Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
…Mấy hôm sau, về tới quê nhà.
Cái hang bỏ hoang của tôi, cỏ và rêu xanh đã kín lối vào. Nhưng đằng cuối bãi, mẹ tôi vẫn mạnh khỏe. Hai mẹ con gặp nhau, mừng quá, cứ vừa khóc vừa cười.
Tôi kể lại từ đầu chí cuối những ngày qua trong may rủi và thử thách mà bấy lâu tôi trải. Bắt đầu từ chuyện anh Dế Choắt khốn khổ bên hàng xóm.
Nghe xong, mẹ tôi ôm tôi vào lòng, y như người ôm ẵm khi mới sinh tôi và bảo rằng:
- Con ơi, mẹ mừng cho con đã qua nhiều nỗi hiểm nguy mà trở về. Nhưng mẹ mừng nhất là con đã rèn được tấm lòng chín chắn thật đáng làm trai. Bây giờ con muốn ở nhà mấy ngày với mẹ, rồi con đi du lịch xa mẹ cũng bằng lòng, mẹ không áy náy gì về con đâu. Thế là con của mẹ đã lớn khôn rồi. Con đã khôn lớn rồi. Mẹ chẳng phải lo gì nữa.
Mẹ tôi nói thế rồi chan hòa nước mắt sung sướng và cảm động. Tôi nhìn ra cửa hang, nơi mới ngày nào còn trứng nước ở đây và cũng cảm thấy nay mình khôn lớn.
Tôi ở lại với mẹ:
- Mẹ kính yêu của con! Không bao giờ con quên được lời mẹ. Rồi mai đây con lên đường, con sẽ hết sức tu tỉnh được như mẹ mong ước cho con của mẹ…
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí, NXB Văn học, Hà Nội, 2006)
* Ghi lại chữ cái đứng trước đáp án đúng cho các câu hỏi từ câu 1 đến câu 8
(mỗi đáp án đúng được 0,5 điểm):
Câu 1: Văn bản chứa đoạn trích trên viết theo thể loại nào?
A. Truyện cổ tích
B. Truyện ngắn
C. Truyện đồng thoại
D. Thơ văn xuôi
Câu 2: Nhân vật chính trong đoạn trích trên là ai?
A. Dế Mèn và mẹ Dế Mèn
B. Dế Mèn, Dế Choắt và mẹ Dế Mèn
C. Dế Mèn, chị Nhà Trò và mẹ Dế Mèn
D. Dế Mèn, Dế Trũi và mẹ Dế Mèn
Câu 3: Tác dụng của ngôi kể thứ nhất trong đoạn trích trên và trong văn bản Dế Mèn phiêu lưu kí là gì?
A. Nhân vật người kể chuyện giấu mình đi, những sự kiện trong truyện được kể một cách khách quan.
B. Nhân vật người kể chuyện có thể kể lại sự kiện một cách chân thực, bộc lộ tâm sự, suy tư mang tính chủ quan.
C. Nhân vật người kể chuyện và các nhân vật khác trong truyện có khoảng cách, không có mối liên hệ trực tiếp.
D. Nhân vật người kể chuyện có thể kể những chi tiết kì lạ do mình tưởng tượng một cách tự do, thoải mái.
Câu 4: Những từ nào trong các đáp án sau đây đều là từ láy?
A. chín chắn, thử thách, áy náy
B. áy náy, may rủi, tu tỉnh
C. sung sướng, tu tỉnh, mong muốn
D. áy náy, sung sướng, chín chắn
Câu 5: Cách giải thích nào sau đây là cách giải thích nghĩa của từ “tu tỉnh” đúng nhất?
A. Tu tỉnh có nghĩa là nhận ra lỗi và thay đổi trở thành người tốt.
B. Tu tỉnh có nghĩa là thay đổi, không phạm lỗi nữa
C. Tu tỉnh có nghĩa là nhận ra sai lầm của mình, sửa lỗi.
D. Tu tỉnh có nghĩa là nhận ra sai lầm của mình và thức tỉnh bản thân.
Câu 6: Điều gì khiến mẹ Dế Mèn vui mừng nhất và không cần lo lắng về con nữa?
A. Dế Mèn đã thành một chàng dế thanh niên cường tráng có ngoại hình ưa nhìn.
B. Dế Mèn đã trải qua nhiều hiểm nguy và trở nên chín chắn.
C. Dế Mèn không bao giờ quên được lời mẹ căn dặn.
D. Dế Mèn sẽ hết sức tu tỉnh.
Câu 7: Qua lời nói của mẹ Dế Mèn sau khi nghe con kể lại những thử thách đã qua, em cảm nhận được những tâm trạng gì của mẹ Dế Mèn?
A. Sung sướng, tự hào, xúc động
B. Hãnh diện, yên tâm, vui mừng
C. Vui mừng, yên tâm, xúc động
D. Vui mừng, tự hào, yên tâm
Câu 8: Qua đoạn trích trên, em có cảm nhận như thế nào về nhân vật mẹ Dế Mèn?
A. Một bà mẹ hiền lành, giàu tình cảm, vị tha.
B. Một bà mẹ yêu thương con sâu sắc, độ lượng.
C. Một bà mẹ nhân hậu, bao dung, yêu con sâu sắc.
D. Một bà mẹ luôn mong con khôn lớn trưởng thành.
*Thực hiện yêu cầu của bài tập:
Câu 9: Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật so sánh được sử dụng trong câu:
“Nghe xong, mẹ tôi ôm tôi vào lòng, y như người ôm ẵm khi mới sinh tôi...” (1,0
điểm)
Câu 10: Đoạn trích trên khơi gợi trong em những tình cảm gì đối với mẹ của mình? (1,0 điểm)
Phần II. Viết (4,0 điểm)
Hãy viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em.
------HẾT------
----------ĐÁP ÁN----------
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Câu |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
ĐA |
C |
A |
B |
D |
A |
B |
D |
C |
Câu 9. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật so sánh:
- Giúp diễn đạt của câu văn hay hơn, sinh động hơn.
- Thể hiện tình cảm yêu thương của mẹ dành cho Dế Mèn .
- Thể hiện tài năng miêu tả, sáng tạo của nhà văn Tô Hoài.
Câu 10. Đoạn trích khơi gợi những tình cảm gì đối với mẹ của mình:
HS nêu được một số ý như sau:
- Yêu thương mẹ nhiều hơn .
- Biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ.
- Từ đó có những việc làm thể hiện sự biết ơn: vâng lời, lễ phép, quan tâm, chăm sóc mẹ …
Phần II. Viết (4,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn tự sự
Đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; các ý được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Kể về một trải nghiệm của bản thân.
c. Kể lại một trải nghiệm của mình.
HS có thể triển khai cốt truyện theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Sử dụng ngôi kể thứ nhất.
- Giới thiệu được trải nghiệm.
- Các sự kiện chính trong trải nghiệm: bắt đầu – diễn biến – kết thúc.
- Những ý nghĩa của trải nghiệm với bản thân.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Bố cục rõ ràng, lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc.
GV chấm linh hoạt tôn trọng ý kiến riêng của HS (nhưng phải phù hợp)