Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Em hãy kể về người thân của em

Chủ nhật - 10/04/2016 10:11
Mẹ tôi vốn là một cô gái trồng hoa nết na thùy mị, được hàng xóm láng giềng yêu mến và tất nhiên, được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Cuối cùng, mẹ đã chọn bố tôi - một viên chức thấu hiểu tâm hồn mẹ. Bố không thể cho mẹ nhiều thứ, tuần trăng mật: không, váy cưới: không, nhẫn cưới cũng không. Nhưng theo lời mẹ thì bố tôi đã tặng cho mẹ hai món quà tuyệt vời nhất: một vườn hoa xinh xắn ở sau nhà và tôi, tài sản lớn nhất của mẹ.
Mùa xuân, tôi bước theo mẹ thăm những bông hoa vừa hé nụ. Mẹ bảo rằng nàng tiên Xuân đã đánh thức cả vườn hoa và mỗi bông hoa tươi là một nụ cười của cuộc sống. Bàn tay mẹ chăm sóc nâng niu cho từng nụ cười nở rộ, đưa hương thơm náo nức khắp vườn, vì hương thơm chính là linh hồn của cỏ hoa. Tôi chẳng thể nào phân biệt được như mẹ và mọi loài hoa trong mắt tôi, tôi đều gọi là “hoa mẹ”.
 
Có lần, hai mẹ con ra vườn chơi từ lúc mặt trời chưa dậy. Mẹ ôm tôi vào lòng, hát những lời ru ngọt ngào, thủ thỉ các câu chuyện cổ tích về nàng công chúa Hoa, chàng hoàng tử Lá… và nói với tôi đôi lời vu vơ:
 
- Con có thấy hạt sương đang run rẩy trên cánh đồng kia không?
 
- Mẹ hỏi rồi nói: Nó đang khóc đấy, vì chút nữa thôi, khi mặt trời lên, nó sẽ tan biến khỏi cõi đời này. Hạnh phúc nhiều khi đơn giản lắm, con hiểu không?
 
Tôi không hiểu lắm những điều mẹ nói. Được sống bên bố mẹ như thế này, tôi cũng đã thấy hạnh phúc lắm rồi.
 
Mùa hè ùa đến với những tia nắng rát bỏng xen lẫn những cơn mưa dữ dội. Cảnh vật khô héo đi dưới sức nóng của mặt trời. Tôi ghét mùa hè! Mùa hè làm hoa lá ủ rũ và làm mẹ tôi mệt mỏi. Mẹ thường xuyên bị chóng mặt và ho dữ dội, có lần mẹ còn bị ngất khi đang cùng tôi tưới hoa. Tôi chỉ biết ngồi khóc cho đến khi mẹ tỉnh dậy. Vậy mà mẹ dặn tôi rằng không được kể cho bố, rằng mẹ chỉ thiếp đi một chút thôi, và mẹ sẽ tự dậy được ngay.
 
Nhưng đến lần thứ hai, mẹ đã không tự dậy được.
 
Mẹ được chuyển ngay vào khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Tôi chỉ được bố giải thích là mẹ chỉ ốm nhẹ, mẹ phải xa tôi một thời gian. Nhưng tôi chẳng tin đâu vì bị ốm nhẹ thì mẹ đâu phải nằm bệnh viện và bố đâu phải lo lắng đến rộc cả người thế kia.
 
Ngày nào tôi cũng được bố đèo vào Bệnh viện thăm mẹ. Dù mệt mỏi nhưng mẹ vẫn tự tay vắt cam, pha sữa cho tôi uống. Mẹ cười rất tươi khi biết tôi vẫn chăm sóc cẩn thận những bông hoa ở nhà. Mẹ còn xin phép bác sĩ được tặng vài giống hoa đẹp cho khu vườn bệnh viện. Thấy mẹ như vậy, tôi cũng an tâm phần nào. Tôi sà vào lòng mẹ và nói:
 
- Mẹ ơi, mẹ có mệt lắm không? Mẹ phải nhanh khỏi ốm đấy nhé.
 
Mẹ âu yếm thơm tôi và trả lời:
 
- Ừ, mẹ sẽ nhanh khỏi ốm để đưa con gái mẹ đi chơi.
 
Thế nhưng lúc về, tôi thấy hình như mắt mẹ đẫm lệ.
 
Thấm thoát, thu tới, thời gian trôi ngày một nhanh và mẹ tôi ngày một yếu hơn. Vào thăm mẹ, tôi giật mình khi thấy mẹ xanh xao quá và tóc mẹ rụng từng mảng. Tôi cứ khóc lóc mãi nên mọi người đành phải cho tôi ở hẳn bệnh viện với mẹ. Một lần, trong giấc ngủ mơ màng, tôi loáng thoáng nghe tiếng mẹ thổn thức:
 
- Anh ơi, em sắp phải đi rồi… Em chẳng tiếc gì đâu, em chỉ tiếc con em thôi… Giá mà em được nhìn thấy con khôn lớn, rồi con mình kết hôn… Ước gì em được sống thêm vài năm nữa, không, vài tháng, vài tuần nữa thôi cũng được. Sắp khai giảng rồi anh nhỉ? Em sẽ dắt con đi chợ mua sách vở, sẽ mua cho con nhiều quần áo mới…
 
Bệnh của mẹ đã vào giai đoạn cuối... Nhìn mặt mẹ, tôi biết mẹ đang đau đớn đến cùng cực. Tôi nghe được lời nói của bác sĩ với bố:
 
- Tôi không hiểu tại sao cô ấy lại có thể trụ vững lâu đến vậy. Thứ giữ vững cô ấy đến giờ không phải là thuốc men nữa rồi. Mà có lẽ… là tình yêu thương...
 
Vì mẹ tôi ốm yếu quá cho nên mọi người không cho tôi được ở với mẹ. Tôi một mình lầm lũi trở về khu vườn thân quen. Những cơn gió lạnh buốt sục sạo khắp nơi như muốn tiêu diệt nốt các mầm sống còn sót lại. Những bông “hoa mẹ” úa tàn đổ gục xuống, những cánh hoa héo hắt và giập nát phủ đầy trên mặt đất, chốc chốc lại bị gió thổi tung lên, bay là tà. Nhưng kìa, ở giữa khu vườn vẫn còn trơ trụi một bông hoa xinh đẹp, dẫu cành lá đã xiêu vẹo hẳn đi nhưng vẫn bất chấp giá lạnh và kiên cường sống. Tôi chạy vội tới, dùng cả hai lòng bàn tay che chở cho nụ cười cuối cùng của cuộc đời. Một cơn gió sắc như dao lướt tới, bông hoa xinh khẽ run rẩy rồi gục xuống, trong bàn tay tôi chỉ còn lá hoa rời rụng. Tôi òa lên khóc:
 
- Mẹ ơi! Mẹ về đi! Con nhớ mẹ quá… Con chẳng cần sách vở, con chẳng cần quần áo mới đâu. Con chỉ cần mẹ thôi…
 
Một buổi tối, mẹ yêu cầu bác sĩ cho tôi được ngủ chung. Buổi tối hôm ấy, cả đời này tôi  không thể quên được. Mẹ tôi lại xinh đẹp như ngày xưa, da mẹ hồng hào, mắt mẹ long lanh. Trên khuôn mặt mẹ không còn nét đau đớn. Mẹ không nói gì cả, mà chỉ ôm tôi vào lòng, thật chặt. Tôi sung sướng áp mặt vài mái tóc thơm ngát của mẹ và ngủ thiếp đi.
 
Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng gào thét và tiếng chân người chạy cuống cuồng. Tôi mở choàng mắt ra. Mẹ vẫn nằm yên trên giường, miệng thoáng một nụ cười mãn nguyện. Bố tôi quỳ phục bên mẹ, thân hình cứng đờ như tượng đá.
 
Tôi gào lên gọi mẹ, rồi gọi bố. Nhưng không ai trả lời… Cô y tá vội bế thốc tôi ra khỏi phòng nhưng trước đó, tôi vẫn kịp nhìn thấy bác sĩ cầm bàn tay mẹ lên. Trên tay mẹ vẫn còn một chiếc khăn tay rỉ máu:
 
- Tội nghiệp! Cô ấy muốn con bé ngủ yên…
 
Những cánh bướm rập rờn nô đùa quanh hàng trăm bông hoa mơn mởn sắc hương. Chăm sóc cho vườn hoa ấy bây giờ chỉ còn tôi và bố, còn mẹ lặng lẽ ngụ ở một góc vườn ngắm nhìn hai bố con. Tôi đứng trước mộ mẹ mà lòng chợt thấy bâng khuâng. Được sống mãi trong khu vườn này bên những người thân yêu, đó là tâm nguyện của mẹ. Bố khẽ thở dài và vỗ vai tôi:
 
- Đừng buồn nữa con… Mẹ vẫn yêu thương chúng ta như chúng ta thương mẹ.
 
Tôi im lặng. Một mùi hương kì lạ: vừa nồng nàn đắm say, vừa nhẹ nhàng thanh khiết, có khi quấn quít không rời, có khi dịu dàng lan tỏa.

Đỗ Ngọc Hà

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây