I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Quang Dũng (1921 - 1988), tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở tại Phượng Trì, Đan Phượng, Hà Tây. Ông tham gia bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau khi học trường sư phạm tại Hà Nội, Quang Dũng làm nhạc công gánh hát rong và làm gia sư tại Hà Nội.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ông chiến đấu trên hai mặt trận: vừa là người cầm bút nhưng cũng vừa là người cầm súng. Năm 1947, ông từng là đại đội trưởng thuộc Trung đoàn Thủ Đô. Ông cũng hoạt động văn nghệ ở Liên khu III thời kháng chiến, từng là trưởng phòng văn nghệ Liên khu. Ông đã viết nhiều truyện ngắn và kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông nổi tiếng trong khu kháng chiến. Sau 1954, ông làm biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học.
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài (làm thơ, viết văn, vẽ tranh,...), nhưng nổi bật nhất là thơ - một hồn thơ đầy cảm hứng lãng mạn, hào hoa, thanh lịch - có khả năng cảm nhận và diễn tả tinh tế, giàu chất mộng mơ.
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
2. Văn nghiệp
Những tác phẩm tiêu biểu: Mùa hoa gạo (truyện ngắn, 1950), Rừng biển quê hương (1957), Đường lên Châu Thuận (1964), Rừng về xuôi (Truyện kí, 1968), Nhà đồi (truyện kí, 1970), Gương mặt hồ Tây (Bút kí, in chung 1984), Mây đầu ô (1988). Tây Tiến là một trong những bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng.
3. Phong cách
Thơ Quang Dũng có sự kết hợp tài tình giữa chất hiện thực và chất lãng mạn cách mạng. Thơ ông mang vẻ hào hoa của một tâm hồn nghệ sĩ lớn, một tâm hồn tha thiết với cái đẹp, với quê hương, đất nước. Vượt lên trên những khó khăn gian khổ về vật chất, thơ ông bao giờ cũng toát lên vẻ trẻ trung, yêu đời,... của một tráng chí sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn.
II. TÁC PHẨM: Tây Tiến
1. Xuất xứ
Tây Tiến là phiên hiệu của một đơn vị quân đội ta, tương đương cấp trung đoàn, được thành lập vào đầu năm 1947. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là học sinh, thanh niên Hà Nội, chiến đấu trên núi rừng miền Tây Bắc và biên giới Việt - Lào.
Đơn vị chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy họ vẫn phơi phới tinh thần lãng mạn.
Sau hơn một năm chiến đấu trong đoàn binh Tây Tiến, Quang Dũng đi nhận nhiệm vụ mới. Nhớ đơn vị cũ, năm 1948, tại Phù Lưu Chanh ông viết Nhớ Tây Tiến sau đổi thành Tây Tiến.
2. Bố cục
Đoạn 1 (14 câu dầu): Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra trong nỗi nhớ trên cái nền thiên nhiên miền tây hùng vĩ.
Đoạn 2 (từ câu 15 đến câu 22): Những kỉ niệm đẹp về một thời trận mạc.
Đoạn 3 (từ câu 23 đến câu 30): Hình tượng tập thể về đoàn quân Tây Tiến.
Đoạn 4 (4 câu cuối): khúc ca bi tráng.
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Xuyên suốt cả bài thơ Tây Tiến là bàng bạc nỗi nhớ: nhớ núi rừng miền tây, nhớ đồng bào, nhớ về đồng đội thân yêu - đoàn binh Tây Tiến đã chiến đấu và hi sinh vì Tổ quốc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng. Tác giả mở đầu bài thơ bằng tên của một con sông và được đẩy lùi vào quá khứ không xa lắm để khơi lên những dòng kỉ niệm...
Đoạn 1 (14 câu đầu): Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra trong nỗi nhớ trên cái nền thiên nhiên miền tây hùng vĩ. Nỗi nhớ da diết, nhớ như không kìm nén nổi, phải bật lên thành tiếng gọi: Tây Tiến ơi !. Hai chữ “chơi vơi” diễn tả một hoài niệm, một nỗi khắc khoải về một miền rừng núi bồng bềnh sương khói.
Nhớ con đường hành quân vô cùng gian khổ - con dường Tây Tiến với một loạt các địa danh lạ lẫm gợi trí tưởng tượng về những nẻo quân hành hiểm trở, dữ dội ở chốn rừng thiêng nước độc: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch... Người lính phải vượt qua không chỉ là núi cao dốc thẳm, không chi là mưa lũ thác ngàn mà còn có tiếng gầm của cọp beo nơi rừng thiêng nước độc, nơi đại ngàn hoang vu,... Có lúc đoàn quân như lọt thỏm vào một chiến trận đầy những ổ mai phục. Nhiều đồng đội đã kiệt sức trên đường hành quân. Nỗi vất vả cực nhọc ấy được diễn đạt bằng những câu thơ âm điệu trúc trắc, sử dụng rộng rãi phép tăng cấp, phép đối lập, đặc biệt là những từ láy tượng hình:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mày, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
…
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Tuy nhiên, trong tâm hồn người lính Tây Tiến vẫn ẩn chứa một vẻ đẹp riêng, để lại dấu ấn kỉ niệm khó phai mờ. Những câu thơ toàn thanh bằng như nỗi bâng khuâng, quyến luyến cùng con người và cảnh vật ở đây:
+ Mường Lát hoa về trong đêm hơi
+ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
+ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Lấy cái gian khổ vô cùng để ca ngợi lòng quả cảm trong chiến đấu, lấy cái quãng lặng dịu êm trong tâm hồn để khắc hoạ chất lãng mạn trong tính cách của đoàn binh Tây Tiến, đó là nét độc đáo trong bút pháp Quang Dũng ở phần đầu bài thơ.
Đoạn 2 (từ câu 15 đến câu 22): Những kỉ niệm đẹp một thời về tình quân dân trong đêm liên hoan và vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng đã trở thành những kí ức đẹp trong tâm hồn của người lính Tây Tiến.
+ Nhớ hội đuốc hoa: Cảnh bừng sáng đột ngột, trung tâm bức tranh là hình ảnh người thiếu nữ Tây Bắc vừa xinh đẹp, duyên dáng, tình tứ vừa nô nức, nhiệt thành (“xiêm áo tự bao giờ”). Người lính xuất thân thị thành vừa như ngạc nhiên, bị cuốn hút bởi người đẹp, trang phục đẹp, âm nhạc lạ nên như được tiếp thêm sức mạnh (“Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”).
+ Nhớ cô gái miền tây - bông hoa rừng một chiều sương cao nguyên Châu Mộc trên con thuyền độc mộc. Cảnh được tái hiện vừa bằng miêu tả vừa bằng sự gợi mở (“có thấy”, “có nhớ?”...).
Những kỉ niệm đẹp ấy cho thấy tâm hồn trẻ trung, yêu đời, hồn nhiên, hào hoa của người chiến sĩ Tây Tiến. Đó cũng là những nét vẽ lãng mạn đáng yêu.
Đoạn 3 (từ câu 23 đến câu 30): Khắc hoạ chân dung người lính Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ - một hình tượng độc đáo và có phần kì lạ, với một cái nhìn nhiều chiều:
+ Tính chất oai hùng: “Không mọc tóc”, “dữ oai hùm”, “mắt trừng”,... Tầm vóc ấy quả là xứng với miền tây hùng vĩ hoang sơ và dữ dội.
+ Thực tế gian khổ, khắc nghiệt. Mỗi hoạ tiết đều ghi đậm dấu vết của sự gian khổ, thiếu thốn mà người lính đã trải qua.
+ Hồn nhiên, yêu đời, hào hùng và đầy khí phách với những nét tinh nghịch: “súng ngửi trời”, với những mộng mơ tuyệt vời: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”...
+ Các anh hiện ra còn là những chiến sĩ với ý chí hào hùng, với những hi sinh thầm lặng nơi biên cương (“mồ” “rải rác” nơi “biên cương”, cái chết xa xứ nơi biên giới heo hút...). Nhưng ý chí của người lính thật lớn lao, cao đẹp (Chiến trường di chẳng tiếc đời xanh)...
Như một tượng đài bi tráng, đoạn thơ đã khắc hoạ chân dung người lính Tây Tiến - những người con thân yêu của Tổ quốc đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong một giai đoạn kháng chiến đầy gian khổ, hi sinh mà hào hùng.
Đoạn 4 (Phần còn lại): Ý thơ cổ “Nhất khứ bất phục hoàn” được Quang Dũng diễn tả rất hay, rất xúc động ở khổ cuối nhằm khẳng định nét đẹp tinh thần của người lính Tây Tiến, đó là khúc ca bi tráng, là nét dẹp của người chiến sĩ vệ quốc ra đi không hẹn ngày về (“...người đi không hẹn ước”). Khổ thơ còn được hiểu là nỗi nhớ được bộc bạch trực tiếp, là sự khẳng định của tác giả, rằng tâm hồn vẫn gửi lại nơi ấy, với những đồng đội cũ, dù không gian xa cách bây giờ đã là “Đường lên thăm thẳm một chia phôi”.
Bài thơ kết tinh nhiều sáng tạo nghệ thuật của tác giả: Sự kết hợp tài hoa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn; ngôn ngữ thơ rất giàu nhạc điệu; từ ngữ, hình ảnh vừa quen thuộc vừa độc đáo, vừa có nét cổ kính lại vừa mới lạ đem lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.