Cố nhiên, yêu thương con người thì phải chống lại những thế lực chà đạp lên con người. Mang lại bất hạnh cho Thúy Kiều không phải một vài con người cá biệt nào mà là cả một xã hội, từ kẻ đại diện cho xã hội ấy như bọn quan lớn, quan bé, gia đình quan lại, đến bọn thừa hành như đám nha lại, rồi những kẻ sống bằng nghề buôn bán nhan sắc phụ nữ... Tất cả đều vì một chữ Tiền. Trong xã hội ấy, đồng tiền đã thực sự trở thành một tai họa đối với con người:
"Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"
Đồng tiền chi phối việc xử kiện của quan lại. Đó là khi ông quan xử kiện tuyên bố: “Phái ba trăm lạng việc này mới xong" ; Đồng tiền đã biến những nho sĩ như Mã Giám Sinh, Sở Khanh thành những tên ma cô dắt gái, đã biến Thúc Sinh thành một kẻ ăn chơi trác táng... Đồng tiền có thể mua bán trinh tiết thiêng liêng của người phụ nữ và Thúy Kiều trở thành một món hàng để mặc cả:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.
Sống trong một xã hội như vậy, kẻ bất lương thì tha hồ lộng hành, còn người tốt, lương thiện thì không có chỗ để tồn tại. Thúy Kiều bị dày vò đủ dường, người duy nhất dám bênh vực nàng chỉ có Từ Hải nhưng cái xã hội ấy lại coi Từ Hải là giặc và giết chết chàng bằng âm mưu xấu xa.
Có thể nói, mặc dù là một tri thức Hán học nhưng Nguyễn Du đã có cái nhìn rất thực tế về sức mạnh của đồng tiền và tác hại của nó khi người ta (nhất là các quan lại, viên chức chính quyền) không giữ được cái tâm trong sáng, không kiềm chế được ham muốn ích kỉ, cá nhân. Trong một xã hội bất công, Nguyễn Du đau xót nhận ra rằng:
"Trong tay có sẵn đồng tiền
Dễ dàng đổi trắng thay đen khó gì"
Đồng tiền có một sức mạnh ghê gớm, tác yêu tác quái và có thể thay đổi tất cả số phận các nhân vật trong truyện Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều là một minh chứng tiêu biểu. Sức mạnh “đổi trắng thay đen" của đồng tiền khiến cho thằng bán tơ có thể vu oan giá họa cho gia đình Vương Ông, đẩy vào cảnh chia lìa, tan tác, đẩy Thúy Kiều vào cuộc đời mười lăm năm lưu lạc “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần". Đồng tiền làm con người ta mất hết đạo lí, tình người, “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền". Là một người trải qua biết bao gió bụi cuộc đời, trong một xã hội đầy bất công, Nguyễn Du hiểu sâu sắc sự chi phối của đồng tiền đối với cuộc sống của con người. Tất nhiên, quan niệm ấy nghe có phần tiêu cực nhưng nó lại hoàn toàn phù hợp với những ngang trái trong xã hội lúc bấy giờ. Bản thân đồng tiền không có lỗi, nó chỉ là một phương tiện để con người trao đổi, mua bán, vấn đề là ở chỗ con người sử dụng đồng tiền như thế nào, vào mục đích gì. Và những gì mà Nguyễn Du nhìn thấy là như thế đấy...
Gần ba thế kỉ trôi qua, câu chuyện về đồng tiền của Nguyễn Du vẫn còn nguyên giá trị và đặt ra cho chúng ta những vấn đề trăn trở trong cuộc sổng hiện đại, vẫn đóng vai trò như từ khi được sinh ra, đồng tiền là một phương tiện quan trọng trong lưu thông hàng hóa. Đồng tiền tham gia vào quá trình phát triển của xã hội và cũng là minh chứng cho sự phát triển ấy. Đồng tiền giúp cho con người sống tốt hơn, đủ đầy hơn. Đồng tiền tương thân tương ái dành cho đồng loại của mình, những người kém may mắn hơn sẽ là một liều thuốc tinh thần động viên rất lớn, đòi khi có thể cứu vớt được cả một số phận. Đồng tiền đóng góp vào các công trình phúc lợi sẽ mang đến một cộng đồng văn minh, phát triển. Đồng tiền đầu tư cho thế hệ tương lai sẽ mang đến những mùa quả ngọt và một tương lai tươi sáng... Đồng tiền là không thể thiếu trong cuộc sống con người và khi được sử dụng một cách đúng cách, đúng mục đích nó sẽ phát huy tối đa súc mạnh của mình, mang đến những kết quả có ý nghĩa. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản, con người không chỉ dừng lại ở những mặt tốt, ở lòng nhân ái và thương yêu, trong họ còn biết bao những dục vọng, và khi con người mãi mê chạy theo dục vọng, ấy là lúc mặt trái của đồng tiền - như những gì Nguyễn Du đã từng thấy - xuất hiện. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, mặt trái của đồng tiền còn có những biểu hiện phức tạp hơn rất nhiều. “Ông quan ba trăm lạng" giờ đây hiện hình trong những ông quan tham ô hối lộ, bòn rút tiền công quỹ, tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân, những ông quan dùng tiền để mua danh, bán tước,… vừa trắng trợn lại vừa vô cùng tinh vi. Vẫn còn những kẻ sẵn sàng làm mọi việc vì đồng tiền, không màng đến lương tâm, nhân tính như thẳng bán tơ, bọn sai nha, Mã Giám Sinh, Tú Bà... Tất cả đang ngày càng làm cho công bằng trong xã hội bị đe dọa. Đồng tiền đang làm cho nhân tính của con người xuống cấp nghiêm trọng. Đó là đối với những kẻ quá coi trọng đồng tiền mà bất chấp tất cả. Nghịch lí là bên cạnh đó lại có những người không hề biết quý trọng đồng tiền. Mỗi đồng tiền chân chính đều được làm ra từ những nhọc nhằn, từ mồ hôi, nước mắt và thậm chí có cả máu, vậy mà vẫn còn biết bao kẻ vung tiền như rác, còn biết bao những cậu “công tử Bạc Liêu” dùng tiền dễ đun bếp, và biết bao cậu ấm cô chiêu đốt tiền trong những thú chơi vô bồ thậm chí là tai hại... Họ có thể là những đứa trẻ được nuông chiều từ nhỏ, muốn gì được nấy nên không thấy được giọt mồ hôi của người lao động thấm trong từng đồng tiền. Họ không phải làm ra và cũng không biết quý trọng nó. Cũng có những người hiểu được giá trị đồng tiền nhưng lại bị những ham muốn của bản thân thống trị mà đua đòi ăn chơi trác táng. Và kết cục vẫn là những đồng tiền bị sử dụng một cách vô nghĩa. Đồng tiền không được quý trọng thì cũng chỉ là một thứ phương tiện xấu mà thôi.
Đồng tiền chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được sử dụng đúng mục đích. Mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc điều này. Là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta vẫn sống dựa vào sự chăm sóc của bố mẹ. chưa có khả năng tự làm ra kinh tế nuôi sống bản thân, cần ý thức được công sức của cha mẹ làm ra đồng tiền để chăm lo cho mình mà có kế hoạch trong chi tiêu. Chi tiêu tiết kiệm phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể sẽ chứng tỏ bạn là một người biết tính toán, có trách nhiệm với chính bản thân cũng như gia đình và xã hội. Biết quý trọng đồng tiền để sau này có thể tự hào về những đồng tiền chân chính do mình làm ra. Xã hội ngày càng phát triển mang theo biết bao cám dỗ vật chất. Tiền là cần thiết, tiền là phương tiện để trao đổi, mua bán nhưng tiền không mua được mọi thứ. Không thể dùng tiền để đánh đổi lấy tình yêu thương, lấy lòng nhân ái, lấy lòng tự trọng và danh dự của một con người... Bởi vậy, điều quan trọng là cần phải rèn luyện cho mình một đời sống tinh thần trong sáng, vượt qua cám dỗ để sống có ý nghĩa hơn, sổng người hơn.
Từ cách đây gần ba thể kỉ, Nguyễn Du đã trăn trở về một vấn đề lớn mà đến ngày nay nó vẫn còn nguyên ý nghĩa. Tùy theo từng thời đại mà đồng tiền có những giá trị và sự biểu hiện giá trị khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm là nó phụ thuộc vào quan niệm và cách ứng xử của con người với đồng tiền. Mong rằng mỗi người trong chúng ta đều ý thức được điều đó để những đồng tiền làm ra trên Trái Đất này đều là những "đồng tiền sạch”, những đồng tiền ý nghĩa và chân chính.