Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giới thiệu ca dao Việt Nam

Thứ tư - 18/10/2017 05:44
Ca dao là thể loại trữ tình của văn học dân gian, là phần lời của các làn điệu dân ca. Đó là cả một kho tàng phong phú mà người bình dân tạo ra để đáp ứng những nhu cầu trong đời sống tâm hồn.
Sự phong phú của ca dao thể hiện trên nhiều phương diện mà trước hết là ở nội dung đề tài, chủ đề. Ca dao Việt Nam đề cập đến nhiều đề tài: đề tài về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, về tình yêu đôi lứa, về tình bạn, tình làng xóm láng giềng, quan hệ dòng tộc, quan hệ xã hội... Các đề tài này lại được thể hiện trong các chủ đề như chủ đề yêu thương tình nghĩa, chủ đề than thân, chủ đề đấu tranh phản kháng, chủ đề châm biếm, hài hước. Trong đó các chủ đề như yêu thương tình nghĩa hay chủ đề than thân chiếm số lượng lớn.
 
Trong mỗi chủ đề lại có nhiều nội dung khác nhau mà nội dung lớn nhất là diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Nội dung chủ yếu trong chủ đề yêu thương tình nghĩa là phản ánh các sắc thái tình cảm, những cảm xúc đẹp đẽ, trong sáng của tình cảm gia đình, của tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm bạn bè, láng giềng. Đó là những nét đẹp truyền thống trong đời sống tình cảm của người Việt. Nội dung chủ đề ca dao than thân lại là những vấn đề khác. Ở chủ đề này, ca dao là những bài ca đau khổ, ai oán được cất lên từ những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Đó là những người con gái, người phụ nữ trong gia đình phụ quyền, là những người con ở, người làm thuê, người nông dân, người vợ lính. Họ mượn ca dao để giãi bày những tâm sự sâu kín, những uất ức, khổ đau của mình. Vì vậy, bộ phận ca dao này có một ý nghĩa xã hội sâu sắc.
 
Qua những chủ đề trên, nhân dân thể hiện những tư tưởng tình cảm của mình về các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, nhân dân ta luôn đề cao những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ của con người, những cách ứng xử mang tính văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Nhiều bài ca dao là những câu triết lí sâu sắc, ở đó thể hiện những quan niệm cao đẹp của nhân dân về cuộc sống, về cách sống, cách ứng xử, về cái chết. Và đáng quý là những bài ca về niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống dù hiện thực còn nhiều khó khăn, đau khổ:
 
“Đừng lo phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây ”
 
Về nghệ thuật, ca dao có nhiều đặc điểm nổi bật. Điểm nổi bật đầu tiên mà ai cũng có thể nhận ra là thể thơ truyền thống lục bát và biến thể lục bát được ca dao sử dụng phổ biến. Ưu thế của thể thơ này là diễn đạt một cách mềm mại, uyển chuyển nội dung chủ đề và cách gieo vần đều đặn, nhịp nhàng làm cho người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Bên cạnh đó các thể thơ khác như song thất lục bát, vãn bốn (câu thơ bốn tiếng) vãn năm (câu thơ 5 tiếng) cũng được sử dụng để phù hợp với nội dung, chủ đề của từng bài.
 
Đặc điểm thứ hai trong nghệ thuật ca dao là việc sử dụng thường xuyên các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ... Đó là cách nói ví von, bóng gió, là lối nói bằng hình tượng rất đặc trưng của người xưa. Điểm nổi bật trong cách nói này là mượn sự vật này để nói tới sự vật, sự việc khác, lấy hình ảnh này để nói tới những điều khác. Nhờ cách nói này mà ca dao có thể diễn tả đời sống tâm hồn con người một cách tế nhị, kín đáo và vô cùng sâu sắc.
 
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 
- Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai...
 
Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ. đều gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người Việt Nam. Một số hình ảnh như hạt mưa, tấm lụa đào, cây đa bến nước, con thuyền, con đò, con cò, con ong, con kiến. đã trở thành những biểu tượng truyền thống trong ca dao. Nhắc đến những biểu tượng ấy là người ta có thể liên tưởng ngay đến nội dung phản ánh của các bài ca dao. Đấy chính là giá trị mà các biện pháp nghệ thuật này mang lại.
 
Ngoài ẩn dụ, so sánh, nhân hóa. ca dao còn thường sử dụng những cấu trúc, những hình ảnh lặp. Sự lặp đi lặp lại một cấu trúc, một hình ảnh nào đó trong nhiều bài ca dao tạo nên một “công thức” để thể hiện một số nội dung tiêu biểu. Chẳng hạn: Những bài ca dao bắt đầu bằng hai từ “Thân em” thì thường là những bài ca dao than thân mà nhân vật trữ tình là những cô gái đáng thương trong gia đình phụ quyền. Những bài ca dao mở đầu bằng hình ảnh “Con cò” đều thường là những bài ca dao nói về thân phận những con người thấp hèn trong xã hội phong kiến. Những bài ca dao có hình ảnh “Cây đa - bến đò” thì thường là những bài ca dao yêu thương tình nghĩa.
 
Với những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật như trên, ca dao thực sự đã trở thành một nguồn nước dồi dào tắm mát cho đời sống tâm hồn của con người Việt Nam.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây