N.Đ ngày 10-3-1936
Em Sơn !
Lí tưởng là gì? Thường đêm em nằm trong buồng nhìn qua song cửa sổ, trông lên nóc nhà hàng xóm có ngôi sao lấp lánh, nhìn em như mỉm cười; ngôi sao ấy có vẻ thân ái đối với em hình như là bạn của em, gửi một tia sáng vào tâm hồn em trong bóng tối. Nếu em tìm cho tới ngôi sao “bạn em” đó, thì sao của em sẽ lui ra đậu ở đỉnh đồi, em đuổi theo vừa tới chân đồi, sao đã chạy lên đầu ngọn núi ở nơi chân trời xa tít. Em trèo lên núi, sao của em chạy xa ra bờ bể, em đuổi ra tới bể, sao em bỗng đã lửng lơ giữa chốn không gian... Rồi trong chốn ba đào muôn nghìn làn sóng xanh biết đen sì dồn dập đánh vào chiếc thuyên của em, chiếc thuyền em lên xuống không chừng, song mắt em cứ đăm đăm trông thẳng vào sao của em để chống với phong ba; em không sợ lạc đường mà em có thể cứ đi, đi mãi.
Ấy ở đời, em cũng như con thuyền lênh đênh trên mặt bể, ngôi sao kia lí tưởng của em thôi. Lí tưởng là một điều hợp với chân lí, nó như tia sáng soi khắp lòng ta, như Bắc Đẩu chỉ đường cho khách bộ hành, như kim la bàn của người hoa tiêu giữa bể. Lí tưởng chỉ rõ hết mọi sự hành động của ta và bắt ta phải theo riêng một khuôn khổ. Song Lí tưởng chỉ là cái đích của ta theo đuổi mà không hề bao giờ đạt tới, như ngôi sao kia chỉ rõ lối ta đi và đích của ta theo mà chưa bao giờ ta tìm được đến gần. Lí tưởng rất quan hệ đến đời ta vì giá trị đời người có chỗ dùng, đời người làm việc gì, dùng đời làm việc cao thì đời đáng giá ngàn vàng, dùng đời làm việc ti tiện thì đời như đám đất đen, mà những công việc ở đời cao hay thấp, trong sạch hay ti ô đều là do lí tưởng. Đặt lí tưởng cao thì việc đời hay mà đời có giá, đặt lí tương thấp thì việc đời dơ mà đời cũng vất đi. Có hạng người lí tưởng không ngoài mấy chữ sung sướng, nên việc làm chỉ cầu cơm no, áo ấm, đời ấy là đời “giá áo túi cơm” có người lí tưởng là Ái là Nhân, việc làm chỉ cố giúp ích cho người, đời ấy mới thật là đời Quân tử. Hiện nay chị nhìn đến bọn thiếu niên phần nhiều vô huyết tinh, hoặc thì những lí tương khốn nạn, hoặc không có lí tưởng gì, chẳng qua ăn sổi ở thì, như ván mục chốn bể khơi hay mây bụi trong luồng gió.
Chị lo cho em lắm, vì em còn ngây thơ dại dột, trong một quãng thời gian xa lắc, em phải một mình lăn lộn với đời, em vắng chị chẳng qua mất một cái cột trụ về hình thức mà thôi, em không có lí tưởng mới là một điều chị ngày đêm e sợ.
Không có lí tưởng nên việc đời làm dễ lầm, dễ lẫn, không có lí tưởng nên những năng lực trời phú cho không còn biết dùng làm việc gì.
Đã bao phen chị nói với em rằng sống ở đời là để phấn đấu cạnh tranh, mong có ích cho người đi sau, chớ không phải ăn sung mặc sướng, dù làm thân trâu, thân ngựa.
Ở đòi phải khổ, phải ba chìm bảy nổi, song cái khổ đó chính làm tăng giá trị con người; nhưng phải phân biệt cái khổ vô ý thức (như cái khổ vì tình) cùng cái khổ thanh cao (như cái khổ về nghĩa vụ). Mỗi khi em thấy em khổ, em nên tự hỏi vì sao em khổ? Vì vật dụng không thoả mãn chăng? Nếu thế là cái khổ con lợn không đủ cái ăn, con chim không đủ lông che rét, khổ như thế tức là khổ nhục cũng như cái khổ của trai gái mê nhau không được thoả lòng! ... Trái lại, khổ vì nghĩa vụ, khổ vì theo lí tưởng thì khổ làm tăng giá trị người lên, vì mỗi khi mình tự hỏi mình, em có thể tự mĩm cười an ủi cho em: em hơn đời vì em biết khổ! “Em vì người mà chịu khổ, em khổ để gở bớt cái khổ cho người khác!” em nghĩ thế rồi lại hăng hái lên, mong theo đuổi lí tưởng đã dạy em biết thế nào là khổ “vị tha”.
Em nên đọc đi đọc lại cho kĩ bức thư này, may ra nó sẽ nâng đỡ cho em và giúp em vơi bớt nỗi đau thương khi gặp việc đời đáng nản, đáng buồn. Thôi chị chỉ dặn thêm một điều: em hãy cố lên! cố giống hệt như em Sơn ở trong tâm hồn chị lúc nào cùng hằng tưởng tượng.
Sau đây có lúc chị đặt một cái hôn lên trán em khi chị em ta sum họp, chị mong em có thể nói được rằng về phường diện nào cũng vậy, em đã xứng đáng làm người!
Chị yêu em
Nguyệt