Lần đầu ra Hà Nội sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đi qua ngã ba Đồng Lộc đầy nắng. Một ngã ba trơ trọi như rất nhiều ngã ba trên đất nước Việt Nam. Không có gì đặc biệt ở những ngã ba như vậy. Nắng như lửa cháy và gió không thôi thổi suốt ngày đêm. Gió tung những đám bụi mù như ký ức của nhiều người còn sống sau cuộc chiến tranh, bụi luồn sâu vào mắt, vào môi, vào tóc, vào cả áo quần, quân trang của những người lính còn rất trẻ. Bom đã dội suốt ngày đêm, không có một centimet vuông đất nào là không bị cày xới. Không cây cỏ, không tiếng chim, một cuộc sống bình dị hầu như đã bị tước đoạt. Ấy thế mà đêm đêm, lại rộ lên tiếng cười trong trẻo của những cô gái gìn giữ con đường huyết mạch.
Bộ phim Ngã ba Đồng Lộc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã nói khá sâu cuộc sống anh hùng mà vô cùng bình dị của những nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc. Bao nhiêu ước mơ xanh như những vì sao trên miệng hố bom B52, những suy nghĩ thầm kín đầy nhung nhớ của tuổi con gái xuân thì... Có một cuộc sống hồn nhiên như dòng suối nhỏ trong lành chảy lặng lẽ qua ngã ba kinh hồn này. Những tấm vải dù được may làm khăn tay để tặng người thương, những lá thư nhòe mồ hôi, bụi bặm và cả máu khi đến tay người nhận. Nỗi chờ đợi, hy vọng, và khắc khoải nhớ thương được chắt chiu như những báu vật. Những năm tháng ấy, một nụ cười của các chị trong đêm tối ở ngã ba Đồng Lộc là hành trang quý báu vô ngần của những người lính trẻ. Những nụ hôn vội vàng trong đêm tối, những tặng vật nhỏ được dúi vào tay nhau, cứ thế những người lính trẻ đi qua ngã ba Đồng Lộc, và nhiều người đã không thể trở về...
Tôi muốn nói nhiều hơn về những nụ hôn vội vàng dành cho nhau những năm tháng ấy. Nó chất chứa tấm lòng bao la của mẹ, sự nhẫn nại của người chị, và mối tình đầu sâu nặng của em. Những tay lính trẻ nghịch ngợm vẫn thường xin được... hôn. Và không ai ở ngã ba này từ chối điều ấy. Cùng với nụ hôn mặn đắng mồ hôi, thuốc súng là những lời hứa hẹn bâng quơ: Chờ đợi nhau, sẽ gặp nhau, sẽ sinh con đẻ cái cho nhau khi đất nước hòa bình...
Những năm tháng mà chiếc áo nhiều khi còn sống lâu hơn cả con người, thì những nụ hôn gấp gáp, những lời hứa không rõ mặt người kia cuốn bay theo gió bụi, là hạnh phúc mong manh nhưng bền vững vô cùng. Và trong một ngày định mệnh của chiến tranh, cả tiểu đội nữ thanh niên xung phong đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc. Thân xác thanh xuân của các chị được tìm thấy trong những hố bom khét lẹt. Người cuối cùng được tìm thấy là chị Cúc. Đồng đội tìm thấy chị chết trong tư thế ngồi, đôi bàn tay rướm máu vì cào đất quyết liệt. Mái tóc khá dài của chị Cúc vẫn còn nguyên vẹn và kỳ lạ thay suốt mấy ngày liền vẫn cứ tỏa ra mùi hương bồ kết dìu dịu... Tiểu đội nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc ngày ấy hầu hết là thiếu nữ nông thôn. Trái bồ kết là thứ nước gội duy nhất mà các chị vẫn dùng. Liệu có ai biết rằng mái tóc thiếu nữ thơm mùi hương bồ kết là sự sống bất diệt đêm đêm bình yên che chở cho mảnh đất này.
Bây giờ thì ngã ba Đồng Lộc đã khác. Một tượng đài tưởng niệm đã được xây dựng ở ngay ngã ba, trên đường thiên lý Bắc - Nam. Từ xa xa, đã có thể nhìn thấy vóc dáng đỉnh tượng vươn trên nền trời bồng bềnh mây trắng, trông giống như một đóa hoa sen nở so le những chiếc cánh trắng đoan trang. Đó là hiện thực hay là tâm hồn tôi đã nhìn thấy điều ấy khi nhớ lại câu thơ chan chứa tình người của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Em nằm trong đất sâu. Như khoảng trời nằm yên trong đất”.
Trong ký ức còn tươi thắm màu hoa trinh nữ, tôi muốn từ Huế đón xe ù ra ngã ba Đồng Lộc để đêm nay dưới ánh trăng thượng huyền được ngồi bên cây bồ kết mà ai đó đã trồng cho các chị gội tóc. Đêm tối đẫm ướt sương mai, tôi ngồi dưới cội bồ kết đang độ ra hoa, trái tim thổn thức như đang chờ đợi một điều gì đó kỳ diệu sẽ diễn ra trong chốc nữa. Ký ức bỗng sống dậy buốt rứt. Đâu đó trong giấc mơ có tiếng cười trong vắt, và mùi hương bồ kết loang bay dậy khắp ngã ba lòng...