Bài 1: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim.
Tục ngữ là kho tàng quý báu của dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữa những kinh nghiệm sống , những bài học bổ ích của cha ông được truyền lại từ ngàn đời. Để khuyên con người phải kiên trì, sống phải có ý chí và nghị lực để vượt qua khó khăn , thử thách và vươn đến thành công , nhân dân ta có câu : "Có công mài sắt có ngày nên kim. "
Câu tục ngữ nêu lên hai vế. Vế đầu là điều kiện: Có công mài sắt. Vế sau là kết quả đạt được: Có ngày nên kim. Hai vế đều có bốn tiếng, trong đó hai tiếng một tương ứng với nhau: có công / có ngày, mài sắt / nên kim. Trong hoàn cảnh xã hội thời xưa, muốn biến sắt thành kim, không có phép màu nào cả ngoài công sức lao động cần cù của con người.
Ai cũng biết cây kim thật bé nhỏ nhưng cũng thật hoàn hảo. Thân kim tròn và nhỏ. Đầu kim nhọn, phần cuối có một lỗ bé xíu để luồn chỉ qua. Cây kim là một vật có ích được làm bằng sắt. Từ sắt nên kim là một quá trình tôi luyện, mài dũa công phu. Ai có công mài sắt sẽ có ngày nên kim. Đức kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Thực tế cuộc sống cho ta thấy lời khẳng định trên là hoàn toàn có cơ sở. Trong lịch sử chống ngoại xâm, dân tộc ta thường phải thực hiện chiến lược trường kì kháng chiến. Từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Lê cách đây mấy thế kỉ cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta trong suốt mấy chục năm qua, tất cả đều thể hiện ý chí, nghị lực kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc. Cuối cùng, chúng ta đã thắng lợi vẻ vang, giữ vững chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của đất nước.
Trong đời sống lao động sản xuất, nhân dân ta cũng đã thể hiện đức tính kiên nhẫn, bền bỉ đáng khâm phục. Nhìn con đê sừng sững ven sông Hồng chúng ta mới hiểu được tổ tiên ta đã kiên trì, nhẫn nại tới mức nào để tạo ra bức tường thành ngăn dòng nước lũ, bảo vệ mùa màng.
Trong học tập, đức kiên trì lại càng cần thiết để giúp ta thành công. Từ một em bé sáu tuổi vào học lớp Một, bắt đầu cầm phấn tập viết chữ O đầu tiên cho đến khi biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi lần lượt mỗi năm một lớp, phải mất 12 năm mới tiếp thu xong những kiến thức phổ thông. Trong quá trình lâu dài ấy, nếu không kiên trì luyện tập, cố gắng học hành, làm sao có thể đạt được kết quả tốt.
Người bình thường đã vậy, với những người tật nguyền như Nguyễn Ngọc Kí, ý chí phấn đấu càng phải cao hơn gấp bội để vượt mọi khó khăn. Vốn bị liệt hai tay từ nhỏ, anh đã luyện viết và làm mọi việc bằng chân. Đức kiên trì đã giúp anh chiến thắng số phận. Anh học xong phổ thông, đại học và trở thành thầy giáo, một nhà giáo ưu tú.
Từ những kinh nghiệm đúc kết trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã khuyên thanh niên:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Kinh nghiệm của thế hệ trước sẽ là bài học quý báu, là lời cổ vũ động viên thanh thiếu niên không ngừng phấn đấu trong cuộc sống.
Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng bao hàm ý tứ sâu xa. Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm từ cuộc sống chiến đấu và lao động, nhằm khuyên nhủ mọi người phải kiên trì, nhẫn nại để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, đi tới thành công.
Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài đức tính kiên trì nhẫn nại, theo em còn cần phải vận dụng óc thông minh, sáng tạo để đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập, lao động; góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Bài 2: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim.
Thành công không phải là một chặng đường trải đầy hoa hồng, muốn đạt được đến thành công chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu lần thất bại, gục ngã, điều quan trọng là ta học được gì sau những lần thất bại đó và ta phải biết kiên trì không dễ dàng bỏ cuộc thì thành công sẽ ở ngay trước mắt, vì thế ông cha ta đã có lời dạy rất hay đó là: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Thật vậy, để tạo ra được những cây kim nhỏ xíu để thêu thùa may vá, các bác thợ rèn đã phải rất cẩn thận tỉ mỉ mài từ những miếng sắt to, để tạo nên được một cây kim hoàn hảo thì ngoài sự tỉ mỉ ra, các bác thợ rèn còn cần phải có sự khéo léo và lòng kiên trì nữa. Vì thế câu tục ngữ “có công mài sắt, có ngày nên kim” là một lời khuyên, lời dạy về sự kiên trì của con người, chỉ cần kiên trì thì dù có khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua được.
Đã có rất nhiều tấm gương về sự kiên trì trên tất cả mọi lĩnh vực. Thời xưa thì có Mạc Đĩnh Chi, ông là một học trò nghèo, hàng ngày phải đến trường học để học lỏm, tối về vì không có tiền để mua dầu đốt đèn, vào những ngày có trăng thì ông ra bờ sông mượn ánh sáng để đọc sách, vào những ngày không có trăng ông phải đi bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để chiếu sáng, ấy vậy mà ông lại thi đỗ trạng nguyên, bằng tài năng của mình ông khiến cho một nước cường mạnh như Trung Quốc phải khuất phục, và được phong làm lưỡng quốc trạng nguyên.
Ngày nay, tấm gương sáng trong học tập không thể không nhắc đến đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, tuy bị tật ở tay, và không có một trường học nào nhận nhưng vì sự kiên trì và quyết tâm của mình, ngày ngày tập viết bằng chân, chăm chỉ đến lớp bất kể mưa nắng thầy đã trở thành một nhà giáo xuất sắc, một tấm gương tiêu biểu cho nhiều thế hệ học sinh.
Một minh chứng nữa cho câu tục ngữ “có công mài sắt, có ngày nên kim” là Thomas Edison, ông là một điển hình cho sự cố gắng không ngừng nghỉ, khi còn bé ông được thầy giáo đánh giá là một đứa bé thiểu năng, nhưng mẹ ông vẫn kiên trì dạy dỗ và đã tạo nên một nhà phát minh vĩ đại của cả nhân loại. Khi phát minh ra bóng đèn dây tóc ông đã từng thất bại đến 999 lần, nếu ông bỏ cuộc thì có lẽ rất lâu sau thế giới mới có bóng đèn điện để sử dụng.
Ông cha ta cũng thường có câu nói rất hay đó là “cần cù bù thông minh”, có nghĩa là khi chúng ta có tính kiên nhẫn thì sẽ hơn rất nhiều người mặc dù có tư chất tốt nhưng lại lười biếng dễ dàng bỏ cuộc. Cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn rùa và thỏ mặc dù thỏ chạy nhanh hơn rùa rất nhiều nhưng bởi vì tính tự mãn mà lại thất bại đau đớn.
Tóm lại, câu nói “có công mà sắt, có ngày nên kim” là một lời khuyên, lời dạy đúng đắn mà chúng ta ai cũng nên học tập theo. Chúng ta phải có sự kiên trì, nhẫn nại, cố gắng học tập thì mới có thể dẫn đến thành công.
Bài 3: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim.
Nếu như ca dao là dòng nước mát lành tưới mát, nuôi dưỡng tâm hồn con người thì tục ngữ chính là "túi khôn dân gian", là kho tàng tri thức quý báu mà mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn trân trọng và học hỏi. Một trong những câu tục ngữ quen thuộc và đầy giá trị đó chính là "Có công mài sắt, có ngày nên kim".
Câu tục ngữ xuất phát tự một câu chuyện ngụ ngôn nọ. Khi mà một cậu bé đang đi trên đường, thấy một bà cụ đang lúi húi làm gì đó. Khi được hỏi, bà cụ trả lời rằng đang mài sắt thành kim. Cậu bé ngạc nhiên và không tin. Ngày qua ngày, có một lần cậu bé lại quay trở lại. Thanh sắt to hôm nào đã biến thành một cây kim nhỏ xíu rồi. Cậu bé rất khâm phục bà cụ và đã hiểu ra một điều: thì ra chỉ cần kiên trì và cố gắng, không bỏ cuộc thì một ngày chúng ta cũng sẽ đạt được thành công và những điều ta mong muốn. Đó chính là sức mạnh của sự kiên trì, nhẫn nại.
Đã có "công mài sắt", ắt có ngày sẽ "nên kim". Công việc "mài sắt" hay làm bất cứ chuyện gì, không phải chỉ là ngày một ngày hai có thể làm xong. Có những chuyện là cả một hành trình lâu dài, cần sự bền bỉ và kiên nhẫn. Biết nhẫn nại, chúng ta sẽ tích góp từng chút, từng chút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện và phát triển bản thân. Đó là khi sau hơn 2000 thí nghiệm thất bại, Edison vẫn không từ bỏ. Vì điều đó giúp ông biết có hơn 2000 chất không thể làm được dây tóc bóng đèn. Và sự kiên định cuối cùng sẽ nhận được kết quả: bóng đèn dây tóc xuất hiện đã thắp sáng cả văn minh loài người. Chúng ta bước sang một kim nguyên mới, hiện đại hơn.
Sau thất bại mà vẫn không chịu từ bỏ, mỗi người có thêm những kinh nghiệm, bài học, là một lần nhìn lại mình và rèn luyện hơn ý chí và nghị lực. 12 lần bị nhà xuất bản từ chối đã rèn luyện cho J.Rolling sự nghị lực, không từ bỏ lý tưởng để chúng ta có thể có được thế giới phép thuật Harry Poter thần kì đến vậy! Không phải chỉ trong việc lớn, việc nào cũng vậy thôi. Nhờ sự chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo, ý chí quyết tâm của một dân tộc nhỏ quyết tâm giữ sự thiêng liêng của mình, chúng ta đã làm nên những chiến thắng "lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu" như vậy.
Từng ngày rèn luyện, chăm chỉ, như cây đang dần hút dinh dưỡng và trưởng thành, đến một lúc ta sẽ thấy mình khác trước rất nhiều. Điều đó chẳng phải thật tốt hay sao. Có được chiếc kim ấy, đó là sự chứng nhận cho thành quả của sự kiên trì, nỗ lực chúng ta và cũng là thứ vũ khí để đâm thủng những khó khăn và rào cản. Hình ảnh cây kim như một sự ẩn dụ: từ miếng sắt khổng lồ, cồng ghềnh, trên đường đi, ta bỏ bớt những nỗi sợ, những gánh nặng, những lười biến để chắt lọc và trở nên đẹp hơn.
Nếu như không dụng công mài sắt, sẽ chẳng có ngày thành được "kim". Từ một mảnh sắt to, bạn chỉ có thể làm được chuyện của sắt, bị rèn trong lửa, làm đồ gia dụng bình thường. Nhưng mà kim lại được nâng niu và coi trọng. Nếu không biết cố gắng và nỗ lực, chúng ta chỉ mãi là người đi phía sau và bị bỏ lại mà thôi. Nếu có ý định những sợ khó, ngại khổ mà bỏ cuộc giữa chừng, không thể cố gắng vì lý tưởng của mình thì càng đáng buồn hơn. Cuộc sống có mấy lần ta được sống là mình, sống cho mình. Tại sao không thể cố gắng và thử một lần.
Bài học về sự nhẫn nại và kiên trì đến bây giờ vẫn chưa thôi giá trị. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, giới trẻ ngày càng được bao bọc và chở che quá nhiều dễ sinh ra lười nhác và không chịu cố gắng. Đó là một mối lo của đất nước. Nhưng nếu cứ cố gắng một cách mù quáng, không biết điểm dừng cho việc của mình, đó cũng không phải điều tốt. Cần biết cân bằng giữa sự cố gắng và sự cố chấp.
Như đợi én rồi xuân lại về, như đợi rượu chín rồi hãy uống, đợi nhụy khai rồi hoa sẽ nở. Những nỗ lực không ngừng của bạn, rồi một ngày sẽ được đền đáp. Hãy luôn tin tưởng là thế.
Bài 4: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim.
Ông cha ta ngày trước thật tài tình khi đúc kết những kinh nghiệm vốn sống quý báu trong những câu tục ngữ vô cùng ngắn gọn, hàm súc. Một bài học đầy ý lưu giữ và truyền dạy qua câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Chân lí ngàn đời cô đọng ở những hình ảnh tượng trưng quen thuộc gần gũi. Ta hãy tưởng tượng: một thanh sắt rắn chắc, cứng cáp, thô sơ được mài giũa trở thành cây kim nhỏ bé hữu ích. Đó là cả một sự cố gắng nỗ lực và kiên trì phi thường. Cây kim tuy nhỏ bé nhưng lại có ích hơn là thanh sắt xù xì, thô ráp kia. Song, để có được thành quả đáng trân trọng này, người thợ đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Vậy cái gì làm nên sức mạnh giúp người đó hoàn thành công việc khó khăn tưởng như không thể làm nổi? Chính nhờ lòng kiên trì, nhẫn nại, sự bền bỉ cố gắng không mệt mỏi mà cây kim ấy ra đời. Câu tục ngữ mang lời răn dạy, lời khuyên nhủ chân thành mà người đời trước muôn để lại cho người đời sau. Chỉ cần bền chí, giàu nghị lực thì dù việc có khó khăn tới đâu cũng có thể vượt qua và hoàn thành xuất sắc.
Những tấm gương sáng trong thực tế cuộc sống đã chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ. Những người như chúng ta, đầy đủ chân tay thì việc viết chỉ bằng tay không thuận còn là cả vấn đề. Vậy mà thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí vì ham học, đã quyết tâm tập viết chữ bằng chân khi hai tay bị liệt. Con người cần hàng triệu năm để tiến hóa từ vượn thành người và họ cũng mất từng đấy thời gian cho việc sử dụng thành thạo đôi tay trong học tập, lao động. Nhưng Nguyễn Ngọc Kí đã lập nên kì tích, đã tạo ra điều kì diệu ngay giữa cuộc sống đời thường. Những nét chữ đầu tiên thực sự khó khăn. Song với ý chí và nỗ lực phi thường, thầy tiếp tục con đường mình đã chọn. Giờ đây, Nguyễn Ngọc Kí trở thành nhà giáo ưu tú dạy dỗ nhiều thế hệ học trò, là tấm gương quen thuộc với học sinh chúng ta. Đôi bàn chân này làm nhiệm vụ của đôi chân, và của cả đôi bàn tay khéo léo.
Trong lao động, người ta cần nhắc tới đầu tiên chính là nhà bác học Lương Định Của. Mặc dù là nhà bác học, nhưng để lai tạo thành công giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống được sâu rầy, ông làm việc vất vả cực nhọc không khác gì người nông dân đầu tắt mặt tối. Ngày nào cũng vậy, ông bì bõm dưới ruộng từ tinh mơ sáng tới khi trời tối mịt để quan sát, thí nghiệm. Phải qua vài vụ lúa mới xong một đợt. Cứ thế hết đợt này đến đợt khác, đích thân nhà bác học thực hiện công trình nghiên cứu. Nhờ có sự cố gắng, kiên trì nhẫn nại của ông mà những giống lúa mới liên tiếp ra đời, giống sau tốt hơn giống trước. Vì thế, nhân dân cả nước không những được no ấm mà chúng ta còn tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới.
Đó là những tấm gương về lòng kiên trì bền bỉ ở nước ta. Còn biết bao tấm gương trong chiến đấu, trong thể dục thể thao, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật... ta chưa có dịp nhắc tới. Bên cạnh đó, nhìn ra thế giới, ta thấy vô vàn những tấm gương đáng học tập. Ai cũng biết tới vợ chồng hai nhà khoa học người Pháp Pierre Curie và Marie Curie. Suốt 4 năm ròng rã, họ đã kì công lọc đi lọc lại vô số lần trong 8 tấm quặng để tìm 1/10 gram chất phóng xạ radium. Qua việc phát hiện ra một nguyên tố hóa học, chúng ta mới phần nào hình dung ra sự kiên trì bền bỉ vô cùng mãnh liệt khi nghiên cứu phát minh một thành tựu phục vụ xã hội loài người.
Oan - Đi-xnây được cả thế giới biết đến, đặc biệt là các em nhỏ vì sáng tạo ra nhân vật hoạt hình nổi tiếng, sáng lập ra công viên giải trí khổng lồ Đi-xnây-len. Nhà làm phim hoạt hình, nhà kinh doanh tài ba ấy từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý tưởng, từng nếm mùi phá sản bao lần trước khi thành công. Chỉ có lòng kiên nhẫn, bền bỉ mới khiến con người liên tiếp thất bại trở thành những người thành danh khắp thế giới.
Lời khuyên của cha ông là bài học vào đời quý giá. Trước khi bắt tay vào công việc, trước khi từ bỏ ước mơ hoài bão của mình, ta hãy nghĩ tới thanh “sắt” và cây “kim”. Chúng ta phải biết tự rèn luyện ý chí và nghị lực, rèn luyện đức tính kiên trì mới mong đạt tới thành công.