1. Chuẩn bị
Yêu cầu trang 35, 36:
- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.
- Khi đọc đoạn trích của một truyện thơ Nôm, các em cần lưu ý:
+ Tìm hiểu để biết được bối cảnh của đoạn trích.
Trả lời:
+ Đoạn trích nằm nằm ở phần 1 - Gặp gỡ và đính ước, sau đoạn Nguyễn Du miêu tả tài sắc của hai chị em Thúy Kiều, trước đoạn Kiều gặp mộ Đạm Tiên và Kim Trọng.
+ Xác định được chủ đề của đoạn trích.
Trả lời:
+ Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng.
+ Các nhân vật gồm những ai và mối quan hệ giữa họ như thế nào?
Trả lời:
+ Nhân vật trong đoạn trích là chị em Thuý Kiều.
+ Nội dung và ý nghĩa của đoạn trích có gì sâu sắc?
Trả lời:
+ Nội dung: Đoạn thơ Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng.
+ Ý nghĩa: “Cảnh ngày xuân" là đoạn trích miêu tả bức tranh mùa xuân tươi đẹp qua ngôn ngữ và bút pháp nghệ thuật giàu tính chất tạo hình của Nguyễn Du.
+ Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích, đặc biệt là nghệ thuật tự sự (diễn biến sự việc), miêu tả tâm lí (diễn biến nội tâm), nghệ thuật sử dụng ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật khác, …
Trả lời:
+ Nghệ thuật:
Sử dụng ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, nhiều từ láy miêu tả cảnh vật và tâm trạng con người, diễn tả tinh tế tâm trạng nhân vật.
Miêu tả theo trình tự thời gian cuộc du xuân của hai chị em.
Tả cảnh thiên nhiên bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu chất tạo hình.
- Đọc trước đoạn trích Cảnh ngày xuân; tìm hiểu thêm thông tin về đại thi hào – Danh nhân văn hoá Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.
Trả lời:
- Tác giả Nguyễn Du:
+ Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
+ Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường (tú tài) và được tập ấm nhận một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên.
+ Từ năm 1789, Nguyễn Du đã rơi vào cuộc sống khó khăn gian khổ hơn chục năm ở các vùng nông thôn khác nhau đã tạo điều kiện cho Nguyễn Du có một vốn sống thực tế phong phú thô thúc ông suy ngẫm nhiều về xã hội, thân phận con người tạo tiền đề cho việc hình thành tài năng và bản lĩnh văn chương.
+ Sau nhiều năm sống chật vật ở các vùng quê khác nhau, năm 1802, Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn.
+ Năm 1820, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường đã mất vào ngày 10 tháng 8 năm 1820.
+ Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.
+ Các sáng tác chính
* Sáng tác bằng chữ Hán: gồm 249 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du viết vào các thời kỳ khác nhau: Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên): 78 bài viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi ra làm quan nhà Nguyễn;Nam trung tạp ngâm (Các bài thơ ngâm khi ở phương Nam): 40 bài viết thời gian làm quan ở Huế và Quảng Bình, những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh quê hương ông;Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc => Thơ chữ Hán của Nguyễn Du thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của ông.
* Sáng tác bằng chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) và Văn chiêu hồn.
- Tác phẩm Truyện Kiều:
+ Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỉ 19 (khoảng 1805 - 1809).
+ Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc.
+ Tuy nhiên, phần sáng tạo của Nguyễn Du là vô cùng lớn, mang đến sự thành công và sức hấp dẫn cho tác phẩm.
+ Thể loại: Truyện thơ Nôm, 3254 câu thơ lục bát.
2. Đọc hiểu
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu 1 trang 36: Chú ý việc sử dụng từ ngữ để miêu tả mùa xuân.
Trả lời:
Mùa xuân được miêu tả qua các từ ngữ chỉ thời gian “con én đưa thoi”, “cỏ non”, hoa lê đều là những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Câu 2 trang 37: Lễ hội mùa xuân được khắc hoạ qua các hình ảnh nào?
Trả lời:
- Lễ hội mùa xuân cóhai hoạt động chính của mùa xuân: Lễ tảo mộ và hội đạp thanh.
- Từ ghép (gần xa, yến anh, chị em, ngựa xe, áo quần) kết hợp với các từ láy (nô nức, dập dìu, sắm sửa) có tác dụng gợi nên không khí hội xuân hết sức đông vui, rộn ràng.
- Hình ảnh ẩn dụ: “nô nức yến anh” gợi lên hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi du xuân như chim én, chim oanh xôn xao, náo nức, tình tứ.
- Hình ảnh so sánh: “Ngựa xe như nước; áo quần như nêm" miêu tả những đoàn người trong hội xuân rất nhộn nhịp; từng đoàn, từng đoàn người chen vai ních cánh đi trẩy hội, đông vui, rộn ràng.
Câu 3 trang 37: Cảnh vật buổi chiều được miêu tả có gì khác với cảnh buổi sáng?
Trả lời:
Cảnh vật buổi sáng được miêu tả với những vẻ đẹp tinh khôi, giàu sức sống, niềm vui, sự rộn ràng, náo nức. Ngược lại, cảnh vật buổi chiều cũng đẹp nhưng lại là vẻ đẹp trầm buồn, nao nao, mất đi cái háo hức tươi vui lúc sáng. Lí do là bởi sự ảnh hưởng của lòng người khi mới bắt đầu ngày lễ hội và khi đã kết thúc.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 trang 38: Đoạn trích Cảnh ngày xuân kể lại việc gì? Xác định bố cục của đoạn trích?
Trả lời:
- Nội dung: Đoạn trích đã khắc họa rõ nét bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, náo nhiệt trong cuộc du xuân của hai chị em Thúy Kiều vào tiết thanh minh.
- Bố cục: Theo trình tự thời gian của cuộc du xuân
+ Đoạn 1 (4 câu đầu): Khung cảnh màu xuân
+ Đoạn 2 (8 câu tiếp): khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh
+ Đoạn 3 (6 câu cuối): Cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.
Câu 2 trang 38: Qua bốn dòng thơ đầu, em hình dung quang cảnh được Nguyễn Du miêu tả như thế nào?
Trả lời:
Thời gian của mùa xuân thấm thoắt trôi mau, đã bước sang tháng ba “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Không gian: ánh sáng trong veo, không gian trong trẻo cho những “con én đưa thoi” vừa tả cảnh vừa ngụ ý thời gian trôi qua mau. “Cỏ non xanh tận chân trời”: không gian khoáng đạt, giàu sức sống, hoa mùa xuân với sắc trắng trong trẻo, thanh khiết, tinh khôi. Có thể nói, bốn câu thơ đầu đã vẽ nên bức tranh mùa xuân sinh động, giàu sức sống
Câu 3 trang 38: Lễ hội trong tiết Thanh minh được miêu tả như thế nào trong tám dòng thơ tiếp theo?
Trả lời:
- Lễ hội mùa xuân hiện lên với Lễ tảo mộ và Hội đạp thanh
- Không khí lễ hội được gợi tả từ hệ thống từ ngữ giàu sức biểu cảm:
+ Các tính từ được sử dụng: “nô nức”, “gần xa”, “ngổn ngang” làm rõ hơn tâm trạng của người đi lễ hội
+ Các danh từ sự vật: “yến anh”, “tài tử”, “giai nhân”, “ngựa xe”, “áo quần”: gợi tả sự tấp nập đông vui của người đi hội
+ Các động từ gợi sự rộn ràng của ngày hội
- Thông qua cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa hình ảnh một truyền thống văn hóa lễ hội của dân tộc
- Lễ và hội giao thoa hài hòa ⇒ nhà thơ yêu quý, trân trọng những vẻ đẹp của quá khứ dân tộc
⇒ Nghệ thuật: bút pháp chấm phá, các từ ngữ được sử dụng đa dạng, linh hoạt, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình...⇒ Bức tranh lễ hội mùa xuân sống động
Câu 4 trang 38: Hãy so sánh bức tranh thiên nhiên ở bốn dòng thơ đầu và sáu dòng thơ cuối, phân tích để thấy được mối quan hệ giữa cảnh vật và tâm trạng của chị em Thuý Kiều trong đoạn trích.
Trả lời:
* Bốn dòng thơ đầu: Bức tranh mùa xuân trong cảnh ngày xuân
Ngay từ 2 câu thơ đầu tiên, Nguyễn Du đã gợi ra không gian và thời gian trôi qua của mùa xuân:
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”
Sử dụng hình ảnh ẩn dụ “con én đưa thoi” quen thuộc vào những ngày xuân, câu thơ vừa thể hiện vẻ đẹp của không gian, vừa gợi lên sự chảy trôi rất nhanh của thời gian:
– Đó là hình ảnh tả thực những chú chim én bay lượn trên bầu trời ngày xuân. Trên nền trời xanh thoáng đãng ấy, những cánh én từ phương Nam về chao liệng như thoi đưa, cùng nhau múa vũ điệu chào đón mùa xuân của thiên nhiên.
– Hình ảnh những cánh én gợi cho người đọc hình dung về một bức tranh thiên nhiên với bầu trời cao rộng và một không khí ấm áp của sự đoàn viên, sum vầy
– Cánh én bay nhanh và nhiều như thoi đưa là hình ảnh ẩn dụ phản chiếu sự nhanh, gấp của thời gian. Cũng giống như cánh chim vụt bay, thời gian có những bước đi nhanh, vội, chả mấy chốc mà mùa xuân tươi đẹp này sẽ qua đi
Sự nhanh chóng của thời gian tiếp tục được thể hiện qua những vần thơ:
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
– Sử dụng từ “thiều quang” có tác dụng tả thực thời tiết ấm áp của mùa xuân khi được những tia nắng lấp lánh chiếu rọi
– Câu thơ gợi lên một không gian ngày xuân tươi đẹp, trong lành và tràn đầy sức sống tựa như đang dang tay đón những tia nắng xuân vàng dịu được mẹ thiên nhiên ban phát xuống vạn vật.
– Nhắc đến thời điểm mùa xuân vào tháng ba, khoảng thời gian mà vẻ đẹp sắc xuân đạt đến độ viên mãn nhất, rực rỡ nhất.
=> Thông qua hệ thống hình ảnh thơ trong 2 câu thơ đầu của đoạn trích không những gợi lên sự chuyển động nhanh, vội của thời gian mà còn thể hiện phần nào tâm trạng, cảm xúc của hai chị em Thúy Kiều, có chút tiếc nuối và lưu luyến. Qua đó, người đọc đã hình dung được một bức tranh thiên nhiên của một ngày xuân tươi đẹp, ấm áp, đồng thời cảm nhận được bao tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật trữ tình.
Trong hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã tái hiện một bức tranh mùa xuân sinh động, mở rộng ra cả không gian trời và đất với hai gam màu chủ đạo là xanh, trắng:
“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
Sử dụng hình ảnh “cỏ non” quen thuộc và gần gũi, song hình ảnh đã đem lại nhiều nét đặc sắc cho bức tranh xuân:
– Hình ảnh giúp gợi ra trước mặt người đọc một không gian mênh mông. Trong đó, làm nền cho bức tranh chính là thảm cỏ non tươi xanh mơn mởn, trải dài đến tận chân trời, tạo ra hai mảng màu xanh: một là của trời, một của đất
– Cỏ non và màu xanh của cỏ non có tác dụng trong việc gợi liên tưởng đến sức sống tràn trề của mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi, bắt đầu một hành trình sống mới
– Sử dụng từ “tận”, Nguyễn Du đã biến không gian xuân trong những câu thơ được mở rộng ra bao la, bát ngát
Sử dụng hình ảnh thơ “cành lê trắng điểm”, tác giả đã thể hiện khả năng tài tình của mình trong việc vận dụng nghệ thuật bút pháp chấm phá:
– Trên nền màu xanh non của cỏ cây, xanh trong của trời đất là những bông hoa lê trắng, tạo ra sự tinh khôi, nổi bật vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt của vạn vật trong mùa xuân. Đồng thời khiến cho không gian như thoáng đạt, nhẹ nhàng và thuần khiết hơn.
– Tác giả sử dụng từ “điểm” thay vì các động từ khác. Điều này giúp gợi sự thanh thoát của những cành lê. Những cành lê tựa như đôi tay của người họa sĩ, chủ động tạo nét chấm phá, điểm thêm nét vào bức tranh cảnh vật nhằm thêm phần sống động, có hồn hơn
– Sử dụng biện pháp đảo ngữ từ “trắng” lên trước động từ “điểm”, tác giả muốn nhấn mạnh và màu sắc của cành hoa lê, làm nổi bật màu trắng tinh khôi của hoa lê, màu của sự kết tinh từ tinh hoa của trời đất.
– Trong bức tranh xuân sinh động ấy, tác giả chỉ sử dụng 2 gam màu nhưng đã tạo ra sự hòa phối rất đỗi hài hòa giữa màu xanh của cỏ và sắc trắng của hoa lê.
=> Bằng bút pháp chấm phá tài tình, qua 4 câu thơ đầu của đoạn trích, ta thấy vẻ đẹp mùa xuân hiện lên không hề mang tính ước lệ mà mang vẻ đẹp rất thực, rất đẹp đẽ. Thành công của Nguyễn Du là đã phác họa được một bức tranh ngày xuân khoáng đạt, tinh khôi, trong trẻo. Từ đó, giúp người đọc có thể cảm nhận một bức họa thiên nhiên hoàn hảo, đầy sức sống đang ở ngay trước mắt. Đồng thời, cảm nhận được cảm giác tươi vui, phấn chấn xen lẫn chút bâng khuâng, tiếc nuối trong lòng nhân vật trữ tình.
* Sáu dòng thơ cuối: Cảnh sắc thiên nhiên trên đường chị em Kiều trở về sau chuyến du xuân
Nô nức và náo nhiệt là thể nhưng không ai có thể ngừng được bước đi của thời gian, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Trên một nền không gian chiều xuân yên bình, thanh khiết, hai chị em Kiều dắt tay nhau trở về:
“Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn đan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh cỏ bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”
– Đối lập với sự nhộn nhịp trong lễ hội mùa xuân, trên đường trở về của hai chị em, mọi chuyển động đều diễn ra nhẹ nhàng.
– Trái với bước đi vội vàng cùng sự trôi chảy nhanh của thời gian ở phần mở đầu đoạn trích, lúc này sự chuyển động của thời gian đã trở nên chậm rãi và nhẹ nhàng. Điều này được cảm nhận rõ nhất qua câu thơ “Tà tà bóng ngả về tây”. Sau khi ban phát “thiều quang” cho ngày xuân ấm áp, mặt trời đã từ từ khuất bóng sau những đám mây, nhường chỗ cho màn đêm buông xuống.
Nét đặc sắc trong hình ảnh thơ “tà tà bóng ngả về tây”:
– Sử dụng từ láy “tà tà” đã thành công trong việc gợi tả rõ nét hình ảnh mặt trời đang từ từ lặn trong nền trời xế chiều. Cho thấy cảnh những ánh nắng cuối ngày đang tắt dần, không gian từ sáng chuyển dần sang tờ mờ tối.
– Hình ảnh thơ có tác dụng gợi lên khung cảnh chiều tà tĩnh lặng và có chút buồn
– Sự tĩnh lặng và thanh tĩnh của cảnh vật cũng là hình ảnh phản chiếu cho tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối trong lòng nhân vật trữ tình, cụ thể là hai chị em Kiều. Dường như hai chị em đang tiếc nuối về những phút giây nhộn nhịp, nô nức của buổi du xuân vừa diễn ra.
– Đến những câu thơ cuối bức tranh thiên nhiên, thay vì hiện lên với vẻ cao rộng và khoáng đạt tràn, cảnh sắc đã được miêu tả qua những hình ảnh bé nhỏ, thân thuộc hơn như hình ảnh “tiểu khê” và chiếc “cầu nho nhỏ” để bộc lộ dòng tâm trạng của con người.
Tác dụng từ láy trong cảnh ngày xuân: Sử dụng hệ thống từ láy được trải đều trong các câu thơ cuối như “tà tà”, “thơ thẩn”, “nho nhỏ”, “thanh thanh”, “nao nao” đã giúp tác giả biểu đạt sắc nét cảm xúc trong từng câu thơ:
– Từ láy “thơ thẩn” có tác dụng trong việc gợi lên tâm trạng tiếc nuối, lưu luyến, pha chút bâng khuâng buồn của hai chị em Kiều qua những bước chân có chút tâm tình
– Từ láy “nao nao” giúp gợi lên nét buồn rất khác thường của con người và cảnh vật. Hình ảnh dòng chảy “nao nao”, lững lờ trôi chậm bên chân cầu “nho nhỏ” có sự thống nhất cảm xúc hoàn toàn với bước chân “thơ thẩn” của nhân vật trữ tình. Mặt khác, từ láy “nao nao” cũng mang tính tính chất dự báo, linh cảm không vui cho cuộc gặp gỡ sắp tới của Thúy Kiều.
– Sáu câu thơ cuối thể hiện mối quan hệ hai chiều qua lại giữa cảnh và tình. Khi hội tan, con người rơi vào trạng thái bâng khuâng, xao xuyến và nhìn cảnh vật bằng trong màu sắc u buồn và ảm đạm.
=> Trong 6 câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân, tác giả đã vận dụng khéo léo, xen kẽ bút pháp nghệ thuật độc đáo trong thơ ca trung đại. Nổi bật nhất là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, giúp tạo nên mối tương giao, thống nhất giữa cảnh và tình. Với phép nghệ thuật này, ta thấy cảnh vật vừa như có linh hồn của con người, vừa phảng phất nét u buồn và một vẻ đẹp rất đỗi tao nhã và thanh khiết.
Câu 5 trang 38: Khái quát những thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (việc sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình ảnh; những biện pháp nghệ thuật chủ yếu; thể thơ lục bát, …).
Trả lời:
- Sử dụng ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, nhiều từ láy miêu tả cảnh vật và tâm trạng con người, diễn tả tinh tế tâm trạng nhân vật.
- Miêu tả theo trình tự thời gian cuộc du xuân của hai chị em.
- Tả cảnh thiên nhiên bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu chất tạo hình
Câu 6 trang 38: Trong đoạn trích trên, em thích nhất hình ảnh nào? Vì sao?
Trả lời:
Trong đoạn trích trên, em thích nhất hình ảnh:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Bức tranh thiên nhiên được tạo nên từ màu xanh non tươi mát của thảm cỏ bao la: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Sắc xanh của cỏ tháng ba là màu xanh non, mềm mại và êm dịu. Hình ảnh này khiến cho chúng ta như thấy cả một biển cỏ mở ra rộng lớn, vô cùng đẹp mắt. Những bông hoa lê trắng tinh khôi điểm xuyết trên nền xanh tươi. Tác giả chọn từ “vài bông” để ám chỉ rằng những bông hoa lê này đang nở dần, chưa đầy đủ. Bức tranh này giống như sự e ấp của thiếu nữ trong ngày xuân. Bằng cách này, tác giả sử dụng kỹ thuật hội hoạ phương Đông, thể hiện qua bút pháp chấm phá.
Hai câu thơ miêu tả vẻ đẹp tự nhiên của Nguyễn Du có thể đánh bại trái tim của người đọc, hòa mình vào cảnh đẹp tĩnh lặng. Hương thơm của cỏ non, màu xanh mướt của cỏ liên kết với bức tranh xanh ngọc của bầu trời, cành lê đặc điểm bởi vài bông hoa trắng. Thảm cỏ non mênh mông nhấn mạnh mùa xuân tới tận chân trời. Những bông hoa lê trắng điểm nhẹ trên nền xanh của cỏ tạo nên một bức tranh tươi mới, tinh tế, và tràn đầy sức sống. Sự hòa quyện giữa sắc trắng của hoa lê và màu xanh non là điểm độc đáo trong tác phẩm của Nguyễn Du. Đây không chỉ là mùa xuân mới mẻ, tươi tắn, tràn đầy năng lượng, mà còn là sự thanh khiết, nhẹ nhàng, và trong trẻo.