Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Đức Phật dạy: "Giọt nước chỉ hoà vào biển thì mới khỏi cạn mà thôi”. Anh (chị) nghĩ gì về lời dạy trên? Viết bài văn bàn về vai trò của cá nhân và tập thể.

Thứ sáu - 02/12/2016 04:16
Tại sao đàn sếu luôn bay theo hình mũi tên, lao thẳng trong không trung, mạnh mẽ và vững vàng? Tại sao những chú ong nhỏ bé lại có thể xây dựng nên “công trình kiến trúc vĩ đại” của chúng? Tại sao loài động vật hoang dã lại có thể tồn tại được trong môi trường sống khắc nghiệt của những cuộc đấu tranh sinh tồn? Và tại sao con người có thể làm được mọi việc nếu như luôn biết sát cánh bên nhau? Bởi vì như Đức Phật đã dạy: “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi".
Một giọt sương đêm long lanh trên cành lá buổi sớm mai, trong suốt và đẹp, Nhưng rồi khi ánh Mặt Trời thiêu đốt, nó sẽ biến thành một làn hơi mà biến mất như chưa hề bao giờ tồn tại. Nhưng cùng giọt sương đêm ấy, đem nó hòa vào biển nước mênh mông của biển, hồ; nó sẽ không bao giờ mất đi. Mọi tinh thể nước đã tan ra, hòa nhập để tồn tại mãi. Tất cả các dòng sông đều bắt nguồn từ những con suối nhỏ. Rồi từ sông ấy lại đổ ra biển, tiếp tục cuộc hành trình của nước. Nếu như không có những con suối, con sông thì không thể có biển nhưng suối và sông không trải qua quá trình luân chuyển nước thì cùng sẽ cạn khô vào một ngày nào đó. Lời dạy của Đức Phật ngắn gọn nhưng gợi cho ta biết bao suy nghĩ giữa cái chung với cái riêng, giữa cá nhân với tập thể, làm sao để mình có thể trở thành một người có ích cho xã hội, không sống cuộc đời mờ mờ, nhạt nhạt, không một chút hình hài, bóng dáng.
 
Triết học đã chỉ ra rằng: Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, không có con người cá nhân, cá thể. Người ta không thể tồn tại trên cuộc đời này mà không có bất kì một mối liên hệ nào với cuộc sống, với những người xung quanh. Đó là một thực tế mang tính tất yếu. Bởi vậy, dù muốn hay không, con người vẫn phải đặt mình trong những mối quan hệ khác nhau. Thông qua những mối quan hệ ấy, người ta ngày càng hiểu biết hơn về cuộc sống, hoàn thiện nhân cách. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: Con người tồn tại tất nhiên trong các mối quan hệ nhưng điều đó không có nghĩa là những mối quan hệ ấy giúp khẳng định việc họ có mặt trên Trái Đất này. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng điều này lại hoàn toàn hợp lí. Tại sao vậy? Trên thực tế có rất nhiều người tuy sống giữa mọi người nhưng hoặc thờ ơ, hoặc sống mờ nhạt mà không để lại một dấu ấn nào của riêng mình, thậm chí những người xung quanh dường như không biết đến sự tồn tại của họ. Nghĩa là họ đang tách mình ra khỏi cuộc sống chung của đồng loại. Không thừa nhận mọi người và vì thế mà cũng sẽ không được những người xung quanh thừa nhận là một điều dễ hiểu. Vậy phải làm gì để thay đổi điều đó? Bàn đến vấn đề này ta nói đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, một mối quan hệ mang tính thường xuyên và tất yếu trong cuộc sống.
 
Liên hệ với những lời dạy của Đức Phật, ta nhận ra được mối liên hệ tương tự giữa cá nhân và tập thể giống như giọt nước và biển cả. Mỗi giọt nước khi tồn tại một mình là nhỏ bé và mong manh. Còn biển cả thì rộng lớn và vô tận. Giọt nước hòa vào biển cả, nó cũng trở nên vô tận như biển cả vậy. Nói đến cá nhân ta nói đến những cái riêng, mang bản sắc và phong cách của từng người. Tập thể là những cái chung, là môi trường chung cho mọi cá nhân hoạt động. Trong cộng đồng con người, mỗi hành động của cá nhân đều có một ảnh hưởng nhất định theo một chiều hướng nào đó đến những người xung quanh, đến xã hội. Nó hướng đến việc thể hiện mình, được thừa nhận và tất nhiên là cống hiến cho xã hội nữa. Một điều chắc chắn là con người luôn được đặt trong mối quan hệ với những người xung quanh, tức đặt trong mối quan hệ với tập thể, bởi vậy chỉ khi nào hòa mình vào tập thể họ mới có thể như giọt nước, từ đó không bao giờ vơi cạn. Hơn nữa, cũng chính nhờ sự hoà nhập này, tập thể sẽ được làm phong phú từ cá nhân, trở nên đa dạng và nhiều màu sắc hơn. Nói là vậy nhưng không phải lúc nào cũng tìm được sự hòa nhập, cũng như không phải ai cũng có thể đóng vai trò tích cực, hòa mình vào trong tập thể, không chỉ để khẳng định mình mà còn làm cho nó ngày càng tốt đẹp hơn lên, vẫn còn những người sống co mình trong vỏ ốc của riêng mình, không tiếp xúc với bên ngoài. Đó có thể là biểu hiện của sự nhút nhát, nhưng cũng có thể là thái độ “bất hợp tác”. Nhưng dù là thế nào đi nữa thì cũng đáng phê phán. Nó không chỉ làm mất dần những mối liên hệ giữa con người với nhau mà còn dễ khiến cho con người trở nên ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân, vẫn còn những người tuy sống trong tập thể nhưng chỉ chăm chăm tính toán đến những lợi ích cá nhân, lợi dụng tập thể... Sống để thực sự là một người có ích trong cộng đồng, điều đó không hề đơn giản.
 
Giữa cá nhân và tập thể có một mối quan hệ khăng khít. Vậy mỗi người phải làm gì để củng cố mối quan hệ ấy, phát triển cho nó càng trở nên tốt đẹp hơn, để tập thể và cá nhân đều phát huy được những thế mạnh của mình? Trước hết, mỗi cá nhân cần phải tự ý thức sâu sắc vai trò cũng như trách nhiệm của mình đối với tập thể. Bên cạnh đó cũng cần ý thức sâu sắc rằng mối quan hệ giữa người với người cũng như mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là tất yếu. Nhận thức để thấy được sự tác động trở lại giữa tập thể đối với mỗi cá nhân: Muốn sống có ý nghĩa, cần phải hòa nhập và cống hiến cho tập thể. Tập thể cũng cần có trách nhiệm trong việc định hướng cá nhân, giúp đỡ cá nhân để họ ngày càng hoàn thiện hơn, để tập thể thực sự là nơi cho cá nhân hòa nhập, thể hiện và phát triển. Cá nhân tốt sẽ làm cho tập thể vững mạnh. Mỗi một công dân tốt, biết đoàn kết với nhau sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp, làm nên một dân tộc hùng cường.
 
Là những người trẻ tuổi, thế hệ tương lai quyết định vận mệnh của đất nước, thế hệ trẻ cần ý thức sâu sắc được vai trò của mình trong tập thể cũng như ý thức được tầm quan trọng của tập thể trong sự phát triển cá nhân. Cuộc sống vật chất ngày càng đẩy đưa, sự trang bị tiên tiến khiến cho chỉ ở một nơi mà con người có thể cập nhật được tất cả tin tức trong và ngoài nước. Điều đó dễ khiến con người thu mình vào thế giới riêng, ít giao tiếp trực tiếp với bên ngoài mà đánh mất đi ở mình khả năng giao tiếp và hòa nhập. Nhưng cô tú, cậu tú, mải mê bên bàn phím vi tính, khi ra đời nhìn cuộc sống bằng cặp mắt khờ dại, đờ đẫn. Không quen nói trực tiếp phát biểu suy nghĩ của minh, người ta dễ quên đi cách để có thể nói chuyện với người khác. Đối với một lứa tuổi lẽ ra đang tràn đầy sức sống, đầy ắp những ý tưởng sáng tạo đây là điều không chỉ đáng buồn mà còn đáng báo động. Không ít những thanh thiếu niên quen sống trong sự nuông chiều của gia đình mà trở nên ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích và mong muốn đạt được những đòi hỏi của bản thân mà không quan tâm đến việc người khác sẽ nghĩ gì hay điều đó sẽ ảnh hưởng gì đến những người xung quanh, Mọi lúc, mọi nơi, gia đình và xã hội cần phải có sự quan tâm đúng mức tới thế hệ trẻ để họ có thể vượt qua những nhược điểm của mình, trở thành một người có ích cho xã hội.
 
“Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi". Mỗi con người hãy tự biến mình thành một giọt nước, một giọt nước trong suốt và đẹp đẽ để có thể hòa nhập vào biển - cộng đồng rộng lớn, để không bao giờ vơi cạn...

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây