hết lá cho Mai. Theo kinh nghiệm dân gian làm như vậy thì Mai mới nở nhiều bông vào dịp Tết. Lần đầu tiên thấy mẹ làm như vậy em cứ sợ cây chết vì trảy lá hết cây chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu gầy guộc run run trong gió. Thế nhưng kì diệu thay chỉ độ một vài hôm cây đã khác hẳn, chồi non, búp non bắt đầu nhú lên. Mai rất khó phân biệt nụ và chồi khi mới nhú, phải là người giàu kinh nghiệm và có sự quan sát tinh tế mới phân biệt được, vì chúng cùng một màu xanh biếc, giống nhau về hình dạng như những tháp bút nho nhỏ, xinh xinh. Và chỉ trong mấy ngày nó lớn dần, lớn dần và nở thành những chùm nụ chi chít, màu xanh non hình bầu dục. Mỗi chùm như vậy có tới gần chục nụ và đủ mọi cỡ: to, nhỏ, bé xíu, lứa này nở xong sẽ có lứa khác kế tiếp. Bởi vậy Mai nở bông mãi gần hai tháng mới hết nụ.

Hoa Mai thường có năm cánh, nhưng cũng có những bông sáu cánh. Đối với Mai ghép thì cánh có thể lên tới mười, mười hai cánh. Cánh Mai thường mỏng tanh, màu vàng tươi thanh sáng. Ngày mồng một Tết mà có Mai nở sáu cánh đó là điềm lành của sự khấm khá phát đạt cho cả năm - Mẹ em bảo thế. Màu của nhụy cũng điệp với màu của cánh nở lâu dần chuyền màu cánh dán, khi cánh Mai đã rụng hết nó kết lại thành từng chùm trái, trái Mai non có màu xanh kết lại thành từng chùm gần giống như nụ nhưng dẹt hơn và ngắn hơn. Mẹ dặn có chùm trái nào thì nhớ ngắt đi, kẻo cây kiệt sức, sang năm lại ít bông.

Hương Mai rất thơm, mùi thơm dịu nhẹ thanh khiết, thoảng trong không gian nhưng ai thật tinh ý mới biết. Lúc Mai nở rộ thường vào độ mồng hai, mồng ba Tết, cả cây vàng rực lộng lẫy cao sang. Những ngày Tết, bên cạnh Mai Vàng là chồng bánh chưng xanh còn gì đẹp hơn thế nữa.

Thường khoảng hai tám Tết là em đã bưng chậu Mai vào nhà. Em lau chùi, kì rửa xung quanh chậu cho hết bụi, đất, cho thật sạch sẽ. Ba em được chọn khai bút đầu xuân vì chữ của ba rất đẹp. Trên nền giấy màu đỏ, ba nắn nót đậm tô dòng chữ: “Nhất sinh đệ thủ bái Mai hoa” (Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa Mai) câu nói nổi tiếng của chí sĩ Cao Bá Quát. Sau đó, chọn cành Mai cao nhất ba treo lên. Mẹ giảng giải cho em rằng: “Làm người chỉ cúi đầu trước cái dẹp, cái thiên lương cao cả, Mai là một trong những cái đẹp mà con người nên cúi đầu”.

Mỗi lần Tết đến em lại nhớ chậu Mai Vàng.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây