Bài thơ được viết theo thể thất ngôn xen lục ngôn. Tuy về cơ bản vẫn là dạng thất ngôn bát cú nhưng có hai điểm khác: thứ nhất, câu một và câu tám chỉ có sáu chữ; thứ hai, câu ba và câu bốn ngắt nhịp 3/4. Chính hai điểm khác biệt này đã khiến cho cấu trúc bài thơ thay đổi, câu một và câu tám trở thành câu độc lập (không gắn với những câu khác để thành một “liên”); tiết tấu cũng đa dạng hơn.
Bài thơ được mở đầu bằng câu thơ sáu tiếng với tiết tấu 1/2/3 (Rồi hóng mát thuở ngày trường) diễn tả cái thở phào nhẹ nhõm khi trút được gánh nặng công danh để thư thái, thanh thản trước thiên nhiên.
Tiếp theo cảm giác thư thái ấy là tâm trạng phấn chấn khi nhà thơ đưa những nét bút miêu tả Cảnh ngày hè. Bức tranh thơ của người nghệ sĩ thật đẹp, một vẻ đẹp ngồn ngộn sức sống với đầy đủ đường nét, màu sắc, hương thơm, âm thanh và ánh sáng, có cái hữu hình và có cả những cái vô hình. Bắt đầu từ cây hoa hoè màu xanh lục với tán lá “đùn đùn” căng đầy “trương” lên như một chiếc ô lớn làm dịu mát cả một góc trời. Tiếp đến là màu đỏ chói gắt của hoa thạch lựu (Thạch lưu hiên còn phun thức đỏ). Hoa không nở mà “phun” một cách nở thật dữ dội, mãnh liệt. Trong cái căng đầy của sắc màu, nhà thơ nhận ra cái nồng nàn toả ngát của mùi hương. Đó là hương hồng liên (Hồng liên trì đã tiễn mùi hương).
Như vậy, ba câu thơ đã hoàn chỉnh một bức tranh thiên nhiên mùa hè với ba loại cây đặc trưng: hoè, lựu, sen. Cây nào, hoa nào cũng đang ở độ viên mãn nhất, sức sống căng đầy nhất. Tác giả thật tài tình khi sử dụng các động từ: “đùn đùn”, “trương”, “phun”, “tiễn” để diễn tả trọn vẹn điều đó.
Hai câu năm và sáu, với các từ tương thanh: “lao xao”, “dắng dỏi” được đưa lên đầu câu, tác giả đã biến một bức tranh tĩnh vật thành một bức hoạ có âm nhạc. Đó là âm nhạc của cuộc sống có tiếng lao xao người mua kẻ bán từ một phiên chợ cá làng ngư phủ hoà vào tiếng dắng dỏi râm ran cua bản nhạc ve. Không khí buổi chiều hè nơi làng quê thật rộn rã, náo nức.
Tuy nhiên, Cảnh ngày hè không đơn thuần là bức tranh phong cảnh. Cách dùng từ, đặt câu, cách tạo dựng hình ảnh cho thấy Nguyễn Trãi không hề ngắm cảnh một cách thụ động, cảnh không miêu tả thuần tuy khách quan mà theo sức tưởng tượng mạnh mẽ của con người, cảnh đã hòa quyện với tình. Nhà thơ như quên đi nỗi buồn chán vì phải ngồi không, phải cô độc. Tình con người bỗng trẻ lại, muốn hoạt động sôi nổi, muốn gắn bó với đời, với người, với cỏ cây hoa lá. Và từ đây cái chí “tiên ưu” (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ) bừng thức dậy trong lòng ức Trai. Ông thấy, lẽ ra lúc này phải có cây đàn của vua Thuấn để tấu lên niềm mong mỏi lớn nhất, tha thiết nhất là dân chúng khắp nơi đều được giàu có, no đủ:
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đôi phương.
Câu thơ sáu tiếng khép lại bài thơ thật bất ngờ. Một tiếng đàn gảy lên mà như phép màu nhiệm của tiếng đàn Thạch Sanh trong cổ tích đã biến hoá tất cả. Giấc mơ của Nguyễn Trãi bỗng như đang biến thành hiện thực vậy.
Bài thơ Cảnh ngày hè, như tên gọi của nó, trước hết là một bài thơ tức cảnh, một cảnh tượng đầy sức sống: cây cối sinh sôi, sắc màu tưng bừng sôi động, hương thơm toả ngát, âm thanh rộn rã... Người nghệ sĩ đã vẽ bức tranh ấy bằng niềm vui sống, bằng sức sống của một tâm hồn tươi trẻ và trên hết là niềm ao ước không phải cho mình mà cho dân mình có cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Người nghệ sĩ ấy đã vận dụng một cách sáng tạo và tài hoa một thể thơ vốn nghiêm ngặt về cấu trúc hình thức, tạo nên một bài thơ hay, giàu ý nghĩa nhân văn.