Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nghĩ của em về văn bản Cổng trường mở ra của Lý Lan

Thứ tư - 07/10/2020 09:06
Hướng dẫn làm bài văn mẫu tập làm văn lớp 7, đề bài: Cảm nghĩ của em về văn bản Cổng trường mở ra của Lý Lan.

Bài 1:

Tuổi thơ luôn là thế giới kì diệu chứa đựng biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, và không thể phai mờ trong tâm trí mỗi một con người. Và chắc hẳn kỉ niệm về ngày đầu tiên cắp sách đến trường luôn để lại ấn tượng sâu sắc. “Cổng trường mở ra” của tác giả Lí Lan đã ghi lại những dòng cảm xúc viết về kỉ niệm tuổi thơ, là dòng độc thoại nội tâm với tâm trạng của chính mình thông qua lời kể với đứa con khi con chuẩn bị trải qua ngày đầu tiên đi học.

Tác phẩm “Cổng trường mở ra” không hề chứa đựng cốt truyện với chuỗi sự kiện gay cấn, kịch tính mà gây ấn tượng và cuốn hút người đọc bởi những câu văn như thủ thỉ, tâm tình và tràn đầy cảm xúc. Bằng việc ghi lại tâm trạng cùng sự lo lắng chu đáo của người mẹ trong đêm ngủ không được trước ngày khai trường vào lớp một của con mình, bài văn đã gợi lại kỉ niệm tưởng chừng như hết sức bình thường, giản dị mà ai ai cũng trải qua, nhưng lại để lại những cảm xúc không bao giờ quên được trong tâm trí mỗi người.

Đi sâu vào từng con chữ trong tác phẩm, người đọc sẽ khám phá được hai trạng thái cảm xúc khác biệt nhau: sự háo hức, vô tư hồn nhiên của đứa trẻ cùng nỗi niềm suy tư và thao thức không ngủ được của người mẹ. Ngày mai là một ngày vô cùng quan trọng nhưng đứa con chỉ háo hức và lo ngày mai sẽ bị muộn giờ và sau đó có thể ngủ một giấc ngon lành: “Gương mặt của con thánh thoát tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng còn chụm lại như đang mút kẹo”. Những nét phác họa cho thấy bức chân dùng hồn nhiên, trong sáng, thuần khiết, thơ ngây của con trẻ. Còn đối với người mẹ, ngắm nhìn đứa con yên giấc, trong lòng mẹ ngổn ngang vô vàn suy nghĩ.

Người mẹ thao thức không ngủ được và suy nghĩ triền miên: mẹ không tập trung được vào việc gì cả; mẹ lên giường và trằn trọc,… Tuy con là người đi học, nhưng mẹ lại lo lắng về tương lai của con và những kỉ niệm về ngày đầu tiên bất chợt ùa về. Vào ngày đó, ấn tượng của mẹ về ngày đầu tiên đi học thật sâu sắc, cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hàng năm, cứ vào cuối thu … Mẹ tôi âu yếm nắm lẩy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Sự lo lắng của người mẹ còn thể hiện qua những suy nghĩ về tầm quan trọng của nhà trường đối với việc giáo dục con mình: “Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này”. Vì thế người mẹ không ngừng trăn trở, không ngừng suy tư. Những suy tư đó cũng chất chứa nỗi niềm hạnh phúc vì biết rằng: “Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Thế giới đó sẽ chứa đựng tình yêu thương, sự quan tâm của các thầy cô giáo, của bạn bè. Và rồi đây con sẽ xem mái trường là ngôi nhà, là mái ấm thứ hai. Đó còn là thế giới của bầu trời tri thức với vô vàn điều hay lẽ phải.

Tác phẩm được viết theo thể nhật dụng, bề ngoài là lời người mẹ trực tiếp nói với con, nhưng thực chất là lời bộc bạch của người mẹ với chính mình. Hình thức đối thoại đã được chuyển hóa thành lời độc thoại nội tâm hết sức tự nhiên, cho thấy tình yêu thương, sự quan tâm của người mẹ dành cho đứa con, mẹ là người xem con là một phần cuộc sống của chính mình, đồng thời làm nổi bật tâm trạng, khắc hoạ được tâm tư tình cảm của người mẹ

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tâm tình, tác phẩm “Cổng trường mở ra” đã thể hiện tình cảm của một ngươi mẹ luôn suy nghĩ cho con cái. Những kí ức tiềm ẩn về ngày đầu tiên đi học của mẹ chợt ùa về cũng giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của giáo dục đối với thế hệ trẻ.

Bài 2:

Thời học sinh vẫn luôn là khoảng thời gian tươi đẹp, đáng nhớ nhất của mỗi người. Thật vậy, trường học là nơi chúng ta có bạn bè, là nơi cho ta kiến thức, dạy ta biết cách sẻ chia, đoàn kết. Thời học sinh là khi chúng ta được âu yếm trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, là những chiều nắng gắt được ngồi sau xe bố, là những món ăn vặt mẹ mua cho ăn trên đường đến trường. Cha mẹ đã dành hơn nửa đời người nuôi dạy chúng ta nên người, từ khi bé xíu tập tành đi cho đến khi nhập học lần đầu tiên. Đó là khoảng thời gian đáng nhớ không chỉ của riêng những đứa con mà còn là khoảng thời gian đầy chăm chút, lo lắng của cha mẹ dành cho đứa con non nớt của mình. "Cổng trường mở ra" của Lý Lan là một trong những tác phẩm ghi lại niềm hân hoan, những lo lắng, bồn chồn của người mẹ dành cho con trước khi con bước chân vào cánh cửa trường học.

Xuyên suốt tác phẩm ta chỉ thấy có hai nhân vật đó là người mẹ và đứa con bé nhỏ của mình. Đây là một câu chuyện có cốt truyện được xây dựng trên nền cảm xúc của người mẹ, là lo lắng của người mẹ dành đứa con thơ ngây trước ngày con nhập học. Với những quan sát, theo dõi của mình bà đã nhận ra những thay đổi của đứa con bé bỏng nay đã hành động như một đứa bé "lớn rồi". Bà nhận ra đứa con của mình đã tự ý thức được việc cất đồ chơi gọn gàng sau khi chơi thay vì vứt lung tung khắp nhà như trước, nó cũng khó ngủ hơn mọi khi, có lẽ vì đứa bé ấy cũng thổn thức trước ngày đầu tiên bước chân vào cánh cửa của trường tiểu học.

Ai sinh con ra cũng muốn cho con mình được hưởng những điều tốt đẹp nhất, họ muốn một tương lai tốt nhất sẽ đến với đứa bé của mình. Họ chăm lo, săn sóc, dõi theo từng bước đi của đứa con nhỏ và khi con sắp bước chân vào một môi trường mới thì họ lại không ngừng lo lắng. Họ lại nhớ về ngày trước khi con mình còn học mẫu giáo, mẹ vẫn luôn là người sát cánh cùng con, chăm sóc và quan tâm con, ngày mai khi con bước chân vào trong cánh cổng trường tiểu học con sẽ gặp nhiều bạn mới, thầy cô và trường lớp cũng mới, những thứ mới lạ có lẽ sẽ khiến cho con bối rối, bỡ ngỡ nhưng người mẹ vẫn đặt trọn niềm tin vào đứa con của mình, mẹ tin con sẽ có đủ mạnh mẽ và dũng cảm để đối mặt, đương đầu với tương lai đang chờ con phía trước.

Thứ cảm xúc lắng lo cho đứa con nhỏ bỗng trào lên mạnh mẽ cuốn tiềm thức người mẹ trở về quá khứ. Bà nhớ lại những ngày đầu đi học của mình, bà cũng được mẹ mình chuẩn bị, lo lắng cho từng chút một. Rồi hình ảnh về con đường, hàng cây, những khuôn mặt thân quen hiện lên trong tiềm thức bà như một thước phim tua chậm diễn ra trước mắt khiến lòng bà thấy xôn xao khó tả. Tất cả, tất cả những cảm xúc ấy người mẹ muốn truyền lại cho đứa con của mình để sau này nó cũng như bà, khắc sâu vào lòng cái cảm giác đầu tiên đến trường đầy ấn tượng ấy. Từ quá khứ bà trở lại thực tại, Lý Lan chợt nhớ đến ngày khai trường ở Nhật. Khi ấy tất cả mọi người đều nghỉ làm để đưa con cái mình đi học, và đó cũng như là một hành động tốt đẹp nhắc nhở cha mẹ về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái. Nuôi dạy con trẻ là một việc làm không hề đơn giản và cần có sự phối hợp của cả gia đình và nhà trường.

Khép lại tác phẩm "Cổng trường mở ra" ta chợt nhận ra vai trò, trách nhiệm cao cả của những người cha, người mẹ trong việc giáo dục con trẻ. Và hơn hết những đứa con bé bỏng ấy cần sự dẫn dắt của bố mẹ mình. Tương lai rồi sẽ đến với đứa con của mình, rồi nó sẽ lớn, sẽ trải qua tất cả và cũng sẽ trở thành những người cha, người mẹ. Rồi thế hệ này lại nối tiếp thế hệ kia, lớp lớp người chung tay xây dựng lên bề dày lịch sử của dân tộc. Ai rồi cũng lớn, rồi cũng sẽ phải rời xa quê hương yêu dấu đến một nơi xa xôi nào đó nhưng trong tim mỗi người luôn hướng về quê hương nơi họ được sinh ra, được trao cho yêu thương và răn dạy những bài học đầu đời.
 

Bài 3:

Người ta không dễ gì quên những kỉ niệm sâu sắc của tuổi thơ, nhất là kỉ niệm của ngày đầu tiên bước vào lớp Một. Chính vì thế mà khi đọc những dòng tâm tình nhỏ nhẹ và sâu lắng trong văn bản “Cổng trường mở ra”, chúng ta bỗng thấy bồi hồi xúc động và nhớ lại cái ngày đầu tiên đi học đáng nhớ, đáng yêu.

Cổng trường mở ra cửa Lý Lan là một bài kí giàu tình cảm. Nó làm cho người đọc xúc động thiết tha trước tấm lòng thương yêu sâu nặng của người mẹ đối với đứa con yêu bé bỏng của mình. Ngày con đi học, “con háo hức đến nỗi lên giường mà không sao nằm yên được”. Ngày hôm trước, con bỗng gọn gàng hơn, ngăn nắp và người lớn hơn. Thế như đâu chỉ có con háo hức, lòng mẹ cũng trằn trọc, hồi hộp, nôn nao.

Suốt đêm hôm trước, mẹ không ngủ được. Mẹ thức, “mẹ đắp mền cho con, buông màn, ém góc cẩn thận, rồi bỗng không biết làm gì nữa”. Mọi ngày mẹ còn dọn dẹp nhưng hôm nay mẹ không phải làm việc đó vì con đã làm rồi. Thế là mẹ cũng đi nằm nhưng nằm đấy mà không sao ngủ được. Mẹ phấp phỏng như chính mẹ đang đón chờ “buổi lễ khai trường long trọng ngày mai”. Thế nhưng mẹ cũng không hoàn toàn lo lắng vì “Mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi. Mẹ tin vào sự chuẩn bị chu đáo của con”. Mẹ bồi hồi là vì điều khác, vì cứ nhắm mắt lại là tai mẹ lại vẳng nghe tiếng đọc bài trầm bổng đưa mẹ về những kỉ niệm ngày xưa và thế là mẹ lại sống về ngày trước.

Lời dẫn dắt của tác giả Lý Lan quả là sắc sảo và hấp dẫn. Từ sự chuẩn bị cho buổi đi học đầu tiên của trẻ thơ, tác giả gợi về cả những kỉ niệm trong lòng của người lớn. Ồ! Hóa ra cái kỉ niệm về buổi đầu tiên bước vào lớp một ở trong tâm hồn của ai cũng trong trẻo, thánh thiện và bền vừng như nhau.

Tác giả kể tiếp: “Cái ấn tượng khắc sâu mãi mãi trong lòng một con người về cái ngày “hôm nay tôi đi học” ấy, mẹ muốn nhẹ nhàng, cẩn thận và tự nhiên ghi vào lòng con”. Câu văn là một ước muốn về nôi truyền cảm xúc. Mẹ mong cho con “một ngày nào đó trong đời, khi nhớ lại, lòng con lại rạo rực những cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng”.

Bài văn là những mảng tâm trạng nhiều màu sắc xen kẽ kết nối với nhau. Nó rất nhuần nhị nhẹ nhàng và khơi gợi. Nó không chỉ nói đến cảm xúc của mẹ đối với con mà nói đến vai trò to lớn của nhà trường đối với cuộc sống của mỗi con người. Những dòng cảm xúc của con và mẹ lay động rất mạnh trái tim yêu thương của mỗi chúng ta. Nó như là một luồng gió mát thổi lên những rung động ngọt ngào - những rung động về tuổi thơ và mái trường mà bấy lâu vẫn phong kín trong những tâm hồn giàu cảm xúc.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây