Tuổi thơ tôi có tháng ba
Đầu làng cây gạo đơm hoa đỏ trời.
Tháng ba giọt ngắn giọt dài
Mưa trong mắt mẹ, mưa ngoài sân phơi.
Tục ngữ, ca dao nói nhiều đến tháng ba. Nào là “Tháng ba, hoa gạo trổ”, “Tháng ba bà già chết rét”. Nào là “Tháng Tám đói qua, tháng ba đói chết”, v.v...
Tháng ba tới là nỗi lo canh cánh đầy vơi trong lòng bà, trong lòng mẹ. Trong tiếng thở dài có bao giọt lệ, thương cháu, thương chồng con, thương thân. Mưa trong lòng người chan hòa với mưa của đất trời. Câu thơ, ngắt nhịp chẵn: 2/2/2 và 4/4 như những giọt nước mắt rưng rưng, những tiếng thở dài trĩu lòng, như những giọt mưa lê thê, rả rích:
Tháng ba / giọt ngắn / giọt dài
Mưa trong mắt mẹ, mưa ngoài sân phơi
“Tuổi thơ tô có tháng ba...” câu thơ cho biết tâm hồn đứa con thơ đã thấm bao nước mắt và tiếng thở dài của mẹ.
Tiếng ru “à ơi” của mẹ là lời cầu mong ước mơ được no cơm ấm áo: “Mẹ ru hạt thóc chớ vơi trong bồ”, để không lo những ngày giáp hạt, những ngày “Tháng tám đói qua, tháng ba đói chết” nữa.
Cánh cò, cánh vạc, con sông, con đò đọng lại mãi trong tâm hồn con thơ qua lời ru của mẹ hiền. Mẹ thương mình, thương chồng con, thương đời, nên trong lời ru của mẹ lúc nào cũng thấp thoáng cánh cò, cánh vạc, con sông, con đò. Có “Con cò đi đón cơn mưa”, có con cò “chết rũ trên cây...”, có “con cò mà đi ăn đêm ! đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao”, và còn có “Con cò lặn lộn bờ sông / Cánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non”. Có “Cánh vạc lạc đường kêu sương”, có “con sông bên lở bên bồi” có “Con thuyền xuôi ngược lênh đênh giữa dòng”, v.v... Bao kiếp người, bao số phận đáng thương!
Trương Xương nói ít mà gợi nhiều. Lời thơ của anh thấm bao nước mắt, bao nỗi buồn đau của đời người. Anh vận dụng tục ngữ, ca dao một cách sáng tạo. Câu thơ của anh thấm đậm tình quê, tình người.
Hẳn trong câu hát “à ơi...”
Mẹ ru hạt thóc chớ vơi trong bồ
Ru bao cánh vạc, cánh cò
Ru con sông với con đò thân quen...
Lời ru của bà, của mẹ còn là lời trông chờ. Người phụ nữ nông dân ngày xưa ra đồng cấy lúa chỉ trông mong có sức khỏe dẻo dai, mưa gió thuận hòa sống trong thái bình yên vui, đế được ấm no, hạnh phúc: “... Trông cho chân cứng đá mềm / Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng” (ca dao).
Mẹ ta cũng cầu mong:
Lời ru chân cứng đá mềm
Ru đêm trăng khuyết thành đêm trăng tròn.
“Chân cứng đá mềm” là thành ngữ nói về sức lực dẻo dai, bền vững. “Đêm trăng khuyết thành đêm trăng tròn” là hình ảnh tượng trưng nói lên mơ ước vượt qua mọi thử thách khó khăn, được sống trong thanh bình, no ấm, yên vui, hạnh phúc.
Bài thơ “Lời ru” của Trương Xương ngọt ngào và lắng đọng như ca dao, dân ca. Có thể nói, đây là bài thơ rất hay và chân tình, chân thật nói lên mơ ước ngàn đời của nhân dân ta là được sống trong ấm no, hạnh phúc, thanh bình, yên vui.
Nhan đề bài thơ là “Lời ru”. Xin được mượn đoạn thơ của Nguyễn Duy trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” để bày tỏ cảm xúc khi đọc bài thơ của Trương Xương:
Cái cò... sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru...
---------------------------------------------
LỜI RU
Tuổi thơ tôi có tháng ba
Đầu làng cây gạo đơm hoa đỏ trời.
Tháng ba giọt ngắn giọt dài
Mưa trong mắt mẹ, mưa ngoài sân phơi.
Hẳn trong câu hát “à ơi...”
Mẹ ru hạt thóc chớ vơi trong bồ
Ru bao cánh vạc cánh cò
Ru con sông với con đò thân quen...
Lời ru chân cứng đá mềm
Ru đêm trăng khuyết thành đêm trăng tròn!
Trương Xương
'
''''''''''
và nêu tác dụng
"Ru bao cánh vạc cánh cò
Ru con sông với con đò thân quen..."