Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Anh (chị) có ý kiến gì về hai câu thơ sau của Nguyễn Du: Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Thứ hai - 19/04/2021 09:03
Xót xa trước số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nhà thơ Nguyễn Du đã viết: Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Anh (chị) có ý kiến gì về hai câu thơ trên.

I. DÀN Ý
1. Mở bài:

- Trong xã hội phong kiến đầy áp bức, bất công, người phụ nữ là nạn nhân chịu nhiều đau khổ nhất.
- Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã phản ánh sâu sắc nỗi khổ ghê gớm ấy qua hình tượng người con gái tài sắc Thuý Kiều.
- Lời than của Kiều đã khái quát được nỗi thống khổ chung của người phụ nữ:
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

 

2. Thân bài:

a. Giải thích ý nghĩa câu thơ:
+ Là nhận định về số phận chung của phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Bạc mệnh như một định mệnh bất di bất dịch đối với họ.
+ Bạc mệnh là gì?
- Bạc: mỏng; mệnh: số mệnh.
- Bạc mệnh: nghĩa hẹp là số phận mỏng manh, bạc bẽo. Nghĩa rộng là cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, tai ương. Số phận long đong, vất vả hoặc là chết yểu một cách thảm thương.
b. Khẳng định nhận xét của Nguyễn Du là hoàn toàn đúng:
- Trong chế độ phong kiến, chiến tranh cùng với những quan niệm cổ hủ, lạc hậu như trọng nam khinh nữ,... đã gây ra bao bất công, khổ nhục cho người phụ nữ. (Dẫn chứng: Người con gái Nam Xương, Thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều...).
- Thân phận phụ nữ bị xã hội coi rẻ, vùi dập. Mọi khát vọng sống cao đẹp của họ đều không được chấp nhận. Dù cố vươn lên để chiến thắng số phận, rốt cuộc, họ vẫn bị những thế lực hắc ám nhấn chìm xuống bùn đen. (Dẫn chứng: Cuộc đời Kiều là một chuỗi dài bi kịch).
- Nguyễn Du thực sự thông cảm và xót thương người phụ nữ - nạn nhân của lễ giáo bất công, của thế lực đồng tiền trong xã hội phong kiến.
c. Nâng cao, mở rộng vấn đề:
- Từ thân phận bạc mệnh của người phụ nữ, Nguyễn Du phản ánh nỗi khổ của họ dưới chế độ phong kiến suy tàn, thối nát. Từ đó, tác giả tố cáo xã hội đương thời đã chà đạp thô bạo lên nhân phẩm, nhân quyền của người phụ nữ.
- Trong chế độ mới, người phụ nữ được coi trọng, được đánh giá đúng. Điều đó đã phát huy năng lực to lớn của người phụ nữ, động viên họ đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc.
- Mọi suy nghĩ, hành động sai trái, xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ cần phải bị lên án.
 

3. Kết bài:

- Câu thơ trên của Nguyễn Du phản ánh chân thực và xúc động về thân phận đau khổ của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
- Nó như lời than thống thiết trước một định mệnh hết sức tàn bạo, phũ phàng đối với người phụ nữ. Hãy tôn trọng phụ nữ, trả họ về với vị trí xứng đáng mà tạo hoá đã ban cho: người duy trì, tiếp nối sự sống trên trái đất.
 

II. Bài văn mẫu: Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Anh (chị) có ý kiến gì về hai câu thơ trên.

Người phụ nữ được sinh ra trên thế giới này luôn được dùng những mỹ từ đẹp như phái yếu “liễu yếu đào tơ” rồi lại “tuyệt thế giai nhân”, “công dung ngôn hạnh”. Đó là tất cả những gì mà người phụ nữ chân chính được công nhận. Có thể nói người phụ nữ giống như một bông hoa thơm ngát hương cho đời. Thế nhưng Nguyễn Du một bậc đại thi hào khi kể chuyện về cuộc đời của một bông hoa tên Thúy Kiều lại đúc kết một câu nói có ý nghĩa khái quát:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Câu nói ấy có ý nghĩa gì? Nguyễn Du nói về cuộc đời đầy gian nan trắc trở của nàng Kiều sau đó nói lên những câu có ý nghĩa triết lý sâu sắc. Câu thơ trên tác giả muốn nói đến số phận người đàn bà. Tác giả dùng biện pháp đảo ngữ đẩy hai từ “đau đớn” lên đầu câu để cho thấy tâm trạng xót thương vô cùng cho số phận của những người phụ nữ liễu yếu đào tơ. Tác giả có ý muốn nói rằng số phận đàn bà vốn dĩ nó đã rất bạc mệnh. Như câu thơ “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Người phụ nữ càng xinh đẹp càng má đào và tài giỏi thì càng bạc mệnh. Liệu rằng ý kiến đó có đúng hay không?

Trước hết xem ngay chính nhân vật mà Nguyễn Du đặt cả tình cảm và ngòi bút để xây dựng nên. Thật sự mà nói đối với một cô gái xinh đẹp đến mức “ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” và “Cung âm lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” như Kiều thì phải có một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc với nhan sắc trời phú và tài năng của mình. Thế nhưng người phụ nữ ấy lại không được như chúng ta nghĩ. Kiều phải thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Người yêu của mình thì không đến được với  nhau, phải nhờ em gái nối duyên với chàng. Còn mình thì lưu lạc khắp nơi này nơi khác, qua tay biết bao nhiêu gã đàn ông. Dẫu cô muốn chết ông trời cũng không cho cô chết. Cô vẫn phải sống cho trọn kiếp người này. Đó chính là sự trái ngược giữa tài năng và cuộc đòi của cô. Cô muốn được hạnh phúc nhưng xã hội của cô không cho cô hạnh phúc. Có lẽ càng tài giỏi bao nhiêu thì càng bạc mệnh bấy nhiêu.
 
Hay như nhân vật Mị trong tác phẩm của vợ chồng A Phủ cũng vậy. Một cô gái Her Mông xinh xắn dịu dàng, nền nã không những thế cô còn có một lòng hiếu thảo với cha mẹ, tự trọng bản thân và có tài thổi sáo rất giỏi. Tưởng rằng cô sẽ trở thành một cô gái có cuộc sống hạnh phúc như bao người khác. Thế nhưng cô cũng không thoát khỏi cảnh làm dâu gạt nợ của nhà thống lý trong bản. Cuộc sống ấy biến cô trở thành một cô gái lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, chỉ biết cúi mặt lúc đi và làm những công việc quen thuộc cứ lặp đi lặp lại mà thôi.

Đó là những điển hình cho số phận những người con gái đa tài nhưng bạc mệnh. Nó thể hiện sự đau đớn của Nguyễn Du khi nói đến thân phận đàn bà. Đó là sự trái ngược về tài sắc và cuộc đời của họ. Nhưng ở đây Nguyễn Du nói những người đàn bà nói chung chứ không phải riêng chỉ những người đàn bà có tài sắc như Thúy Kiều. Có lẽ nào ai là đàn bà cũng bạc mệnh chăng?. Nói như vậy Nguyễn Du muốn thể hiện sự đồng cảm với những số phận người đàn bà bạc mệnh bất hạnh chứ không phải ai là đàn bà cũng có số phận như thế. Ta biết một điều rằng chính xã hội họ sống làm cho những tài năng của họ bị coi khinh và sử dụng vào mục đích kiếm lợi trên chính nhan sắc tài năng ấy. Vì thế số phận của họ như thế một phần lớn là do xã hội họ sống gây nên.

Câu nói của nhà đại thi hào liệu còn đúng trong xã hội ngày nay không?. Ngày nay khi không còn cường quyên thần quyền hủ tục đến mức trói buộc thân thể người ta mà khi bình đẳng nam nữ thì cũng là lúc những tài năng của phụ nữ được biết đến và phát triển làm giàu cho chính đất nước đó. Nó không những không làm hại đến số phận của họ mà còn mang lợi đến cho họ. Tất nhiên đa tài hay giỏi quá thì cũng rất phiền vì nhiều người ganh tị ghen ghét. Những người ấy sẵn sàng hại bạn đạp đổ bạn để họ lên trên. Nhưng nếu bạn có tài thật sự thì họ có muốn đạp bạn xuống thì cũng rất khó. Hiện nay những người càng có tài càng có nhan sắc thì lại càng sung sướng về mặt cuộc sống thành đạt và chuyện chọn cho mình người chồng xứng đáng.

Như vậy ta thấy câu nói của Nguyễn Du chỉ đúng với số phận người phụ nữ trong xã hội cũ mà thôi. Ngày nay tuy cũng có những người tài năng nhưng bạc mệnh nhưng nó không phải là một quy luật được. Trường hợp đó chỉ rơi vào số phận của một người nào đó mà thôi. Cũng vì thế nếu bạn khổ thì cũng không nên nghĩ mình tài năng nên bạc mệnh. Dù sao ta cũng thấy được sự xót thương của nhà thơ đến số phận những người đàn bà.

​​​​
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây