Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương" (Truyện Lục Vân Tiên). Anh (chị) hiểu ý thơ trên như thế nào? Hãy viết bài văn bàn về lẽ ghét thương trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ năm - 01/12/2016 04:23
Nhà văn nôi tiếng người Nga Đôxtôievxki đã từng nói: “Tôi vẫn còn một trái tim, một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ”. Xưa nay vẫn vậy, nhà văn chân chính luôn là những người mang cái tâm của mình để cảm nhận, phản ánh và mong muốn thay đổi xã hội. Tiếng nói yêu thương tình nghĩa trong ca dao hướng con người tới những tình cảm cộng đồng tốt đẹp. Nguyễn Du làm thơ về những cảnh đời bất hạnh là tiếng nói phê phán xã hội và cảm thông dành cho con người. Nguyễn Đinh Chiểu viết về những con người miền Nam trung thực, đôn hậu như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Vương Tử Trực... đồng thời qua hàng loạt các nhân vật như ông Ngư, ông Tiều, ông Quán… thể hiện những quan niệm tiến bộ của mình về lẽ sống. Trong cuộc đối thoại với bốn chàng nho sinh (Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hàm, Bùi Kiệm), ông Quán đã nói thay lời nhà thơ: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Quan niệm này về bản chất vẫn giữ nguyên giá trị nhưng ngày nay đã mang những ý nghĩa mới.
“Truyện Lục Vân Tiên" là tập truyện thơ được lưu hành rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt trên mảnh đất Nam Kì. Truyện thể hiện quan niệm đạo đức truyền thống và khát vọng của những người bình dân về lẽ công bằng trong khuôn khổ xã hội phong kiến. Đoạn trích bàn về "lẽ ghét thương” có thể coi là một đoạn thơ triết luận đạo đức có lập luận chặt chẽ, có chứng cứ rõ ràng, cô đúc như những tuyên ngôn. Nhân vật ông Quán đã khẳng khái nêu lên quan niệm của mình về lẽ ghét thương trong cuộc sống, thương - ghét rõ ràng, phân minh. Ông Quán ghét những gì?
 
“Quán rằng ghét việc tầm phào
Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm”.
 
Nhà thơ đã giúp ông đưa ra hàng loạt những điển tích rút ra từ lịch sử Trung Quốc. Đó là đời Kiệt, Trụ hoang dâm vô độ (Vua Trụ lấy rượu chứa thành ao, lấy thịt treo thành rừng rồi cho con trai con gái thỏa sức ăn chơi, dâm dật, xem đó là thú vui). Đời U, Lệ thì đa đoan (U Vương say đắm Bao Tự, để mua vui cho nàng mỗi ngày có thể sai người xé hàng trăm tấm vải - nàng Bao Tự thích nghe tiếng vải xé). Đời Ngũ bá, thúc quý hỗn loạn, chiến tranh liên miên... Tất cả các triều đại đó đều chính sự suy tàn, rối ren, vua chúa không chăm lo đến đời sống của nhân dân, còn đẩy nhân dân vào cảnh lầm than, khổ cực. Có thể thấy, trong mỗi câu lục bát, không câu nào là không có một chữ "dân" được nhắc đến. Tác giả đã đứng về phía nhân dân, đứng trên lợi ích của nhân dân để trình bày quan niệm của mình. Nó sâu sắc đến mức "ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm".
 
"Ghét" đã như vậy, nhưng lòng ông Quán cũng “thương" rất nhiều. Thương là thương đức thánh nhân, thầy Nhan Tử, các ông Gia Cát, Đồng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Đó đều là những người có tài, có đức, nhất là có chí muốn hành đạo, giúp đời, giúp dân nhưng do thời thế mà không đạt được sở nguyện. (Khổng Tử lận đận "Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông”, Nhan Uyên "dở dang" chết sớm, Gia Cát "đã đành phui pha" tài năng bởi không thể xoay chuyển nỗi thời vận nhà Hán...). Cũng giống như khi ghét, cái thương của ông Quán cũng là của nhà thơ xuất phát từ tình cảm yêu thương nhân dân, mong muốn nhân dân được sống yên bình, hạnh phúc, những người tài đức có điều kiện thực hiện chí nguyện bình sinh.
 
Hai tình cảm "‘thương” và “ghét” cùng có xuất phát điểm từ một trái tim đa cảm, tưởng mâu thuẫn nhưng lại hoàn toàn thống nhất, cũng bởi “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. “Thương" là cội nguồn cảm xúc, "ghét cũng từ "thương" mà ra. Điều này cũng giống như quan niệm từ xưa của cha ông trong cách nuôi dạy con cái: “Thương cho roi cho vọt". Bởi vì thương, bởi vì muốn tốt cho con cái nên mới cần phải nghiêm khắc. Bởi vậy không thể nhìn vào cái bề ngoài mà đánh giá rằng bậc cha mẹ đó không thương yêu con cái. Nghiêm khắc để con cái tự lập, có khả năng tự chịu trách nhiệm, tự chăm lo cho mình cũng như biết thương yêu người khác đó mới là cách giáo dục tốt nhất, và tình thương yêu đó mới là tình thương yêu đúng đắn, đúng nghĩa nhất. Đó cũng chính là cách mà ta có thể dùng cắt nghĩa cho quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu về “lẽ ghét thương”. Nhà thơ ghét những gì? Chỉ toàn là những điều làm ảnh hưởng, đày đọa đến cuộc sống của người dân. Cái ghét ấy không phải là một biểu hiện của tình thương thì là gì? Thậm chí đó còn là biểu hiện cho tình thương yêu cao cả vì nó vượt lên những biểu hiện bề ngoài, không chỉ là thương yêu mà còn là thương yêu trên tinh thần phê phán nữa. Điều này có thể cắt nghĩa từ chính con người nhà thơ. Tác giả thương ra thương, ghét ra ghét, không mập mờ, lẫn lộn cũng không nhạt nhòa, chung chung nhưng thương và ghét lại đan cài nhau, không thể tách rời. Bởi thương đến xót xa trước cảnh nhân dân phải chịu lầm than khổ cực, thương những con người tài đức bị vùi dập, phải mai một tài năng và chí nguyện nên Nguyễn Đình Chiểu càng căm ghét những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào cảnh éo le, oan nghiệt. Giữa cuộc đời đầy rẫy những bất công ngang trái, trái tim yêu thương của nhà thơ không thể không cất lên tiếng nói bất bình, căm giận với những gì đi trái với đạo lí.
 
Có thể nói đây không chỉ là biểu hiện của một cái tâm cao cả mà còn là biểu hiện cho một quan niệm sống, một tư tưởng đạo đức tiến bộ. Nó khiến cho chúng ta nhìn nhận và suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn về “lẽ ghét thương” của con người trong cuộc sống hàng ngày.
 
Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm về thương, ghét có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng về cơ bản người ta vẫn thấy ở đó điểm tương đồng với những gì nhà thơ Nam Bộ của chúng ta đã nói. Thương yêu đã đáng trân trọng nhưng phê phán, tỏ thái độ căm ghét để mong muốn xã hội tốt đẹp hơn cũng là một biểu hiện đáng trân trọng của lòng yêu thương. Nguyễn Đình Chiểu, với cái tâm của một nhà nho "ưu thời mẫn thế”, nên cái thương, ghét của nhà thơ chỉ tập trung vào nhân dân và những đối tượng có ảnh hưởng đến cuộc sống và vận mệnh của nhân dân, tức cái thương yêu mang tính chung, cái thương yêu ít nhiều “vô ngã” như thường thấy trong văn học trung đại. Trong cuộc sống hàng ngày, ghét - thương có khi lại được thể hiện trong những điều vô cùng giản dị. Thương yêu gia đình, những người xung quanh mình, thương yêu cuộc sống và thương yêu, quý trọng chính bản thân... Đó là những tình thương tưởng chừng như đơn giản nhưng để thực hiện nó đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực. Đó cũng có thể là thái độ phê phán, căm ghét nhũng kẻ không biết quý trọng cuộc sống quanh mình, quý trọng những gì mình đang có cũng như quý trọng người khác... Ghét và thương đúng nghĩa giúp con người sống tốt, hoàn thiện hơn, nhờ thế mà sẽ xây dựng được xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Lẽ ghét thương thể hiện quan niệm sống và bản chất của con người. Những người có nhân cách tốt, quan niệm sống tiến bộ sẽ là những người biết cách để yêu thương và được thương yêu. Những kẻ sống cuộc đời nhỏ nhen sẽ không thể làm được gi khác ngoài việc ích kỉ, chỉ đòi hỏi nhận về mà không muốn cho đi, sẽ không thể yêu thương người khác mà thậm chí tồi tệ hơn có thể chỉ biết tới việc thù hẳn, đố kị và căm ghét xã hội, căm ghét người khác mà thôi. Cách sống ấy muôn đời đáng bị phê phán và sẽ không có chỗ trong một xã hội đang ngày càng tiến bộ và nhân văn. Xa xưa, khi xây dựng nên câu chuyện cổ tích về cô Tấm hiền lành (Tấm Cám), chàng Thạch Sanh tốt bụng (Thạch Sanh), người em ngoan ngoãn chăm chỉ (Cây khế), các tác giả dân gian đã luôn xây dựng một thế lực đối lập với cái Thiện là cái Ác mà mẹ con nhà Cám tham lam, tàn nhẫn. Lí Thông nham hiểm, người anh tham lam là điển hình... Cuộc đấu tranh giữa hai thế lực mà phần thắng luôn dành cho những con người tốt bụng, vị tha đã minh chứng cho sức mạnh của yêu thương và chính nghĩa. Đưa ra cái xấu để khẳng định cái tốt, đưa ra cái xấu bởi mong muốn xóa bỏ hết những gì đang chà đạp lên quyền sống và quyền hạnh phúc của con người. “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Ngày nay, khi xã hội đang ngày càng tiến lên đòi hòi mỗi người phải có thái độ sống tích cực, minh bạch, yêu ghét rõ ràng, có bản lĩnh để lên án, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội đồng thời mở rộng lòng mình để yêu thương mọi người. Dám lên tiếng chống lại tệ nạn tham ô, hối lộ, bòn rút tiền của nhà nước; dám lên tiếng chống lại bệnh thành tích trong giáo dục,... Đó là những biểu hiện hết sức thiết thực và có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Thiết nghĩ, người ta có thể yêu thương từ những điều rất nhỏ nhưng không phải ai cũng sẽ là người có đủ bản lĩnh và sáng suốt để có được một sự “ghét” đúng đắn. Thế mới có những trường hợp một số người vì những động cơ cá nhân mà sự yêu ghét không phân minh: Những cái đi ngược với luân lí và đạo đức nhưng nếu như mình thích hoặc vì lợi ích riêng thì vẫn ra sức bảo vệ và làm theo. Còn những điều hợp với lòng người nhưng không hợp với mong muốn của bản thân thì ra sức bài xích, chê bai thậm chí tìm mọi cách để phá hoại. Đó là những tư tưởng đáng bị phê phán trong mọi thời đại. Là thế hệ lương lai của đất nước, hơn ai hết người trẻ tuổi cần là những người phải rèn luyện cho mình lập trường tư tưởng và đạo đức đúng đắn, không chỉ mở rộng lòng mình ra để yêu thương mà còn phải có thái độ chống lại các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Bắt đầu bằng việc trân trọng bản thân mình, thương yêu, kính trọng ông bà. cha mẹ; giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ những ngươi xung quanh khi gặp cảnh không may, sa cơ lỡ vận, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để đưa dân tộc ta ngày càng vươn xa.
 
"Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Lẽ ghét thương ấy của nhà thơ cách chúng ta hơn một thế kỉ nhưng vẫn có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống hôm nay...

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây