Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bằng việc phân tích một số tác phẩm của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Có thể nói, vấn đề “Đôi mắt” là vấn đề cơ bản của chủ nghĩa hiện thực Nam Cao”

Thứ sáu - 10/03/2017 01:52
Mỗi lần đọc Nam Cao là mỗi lần trong tôi lại rưng rưng xúc động và ám ảnh. Những trang đời, những trang văn nóng hổi của Nam Cao vẫn còn mãi như một cảm xúc không thể nguôi yên trong lòng độc giả. Trong dòng văn học hiện thực phê phán, người ta sẽ nhớ mãi một Nguyên Hồng - nhà văn của chủ nghĩa nhân đạo thông thiết, một Vũ Trọng Phụng - nhà văn châm biếm trào lộng mỉa mai ... Và người ta cũng không thể quên được một Nam Cao cháy bỏng tình yêu thương, luôn quan tâm đến nhân phẩm con người. Những sáng tác của Nam Cao, ngoài giá trị nhân đạo, hiện thực, còn là một ý thức trách nhiệm cao cả của lương tâm người cầm bút cứ trăn trở, day dứt, trở đi, trở lại trong các sáng tác cả trước và sau cách mạng. Bởi vậy, thật có lí khi giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Có thể nói, vấn đề “Đôi mắt” là vấn đề cơ bản của chủ nghĩa hiện thực Nam Cao”.
Bước vào dòng văn học hiện thực phê phán khi những tên tuổi của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan ... đang rực rỡ nhưng Nam Cao vẫn tìm được chỗ đứng cho mình. Phải chăng bởi ông đã tìm ra một đề tài mới mẻ, độc đáo? Phải chăng bởi ông có cách viết sáng tạo, hấp dẫn? Vâng, nhưng quan trọng hơn là trong các sáng tác ấy, Nam Cao đã bộc lộ được thái độ, tư tưởng, cái nhìn của mình với cuộc sống, với con người. Theo tôi hiểu, vấn đề “đôi mắt” chính là vấn đề cái nhìn, là thế giới quan của người cầm bút thể hiện qua các sáng tác của mình.
 
Đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực phê phán là phản ánh chân thật hiện thực xã hội. Là một trong những tài năng xuất sắc của trào lưu này, Nam Cao cũng tuân thủ theo nguyên tắc cơ bản ấy. Nhưng dù là lấy chất liệu từ hiện thực nhưng nhà văn cũng không thể không bộc lộ tư tưởng tình cảm của mình. Và với Nam Cao, vấn đề “đôi   mắt”, “vấn đề cái nhìn” là một đặc điểm cơ bản xuyên suốt các tác phẩm của ông.
 
Trên con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã chỉ ra được những nét đặc điểm cơ bản trong tư tưởng - phong cách của những nhà nghệ sĩ lớn. Tôi nghĩ xuất phát từ chính những sáng tác của Nam Cao ở cả trước và sau cách mạng mà giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nêu được những nhận xét xác đáng ấy. Nam Cao luôn quan tâm đến nhân phẩm con người. Và ông luôn luôn cho rằng cần phải có một đôi mắt, một cách nhìn đúng đắn, đầy yêu thương mới hiểu hết được những phẩm chất của con người. Tại sao Nam Cao lại luôn luôn trở trăn với vấn đề “đôi mắt”?
 
Văn học nước ta một thời đã sai lầm khi đánh giá giá trị của một tác phẩm chỉ căn cứ vào đề tài của tác phẩm ấy có to tát hay không, có bóng dáng quan lại, có đấu tranh giai cấp hay không ... mà không chú ý gì đến thái độ, tư tưởng của người cầm bút. Nam Cao đã dũng cảm tách mình ra và ông viết về những đề tài hết sức nhỏ nhặt, bình thường thậm chí tầm thường: những chuyện về miếng ăn, những chuyện không muốn viết. Nhưng đằng sau những câu chuyện nhỏ nhặt kia lại là một trái tim tha thiết yêu thương, là một tư tưởng lớn.
 
Mặt khác, có lẽ Nam Cao cũng ý thức được rằng, vấn đề “đôi mắt” là một yếu tố quan trọng chi phối đến tư tưởng của người nghệ sĩ. Tôi nghĩ, tư tương của nhà văn bộc lộ trước hết là ở cái nhìn của anh ta trước hiện thực cuộc sống. Bởi vậy, cách nhìn chính là yếu tố bộc lộ tư tưởng của nhà văn. Muốn xem tư tưởng của một nhà văn, trước hết người ta căn cứ vào cái nhìn của nhà nghệ sĩ ấy. Chẳng phải Mac-xen Prutxtơ từng nói “sáng tạo bắt đầu từ cái nhìn đó sao”. Và chẳng phải ai đó đã cho rằng không có thành tựu nghệ thuật nào nằm ngoài thế giới nghệ thuật của nhà văn đó sao?
 
Hơn nữa, đặc trưng của văn học là phản ánh thế giới khách quan qua hình ảnh chủ quan của mỗi người nghệ sĩ. Mà thế giới khách quan kia đầy rẫy những sự việc tốt, xấu, đê hèn, cao cả ... lẫn lộn. Đặc biệt là thế giới tâm hồn của con người càng phức tạp hơn. Chính M.Gorki đã từng phải thốt lên: “Tôi không biết còn có gì tốt đẹp hơn, phức tạp hơn và thú vị hơn con người”? Nếu không xác định cho mình một cách nhìn, một lập trường tư tưởng nào đó liệu rằng anh có sáng tác được không? Và liệu rằng các tác phẩm của anh có đạt được mục đích cao cả nhất là nhân đạo hoá con người hay không? Nào phải đề tài to tát mới quyết định đến tư tưởng của tác phẩm? Nào phải cứ bê nguyên hiện thực cuộc sống vào tác phẩm thì tác phẩm sẽ sống mãi? Không, nghệ thuật không phải là sự đồ hoạ lại cuộc sống xô bồ thô ráp. Nghệ thuật không phải là những đề tài to lớn tầm cỡ. Điều quan trọng là cách nhìn, cách đánh giá, cách thẩm định của nhà văn với cuộc sống mà thôi, Raxun Gamtatốp - nhà thơ của xứ núi Đaghextan cũng từng cho rằng: ‘‘Đừng nói: cho tôi đề tài. Hãy nói cho tôi đôi mắt” đấy thôi. Có thể nói. Giữa Nam Cao và Raxun Gamtatôp đã có một sự gặp gỡ trong quan điểm của mình về vấn đề “đôi mắt”.
 
Có lẽ vì ý thức được như thế chăng mà trong sáng tác của Nam Cao vấn đề “đôi mắt” trở thành một đặc điểm cơ bản, xuyên suốt? Theo Nam Cao “đôi mắt của người nghệ sĩ hoàn toàn không phải là đôi mắt rảo hoảnh của phường ích kỉ mà là đôi mắt của tình thương, đôi mắt của lòng nhân đạo”. Ông giáo, hiện thân của Nam Cao, trong “Lão Hạc” cũng đã từng phát biểu: “Chao ôi” ! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi ... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”. Chính ông giáo - người được coi là hiểu lão Hạc nhất - cũng phải trải qua bao quá trình từ ngộ nhận rồi vỡ lẽ, rồi lại ngộ nhận và lại vỡ lẽ mới hiểu hết được phẩm chất tốt đẹp của lão Hạc. Cái lão nông bề ngoài có vẻ gàn dở lẩm cẩm kia nhưng trong lòng lại chứa đựng những phẩm chất đáng quý. Binh Tư hay những người làng Vũ Đại ... làm sao hiểu được lão Hạc? Thấy cái bề ngoài lẩm cẩm của lão, thấy cái cách lão từ chối sự giúp đỡ của ông giáo rồi nhịn ăn, không tiêu vào tiền của con ... vợ ông giáo nào có hiểu? Chính cái đói, cái nghèo đã khiến vợ ông giáo trở nên ích kỉ, không quan tâm, không: “cố tìm hiểu” lão Hạc. Vợ ông giáo chỉ cảm thấy bực tức “cho lão chết, ai bảo lão có tiền mà không tiêu”, bởi nói như Nam Cao, khi một người bị đau chân, họ chỉ còn nghĩ đến cái đau của mình mà nào có nghĩ đến cái đau, cái khổ của người khác? Vậy nên, sự vô tình, vị kỉ kia của vợ ông giáo cũng thường tình mà thôi. Ngay cả Binh Tư, tên đầu trộm đuôi cướp trong làng cũng còn nghi ngờ lão Hạc cùng bản chất như hắn cơ mà; Rồi đến cả ông giáo, đâu phải trong một lúc đã hiểu hết lão Hạc? Thấy lão Hạc than vãn, “hu hu khóc” vì việc đánh lừa một con chó, ông giáo cũng đã từng dửng dưng và ngầm so sánh “lão quý con chó làm sao hơn được tôi quý những quyển sách”. Ngay từ đầu, ông giáo đâu hiểu rằng đó là lần đầu tiên lão Hạc nói dối, mà là nói dối một con chó? Ông giáo cũng đâu hiểu ngay rằng khi lão Hạc tự bán đi một niềm vui của mình lại cũng là lúc lão ăn năn về phẩm chất làm người của mình với một con chó? Để rồi khi thấy lão hu hu khóc, khi thấy “mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau”, ông giáo mới hiểu hết phẩm chất tốt đẹp của một lão nông nghèo. Nhưng sự ngộ nhận vê lão Hạc đã chấm dứt hoàn toàn đâu ! Nghe Binh Tư kể lão Hạc xin bả chó, ông giáo đã đau khổ cảm thấy “đời mỗi ngày lại một buồn hơn”. Chỉ đến khi trông thấy cái chết đau đớn vật vã của lão Hạc, ông giáo mới thấm thìa nhân phẩm của một con người. Như vậy, cứ ngộ nhận rồi vỡ lẽ, hiểu lầm rồi hiểu ra ... “Hành trình” để hiểu nhân cách một con người không hề đơn giản. Qua “Lão Hạc” dường như Nam Cao muốn gửi tới thông điệp: đối với mỗi người ở xung quanh, con người hãy cố gắng tìm hiểu, cảm thông và yêu thương, bao dung với nhau.
 
Nam Cao đã nhỏ biết bao giọt nước mắt xót thương cho nhân vật của mình? Nào ai mà biết được! Chỉ biết rằng đằng sau cái vẻ ngoài lạnh lùng của câu chữ là một trái tim ấm áp tình đời, tình người thiết tha. Có người liên tưởng văn Nam Cao giống như cái phích nước trong nóng ngoài lạnh phải chăng là vì thế?
 
V.Huygô từng cho rằng: “Nghiên cứu những dạng xấu, những dạng dị tật của xã hội và để chúng lên để sửa chữa là công việc mà trong đó nhà văn không được phép chọn lựa”? Nguyễn Minh Châu cũng từng cho rằng, đại ý: nhiệm vụ của một nhà văn chân chính là tìm ra phẩm chất người, tìm ra con đường sống cho những người tưởng như đã cùng đường tuyệt lộ. Có phải vì ý thức được như thế chăng mà qua các sáng tác của mình, Nam Cao đã minh oan chiêu tuyết cho bao con người: Lang Rận, Chí Phèo, anh cụ Lộ ...? Trong cuộc đời cầm bút của mình, Nam Cao hiểu ra rằng: “cái mà con người thiếu chỉ là một lòng tốt bình thường”.
 
Vâng ! Chỉ cần một lòng tốt bình thường của một con người với một con người thôi cũng có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và cũng bởi đôi mắt tình thương của mình mà Nam Cao hiểu: “Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác đẻ thoã mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên chính đôi vai của mình”. Để rồi từ đó ông tìm ra phẩm chất người ở một con người tưởng như vĩnh viễn không bao giờ trở lại làm người. Chí Phèo (truyện ngắn “Chí Phèo”), từ một anh canh điền khoẻ mạnh đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhìn khuôn mặt chằng chịt những sẹo, chứng kiến những cơn say triền miên, những cuộc chà đạp lên bao nhiêu hạnh phúc của người khác ... của Chí Phèo, ai có thể tin được con quỷ ấy vẫn còn phẩm chất người? Nam Cao thấy Chí Phèo là thằng điên, thằng say, thằng mất trí nhưng Nam Cao cũng thấy Chí là người có đầu óc sáng sủa nhất làng Vũ Đại. Chí Phèo, Bá Kiến đều là những nhân vật có thật ở ngoài đời đã đi vào sáng tác của Nam Cao. Nhưng với một trái tim nhân đạo, với một cách nhìn cao cả, Nam Cao đã sáng tạo thêm nhân vật Thị Nở. Thị Nở đã gọi dậy tình người trong Chí, đã khơi dậy bản chất người vẫn tiềm ẩn trong tiềm thức của Chí. Đoạn văn đầy chất thơ miêu tả nhưng rung động của Chí Phèo không khỏi khiến tôi rưng rưng xúc động. Chí đã nghe thấy âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người thợ thuyền gác mái chèo đuổi cá, tiếng của những người đi chợ về ... để nhận ra rằng cuộc sống vẫn đang tốt đẹp, chỉ có mình anh là đứng bên lề xã hội. Xót xa làm sao khi anh nhớ lại cái ước mơ bình thường của mình: “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, “khá giả thì mua thêm dăm ba sào ruộng làm”, “rồi lại bỏ thêm con lợn nuôi làm vốn” ...Ôi ! cái ước mơ giản dị bình thường tưởng như ai cũng có được mà bàn tay Chí Phèo không thể với tới? Chí Phèo đã bị định kiến xã hội mà đại diện là bà cô Thị Nở không “cố tìm mà hiểu” đẩy ra ngoài lề cuộc sống người!.  Nam Cao không nức nở trên trang giấy, nhưng tôi tin khi viết đến sự trở về của Chí, Nam Cao không thể không nhỏ nước mắt xót thương. Câu hỏi đau đáu của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện? Làm sao mất hết được những vết mảnh chai trên mặt này?” làm đau lòng Nam Cao, đau lòng độc giả. Vậy là, không có một sự cảm thông, không có một “đôi mắt” “cố tìm mà hiểu” nên cả làng Vũ Đại, có ai hiểu cho Chí Phèo! Cái chết kia là cái chết trong một tư thế người nhưng ngay cả Thị Nở (người được coi là hiểu Chí Phèo) cũng đâu có hiểu? Người làng Vũ Đại sung sướng, hả hê vì hai kẻ đáng ghét, hai kẻ gieo đau khổ cho dân làng đã tự tìm đến nhau mà chết. Ngòi bút của Nam Cao, như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét, luôn đứng trên bờ vực giữa chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa tự nhiên, thoá mạ phẩm chất con người. Nhiều lúc tưởng như ngòi bút Nam Cao rơi xuống vực thẳm nhưng Nam Cao vẫn đứng vững. Tôi tự hỏi: Nếu không xác định cho mình một lập trường tư tưởng, một cách nhìn đúng đắn liệu Nam Cao có đứng vững trên chủ nghĩa nhân đạo được không? Và nếu không có một trái tim ấm nóng, tin tưởng ở phẩm chất con người, liệu tác phẩm của Nam Cao có sống mãi được không? Coi “Nam Cao là một nhà tư tương lớn” quả là không sai!
 
Như vậy là, bằng đôi mắt tình thương của mình mà trước cách mạng, Nam Cao đã hiểu và cảm thông với nỗi đau của con người, nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Và đối với những người trí thức, bằng “đôi mắt” của mình, Nam Cao cũng nhận ra những điều tốt đẹp như thế!
 
Theo Nam Cao, con người chỉ thực sự là người, chỉ thật sự sống có ý nghĩa khi hội tụ được ba yếu tố: có tình yêu thương đồng loại, có lí tưởng xã hội và có một vốn văn hoá - xã hội để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của văn chương nghệ thuật. Nếu không hội tụ được những đều tốt đẹp ấy, con người chỉ tồn tại chứ không phải là sống. Soi vào các sáng tác của Nam Cao trước cách mạng, ta thấy những trí thức tiểu tư sản như những Điền, những Hộ, Thứ, Oanh, Đích, San ... đều đang “sống mòn”, đang “chết mòn” cả.
 
Hộ trong “Đời thừa” luôn luôn bị gánh nặng “cơm áo ghì sát đất” bị những lo lắng tủn mủn về vật chất mà phải viết những áng văn vô bổ, đọc lên người ta sẽ quên ngay. Rồi cũng vì cái gánh nặng cơm áo gạo tiền kia mà Hộ đã vi phạm lẽ sống, vi phạm nguyên tắc tình thương của mình. Những cơn say, những tiếng quát tháo, chửi rủa vợ con ... đã biến Hộ thành một con người khác. Anh đã biến mình thành một “đời thừa” vô nghĩa và vô ích.
 
Thứ, San, Đích, Oanh trong tiểu thuyết “Sống mòn” cũng vậy. Cũng chỉ bởi miếng cơm manh áo mà họ tính toán vặt vãnh với nhau, Thứ vui mừng khi thấy bạn mình ốm, Thứ hạnh phúc khi nghĩ ra mưu trả thù vợ dù chỉ là trong ý nghĩ. Oanh tham lam ra sức lợi dụng bóc lột Thứ, San ... Xã hội tiểu tư sản trí thức đã trở thành những kiếp “sống mòn”, tẻ nhạt, không có sự cảm thông và tình yêu thương.
 
Nhưng với sự cảm thông, với cách nhìn nhân đạo của mình mà Nam Cao vẫn nhận ra những phẩm chất tốt đẹp trong những con người ấy. Hộ có lý tưởng xã hội cao đẹp, là viết được cuốn sách đạt giải Nôbel, “ca ngợi tình thương, lòng bác ái, lẽ công bình”. Hộ có một tình yêu văn chương đến mãnh liệt đến nỗi “mỗi khi đọc được một câu văn hay và hiểu hết cái hay cái đẹp của nó thì dẫu có ăn một miếng ăn có ngon đến đâu cũng không sướng bằng”. Và mặc dù đánh chửi vợ con, mặc dù viết những áng văn vô bổ, Hộ vẫn ăn năn day dứt và hôi hận “mình đã hỏng đứt rồi”. Để rồi sau khi đọc xong những áng văn kia mặt anh lại đỏ lên, “nghiến răng vò nát sách”, vì trong quan niệm của Hộ “sự cẩu thả trong bất kỳ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Để rồi Hộ ăn năn day dứt với vợ, Hộ khóc như chưa bao giờ được khóc, như người ta vắt vỏ chanh nhửng giọt nước mắt ân hận, xót xa ...
Thứ cũng hiểu ra được cái đê tiện, xấu xa của mình. Chính anh đã từng tâm niệm “sẽ giành hết thời gian cho nhà trường và lũ học trò”. Chính anh đã đề ra một lí tưởng xã hội cao đẹp: “Phải tiêu diệt hết những kẻ ăn không, ngồi rồi, hưởng những thứ người khác làm ra mà chẳng làm ra một cái gì. Ai cũng phải làm, ai làm củng phải được no đủ, tự do”.
 
Vậy là, với đôi mắt tình thương, Nam Cao vẫn phát hiện thấy những phẩm chất của người trí thức. Những nỗi khổ kia của họ là do xã hội gây ra mà thôi. Nếu như trước cách mạng bằng đôi mắt tình thương của mình, ông mới chỉ phát hiện thấy những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân và trí thức mà chưa tìm ra lối thoát cho họ thì sau cách mạng, với đôi mắt tình thương trên lập trường cách mạng của mình, Nam Cao đã thấy được khả năng cách mạng của nông dân, tri thức.
 
“Đôi mắt” viết năm 1948 được coi là một tuyên ngôn nghệ thuật về lập trường tư tưởng của Nam Cao. Hoàng và Độ có cái nhìn đối lập nhau về cách mạng, về nhân dân.
 
Vãn sĩ Hoàng nhìn cuộc sống phiến diện, xuôi chiều, chỉ thấy mặt xấu của xã hội mà không thấy hết phẩm chất tốt của nhân dân. Trong mắt Hoàng, người nông dân chỉ là những kẻ ngố và nhặng xị, đầy những tật xấu: nhút nhát, dốt nát ... với những hủ tục, quan niệm lạc hậu: vợ anh trai đẻ phải ra ngoài vườn ... ấy vậy mà họ vẫn được làm “uỷ ban này, uỷ ban nọ”, trong khi họ chỉ biết đánh vần từng chữ, đọc thuộc lòng bài ba giai đoạn như một con vẹt biết nói, thích kiểm tra giấy tờ “anh đi, hỏi. Anh về, hỏi” , thậm chí để quên cái mũ, quay về lấy lại bị hỏi ... Trong con mắt của Hoàng, mọi thứ đều trở nên kệch cỡm, thô lỗ. Bởi vậy, anh không thế viết được áng văn cho ra hồn mặc dù anh là một nhà văn có tài. Vâng, nếu không có một cách nhìn cảm thông, cái nhìn đúng đắn, làm sao người nghệ sĩ có thể sáng tác được những tác phẩm chân chính?
 
Trái với Hoàng, Độ có một cách nhìn toàn diện về cuộc sống. Chính Hoàng, Độ có lúc cũng thấy “gần như thất vọng” vì thấy người dân “phần đông, dốt nát, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương...” để rồi đến khi tổng khỏi nghĩa nổ ra, Hộ cũng “té ngửa ra. Hoá ra người dân nước mình vẫn có thể làm cách mạng, mà làm cách mạng một cách hăng hái lắm”. Trong nhật ký “ở rừng” ngày 3.11.1947 Nam Cao cũng viết: “Gặp gỡ những người Mán đói rách dốt nát, thấy họ làm cách mạng chân thành, tận tuỵ và sốt sắng, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng”. Với một cách nhìn đúng đắn, Độ - hiện thân của Nam Cao đã nhận ra đằng sau cái vẻ ngoài dốt nát kia của người nông dân là một khả năng cách mạng phi thường. Và việc đọc thuộc lòng như một con vẹt biết nói, việc kiểm tra giấy tờ kia ... là do sự thay đổi buổi đầu khi người nông dân được làm chủ mà thôi.
 
Những người trí thức sau cách mạng trong cách nhìn của Nam Cao cũng không còn bế tắc nữa. Độ đã tìm thấy lí tưởng của mình bằng cách “làm anh tuyên truyền nhãi nhép” có ý nghĩa, đi vận động và tuyên truyền cách mạng...
 
Nam Cao đã ra đi rất sớm nhưng sự nghiệp sáng tác của nhà văn thật đồ sộ. Với những sáng tác của mình, Nam Cao đã cho thấy một cái nhìn, một “đôi mắt” thật đúng đắn. Đó cũng là bài học cho bất kỳ ai muốn bước vào nghề văn: trước khi sáng tác, hãy bắt đầu xây dựng cho mình một cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về con người ...
 
Có thể nói, Nam Cao xứng đáng là một nhà văn lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Những sáng tác của ông sẽ luôn sống mãi trong lòng độc giả bởi giá trị tư tưởng của nó. Và nhắc đến Nam Cao, người ta cũng không bao giờ có thể quên được “vấn đề đôi mắt” mà ông đã gửi gắm trong suốt tác phẩm của mình. “Một đời người, một đời văn” như thế quả là rất đáng khâm phục!

Nguyễn Mỹ Linh

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây