Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trình bày suy nghĩ của em đối với câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim

Thứ ba - 13/10/2020 05:18
Tục ngữ là sự đúc kết kinh nghiệm và trí tuệ của nhân dân, mỗi câu tục ngữ là một bài học lớn. Một trong những bài học ấy được đúc kết trong câu tục ngữ hàm súc: Có công mài sắt có ngày nên kim.
Câu tục ngữ đã nêu lên một chân lí bằng những hình ảnh tượng trưng đầy sức thuyết phục, sắt là một thứ kim loại cứng, thế nhưng mài mãi cũng sẽ thành cây kim nhỏ. Đó là kết quả của sự kiên trì và cố gắng phi thường. Từ một thanh sắt to mài thành cái kim nhỏ phải tốn bao công sức, mồ hôi. Mới nghĩ đến ta thấy ngại, cho rằng chẳng ai kì công ngồi mài kim như thế. Tuy nhiên, vẫn có người không quản ngại gian khổ, không sá công sức, vẫn gắng sức làm cho kì được. Nghĩa đen của câu tục Ngữ chỉ là việc mài sắt thành kim, nhưng nếu mở rộng nghĩa của câu tục Ngữ ra thì mới thấy hết ý nghĩa của nó. Trong thực tế không ai lại mài một thanh sắt to thành cây kim nhỏ. Thế câu tục ngữ muốn nói điều gì?

Câu tục ngữ là một lời khuyên, một bài học mà cha ông ta đã đúc kết từ ngàn đời và truyền lại cho con cháu. Đó chính là một triết lí trong cuộc sống: có kiên trì nhẫn nại và quyết tâm lớn thì việc gì làm cũng xong, kể cả đó là việc khó khăn tưởng chừng như không thể làm được như mài một thanh sắt thành một cây kim.

Bác Hồ chúng ta từng dạy cũng là trên tinh thần như thế:

Không có việc gi khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.

Qua lời dạy của Bác, chúng ta càng hiểu thêm về sức mạnh của lòng kiên trì, đức tính nhẫn nại, bền bỉ. Có quyết tâm cao thì việc gì cũng làm được, kể cả việc đào núi và lấp biển.

Trong cuộc sống, chúng ta có biết bao nhiêu tấm gương tiêu biểu về đức tính kiên trì nhẫn nại, đã quyết mài sắt để cuối cùng có được cây kim như ý mình. Tấm gương ấy không đâu xa lạ, đó chính là Bác Hồ - Người Cha già của dân tộc.

Đất nước ta được hòa bình, tự do như ngày hôm nay chính là một phần nhờ vào lòng kiên trì, bền gan vững chí của Bác trong hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Khi còn là chàng thanh niên trẻ tuổi, Bác đã từ biệt quê hương ra đi tìm đường cứu nước. Ở nơi đất khách quê người, Bác đã làm mọi việc đế kiếm sống, chịu nằm gai nếm mật để tìm con đường giải phóng dân tộc. Và cuối cùng sự hi sinh của Bác đã dành hơn ba mươi năm của cuộc đời mài tặng cho dân tộc ta.

Gần gũi với chúng ta còn có không ít những tấm gương sáng đáng khâm phục. Nhà thơ Nguyễn Khuyến nổi tiếng là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Những sáng tác của ông là kết quả của một sự rèn luyện không ngừng, không biết mệt mỏi. Thiên tài không thể hình thành trong một sớm một chiều mà phải qua một quá trình rèn luyện đúng như một nhà văn phương Tây từng khẳng định: Thiên tài là một sự kiên nhẫn lâu dài. Với Nguyễn Khuyến, khẳng định này càng có ý nghĩa thực tế. Để trở thành một nhà thơ lớn, Nguyễn Khuyến đã trải qua một cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu. Theo sử sách ghi lại thì nhà Nguyễn Khuyến rất nghèo, mỗi buổi sớm đến trường phải mang theo một cái giậm để sau mỗi buổi bình văn còn đi bắt cá. Quê ông vốn là nơi đồng chiêm nước trũng nên rất nhiều cá. Có những buổi sớm mùa đông giá lạnh, thầy đồ vẫn thấy anh học trò nghèo lam lũ dưới ao sâu. Tối về nhà không có đèn, anh học trò nghèo họ Nguyễn lại bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng hoặc tận dụng ánh trăng để đọc sách. Sự thành công của Nguyễn Khuyến không chỉ nhờ năng khiếu thơ văn mà còn nhờ lòng kiên trì và lòng quyết tâm của chính nhà thơ.

Một tấm gương nữa cũng rất gần gũi với chúng ta là anh Nguyễn Ngọc Ký. Anh bị liệt cả hai tay nhưng mong ước đến trường vẫn luôn thôi thúc anh. Thế là anh tập viết bằng hai chân. Những nét chữ đầu tiên thật khó nhưng anh không chịu nản lòng. Chính sự kiên trì ấy đã làm cho nét chữ viết bằng chân của anh luôn được mọi người nhắc đến, không những thế, anh còn trở thành một thầy giáo của bao thế hệ học trò. Anh trở thành một tấm gương về lòng kiên trì, nhẫn nại cho tất cả chúng ta.

Trong lao động, tấm gương của nhà bác học Lương Đình Của là một minh chứng có sức thuyết phục cao nhất. Để lai tạo một giống lúa có năng suất cao, có khả năng chống rầy tốt, ông phải làm việc vô cùng vất vả và khó nhọc. Hàng ngày, từ khi mặt trời chưa sáng, ông đã lội bì bõm dưới ruộng để nghiên cứu, thử nghiệm, đến tối mịt mới trở về. Qua vài vụ lúa, một giống lúa mới được hình thành. Cứ như vậy, sự lao động không biết mệt mỏi của ông đã mang lại biết bao thay đổi cho những người nông dân chân lấm tay bùn.

Ngược dòng lịch sử, Mai An Tiêm là một minh chứng cho sự chăm chỉ và kiên trì.

Trên thế giới, không ai là không biết nhà bác học người Pháp Ma-ri-e Cu-ri-e. Người đã kì công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám tấn quặng để tìm một phần mười gam chất phóng xạ Ra-đi-um. Thế mới biết, muốn tìm một nguyên tố hóa học cũng đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì mãnh liệt.

Qua những tấm gương trên, chúng ta thấy mình phải cố gắng nhiều trước hết ở lòng kiên trì nhẫn nại, không quản khó khăn vất vả để trở thành người thành công. Đó là sự khởi đầu cho cuộc đời của mỗi người. Là một đứa con trong gia đình, chúng ta cần phải học tập tốt để xứng đáng với lòng tin yêu của cha mẹ. Là một công dân của đất nước, chúng ta cần phải cố gắng để trở thành chủ nhân của đất nước trong tương lai.

Lời khuyên của cha ông luôn luôn đúng đắn, thiết thực. Nó có ý nghĩa lớn hơn khi ta thực hiện tốt lời dạy đó.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây