Đến hôm nay, đằng sau mỗi tác phẩm Nam Cao, vẫn thấy một “đôi mắt” luôn nhấp nháy như vì sao trên trời chưa muôn đổi ngôi. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh thật xác đáng khi nhận định: “Có thể nói, vấn đề “Đôi mắt” là vấn đề cơ bản của chủ nghĩa hiện thực Nam Cao” (Nam Cao - Một đời văn, một đời người).
Điều gì luôn thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút? Điều gì buộc nhà văn phải lao vào quá trình khổ luyện để cho ra đứa con tinh thần? Với Nêkraxôp, đó là “những nỗi đau khổ từ lâu bị kiềm chế, nay rạo rực sôi lên trong lòng”. Với Lécmôntốp, đó là “những đêm không ngủ, mắt rực cháy và thổn thức, lòng tràn ngập nhớ nhung”. Còn Nam Cao, phải chăng tất cả vấn đề được bắt nguồn từ đôi mắt?
Nói đôi mắt, ta không đề cập đến góc độ sinh học, là một bộ phận trên cơ thể con người. Trong văn học, đôi mắt là cách nhìn, cách đánh giá, cao hơn nữa là tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Nhận định của Nguyễn Đăng Mạnh đề cập đến vấn đề cốt lõi của sáng tác Nam Cao, ấy là vấn đề cách nhìn.
Suốt một đời lao động nghệ thuật hết mình, Nam Cao đã soi chiếu các tác phẩm dưới ánh sáng của cái nhìn tích cực: đôi mắt tình thương. Sau cách mạng, đôi mắt ấy thêm một cơ sở vững chắc là đứng trên lập trường tư tưởng cuộc cách mạng kháng chiến toàn dân. Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi rất cao sự phản ánh chân thực cuộc sống khách quan, vấn đề “đôi mắt” của Nam Cao còn là vấn đề hiện thực trong cách nhìn, trong yếu tố chủ quan của người nghệ sĩ.
Đi từ đặc trưng và nhiệm vụ của văn học, tác phẩm đã lấy chất liệu, lấy phông nền từ hiện thực cuộc đời. Có thể nói, cuộc sống có bao nhiêu loại hiện thực thì văn học có bấy nhiêu loại đề tài. Đứng trước sự phong phú và rộng lớn của hiện thực, người nghệ sĩ luôn lựa chọn cho mình một loại đề tài phù hợp, theo cách nhìn nhận riêng. Văn học - thứ nghệ thuật ngôn từ đó đã chuyển tải kì diệu một thế giới thứ hai lên trang văn, thế giới ấy như Mácxen Prot nói, đã đi qua sự tạo lập sáng tạo, độc đáo của người nghệ sĩ. Có người cho rằng: truyện Nam Cao chỉ xoay quanh những miền không gian nhỏ hẹp, số phận của một số người nhất định. Quả thật, trong sáng tác Nam Cao là những mảnh đời người nông dân và trí thức tiểu tư sản bị xã hội vùi dập quyền sống, bị áo cơm ghì sát đất, bị đè đầu cưỡi cô đến “không còn ngóc đầu lên được”. Truyện chỉ gồm cái nhà, cái bếp, một con đường quê hay một góc thành thị, rất hạn hẹp và chật chội. Đề tài của Nam Cao không có gì nổi bật, thậm chí đã trở thành quen thuộc, xói mòn so với đương thời. Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan cũng viết về người nông dân và đã có tác phẩm nổi tiếng, tưởng như không còn có thể viết hơn. Những chị Dậu, những anh Pha ... là điển hình cho hình tượng thống khổ, bị đầy đoạ bởi giai cấp thống trị, bị đẩy đến bước đường cùng, đến vực thẳm của cái chết.
Nam Cao đến với người nông dân cũng bằng tình thương và sự cảm thông sâu sắc. Những Lão Hạc, những Chí Phèo, những Lang Rận, những anh chị Đĩ Chuột ... đến hôm nay còn là ám ảnh không nguôi về những cuộc đời. Bằng đôi mắt tình thương, Nam Cao đã “đi tìm hạt ngọc ẩn dấu sâu trong lòng người”, “cố tìm mà hiếu” con người đẹp đẽ bên trong để hướng trái tim nhân đạo đến từng cảnh đời.
Trước cách mạng, khi cuộc đấu tranh giai cấp còn chưa bùng nổ mạnh mẽ, người nông dân còn chìm trong bóng đêm của ách áp bức, sự đày đoạ tàn tệ của tầng lớp thống trị, tiếng kêu tha thiết của Chí Phèo vang lên trong nỗi kinh hoàng một con quỷ đang lột xác, người ta bỗng nhận ra rằng: đây là điển hình đau khổ nhất, tủi nhục nhất của một người dân ở một nửa thuộc địa (theo Nguyễn Đăng Mạnh). Cái chết của Lang Rận còn là ám ảnh với muôn ngàn câu hỏi đâu là nhân cách, đâu là trái tim của con người? Và những cái “chết mòn”, cái “sống mòn” của người trí thức ở thời cũ khiến ta không khỏi xót xa cho những “tài cao, phận thấp chí khí uất”.
Mỗi truyện của Nam Cao, bao giờ cũng có kết thúc để ngỏ gợi ra khoảng trống và trường liên tưởng rộng lớn. Kết thúc bi quan của nhà văn là sự tôn trọng hiện thực, cũng là tiếng kêu cứu lấy con người đang rên xiết trong mỗi trang văn, đang khắc khoải, đang thổn thức trong trái tim người nghệ sĩ.
Sinh ra ở nhà quê, Nam Cao thấu hiểu hơn ai hết hiện thực chua chát của người nông dân. Làng Đại Hoàng quê ông từng bị nạn cường hào lí dịch hoành hành, ách áp bức bóc lột là hiện tượng phổ biến, những cái chết đau đớn của người dân quê cũng không phải hiếm hoi. Xuất phát từ tình yêu quê hương, từ trách nhiệm cao cả của người cầm bút, Nam Cao đến với người nông dân bằng đôi mắt tình thương và khát vọng được minh oan cho những con người vô tội. Chủ trương đóng cũi sắt tình cảm và ngòi bút sắc lạnh tỉnh táo chẳng qua muốn ẩn dấu đằng sau nó một nội tâm sôi sục. Chủ nghĩa hiện thực tâm lí của Nam Cao đi sâu phản ánh tâm hồn con người, bản chất thật của con người. Ai đó đã so sánh Nam Cao với chiếc phích nước trong nóng ngoài lạnh. Bên ngoài tỏ ra khách quan chân thật một cách thờ ơ, nhưng kì thực đồ thị tình cảm của Nam Cao từ đầu đến cuối tác phẩm là đường đi lên cao đến không giới hạn. Tiếp cận với tâm lí của người dân, nhà văn ấy đã đưa lên trang văn thế giới nghệ thuật độc đáo chỉ có cái nhà, cái bếp, cái vườn, thậm chí “cái mặt không chơi được”.
Ngô Tất Tố thành công với “Tắt Đèn” với khả năng miêu tả hiện thực một cách tài tình. Ông đưa ra vấn đề cái đói với tiếng kêu cứu đói cho người nông dân. Nam Cao lại khác, với đề tài tưởng như nhỏ hẹp, ông đã thẳng thắn đặt ra vấn đề miếng ăn và khao khát cứu lấy nhân tính đang ngày một tha hoá của con người. Chí Phèo bước vào trang văn, ngật ngưỡng và vô hồn với dáng điệu một kẻ say. Chí không nhà cửa, không cha mẹ. Hắn bị đẩy vào tù với sự ghen tuông của Bá Kiến. Nhà tù thực dân biến anh nông dân hiền như cục đất ấy trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Chí Phèo lột xác cả nhân hình, nhân tính . “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng ... cái tay và ngực chạm trố những nét rồng phượng với hai ông tượng cầm chuỳ... trông gớm chết”. Chí Phèo chỉ biết rạch mặt và ăn vạ. Hắn gây bao nỗi kinh hoàng cho người làng Vũ Đại. Người ta tránh mặt hắn như tránh một con thú ác, chỉ biết uống rượu rồi gây gổ.
Nếu chỉ dừng lại phản ánh hiện thực ở đó, có lẽ “Chí Phèo” không được đánh giá là kiệt tác, Nam Cao cũng không được đánh giá là tài năng bậc thầy và một trái tim nhân đạo. Bằng đôi mắt tình thương, đôi mắt “cố tìm mà hiểu, nguyên cớ đẹp đẽ bên trong tâm hồn con người, Nam Cao đưa Chí Phèo từ cõi chết tinh thần trở về lẽ sống”.
Tình yêu với Thị Nở, với người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” lạ thay, lại khiến Chí nao nao một niềm hối tiếc. Hắn đã trở thành nỗi ghê sợ trong mọi người. Trong tiếng chửi say khướt men rượu, hắn mường tượng nỗi cô độc vô cùng của một kẻ bị loài người ruồng rẫy. Có ai thèm chửi nhau với hắn? Có ai thèm giao tiếp với hắn ngoài tiếng sủa đáp lời của vài ba con chó? Chí mông lung nghĩ về ước mơ xưa, về một gia đình bình dị: chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chí xôn xao trong âm thanh cuộc sống đang dội vào trong tiềm thức. Nam Cao đã để nhân vật của mình trở về cuộc sống bắt đầu như thế, ông hiểu giá trị Người ẩn sâu trong Chí Phèo đã bị phần Con lấn át. Đi tìm hạt ngọc ẩn dấu từ tâm hồn của Chí, Nam Cao là người hàn gắn vết thương, dìu dắt Chí trên con đường trở về cõi thiện. Khơi sâu bi kịch Chí Phèo, Nam Cao xót xa buộc phải đưa nhân vật trở lại cõi chết, nhưng lần này, là cái chết tinh thần. Đôi mắt tình thương Nam Cao không thể để Chí sống trong sự phủ định của loài người. Tiếng kêu Chí cất lên từ trái tim rách nát: “Ai cho tao lương thiện? Làm sao để xoá những vết mảnh chai trên mặt này”, đã chấm dứt cuộc đời Chí. Không ai hiểu con người Chí. Sự trở về muộn mằn này cũng như cái chết là bi kịch cuối cùng, bi kịch một con quỷ đang hấp hối trong cuộc lột xác về với con người. Hỡi ôi, cuộc lột xác chưa xong đã kết thúc. Người dân Vũ Đại chỉ nhìn thấy phần bên kia con quỷ Chí Phèo. Còn Nam Cao, ông không chỉ nhận ra phần người còn lại của Chí, mà còn thấu hiểu cả cuộc lột xác đau đớn tinh thần mà cao đẹp của Chí. Điều gì khiến nhà văn hiện thực chủ nghĩa ấy nhìn đời sâu sắc đến vậy, rung cảm, xúc động thiết tha đến vậy? Phải chăng là kết quả của cái nhìn đúng đắn, của đôi mắt tình thương vừa khách quan, vừa chủ quan với con người?
Nam Cao am hiểu người nông dân, ông nhận ra những bi kịch lớn lao của vật chất chuyển sang bi kịch tinh thần. Cái đói gây ra vấn đề gìn giữ nhân cách sâu sắc, thấm đượm giá trị nhân sinh cao cả. Cái chết của lão Hạc đẻ bảo vệ nhân cách, bảo vệ tình phụ tử thiêng liêng, bảo vệ lòng tin của mọi người. Cái chết bất ngờ của bà cụ “Một bữa no”, lại là nỗi xót xa, đau đớn của con người về miếng ăn - vấn đề muôn thuở. Đi sâu vào hiện thực, Nam Cao còn nhận thấy nỗi đau tinh thần của người trí thức tiểu tư sản ... Là hiện thân của nhà văn trên trang giấy, những Hộ, những Thứ, những San, những Điền, phải chăng là kết quả những giây phút Nam Cao quên mình nhập thân vào nhân vật? Vẫn bằng đôi mắt tình thương, người nghệ sĩ thấu hiểu những ước mơ cao đẹp bị vùi dập tàn nhẫn, đáng thương của họ. Hộ (Đời Thừa) mơ ước có tác phẩm ăn giải Nôben, dịch ra nhiều thứ tiếng, Thứ (Sống Mòn) khao khát ra nước ngoài học tập để về phục vụ đất nước.
Ước mơ đẹp mâu thuẫn với hiện thực. Họ, hoặc vì ốm yếu, hoặc vì nghèo đói, phải sống trong cảnh “chết mòn, chết khi đang sống”. Hộ vò đầu, bứt tai, xấu hổ vì phải viết thứ văn hòi hợt, dễ dãi, diễn tả những tình cảm rất nông, rất thoáng. Hộ đau xót phải sáng tác thứ văn vô nghĩa để nhanh chóng lĩnh nhuận bút, trang trải cuộc sống nghèo. Những tiền điện, tiền nhà, gạo, mắm đã giết chết ước mơ sống đẹp, viết hay của hắn. Hộ chơi vơi giữa hai ngả đường, cứu vớt mẹ con Từ hay phục vụ cho cái tôi mà viết, mà sáng tạo. Chọn con đường thứ hai, Hộ tiếp tục rơi vào tâm trạng uất ức, bức bối của người nghệ sĩ chân chính. Tình thương của Hộ hoà với tình thương của Nam Cao. Nam Cao thương đời Hộ cũng thương cho chính cuộc đời mình. Văn chương chỉ có nghĩa khi biết khơi nguồn, sáng tạo, khi gắn với những đau khổ, lầm than, của cuộc đời mà phản ánh. Cơm áo ghì sát đất khiến người trí thức rơi vào kiếp “sống mòn” không lối thoát. Cuộc sống quẩn quanh, tù đọng ấy khiến Nam Cao không khỏi không buông tiếng thở dài. Nỗi buồn ấy không của riêng Nam Cao mà là tâm trạng chung của cả lớp trí thức thời đại đó. Bằng tài năng hay bằng tấm lòng, Nam Cao đã viết sâu sắc và xúc động đến thế.
Vấn đề “Đôi mắt” được Nam Cao bày tỏ trực tiếp sau Cách Mạng, với việc tái hiện chân thực hình tượng nhân vật Hoàng - Độ. Một lần nữa đề tài người nông dân và tri thức được hiện ra. Nhưng lần này, đôi mắt tình thương Nam Cao được dựa trên cơ sở lập trường Cách Mạng. Sự chuyển biến ấy được lí giải bằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Người nghệ sĩ trước Cách mạng không còn bế tắc, bức bối trong cuộc đời vô nghĩa, họ biết tham gia kháng chiến, phục vụ đất nước nhiệt tình. Độ nhận mình là anh tuyên truyền nhãi nhép, xung phong đi vào các chiến trường nguy hiểm. Anh cũng nhận thấy khả năng đặc biệt của người nông dân. Trước Cách mạng họ là những kẻ “nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương” thì sau Cách mạng, họ hăng hái làm cuộc kháng chiến. Đối lập với Độ là Hoàng - một trí thức nửa mùa. Tản cư về nông thôn, nhà Hoàng vẫn “ba gian sạch sẽ”, sân gạch tường hoa một vườn rau xanh tươi và một con chó béo tốt, ở thành thị, Hoàng là một tay chợ đen rất cừ. Anh có sở thích nuôi chó, con chó becgiê giống Đức của anh chết không phải vì một ngày anh không kiếm nổi cho nó vài lạng thịt bò, nó chết vì ăn phải xác người. Tản cư, Hoàng cách li với kháng chiến, anh đóng cửa cả tâm hồn mình để lạnh lùng, để thao thao bất tuyệt về những tật xấu anh gán ghép cho người nông dân. Anh chỉ thấy họ gàn dở, tham lam, lỗ mãng, ích kỉ. Anh cũng chỉ thấy họ tàn nhẫn, học thuộc lòng bài ba giai đoạn như con vẹt ... mà không thấy nguyên cớ đẹp đẽ bên trong. Xây dựng nhân vật Hoàng, Nam Cao vừa thể hiện đôi mắt nhìn đời sai lệch của nhà văn nửa mùa ấy, vừa ẩn dấu cách nhìn về cuộc sống của mình, ông thấy người nông dân không chỉ khổ vì áp bức bóc lột, còn khổ vì bị thoá mạ, bị khinh bỉ coi thường. Ông thấy nhà văn trí thức đã tìm được chỗ dựa cho mình và hướng giải thoát cho cuộc sống bế tắc, qua đó còn chỉ ra đôi mắt nhìn đời thiển cận, lệch lạc của một số nhà văn.
Vấn đề Đôi mắt được Nam Cao đặt ra trước và sau Cách mạng bằng tất cả tài năng và tâm huyết sáng tác. Nam Cao đã định ra phương hướng sáng tác cho người nghệ sĩ phải có cái nhìn riêng của mình về cuộc đời. Từng quan niệm nghề văn “không thể thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, phải chăng Nam Cao cho rằng đưa ra cái nhìn là một cách sáng tạo của nghệ sĩ? Chủ nghĩa hiện thực với nguyên tắc khắc hoạ chân thực thế giới khách quan đặt ra yêu cầu sống hết mình với cuộc sống cho nhà văn. Phải có cái nhìn, cách đánh giá, anh mới góp một tiếng nói cho đời, một sức sáng tạo cho thơ văn.
Cái nhìn, cao hơn là lập trường tư tưởng, đòi hỏi phải có trong mỗi người nghệ sĩ. Bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo. Nhà văn qua quá trình sáng tác phải để lại giá trị cho tác phẩm của mình về nội dung, hình thức. Dù là nghệ thuật vị nghệ thuật hay “nghệ thuật vị nhân sinh” tác phẩm bao giờ cùng hàm chứa một nội dung tư tưởng, một cách đánh giá trong sự tồn tại khách quan của nó. Nếu ngược lại, tác phẩm của anh chỉ là sự minh hoạ giản đơn một chiều, như ai đó từng nói: một cái loa phát ngôn cho những nội dung trống rỗng.
Đôi mắt là nhãn quan nhìn cuộc sống của nghệ sĩ cũng là nhãn quan để người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Nhìn đời từ cuộc sống khách quan; nhà văn còn nhìn đời trong lăng kính chủ quan của mình. Ta nghiêm túc phê phán quan niệm coi tác phẩm chỉ tái hiện hiện thực tồn tại xung quanh con người, thiếu đi cách nhìn nhận của người nghệ sĩ. Có thể nói hiện thực đi vào tác phẩm tới mỗi nhà văn không ai giống ai, nó xuất phát từ “đôi mắt” của nghệ sĩ trong sự phản ánh. Điều đó giải thích vì sao, cũng hiện thực xã hội tối tăm trước Cách mạng, Ngô Tất Tố nhìn người dân với nỗi khổ vì đói, Nam Cao lại thấy họ khổ vì bị tước đoạt cả nhân tính lẫn nhân hình, những con người xấu xí mà ẩn chứa nhân cách đẹp đẽ bên trong...
Câu nói của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh còn đặt ra vẻ đẹp của văn chương nghệ thuật, vẻ đẹp trong tâm hồn người nghệ sĩ. Đến với văn chương, người nghệ sĩ phải gửi gắm trong đó “thông điệp thẩm mĩ” của mình để người đọc cảm hiểu, đồng sáng tạo với người nghệ sĩ.
Tiếp nhận văn học đòi hỏi người đọc bồi đắp thêm cho tác phẩm từ những hình ảnh biểu tượng, phác hoạ thành bức tranh sinh động. Nhưng đến với sáng tác Nam Cao, người đọc tìm thấy nhiều lớp nghĩa mới, ý tưởng mới qua thời gian lại không phải bản thân tác phẩm chỉ là những hình ảnh biểu tượng. Văn Nam Cao khiến người đọc mãi day dứt, mãi suy nghĩ vì những vấn đề nhân sinh cao quý. Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, nhà văn muốn đối thoại với con người về một nhân sinh. Tác phẩm của Nam Cao đã trở thành những bài học làm người sâu sắc. Chắc hẳn, đôi mắt nhìn cuộc đời ấy còn khiến cho người đời sau mãi ghi nhớ. Và văn học hiện thực Việt Nam, mãi sáng ngời một “đôi mắt” lấp lánh trên bầu trời văn học.