Văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là một di sản văn hoá thế giới. Qua những bài văn bia, người đời sau không chỉ biết tên tuổi, công trạng của các bậc tiến sĩ mà còn biết được nền học vấn, sự thịnh suy của một triều đại. Người viết văn bia không chỉ là người tài cao mà còn là người đức lớn. Mỗi lần đến Văn Miếu, chạm tay vào những con chữ khắc trên đá, chúng ta dường như bắt gặp hồn thiêng của sông núi, cha ông.
Bài văn bia của tiến sĩ Thân Nhân Trung có vị trí quan trọng. Tác phẩm được hoàn thành năm 1484, dưới thời Hồng Đức.
Điều đáng quý trong văn bia là tư tưởng coi “hiền tài là nguyền khí quốc gia”. Quốc gia đã “quý chuộng kẻ hiền sĩ’’, làm cho kẻ sĩ “tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp”. Phần cuối của bài văn bia là danh sách 33 vị tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất.
Bài văn bia trước hết có giá trị đề cao hiền tài, những người tài cao, học rộng, có đạo đức, nêu cao lòng tự hào về một đất nước văn hiến có chiều sâu văn hoá và học vấn.
Trong phần trình bày mục đích dựng bia Đề danh tiến sĩ, tác giả có ý nhắc nhở mọi người xem bia mà tự sửa mình. Như vậy bia không chỉ có giá trị ca tụng tên người được lưu danh trong bia mà sâu xa hơn, ai ai cũng có thể xem rồi tự đặt cho mình mục tiêu phấn đấu, răn mình. Có như vậy “mệnh mạch” nhà nước mới được cũng cố, phát triển.
Bài văn bia có lối kết cấu chặt chẽ, lô-gíc, có hệ thống lập luận khúc chiết, vừa có lí, vừa có tình. Kiểu văn đậm chất nghị luận kết hợp với yếu tố trữ tình này có sức thuyết phục và cảm hoá mạnh mẽ.
Một tấm bia nhỏ với những lời văn ngắn gọn mà ý nghĩa, giá trị vô cùng to lớn và truyền tới muôn đời.
Bạn hãy đọc và nghiên cứu bài văn bia để thấy rõ hơn tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của người Việt Nam trong quá khứ.