Người Việt cổ chúng ta hàng năm trước rất ưa ca hát. Họ hát khi lao động, hát ru con, ru em trong những ngày thường, hát trao duyên nam nữ trong những dịp lễ hội. và từ đó, ca dao ra đời đã diễn đạt sâu sắc tình cảm, tâm trạng, suy nghĩ và cảm xúc của người bình dân trong lao động, trong xã hội, trong gia đình và những người xung quanh.
Ca dao không chỉ diễn tả tình yêu mà còn là lời than trách cho thân phận. Người bình dân xưa chịu nhiều tầng áp bức bóc lột đề nén, cái nghèo, cái khổ đeo bám, người phụ nữ bị luật “tam tòng” trói buộc. Họ mang tất cả những điều đó gửi gắm vào lời ca dao và từ đó hình thành nên “những câu hát than thân ” mà tiêu biểu trong những câu hát ấy là lời người phụ nữ bé mọn trong xã hội cũ.
Biết trách ai khi tình duyên lỡ dở. Trách cha, trách mẹ, trách cao xanh sao khéo sắp bày:
- Cha mẹ đòi ăn cá thu,
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm.
- Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ ham giàu ép uổng duyên con.
Có khi là lời than khóc nghẹn ngào khi duyên vỡ, sắc phai bị chồng ruồng bỏ:
Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi
Nhưng họ đâu cam chịu mãi! Trong những lời hát than thân, một thái độ phản kháng được bộc lộ rõ ràng:
Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê!
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi!
Và từ trong sâu thẳm của sự phản kháng ấy là niềm khao khát sống có tình có nghĩa của người bình dân xưa. Điều đó được thể hiện trực tiếp qua Những câu hát tình nghĩa. Tình nghĩa đối với quê hương đất nước, với bè bạn, gia đình, tình yêu nam nữ,...
Chúng ta có thể kể ra đây rất nhiều những câu hát như vậy.
Về tình yêu quê hương đất nước:
- Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
- Đồng nai gạo trắng nước trong,
Ai đi đến đó thời không muốn về.
về tình nghĩa anh em họ hàng:
Anh em chín họ mười đời,
Hai người cũng có, chẳng rời nhau ra.
Chị em cùng khúc ruột già,
Kẻ giàu người khó, họ xa tám đời.
Về tình yêu nam nữ:
- Mấy lời em nói
Anh hong khói để bền,
Dẫu trăm năm nữa, không quên lời nào!
- Lòng em thương nhớ ước ao
Mười đêm em thấy chiêm bao cả mười
Bóng cây thấp thoáng trên đồi,
Mà em cứ tưởng bóng người em thương.
về tình cảm gia đình:
- Trông lên nuột lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuột lạt, nhớ ông bà bấy nhiêu.
- Gió đưa cành cửu lí hương,
Xa cha xa mẹ thất thường bữa ăn.
- Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Người bình dân sống giàu tình nặng nghĩa. Tình và nghĩa thường đi đôi với nhau, nhiều khi còn được thay đổi cho nhau. Với họ, nghĩa là nền tảng của tình:
Tình chi rồi lại ý chi
Em nói rồi lại ngoảnh đi em cười.
Tình còn đó, nghĩa còn đây,
Vắng đêm, đêm nhớ; vắng ngày, ngày trông.
Người sống không có nghĩa cũng là người không có tình:
Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
Những câu hát tình nghĩa nêu cao một quan niệm sống đẹp của người bình dân. Theo quan niệm đó thì quan hệ tình cảm phải đi đôi với quan hệ đạo lí như: đạo lí vợ chồng, đạo lí thầy trò...
Không chỉ có nội dung sâu sắc, ca dao còn là những kết tinh về nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật ca dao, chúng ta phải nói đến ba khía cạnh chính:
Một là về thể thơ. Ca dao thường được sáng tác theo hai thể truyền thống: lục bát và song thất lục bát. Ngoài ra, còn có thể nói lối. Mỗi thể có những quy định khác nhau về tiếng, gieo vần và thanh điệu. Nếu một bài ca dao tuân theo những quy định ấy thì ta có dạng nguyên thể, nhưng ca dao thường hay sử dụng loại biến thể với lối sử dụng từ ngữ và số tiếng rất linh hoạt.
“Có thương thì thương,
Không thương thì nói,
Làm chi lần lần lữa lữa như hẹn nợ thêm buồn
Trên chùa đã động tiếng chuông,
Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu”.
Hai là cách diễn ý lập ý. Ca dao thường diễn ý bằng so sánh và ẩn dụ. Như:
- Bên thẳng thì bên phải chùng
Hai bên cùng thẳng thì cùng đứt dây.
- Anh như con nhạn lơ thơ,
Sớm ăn tối đậu cành tơ một mình.
- Em như con hạc đầu đình,
Muốn bay không cất nổi mình mà bay.
Những hình ảnh được đem ra so sánh, ẩn dụ đều rất gần gũi với người bình dân như con hạc, con nhạn, sợi dây, hạt mưa, mặt trời, sông biển, núi non... Đó là những hình ảnh bền vững như tự nhiên, vũ trụ, gần gũi thân thuộc như hạt lúa, của khoai.
Hiện tượng lặp ý trong ca dao như hình thức đối đáp, hình thức mở đầu, hình thức điệp,. cũng thường được sử dụng:
- Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
- Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Thậm chí có khi còn điệp cả câu:
Buồn tình cha chả buồn tình,
Không ai lẻ bạn cho mình kiếm đôi
Buồn ơi cha chả buồn ơi,
Không ai nói chuyện cho tôi đỡ buồn.
Ba là về ngôn ngữ ca dao. Mỗi miền trên đất nước ta có một chất giọng khác nhau đậm đà bản sắc địa phương và ca dao của mỗi miền lại mang theo cái đậm đà riêng biệt ấy:
Ru em em théc cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu.
(Bình — Trị — Thiên)
Ru em em ngủ cho lâu,
Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về.
(Bắc Bộ)
Ngôn ngữ trong ca dao là ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày nhưng đã được tui rèn, gọt giũa qua bao thế hệ người Việt Nam, góp phần rèn giũa tiếng Việt và bảo vệ tinh hoa của tiếng Việt trong suốt trường kì lịch sử của dân tộc.
... Làng quê Việt Nam qua bao đời vẫn yên bình, êm ả, những làn điệu ca dao - dân ca vẫn mượt mà, đằm thắm. Ca dao là đời sống tâm hồn người Việt, cùng với người Việt, ca dao sẽ bất tử trước thời gian.