Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cô-phi An-nan và tác phẩm: Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, 01 - 12 - 2003

Chủ nhật - 27/08/2017 10:29
Tháng 4 năm 2001, An-nan đưa ra thông điệp năm điểm Lời kêu gọi hành động hướng đến đại dịch HIV/AIDS. Ông xem việc chống lại đại dịch này là nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Sức khoẻ và AIDS toàn cầu, nhằm kêu gọi tăng cường mức chi tiêu cho công cuộc chiến đấu với HIV/AIDS tại các quốc gia đang phát triển.
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Kofi Annan (Cô-phi An-nan) là Tổng thư kí thứ bảy của Liên hợp quốc, nhiệm kì 1997 - 2006. Với những đóng góp to lớn của ông cho nền hoà bình của nhân loại, ngày 10 - 12 - 2001, ông được trao giải Nô-ben hoà bình, “vì những nổ lực giúp kiến tạo một thế giới hoà bình hơn và được tổ chức tốt hơn”.
 
An-nan sinh ngày 8 - 4 - 1938 tại Ku-sa-mi, Ga-na, trong một gia đình thuộc đẳng cấp cao của đất nước, có nhiều người (ông nội, ông ngoại và bác) làm tù trưởng bộ tộc.
 
Từ 1954 đến 1957, An-nan theo học tại trường Mơ-phan-xi-pim, một trường nội trú thuộc giáo hội Giám Lí, được thành lập vào thập niên 1870 tại Kếp Cốt, dưới sự bảo trợ của Anh. Tại đây, do không tán thành chế độ dinh dưỡng của nhà trường, An-nan đã lãnh đạo các sinh viên biểu tình tuyệt thực để yêu cầu cải thiện thực phẩm.
 
Năm 1958, An-nan theo học ngành Kinh tế tại trường Đại học Khoa học và Kĩ thuật Ku-ma-si. An-nan giành được học bổng của quỹ Pho để hoàn thành chương trình cử nhân vào năm 1961 tại Đại học Ma-ca-le-xtơ tại Xanh Pôn, Min-ne-sô-ta, Hoa Kì. Năm 1962, An-nan được cấp bằng thạc sĩ tại Học viện Kĩ thuật Ma-xa-chu-xét. An-nan thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Phan-tê và nhiều ngôn ngữ châu Phi khác.
 
Đầu thập kỉ 1950, An-nan chứng kiến sự biến chuyến lớn của đất nước Ga-na, khi đất nước giành quyền tự chủ.
 
An-nan bắt đầu làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hợp quốc vào năm 1962. Tại đây, ông đã chứng tỏ được năng lực quản lí của mình. Nhưng từ 1974 đến 1976, muốn góp sức xây dựng đất nước, ông về Ga-na làm giám đốc du lịch.
 
Sau đó, ông trở lại Liên hợp quốc giữ chức vụ phụ tá Tổng thư kí chuyên trách việc quản lí nhân lực, phối hợp an ninh và nhiều lĩnh vực khác. Tháng 10 năm 1995, An-nan được bổ nhiệm làm đặc phái viên cho Tổng thư kí Liên hợp quốc tại Nam Tư (cũ), rồi trở về làm phụ tá Tổng thư kí vào tháng 4 năm 1996.
 
Ngày 13 tháng 12 năm 1996, An-nan được bầu làm Tổng thư kí Liên hợp quốc. Như thế, An-nan trở thành người da đen đầu tiên của châu Phi đảm nhận vị trí lãnh đạo Liên hợp quốc.
 
An-nan tái đắc cử và bắt đầu nhiệm kì thứ hai ngày 1 tháng 1 năm 2002.
 
2. Văn nghiệp
An-nan là người nổi tiếng với nhiều văn bản nghị luận chính trị - xã hội. Trong các văn bản này, ông thường hướng đến những vấn nạn nhân loại gặp phải trong thời điểm hiện tại và kêu gọi mọi người nỗ lực vượt qua.
 
Tháng 4 năm 2001, An-nan đưa ra thông điệp năm điểm Lời kêu gọi hành động hướng đến đại dịch HIV/AIDS. Ông xem việc chống lại đại dịch này là nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Sức khoẻ và AIDS toàn cầu, nhằm kêu gọi tăng cường mức chi tiêu cho công cuộc chiến đấu với HIV/AIDS tại các quốc gia đang phát triển.
 
Ngày 19 tháng 9 năm 2006, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc, trước nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, An-nan đọc diễn văn từ biệt, chấm dứt nhiệm kì thứ hai của ông vào cuối năm. Trong đó, ông nhấn mạnh ba vấn nạn lớn của thế giới, “nền kinh tế bất công bằng, sự hỗn loạn, và sự phát triển xu thế xem thường nhân quyền và thể chế pháp trị”. Đấy là những hiểm hoạ mà ông tin rằng “không những không được giải quyết mà ngày càng tồi tệ hơn” trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ Tổng thư kí.
 
II. TÁC PHẨM:  Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, 01 - 12 - 2003
1. Bố cục
Văn bản có chín đoạn, căn cứ vào số lần xuống dòng. Nội dung các đoạn như sau:
Thứ tự Nội dung
Đoạn 1 Nhắc lại quyết tâm phòng chống AIDS cách đây hai năm của các quốc gia trên thế giới
Đoạn 2 Nguồn lực tăng lên những vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế
Đoạn 3 Các nước có chiến lược phòng chống, ngân sách được tăng thêm, có sự phối hợp giữa các tổ chức
Đoạn 4 Nhưng đại dịch vẫn lan nhanh trên toàn thế giới
Đoạn 5 Chúng ta không thể hoàn thành mục tiêu như trong tuyên bố chung
Đoạn 6 Cần nỗ lực hơn nữa cần đặt vấn đề AIDS lên hàng đầu
Đoạn 7 Phê phán thái độ im lặng và ảo tưởng an toàn của con người trước đại dịch
Đoạn 8 Kêu gọi mọi người lên tiếng và không kì thị với những người mang AIDS
Đoạn 9 Kêu gọi mọi người cùng sát cánh chống lại HIV/AIDS
 
- Phần 1 (đoạn 1): Nhắc lại quyết tâm phòng chống AIDS.
- Phần 2 (đoạn 2 - 6): Sự gia tăng của đại dịch.
- Phấn 3 (đoạn 7): Phê phán thái độ thờ ơ và kì thị của con người.
- Phấn 4 (đoạn 8 - 9): Kêu gọi mọi người cùng đứng lên chống đại dịch HIV/AIDS.
Như thế, văn bản có sự mạch lạc, chặt chẽ, lôgíc. Từng phần liên kết với nhau một cách hợp lí. Các luận điểm được phát biểu rõ ràng. Dẫn chứng được chọn lọc kĩ càng và được đưa ra rất có sức thuyết phục.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Lập luận
- Nội dung lập luận:
Do mục đích là kêu gọi mọi người đối diện với nguy cơ ngày một lan rộng của HIV/AIDS và tích cực chống trả nên tác giả mở đầu bằng gợi nhắc về sự đồng tâm hiệp lực đế chống lại HIV/AIDS.
 
Tiếp tục, người viết trình xuất những nỗ lực đáng ghi nhận của con người trong cuộc phòng chống ấy. Những nỗ lực mang lại kết quả nhất định, nhưng ngần ấy chưa đủ để đẩy lùi hiểm hoạ HIV/AIDS.
 
Trong khi đó vì ích kỉ, thờ ơ với đồng loại, nhiều người không quan tâm đến mối hiểm nguy này. Họ không biết HIV/AIDS sẽ không loại trừ bất kì một ai.
 
Do vậy, cần phải ý thức được mối nguy hại ấy và phải đoàn kết cùng quyết tâm đẩy lùi đại dịch.
 
- Hình thức lập luận:
Tác giả sử dụng giọng điệu hào hứng, tha thiết, đầy nhiệt huyết để động viên, kêu gọi mọi người kết đoàn vì sự nghiệp lớn: “Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, tôi kêu gọi các bạn hãy cùng tôi lên tiếng thật to và dõng dạc về HIV/AIDS”.
 
Những số liệu đưa ra cụ thể và đầy sức thuyết phục: “mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV”.
 
Kiểu câu nhiều mệnh đề luôn được tác giả sử dụng. Kiểu câu này góp phần tạo sự tăng cấp, tạo nên giọng điệu mạnh mẽ, dồn dập cho lập luận: “Dè dặt, từ chối đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu này, hoặc vội vàng phán xét đồng loại của mình, sẽ khiến chúng ta không đạt được tiến độ hoàn thành các mục tiêu này, thậm chí chúng ta còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/AIDS”. Trong câu này, tác giả sử dụng kết hợp nhiều kiểu lập luận: cấu trúc lựa chọn hoặc... hoặc, cấu trúc giả định nếu... thì. Do vậy, khi tiếp xúc với văn bản, người đọc, người nghe dễ được thuyết phục, dễ chấp nhận nội dung người viết muốn hướng đến.
 
Cấu trúc câu kêu gọi với từ “hãy” được sử dụng nhiều trong văn bản: “Hãy đừng để một ai...”, “Hãy cùng tôi giật đổ..,”, “Hãy sát cánh cùng tôi...”. Như thế, thông điệp này thực chất là lời kêu gọi mọi người nhận thức vai trò của mình trước nạn dịch HIV/A1DS.
 
Ngoài các con số, tác giả còn sử dụng phép liệt kê. Thủ pháp này được sử dụng theo lối tương phản - tương đồng. Có nghĩa sau khi liệt kê các dữ liệu cho thấy sự quan tâm ngày một lớn hơn của các tổ chức xã hội, các chính phủ,... thì ngay sau đó, người viết tập trung chứng minh HIV/AIDS “có rất ít dấu hiệu suy giảm”: “ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuổi thọ của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ...”. Không chỉ HIV/AỈDS gia tăng ở nữ giới, mà còn diễn ra trên một không gian rộng lớn: “đặc biệt là Đông Âu và toàn bộ châu Á, từ dãy núi U-ran đến Thái Bình Dương”. Từ lập luận này, tác giả cảnh báo con người phải lập tức hành động, nếu không thì quả là quá chậm trễ.
 
b. Chủ đề
Bằng lối viết sắc sảo, đầy thuyết phục, Cô-phi An-nan đã chỉ cho mọi người thấy HIV/AIDS là hiểm hoạ của toàn nhân loại và đang gia tăng rất nhanh. Con người cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để cứu cộng đồng và cứu chính bản thân mình.
 
Lời phát biểu của An-nan trong diễn văn Thông điệp cho thiên niên kỉ mới (Ngày 31 tháng 12 năm 1999) cũng có thể được dùng như lời hiệu triệu nhân loại trước đại dịch HIV/AIDS: “Hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang chia sẻ với nhau cùng một số phận. Chúng ta chỉ có thể làm chủ số phận của mình khi nào chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Đó là lí do tại sao chúng ta có Liên hợp quốc”.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây