Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thuyết minh về làng làm nón bài thơ Tây Hồ

Thứ sáu - 02/11/2018 09:58
Nằm bên dòng sông Như Ý, làng Tây Hồ thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 12 km về hướng Đông Nam từ lâu đã nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống. Nghề chằm nón lá đã hình thành cách đây hàng trăm năm và nón bài thơ – một nét đặc trưng của Huế cũng xuất phát từ làng nón Tây Hồ (vùng đất đã từng nổi danh có nhiều cô gái xinh đẹp, làm say đắm biết bao chàng trai trong vùng).
Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên
(Bài thơ đan nón - Nguyễn Khoa Điềm)

Ở Tây Hồ không chỉ phụ nữ biết chằm nón mà ngay cả những người đàn ông cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung nón. Không biết tự bao giờ, làng đã bắt đầu nghề làm nón. Người ta chỉ biết rằng trải qua bao sự thăng trầm lịch sử làm nón vẫn là cái nghề, là nghiệp phải noi theo của bao thế hệ người làng Tây Hồ.

Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, ông Bùi Quang Bặc - một nghệ nhân làm nón lá ở Tây Hồ và cũng là một người rất yêu thơ phú  đã nghĩ ra cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá để tôn lên vẻ đẹp và giá trị tinh thần của nón Huế. Theo đó, người thợ thủ công còn tạc lên những bức tranh mang đậm phong cách Huế với chùa Linh Mụ, cầu Trường Tiền, con đò trên sông Hương cùng hàng chữ mềm mại “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương…”.

Ban đầu, nón bài thơ chủ yếu được làm để tặng người thân. Thế nhưng, nón lại được nhiều du khách yêu thích nên được làm với số lượng nhiều và bán ra thị trường. Từ đây, những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng hơn, phong phú hơn nhưng cũng không ngoài những câu thơ ca ngợi về cảnh đẹp và con người xứ Huế.

Lúc này, để làm đẹp thêm cho chiếc nón, những người thợ làm nghề còn ép vào đó cả tranh về sông Hương, núi Ngự cạnh bài thơ. Đến nay, chiếc nón bài thơ không còn là một sản phẩm bình thường mà đã trở thành nét đặc trưng của xứ Huế.

Nguyên liệu để làm nên một chiếc nón bài thơ xứ Huế rất đơn giản, chỉ bằng lá dừa và lá gồi. Để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp, người ta phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ…

Để có được lá đẹp, người ta thường lên rừng chọn loại lá non (của cây Bồ Qui Diệp) có màu xanh nhẹ, sau đó đem phơi sương qua đêm để lá dịu lại. Tiếp theo, người ta phải nức vàng và ủi lá cho phẳng. Để có được lá đẹp, lá làm nón phải giữ được màu xanh nhẹ, người ta ủi lá nhiều lần cho phẳng và láng. Sau đó, người thợ chuẩn bị khung để chằm nón. Khung này bao gồm 6 cây sườn chính, dựa trên đó người ta bố trí 16 nan tre được vót nhỏ uốn quanh khung hình chóp nón.

Khi làm nón bài thơ, người ta chỉ làm 2 lớp lá, ở giữa là những thắng cảnh và các câu thơ hay. Khi xây và lợp lá, người thợ phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng. Khi nón chằm hoàn tất, người ta đính thêm vào chóp nón một cái “xoài” được làm bằng chỉ bóng láng để làm duyên, sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền.

Từ Tây Hồ, những chiếc nón bài thơ toả đi khắp nẻo đường và trở nên gần gũi, thân quen trong cuộc sống thường nhật của mỗi phụ nữ Huế. Chỉ với nguyên liệu đơn giản của lá dừa, lá gồi, những chiếc nón bài thơ vẫn trở thành vật “trang sức” của biết bao thiếu nữ.

Với nhiều người, lựa nón, lựa quai cũng là một thú vui nên không ít người đã kỳ công đến tận nơi làm nón để đặt cho riêng mình với dòng thơ yêu thích. Buổi tan trường, các con đường bên sông Hương như dịu lại trong cái nắng hè oi ả bởi những dáng mảnh mai với áo dài trắng, nón trắng và tóc thề. Những gương mặt trẻ trung ẩn hiện sau vành nón sáng lấp loá đã trở thành một ấn tượng rất Huế, rất Việt Nam.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây