Cuộc đời nhiều gian nan thử thách. Câu tục ngữ: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức" đã trở thành hành trang của mỗi chúng ta trên mỗi chặng đường để bước vào thiên niên kỉ mới.
Câu tục ngữ có hai vế; vế trước cụ thể, vế sau hàm nghĩa. Lửa có thể đốt cháy, làm tan biển mọi vật chất. Lấy lửa để thử, để kiểm tra vàng, xem tuổi vàng, biết là vàng mười, hay vàng thau lẫn lộn. Nghĩa đen ở vế: "Lửa thử vàng”, ai ai cũng dễ nhận thấy. Cái hay của câu tục ngữ là ở vế thứ hai: ”Gian nan thử sức". Gian nan nghĩa là gian khổ, khó khăn, vất vả. Gian nan là điều kiện, là hoàn cảnh, là thử thách để thử, để đo sức của mỗi người. Sức là sức mạnh, là ý chí, là trí tuệ sáng suốt, là lòng kiên nhẫn, là tinh thần quyết tâm vươn lên, ước mọi khó khăn, gian khổ.
Câu tục ngữ có 7 chữ, từ cụ thể đến khái quát, nó nêu lên bài học sống, nhắc nhở mọi người phải nêu cao tinh thần kiên nhẫn, quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, chiến thắng mọi thử thách trên đường đời, ca ngợi niềm tin và sức mạnh ý chí.
Tại sao "gian nan thử sức” ? Cuộc sống có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn. Chính lúc khó khăn, gian khổ là lúc để thử sức người có bền bỉ, có vững vàng hay không. Kẻ tầm thường, mềm yếu sẽ rối trí; sẽ gục ngã sẽ đầu hàng trước gian nan thử thách. Kẻ tầm thường hay bi quan, kêu rên trong cuộc sống là vậy. "Khóc là nhục, rên hèn, van yếu đuối" (thơ Tố Hữu). Trái lại, người có bản lĩnh, giàu ý chí, nghị lực thì họ dám nhìn thẳng vào khó khăn gian khổ, bình tĩnh sáng suốt chịu đựng và tìm cách vượt qua, quyết tâm đem tài trí và tinh thần kiên cường để chiến thắng thử thách. Trong kháng chiến gian khổ, nghe tiếng chim kêu giữa rừng khuya, có người lính nhại tiếng chim là "bắt cô trói cột", có anh bộ đội lại nói là "khó khăn khắc phục”. Đó là cách cảm, cách nghĩ của những người rất lạc quan, giàu chí khí chiến đấu "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Câu tục ngữ: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức" đã nêu lên bài học sâu sắc về rèn luyện chí khí, bản lĩnh sống. Sức không chỉ là sức mạnh của cơ bắp mà còn là trí tuệ sáng suốt, ý chí kiên cường. Gặp một bài toán khó, một đề văn mới lạ, không nên "quay cóp” mà phải dùng sức mạnh của trí tuệ, biết đào sâu suy nghĩ sáng tạo và khám phá. Gặp khó khăn, có người lúng túng cho là cái khó bó cái khôn,nhưng lại có người nêu cao quyết tâm khẳng định: "cái khó ló cái khôn".
Dân gian có biết bao câu ví, câu ca giàu ý nghĩa nhân sinh. Mỗi câu một vẻ đều ngụ ý "gian nan thử sức” nhằm động viên nhắc nhở người đời nêu cao tinh thần vượt khó, vượt khổ:
– "Cơ cứng mới đứng được đầu gió"
– "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo"
– "Ngựa hay chẳng quản đường dài Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng"
– "Có gió lung mới biết tùng bách cứng"
Những gương sáng quanh ta như học sinh nhà nghèo mà vượt khó học giỏi, anh thương binh trồng cây gây rừng ở Lào Cai, là sự thật ở đời về bài học: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức".
Sống trong cảnh tù đày, Bác Hồ tự động viên mình:
"Sống ở trên đời, người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công"
(Nghe tiếng giã gạo)
Trong kháng chiến gian khổ, Bác khuyên thanh niên:
"Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên".
Đường đời nhiều khó khăn, đầy gian nan thử thách. Câu tục ngữ: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức" là bài học quý đối với tuổi trẻ học sinh chúng ta trong việc rèn luyện ý chí, nghị lực, tài năng. Tổ quốc cần nhiều người tài giỏi trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế kỉ 21 là thế kỉ của tri thức, nhân loại bước vào một nền văn minh huy hoàng hơn. Đất nước ta đang đứng trước nhiều thử thách. Chữ "sức" trong vế câu tục ngữ: "gian nan thử sức" phải hiểu là tầm trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Câu tục ngữ vẫn mới mẻ và sâu sắc biết bao.