Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy kể về quê hương em

Thứ sáu - 14/02/2020 03:34
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
(Đồng chí - Chính Hữu)

Không biết “anh” và “tôi” trong bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu sinh ra ở nơi nào nhưng khi đọc xong hai câu thơ trên mình có cảm giác quê hương của “tôi” giống quê hương mình quá. Làng quê nơi mình sinh ra cũng nghèo, đất cày lên cũng sỏi đá, thậm chí sỏi đá không thể cày được. Nếu nói về quê mình thì chỉ có cụm từ nghèo đói mới diễn tả hết được.
Sơn Cẩm Hà rừng núi âm u
Người khôn ít, người ngu thì nhiều.

(Sơn, Cẩm, Hà: Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà - ba xã nghèo nhất, cao nhất của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Hai câu này không biết có từ bao giờ nhưng lớn lên mình đã được nghe lũ bạn đọc như thế mỗi khi mình nói sinh ra ở Tiên Cẩm (Tiên Phước, Quảng Nam). Khi đó thì mình có một chút mặc cảm, cái mặc cảm trẻ con, nhưng giờ lớn lên thì cái mặc cảm đó không còn vì quả thật quê mình là vậy.

Con đường từ huyện lỵ Tiên Kì (thị trấn của huyện Tiên Phước) về nơi mình ở với đường dốc quanh co, lầy lội vào mùa mưa, đá lởm chởm vào mùa nắng chỉ dài chừng 7km nhưng chưa bao giờ mình đi ít hơn 1 giờ đồng hồ. Khoảng cách tưởng chừng như chỉ cần trong 10 phút là đi đến nơi cũng đủ để làm cho mình phải khăn gói ở trọ trong thời gian học cấp III. Cứ nhớ lại những lần trèo đèo, qua suối để đến trường trong mỗi chiều chủ nhật và lội suối qua đèo về nhà vào chiều thứ bảy là rùng mình.

Nằm dưới chân ngọn núi có cái tên rất dễ thương: núi Vú, quê mình yên bình đến lạ thường. Gần 15 năm sống ở quê, mình chưa bao giờ nghe tiếng xe máy, cũng không có tiếng ô tô, thỉnh thoảng vài ba năm mới được một lần nghe tiếng động cơ phản lực. Con đường vào thôn chỉ to bằng đúng một con trâu (chẳng may hai con gặp nhau thì chắc chắn sẽ có một con xuống ruộng hoặc lên rừng) thì có xe nào mà vào được. Cả thôn chỉ có vài chục nóc nhà, mỗi nhà cách nhau vài ba trăm mét. Đêm đến hầu như không có một âm thanh nào ngoài tiếng côn trùng, ếch nhái, rắn rít.. Những đêm không trăng sao cả thôn như một lọ mực khổng lồ, những ánh đèn dầu leo lắt của một vài nhà không xóa được cái tối tăm, hiu quạnh. Có lẽ bức tranh phố huyện nghèo mà Thạch Lam khắc họa trong truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng không thể hiu quạnh và ảm đạm bằng bức tranh quê mình. Chị em Liên còn có chuyến tàu để trông chờ, mong đợi, mơ về Hà Nội xa xôi và gửi gắm niềm hi vọng, chứ lũ trẻ quê mình thì có gì đâu ngoài màn đêm u tối.

Ánh đèn dầu là thứ ánh sáng duy nhất ở nơi đây mỗi khi đêm đến. Trẻ con học bài bằng đèn dầu, người lớn vá áo dưới ánh đèn dầu, gia đình ăn cơm dưới ánh đèn dầu, mấy ông nhậu dưới đèn dầu, mấy bà, mấy cô rửa chén dưới ngọn đèn dầu... Tất cả sinh hoạt của người dân đều diễn ra dưới ánh sáng tối tăm của ngọn đèn. Lũ trẻ ở thôn mình lớn lên với ngọn đèn dầu đó.

Mình vẫn nhớ là má thường dậy sớm nấu cơm, và đó cũng là lúc mình được má đánh thức dậy học bài. Nơi học không đâu khác chính là bếp lửa má vừa nhóm lên, học vậy vừa tranh thủ sự ấm áp, vừa tận dụng ánh sáng của ngọn lửa để không phải tốn dầu. Cái kiểu học đó anh em mình đứa nào cũng đều trải qua 9 năm, mãi đến khi học cấp III ở trọ mới có được ánh điện. Nghĩ cũng lạ, điều kiện ánh sáng như thế mà thôn mình không có đứa nào bị cận thị cả.

Đến hôm nay, có nghĩa là hơn 10 năm mình xa quê, thôn mình vẫn sống với ngọn đèn dầu đó. Không hiểu tại sao chính quyền địa phương không kéo cho nhà dân một đường dây hạ thế. Sống trong thời đại văn minh mà vẫn ánh đèn dầu thì không thể nào hiểu được.

Ngọn núi Vú cao chót vót ấy lại là nơi mình và mấy đứa bạn đến chơi nhiều nhất sau những buổi học. Nào là chăn bò, nào là bắt sáo, nào là hái sim, cắt chà là, nào là lượm phế liệu, đốn củi... Không biết ngọn núi đó bây giờ như thế nào nữa, nhưng chắc chắn sẽ không còn chim sáo, không còn phế liệu cũng không còn nhiều sim cho lũ trẻ trong thôn bây giờ hái nữa.

Ngoài thời gian đến trường, hầu hết bọn con nít đều phải chăn bò, phụ giúp gia đình làm đồng, đốn củi, bẻ măng, bắt cá, về nhà lại nấu cơm, giặt quần áo... Nghĩ lại mới thấy trẻ con khi đó giỏi thật, việc gì cũng làm được, có đứa còn làm như người lớn. Có lẽ do cái nghèo đã làm cho lũ trẻ chúng mình quen dần với công việc, lâu dần trở thành nếp sống, thành thứ thay thế cho những thứ vui chơi của trẻ con bây giờ.

Cuộc sống của người dân trong thôn bao năm qua vẫn thế. Sáng ra đồng tối lại về, có người cả năm không bước chân ra khỏi thôn. Cái điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại như một vòng luân hồi. Thanh niên trong thôn đa phần thất học, đến tuổi lại dựng vợ gả chồng và trở thành một nông dân thuần phác. Còn lũ trẻ thì chỉ một số ít may mắn được đến trường, nhưng cái may mắn đó càng ngày càng ít đi. Cái nạn thất học cứ đeo bám lũ trẻ trong thôn, nó là hệ quả của cái nghèo và cũng chính là nguyên nhân của cái nghèo.

Thật ra gia đình mình cũng không khá hơn những nhà hàng xóm là bao, nhưng may mắn anh em mình không có ai bỏ học giữa chừng. Có được may mắn đó không ai khác là nhờ má và cũng nhờ gia đình mình chuyển đi sớm. Chắc má là người nhìn xa trông rộng nhất trong số những người phụ nữ trong thôn. Nếu không thì giờ mình chỉ là một anh nông dân rồi.

Cuộc sống của người dân giờ đây đã đổi thay khá nhiều, hầu như nhà nào cũng sắm được chiếc xe máy, nhiều nhà xây đã mọc lên, trẻ con được đến trường cũng ngày một tăng lên, đường sá đã thông thoáng hơn... nhưng cái nghèo thì vẫn còn hiện hữu. Cái cảnh đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn của người dân vẫn còn đó; ngọn đèn dầu leo lét vẫn được thắp lên mỗi khi đêm xuống; bữa cơm độn với mớ rau và nước mắm vẫn xuất hiện trong mỗi nhà; trẻ con hết trường làng rồi nghỉ học vẫn còn phổ biến; thanh niên bỏ xứ đi xa như là một cứu cánh cho cuộc đời vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại... Đó chính là dấu hiệu cửa sự đi xuống trong thời đại đòi hỏi sự phát triển chiều sâu như hiện nay. Nhiều lúc nghĩ phải làm gì cho quê hương nhưng có lẽ nghĩ chỉ để mà nghĩ. Bản thân mình giờ lo còn chưa xong thì lấy gì mà lo cho quê hương. Cái câu “lực bất tòng tâm” nên dùng vào lúc này có vẻ hợp lí.

Mong rằng sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa cho quê hương, để câu nói “người khôn ít, người ngu nhiều” không đi liền với “Sơn cẩm Hà rừng núi âm u” nữa, để đất cày lên đất chứ không phải là sỏi đá nữa, để hơn một năm nữa mình trở về được chứng kiến sự thay đổi đó.

Trần Tiến Tự

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây