Bài 1:
Mỗi lần nghe câu hát “trường làng tôi cây xanh bóng vây quanh muôn chim hót vang lên êm đềm...” là tôi lại mường tượng ra một vùng đất nông thôn với những bầy trẻ con hồn nhiên lấm láp. Rồi trong tôi lại dập dồn những hồi ức của ngôi trường của tôi thời thơ ấu.
Đã hơn ba mươi năm qua, tính từ ngày đầu tiên tôi cắp sách đi học vỡ lòng. Trường của tôi là một căn nhà nhỏ, nơi cuối con hẻm nhỏ. Tôi nghe ba mẹ hồi ấy gọi tên trường là “Trường cô giáo Huế”. Nó không khác gì một căn nhà. Nó có bốn bức tường thấp, trên lợp mái tôn, khác chăng là có rất nhiều bàn ghế và trẻ con lớn nhỏ. Đó là nơi tôi đã học a, b, c trước khi vào lớp Một. Tôi còn nhớ mãi tâm trạng tôi chờ đợi cô giáo Huế nói tiếng Huế, giảng bài bằng tiếng Huế, nhưng tôi không được nghe, không được gặp ai tiếng Huế nơi đó bao giờ, vì người dạy tôi học là một cô giáo khác. Hình như cô giáo Huế là Hiệu trưởng.
Vài tháng sau, cha mẹ tôi chuyển nơi ở, tôi phải nghỉ học ở “Trường cô giáo Huế” và sau đó vào học lớp Một trường công lập. Từ trường cô giáo Huế bước vào một trường cấp một ở Sài Gòn lúc ấy, tôi như chim sổ lồng bay vào bầu trời rộng. Mỗi ngày, tôi đi bộ rất sớm đến trường vì rất sung sướng được ngắm nhìn cái cổng trường cao rộng, thênh thang màu vàng sẫm. Trước cổng trường rộn rã bao nhiêu cửa hàng bán dụng cụ học sinh với những cây thước kẻ đủ màu rực rỡ. Tôi chỉ có tiền mua một cây thôi. Nhưng khi nhìn người bán dụng cụ học sinh mang ra một bó thước kẻ bằng nhựa với những màu hồng, màu xanh lơ, màu da cam, màu xanh biển và màu vàng tươi, tôi mê mẩn nhìn theo bàn tay của bà và làm bộ như lựa chọn kĩ lưỡng lắm. Tôi cố tình kéo dài cái thời gian ấy ra, vì thực tình tôi muốn có tất cả các cây thước ấy. Thước hai tấc tôi cũng thích, thước ba tấc cũng đẹp. Màu nào cũng hay. Chao ôi! Lựa chọn suy nghĩ gì thì cuối cùng cũng đành chọn lấy một cây thước hai tấc nào đó. Cái đồng tiền tôi đưa cho bà bán hàng đâu phải là để mua một cây thước trong tay, mà trả cho cái thời gian tôi được vuốt ve, ngắm nghía và lựa chọn một bó thước đủ màu, đủ kích cỡ trong tay mình.
Tôi học trong trường tiểu học Bàn Cờ ấy chỉ được mấy tháng, cha mẹ lại dọn nhà. Tôi xa ngôi trường ấy không một tiếng than vãn, nhưng trong tâm tưởng tôi, thì đó là một khung trời tươi đẹp nhất. Sau này, đi học các trường tiểu học tư thục, tôi lại nhớ về trường Bàn Cờ với hình ảnh một cái mái rộng trùm phủ trên đầu học sinh giờ chơi chúng tôi không bị nắng soi, mưa tạt, như bàn tay thần kì của một bà Tiên, ông Bụt chở che đám học sinh bé bỏng, lúc ấy chúng tôi còn được xếp hàng uống sữa mỗi giờ ra chơi. Lớp học luôn mát mẻ, rộng rãi và lời cô giảng mới rõ ràng, đĩnh đạc làm sao. Sau này nhớ về ngôi trường ấy, tôi nhớ cả những hàng quà giản dị mà tôi luôn mua ăn với một nỗi thèm thuồng. Sau này tôi ít khi thấy bán ở nơi nào khác.
Sau này, đi qua những trường cũ, phố xưa, tôi luôn dáo dác hỏi tìm thầy cô cũ. Nhưng cảnh cũ đã đổi thay, thầy xưa không còn ai, lòng tôi rưng rưng tự hỏi: “Thầy tôi giờ mái tóc có bạc không? Tuổi già, cuộc sống thấy như thế nào?”
Một buổi chiều mưa, tôi trú ở một mái hiên của sạp báo bên đường, nơi một lần thoáng thấy thầy hiệu trưởng cũ.
Hỏi thăm bâng quơ, tôi hay tin thầy hiệu trưởng bây giờ sống ở ngôi biệt thự MT, con cháu đầy đàn. Lòng tôi trút đi một nửa gánh nặng, vẫn còn một nửa gánh đè trên trái tim tôi. Đó là câu hỏi: “Bao giờ tìm thăm được thầy? Có kịp không trước khi thầy nhắm mắt xuôi tay?”.
Bài 2:
Ai cũng có một thời để nhớ, để thương. Tháng năm, thời gian và cuộc sống cứ hối hả trôi, nhưng những kỷ niệm đẹp về mái trường xưa vẫn vẹn nguyên và đẹp biết bao, với tôi dường như tất cả mới chỉ là ngày hôm qua mà thôi. Nhiều khi muốn quay về để được gặp lại những gương mặt thầy cô, bạn bè…được sống lại tuổi học trò đầy ắp tiếng cười và kỷ niệm.
Nhớ ngày mới vào trường thật bỡ ngỡ, là đàn em nên cái gì cũng thấy lạ…thế rồi dần dần cùng với thời gian tất cả đã trở nên thân quen…từ mái trường đến thầy cô, bạn bè. Trường THPT Yên Lạc đã để lại trong tôi nhiều ký ức và kỷ niệm đẹp của tuổi học trò: những kỳ thi, những buổi lao động XHCN, những trận bóng đá, những kỳ hội trại, hội diễn văn nghệ…Điều kiện kinh tế với những năm tháng ấy với muôn vàn khó khăn nhưng thầy và trò vẫn miệt mài dạy và học, thời gian trôi qua như bóng câu ngoài cửa sổ, thoáng chốc đã hết ba năm THPT, chúng tôi lao vào lo ôn thi tốt nghiệp, thi đại học, lo tìm việc làm…vậy là đến ngày xa trường. Các thầy cô qua mỗi giờ dạy đã chắp cánh cho ước mơ của chúng tôi bay cao, hành trang kiến thức để chúng tôi bước và đời cứ đầy dần lên theo năm tháng và giúp chúng tôi thực hiện thành công những ước mơ của mình. Dưới mái trường này, nhờ công lao của các thầy cô tôi đã học được rất nhiều những kiến thức về khoa học, về cuộc sống để từ một cậu học trò ngây thơ nhút nhát tôi dần trở thành một thanh niên chững chạc, giàu nghị lực, tự tin bước vào đời. Những năm tháng đầy khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô vẫn hết lòng “ Vì học sinh thân yêu”, chỉ với một mong ước duy nhất các trò của mình sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, đất nước.
Rời mái trường thân yêu, tôi vào đại học rồi ra trường về công tác ở một thành phố lớn suốt ngày náo nhiệt nhưng mỗi lần trở về quê thăm gia đình có dịp đi qua cổng trường cũ bao giờ tôi cũng dừng lại ngắm rất kỹ ngôi trường thân yêu, tôi cảm nhận sự thay đổi hàng ngày của nhà trường, hòa nhịp với sự phát triển của đất nước. Nơi đây vẫn sôi nổi khí thế dạy tốt, học tốt vẫn đầy ắp những tiếng cười, những trò tinh nghịch và cả những buồn vui bất chợt của tuổi học trò. Những dịp hội trường, gặp lại thầy cô, bạn bè trong mừng rỡ, nụ cười có…mà nước mắt cũng có…Nhưng những hình ảnh về ngôi trường cũ, những gương mặt của thầy cô, bạn bè trong những tháng năm ấy vẫn không phai mờ. Tôi sẽ nhớ mãi mái trường này và không biết nói gì hơn ngoài bốn chữ “Tôi yêu trường tôi”.
Lời cuối cùng xin cho tôi gửi đến tất cả các thầy cô những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các thầy cô và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn dạy tốt và thành công trong sự nghiệp trồng người. Chúc trường THPT Yên Lạc ngày càng phát triển đi lên, có nhiều thầy giỏi và trò giỏi để đóng góp thêm nhiều nhân tài cho đất nước. chúc các cựu học sinh của trường luôn mạnh khỏe, thành đạt trong cuộc sống, gia đình hạnh phúc và luôn nhớ về trường. Chúc các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường luôn học giỏi, có nhiều ước mơ, hoài bão đẹp và sẽ thành hiện thực. Các em có quyền tự hào về mái trường các em đang học, về các thầy cô, về các thế hệ đàn anh đi trước và luôn nhớ rằng mọi người mong chờ sự thành công của các em, tương lai của đất nước ở trong tay các em. Hãy luôn ghi nhớ trong tim mình.
“Hôm nay tôi tự hào về trường, ngày mai trường tự hào về tôi”.
Bài 3:
Có khi nào trong một phút giây của cuộc sống bạn chợt nhớ về thời học sinh, nhớ về mái trường thân thương bạn từng học tập và rèn luyện tri thức. Đối với tôi mỗi lần đi học, mỗi lần chuẩn bị cho một kỳ thi hay đề án luận cương nào đó tôi lại nhớ, nhớ về một thời học sinh cắp sách đến trường chẳng bộn bề hay lo toan cuộc sống. Có lẽ khoảng thời gian chẳng lo lắng hay bộn bề cuộc sống nhất đó là thời tôi còn học tiểu học.
Tiểu học là kỉ niệm của những ngày đầu chập chững đến trường là lúc ba dắt tay tôi vào lớp và cùng lúc đó tôi nhận nụ cười thân thương của cô giáo. Tiểu học là những lúc tay phải thật sạch, viết nắn nót từng chữ vào vở sạch chữ đẹp chỉ sợ trong một lúc sơ ý nào đó trên vở lại là những vết bẩn mà chẳng biết từ đâu ra. Là những lúc làm toán phải dùng đến que đếm, là những tác phẩm bằng giấy dán đầy màu sắc mà đôi khi người lớn chẳng hiểu nổi tôi đang muốn thể hiện điều gì. Tất cả đều để lại trong tôi những kỉ niệm thật đẹp, những kỉ niệm mà khi đi ngang qua mái trường đó tôi vẫn mãi nhớ.
Trường rộng lắm và có lẽ đối với một đứa trẻ nhỏ nhắn như tôi thì ngôi trường là cả một khoảng trời rộng mênh mông cho tôi tìm hiểu và cũng đúng như vậy tôi đã tìm hiểu những kiến thức và cách sống tại ngôi trường này 5 năm. Sự thay đổi đều trải qua từng chút một, từ lúc tôi được ba đưa đi đến ngôi trường có hôm tôi còn được nằm trọn trên bờ vai ba, cảm thấy lưng ba thật rộng và vững chắc cho tới lúc tôi tự mình đến trường mà chẳng cần ai đưa đón lâu lâu còn mang trách nhiệm dẫn các cậu nhỏ gần nhà đi học cùng, sự thay đổi là tôi mỗi ngày một lớn từ một học sinh nhỏ nhất trường cũng trở thành đàn anh đàn chị của ngôi trường này mang trên vai là chiếc khăn quàng đỏ mà từ lâu đã thân quen, là những giờ ra chơi tôi vẫn thường hay bắn bi cùng những cậu con trai, cùng chơi banh đũa với những cô bạn cùng lớp hay đôi lúc là nhảy dây lại từ lúc nào thay vào đó là những giờ ra chơi cố gắng đọc lại bài, ôn lại bài tập đã học hay tranh thủ đọc một vài trang sách, luyện viết chữ đẹp mà nhanh để khỏi phải bỡ ngỡ khi bước chân vào ngôi trường mới mang một cái tên chung là trung học cơ sở.
Tất cả bạn bè đều như nhau cả đều ngây thơ, trẻ con và vui vẻ nếu có giận hờn thì hẳn cũng chẳng được bao lâu, trẻ con cũng để lại cho nhau nhiều kỉ niệm, những kỉ niệm khiến cho tôi biết được thế nào là chia tay bạn bè để đến với một lớp học mới, cho tôi biết được thế nào là sự nổ lực để ba mẹ tự hào để cô giáo luôn khen thưởng và cho đến cuối cùng ngôi trường đó sẽ cho tôi biết được năng lực bản thân đến đâu, đi đến ngôi trường nào để tiếp tục tương lai. Nhớ lại lúc đó còn nhỏ hằng ngày đều đến trường, cảm giác trường như căn nhà thứ hai vậy cơ mà không hiểu tại sao mỗi lần đi học lại mong được nghỉ đến vậy, mong rằng chẳng cần phải học để cho đến bây giờ khi đã trưởng thành rồi tôi lại tiếc, tiếc cho những ngày tháng đã qua đi mà chẳng kịp níu giữ. Ngôi trường là nền tảng cho tất cả chúng ta và nền tảng vững chắc nhất vẫn là ngôi trường tiểu học vì chính nơi đây dạy cho chúng ta biết đạo đức, dạy cho ta biết từng chữ một của tiếng Việt, đưa chúng ta từ cái dễ nhất đến cái khó nhất.
Đã đôi lần tôi thầm cảm ơn ngôi trường tiểu học này vì ngôi trường đã là nơi cho tôi những người bạn cho tôi biết thêm được nhiều thứ mà nếu không có ngôi trường tiểu học tôi cũng sẽ không học được, thầm cảm ơn tất cả những thầy cô thân yêu tại ngôi trường, các bạn có tin giáo viên dạy bạn lớp một vẫn còn nhớ đến bạn chứ? tôi thì có vì tôi từng gặp cô. Cô vẫn nhớ tôi, nói chuyện với tôi như một đứa con đã đi xa lâu ngày không gặp. Tôi yêu nơi này và mỗi lần hè về tôi lại ghé thăm ngôi trường, trường nay đã khác, hiện đại hơn xưa nhưng vẫn còn đâu đó là dấu tích của những ngày tháng ấy, ngày tháng tuổi thơ dưới mái trường tiểu học thân thương.
Bài 4:
Đã bao giờ bạn nhớ về mái trường xưa, mái trường trung học cơ sở nơi mà bạn từng đi qua và dừng chân tại đó trên bước đường trưởng thành. Với tôi, mái trường trung học cơ sở đưa tôi rời khỏi những ngây thơ, rời khỏi những gì mà người lớn hay cho là trẻ con. Chính nơi đây tôi học được cách kết bạn, chính nơi đây tôi hiểu được sự cố gắng và học tập quan trọng đến nhường nào, cũng chính nơi đây là nơi đầu tiên cho tôi đặt nền tảng cho ước mơ và tương lai của bản thân.
Ngôi trường trung học cơ sở mà tôi học nằm trong một tỉnh nhỏ, không khí nơi đó rất trong lành, nắng thì nhẹ chẳng gây gắt, gió thì chỉ là những cơn gió thoảng đến mùa có lạnh lắm thì cũng chỉ làm ta thấy hơi lạnh đôi chút cũng chẳng rét buốt. Ngôi trường đó là nơi tôi bắt đầu học mọi thứ để làm nền tảng cho tôi bước vào đời, nơi có những người bạn do tôi làm quen, do tôi dùng sự chân thành để trở nên thân thiết là nơi mà thầy cô yêu thương học sinh nhưng lại chẳng thể hiện mà chỉ để lại cho chúng tôi những la mắng khi không học bài, để lại những lời nhắc nhở tuy nhỏ nhẹ nhưng đối với chúng tôi là răn đe. Tuy là nói vậy nhưng thật ra thầy cô luôn quan tâm đến chúng tôi, có gì không hiểu thầy cô luôn sẵn sàng giải đáp.
Nơi đó là nơi để lại cho tôi nhiều kí ức và kỉ niệm, nơi mà mỗi giờ ra chơi chúng tôi phải tập trung ngoài sân tập bài thể dục nhịp điệu, nơi mà những trò chơi dân gian luôn được ưa thích nhất là những trò như đá cầu, nhảy dây hay thậm chí là banh đũa, ngoài những giờ ra chơi thoải mái thì chúng tôi còn cùng nhau họp nhóm, cùng làm bài tập chỉ cho nhau những lỗi sai và cũng gây ra nhiều tranh cãi khi mỗi người một đáp án khác nhau. Là những lần cả lớp cùng cố gắng để xếp hạng trường có thể đứng đầu về tác phong nề nếp cũng như năng lực học tập, là những ngày cuối tuần khi họp lớp luôn bị nêu tên trên bảng và bị phạt có lẽ đó là những giây phút căng thẳng nhất của thời học sinh cấp hai.
Tuổi học trò đi qua mau để lại cho chúng tôi những giờ học thêm dai dẳng chẳng dứt, ngoài học chính chúng tôi còn cố gắng để bổ sung kiến thức để ôn tập lại những gì đã học một cách tốt nhất chuẩn bị cho kì thi bước vào cấp ba, bước vào ngôi trường mới, ngôi trường với chuyên ngành chúng tôi muốn học sau này. Những ngày tháng đó bận rộn và vất vả, ai cũng muốn bước vào ngôi trường mới để thực hiện những ước mơ, thực hiện những gì mà bản thân mong muốn bao lâu nay nhưng khi đi rồi cũng là lúc chia tay thầy cô, chia tay bạn bè, mỗi đứa một phương mỗi đứa một ước mơ khác nhau chẳng thể đi cùng nhau mãi. Chỉ bấy nhiêu thôi mà thấy buồn, mái trường mà tôi gắn bó suốt 4 năm rồi tôi cũng phải xa, con đường quen thuộc từ xa lại cảm thấy gần, những hàng quán trên đường tự lúc nào đã nhớ như in trong đầu, tất cả những điều ấy đều là những kỉ niệm, kỉ niệm đẹp nhưng chẳng thể níu giữ.
Ai cũng có nơi mà mình mãi nhớ, tôi cũng vậy mái trường trung học cơ sở nơi tôi sẽ mãi nhớ chẳng quên, nơi mà những người bạn khi gặp lại nhau vẫn có thể mỉm cười, nơi mà thầy cô và học sinh bao năm không gặp vẫn có thể nhớ nhau, hỏi thăm nhau. Nơi đó là nơi con người đối với nhau bằng tình cảm bằng sự yêu thương và chân thành.