ĐỀ CƯƠNG CUỐI KỲ I - NĂM HỌC 2022-2023
MÔN: NGỮ VĂN 6 KẾT NỐI TRI THỨC
I. Đọc hiểu:
1. Ngữ liệu: Ngữ liệu là đoạn trích văn bản phù hợp với các bài học trong chương trình Ngữ văn 6, học kì I ngoài sách giáo khoa, đảm bảo phục vụ kiểm tra các năng lực, phẩm chất cần đạt ở học sinh.
2. Nội dung đọc hiểu:
+ Cốt truyện, nhân vật, lời kể, ngôi kể;
+ Từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt trong thơ
+ Từ ghép, từ láy, mở rộng thành phần chính của câu, cụm từ (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ), biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hóa, từ đồng âm, từ đa nghĩa, dấu ngoặc kép.
+ Chi tiết, hình ảnh, nhân vật, nội dung đề tài được nói đến trong ngữ liệu.
+ Bài học, thông điệp, vấn đề liên quan được gợi ra từ ngữ liệu.
II. Làm văn
1. Kiểu bài: Văn tự sự.
2. Nội dung: Kể lại một trải nghiệm.
ÔN TẬP TỔNG HỢP CUỐI HỌC KÌ I
ÔN TẬP LÝ THUYẾT
A. HỆ THỐNG CÁC VĂN BẢN ĐỌC
B. THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT:
I. CẤU TẠO TỪ:
Từ là một đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa dùng để đặt câu
Từ đơn: Là từ chỉ có một tiếng (VD: sách, bút, điện, trăng...)
Từ Phức là từ do hai hay nhiều tiếng ghép lại tạo thành.
VD: Sông núi, sách vở, xe đạp, bạn học.
Từ phức chia thành hai loại: từ ghép và từ láy
1. Từ ghép
* Khái niệm: là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ về nghĩa
* Phân loại từ ghép: có hai loại
- Từ ghép có nghĩa tổng hợp là từ ghép mà nghĩa của nó là nghĩa của các từ đơn tạo thành theo quan hệ song song (hợp nghĩa), nghĩa khái quát hơn nghĩa từng tiếng.
VD: Núi sông/ sông núi, thay đổi/ đổi thay, mạnh khoẻ/ khoẻ mạnh, vui sướng/ sướng vui; ông cha / cha ông; đau khổ/ khổ đau, quần áo/ áo quần, nhà cửa / cửa nhà,
- Từ ghép có nghĩa phân loại : là từ ghép có sự phân biệt về nghĩa so với các từ cùng loại (tức là có chung một tiếng nào đó), nghĩa cụ thể hơn.
VD: hạt thóc, bà nội, thợ mộc…
2. Từ láy
* Khái niệm: từ láy là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ láy âm
VD: Đẹp đẽ (tiếng gốc là “đẹp”, tiếng láy là “đẽ ”); lướng vướng (tiếng gốc là “vướng”, tiếng láy là “lướng”.)
* Phân biệt các kiểu từ láy: Trong tiếng việt có bốn kiểu từ láy
- Láy tiếng: các tiếng láy hoàn toàn giống nhau
VD: Xanh xanh, ngời ngời, gâu gâu..
- Láy âm: bộ phận phụ âm đầu các tiếng láy giống nhau
VD: khó khăn, hăm hở, rì rào…
- Láy vần: bộ phận vần của các tiếng láy giống nhau
VD: lom khom, bồn chồn, lim dim…
- Láy cả âm và vần: bộ phận phụ âm đầu và bộ phận vần được láy lại (chỉ khác nhau về âm điệu)
VD: khít khịt, dửng dưng, rười rượi..
* Nghĩa của từ láy: Nghĩa của từ láy rất phong phú, nhưng có hai dạng cơ bản sau đây:
+ Nghĩa mạnh hơn so với nghĩa của tiếng gốc
VD: xanh xao> xanh; đoàng đoàng > đoàng; lạnh lẽo> lạnh….
Thẳm -> thăm thẳm
+ Nghĩa giảm nhẹ so với nghĩa của tiếng gốc:
VD: xinh => xinh xinh < xinh; đo đỏ < đỏ
đẹp => đèm đẹp
+ Nghĩa phong phú, tinh tế hơn… so với nghĩa của tiếng gốc:
VD: Nhà thơ Tố Hữu đã dùng nhiều từ láy để miêu tả dáng vẻ tinh nghịch, hồn nhiên, yêu đời của bé Lượm trong những câu thơ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, chan chứa một tình cảm yêu thương tha thiết:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.
II. NGHĨA CỦA TỪ
- Từ đồng âm là từ có âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau, không liên quan với nhau.
- Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa, các nghĩa khác nhau lại có liên quan với nhau.
(Phần THTV sau bài Chùm ca dao về quê hương đất nước)
III. CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ:
1. So sánh
a. Khái niệm: So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
*Ví dụ:
- Mặt trời xuống biển như hòn lửa
- Trăng tròn như quả bóng bay.
- Trăng sáng như gương.
b. Cấu tạo của phép so sánh.
Mô hình cấu tạo đầy đủ của phép so sánh gồm:
- Vế A: Nêu tên sự vật, sự việc được so sánh.
- Vế B: Nêu sự vật, sự việc dùng để so sánh.
- Từ chỉ phương diện so sánh.
- Từ so sánh.
c. Các kiểu so sánh
- Có 2 kiểu so sánh cơ bản:
+ Ngang bằng: Như, tựa, y như, như là bao nhiêu - bấy nhiêu,. . .
+ Không ngang bằng: Chẳng bằng, chưa bằng, hơn là. . .
Vd:
- Quê hương là chùm khế ngọt
- Chiếc áo này rách hơn chiếc áo kia.
d. Tác dụng của phép so sánh.
- Tác dụng của phép tu từ so sánh: Vừa có tác dụng gợi hình giúp cho việc miêu tả sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động, vừa có tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc.
2. Nhân hóa
a. Khái niệm: Nhân hóa là biện pháp tu từ gán thuộc tính của người cho những sự vật không phải là người nhằm tăng tính hình tượng, tính biểu cảm của sự diễn đạt.
-Ví dụ: Sóng đã cài then đêm sập cửa
b. Tác dụng: làm cho đồ vật, cây cối thiên nhiên trở nên gần gũi với con người - diễn đạt sinh động cụ thể gợi cảm.
c. Các kiểu nhân hoá
+ Gọi vật bằng những từ vốn gọi người: Lão miệng, cô mắt. . .
+ Dùng những từ chỉ hoạt động tính chất của con người để chỉ hoạt động, tính chất của vật, của thiên nhiên; Sông gầy,. . .
+ Trò chuyện xưng hô với vật như với người.
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất?
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai?
3. Điệp ngữ
a. Khái niệm: Điệp ngữ là biện pháp tu từ lặp lại một từ ngữ (đôi khi cả một câu)
b. Tác dụng: làm nổi bật ý muốn nhấn mạnh, tăng ự gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
c. Các kiểu điệp ngữ: Điệp ngữ có 3 dạng:
+ Điệp ngữ nối tiếp: là các từ ngữ được điệp liên tiếp nhau, tạo ấn tượng mới mẻ, có tính chất tăng tiến.
+ Điệp ngữ cách quãng
+ Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng)
4. Ẩn dụ
a. Khái niệm: Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó.
b. Tác dụng: làm cho câu văn, câu thơ có tính hàm xúc, tăng tính gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
c. Các kiểu ẩn dụ:
Có 4 kiểu ẩn dụ :
+ Ẩn dụ hình thức (dựa trên sự tương đồng với nhau về hình thức)
+ Ẩn dụ cách thức (dựa trên sự tương đồng với nhau về cách thức, hành động)
+ Ẩn dụ phẩm chất (dựa trên sự tương đồng với nhau về phẩm chất)
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (dựa trên sự tương đồng với nhau về cảm giác)
5. Hoán dụ
a. Khái niệm: Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó
b. Tác dụng: nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
c. Các kiểu hoán dụ thường gặp:
+ Hoán dụ dựa trên mối quan hệ toàn thể- bộ phận;
+ Hoán dụ dựa trên mối quan hệ vật chứa với vật được chứa;
+ Hoán dụ dựa trên mối quan hệ sự vật - chất liệu…
III. CỤM TỪ
Các cụm từ: Cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ là những kiến thức ngôn ngữ rất quan trọng cần biết và vận dụng sáng tạo lúc nói và viết, nhằm mở rộng câu, tạo nên sự phong phú, đa dạng, đẹp đẽ về ý tưởng và sắc thái biểu cảm của văn chương.
1. Cụm danh từ:
* Khái niệm: Là loại tổ hợp từ do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.
* Đặc điểm: Cụm danh từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một mình danh từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một danh từ.
* Cấu tạo cụm danh từ
- Các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho danh từ các ý nghĩa về số và lượng
- Các phụ ngữ ở phần sau nêu lên đặc điểm của sự vật mà danh từ biểu thị hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong không gian hay thời gian.
VD: - Một/ chàng dế / thanh niên cường tráng
t T s
* Mô hình cụm danh từ:
Phần trước |
Phần trung tâm |
Phần sau |
Tất cả những |
học sinh |
chăm ngoan ấy |
2. Cụm động từ
* Khái niệm: Cụm động từ là loại tổ hợp từ do động từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.
* Đặc điểm: Cụm động từ có ý nghĩa đầy đủ hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một mình động từ, nhưng hoạt động trong câu giống như một động từ.
* Cấu tạo cụm động từ:
- Các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho động từ các ý nghĩa: quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự, sự khuyến khích hoặc ngăn cản hành động; sự khẳng dịnh hoặc phủ định hành động.
- Các phụ ngữ ở phần sau bổ sung cho dộng từ các chi tiết về đối tượng, hướng, địa điểm, thời gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện và cách thức hành động..
*Mô hình cụm động từ:
Phần trước |
Phần trung tâm |
Phần sau |
Cũng/ còn/ đang/ chưa |
Tìm |
được/ ngay/ câu trả lời |
3. Cụm tính từ
* Khái niệm: Là tổ hợp từ gồm có tính từ làm thành tố chính và một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.
* Cấu tạo cụm tính từ
- Các phụ ngữ ở phần trước có thể biểu thị quan hệ thời gian; sự tiếp diễn tương tự, mức độ của đặc điểm, tính chất; sự khẳng định hay phủ định…
- Các phụ ngữ ở phần sau có thể biểu thị vị trí, sự so sánh, mức độ, phạm vi hay nguyên nhân của đặc điểm, tính chất…
* Mô hình cụm tính từ:
Phần trước |
Phần trung tâm |
Phần sau |
Vẫn/ còn/ đang |
trẻ |
như một thanh niên |
4. Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ
1. Ví dụ:
a. (1) Em bé/ vẫn lang thang trên đường.
(2) Em bé đáng thương, bụng đói rét/ vẫn lang thang trên đường.
Trong câu (1), thành phần chủ ngữ của câu chỉ có một từ.
Trong câu (2), mỗi thành phần chính là một cụm từ. Chủ ngữ em bé đáng thương, bụng đói rét cụ thể hơn em bé vì có thêm thông tin về tình cảm của người kể và về hoàn cảnh của em bé.
b. (1) Tuyết/ rơi.
(2) Tuyết trắng/ rơi đầy đường.
Trong câu (1), mỗi thành phần chính của câu chỉ có một từ.
Trong câu (2), mỗi thành phần chính là một cụm từ. Chủ ngữ tuyết trắng cụ thể hơn tuyết vì có thêm thông tin về đặc điểm màu sắc của tuyết.Vị ngữ rơi đầy đường cụ thể hơn rơi vì có thông tin về mức độ đặc điểm của tuyết.
2. Kết luận:
- Thành phần chính của câu có thể là một từ, hoặc một cụm từ.
- Dùng cụm từ làm thành phần chính của câu cung cấp được nhiều thông tin hơn cho người đọc, người nghe.
V. PHÂN BIỆT TỪ ĐỒNG ÂM VÀ TỪ ĐA NGHĨA
Từ đồng âm |
Từ đa nghĩa |
Giống nhau
Đều có cách viết và cách đọc trong tiếng Việt giống nhau
Dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ |
Khác nhau |
Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh
Ví dụ:
Em rất thích đá bóng.
Hòn đá đẹp quá!
+ Từ đá trong câu Em rất thích đá bóng .là động từ, chỉ một hành động
Từ đá trong câu Hòn đá đẹp quá! là một danh từ.
Hai từ đá trên giống nhau về mặt âm thanh không có mối liên hệ về mặt ngữ nghĩa
|
Từ đa nghĩa là những từ có nghĩa gốc và một hoặc nhiều nghĩa chuyển, giữa các nghĩa có mối quan hệ với nhau.
Ví dụ
Từ ăn có nhiều nghĩa
Nghĩa gốc từ ăn là chỉ hành động nạp thức ăn vào cơ thể con người để duy trì sự sống
Nghĩa chuyển:
+ Ăn ảnh: hình ảnh xuất hiện trong ảnh đẹp hơn bên ngoài.
+ Ăn cưới: ăn uống nhân dịp có hai người kết hôn.
+ Sông ăn ra biển: chỉ hiện tượng nước ở sông tràn ra biển.
+ Ăn hoa hồng: nhận lấy để hưởng.
+ Da ăn nắng: làm hủy hoại từng phần |
Thường khác từ loại
Ví dụ:
Chúng nó tranh nhau quyển sách.
( tranh là động từ)
Em tôi vẽ tranh rất đẹp. (tranh là danh từ)
Nếu cùng từ loại thì phần lớn là danh từ
Ví dụ:
Tôi rất thích tấm vải này. (vải là danh từ)
Năm nay quả vải đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác
(Vải là danh từ) |
Luôn cùng từ loại
Ví dụ:
Tôi ăn cơm. (ăn là động từ)
Tàu ăn hàng. (ăn là động từ)
|
Các từ đồng âm có nghĩa khác xa nhau
Ví dụ: Từ lồng
Con ngựa đang đứng bỗng lồng lên.
(từ lồng trong câu là động từ chỉ hoạt động cất vó lên cao với một sức mạnh đột ngột rất khó kìm giữ)
Mua được con chim bạn tôi nhốt ngay vào lồng (từ lồng trong câu này có nghĩa là đồ dùng bằng tre, nứa hoặc bằng gỗ dùng để nhốt chim, gà)
Nghĩa của hai từ lồng trong hai câu trên khác xa nhau về nghĩa, không có sự liên quan nào về nghĩa |
Tất cả cả các nghĩa chuyển đều xuất phát từ quy luật chuyển nghĩa của từ
Ví dụ:
Ngôi nhà mới xây xong. (Từ nhà chỉ nơi ở)
Cả nhà đang ăn cơm
(Từ nhà chỉ những người sống trong một ngôi nhà)
|
Không thể thay thế được cho nhau vì mỗi từ đều mang nghĩa gốc.
Ví dụ
Con đường về quê em đang được đổ bê tông. (từ đường trong câu chỉ bề mặt bằng đất, nhựa hoặc bê tông... để đi lại
Em mua giúp mẹ hai cân đường. (từ đường trong câu chỉ một loại thực phẩm dùng đề pha chế các loại nước giải khát và làm bánh kẹo...
Hai từ đường trong 2 trường hợp trên không thể thay thế được cho nhau. |
Có thể thay thế từ đa nghĩa trong nghĩa chuyển bằng một từ khác.
Ví dụ
Mùa xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
(Hồ Chí Minh)
từ xuân trong dòng 1 có nghĩa gốc chỉ một mùa trong năm.
từ xuân trong dòng thơ 2 là nghĩa chuyển được hiểu là mùa xuân mang đến sự tươi trẻ, sức sống mới
Vì vậy, có thể thay được từ tươi đẹp |
IV. DẤU CÂU
- Dấu câu là phương tiện ngữ pháp dùng trong chữ viết, có tác dụng làm rõ trên mặt văn bản một cấu tạo ngữ pháp bằng cách chỉ ra ranh giới giữa các câu, giữa cá thành phần của câu.
- Dấu câu là phương tiện để biểu thị những sắc thái tế nhị về nghĩa của câu, về tư tưởng, tình cảm và thái độ của người viết.
- Dấu câu dùng thích hợp thì người đọc hiểu rõ hơn, nhanh hơn. Không dùng dấu câu, có thể gây ra hiểu nhầm.
à Có trường hợp vì dùng sai dấu câu mà sai ngữ pháp, sai nghĩa. Cho nên quy tắc về dấu câu cần được vận dụng nghiêm túc.
- Hiện nay, tiếng Việt sử dụng 11 dấu câu. Nội dung của bài học chủ yếu đề cập đến dấu “ ”.
STT |
Dấu câu |
Công dụng |
1 |
Dấu ngoặc kép |
- Dùng để đánh dấu tên tài liệu, sách, báo dẫn trong câu.
- Trích dẫn lời nói được thuật lại theo lối trực tiếp.
- Đóng khung tên riêng tác phẩm, đóng khung một từ hoặc cụm từ cần chú ý, hay hiểu theo một nghĩa đặc biệt.
- Trong một số trường hợp thường đứng sau dấu hai chấm. |
2 |
Dấu phẩy |
- Dùng để ngăn cách thành phần chính với thành phần phụ của câu;
- Dùng để ngăn cách các vế trong câu ghép;
- Dùng để liên kết các yếu tố đồng chức năng;
- Ngăn cách các thành phần chú thích với thành phần khác trong câu. |
3 |
Dấu gạch ngang |
- Đặt đầu dòng trước những bộ phận liệt kê;
- Đặt đầu dòng trước lời đối thoại;
- Ngăn cách các thành phần chú thích với thành phần khác trong câu;
- Đặt nối những tên địa danh, tổ chức có liên quan đến nhau;
- Phiên âm tên nước ngoài;
- Dùng trong cách để ngày, tháng, năm. |
C. THỰC HÀNH VIẾT:
VIẾT BÀI VĂN KỂ LẠI MỘT TRẢI NGHIỆM CỦA EM
I. Yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm:
- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.
- Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.
- Tập trung vào sự việc đã xảy ra.
- Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể.
II. Các bước làm bài
1. Trước khi viết
a) Lựa chọn đề tài
b) Tìm ý
Đó là chuyện gì? Xảy ra khi nào? |
……… |
Những ai có liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói gì và làm gì? |
……… |
Điều gì xảy ra? Theo thứ tự thế nào? |
……… |
Vì sao truyện lại xảy ra như vậy? |
……… |
Cảm xúc của em như thế nào khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện? |
……… |
c) Lập dàn ý
- Mở bài: giới thiệu câu chuyện.
- Thân bài: kể diễn biến câu chuyện.
+ Thời gian
+ Không gian
+ Những nhân vật có liên quan
+ Kể lại các sự việc (diễn biến của trải nghiệm); điều đặc biệt của trải nghiệm
- Kết bài: kết thúc câu chuyện và cảm xúc của bản thân.
2. Viết bài
- Kể theo dàn ý
- Nhất quán về ngôi kể
- Xây dựng được cốt truyện
- Sắp xếp các sự việc hợp lí theo trình tự hợp lí
- Đan xen các yếu tố miêu tả
- Thể hiện được cảm xúc của người viết
3. Chỉnh sửa bài viết
- Đọc và sửa lại bài viết theo.
LUYỆN TẬP: những kiểu bài văn kể lại một trải nghiệm.
MỘT TRẢI NGHIỆM VUI VẺ, HẠNH PHÚC, ĐÁNG NHỚ: kỉ niệm với người thân trong gia đình (ông, bà, bố, mẹ, anh, chị em...); kỉ niệm với bạn cũ hoặc mới quen; kỉ niệm với thầy, cô; chuyến đi có ý nghĩa; một lần em giúp đỡ người khác hoặc được người khác giúp đỡ; ....
TRẢI NIỆM BUỒN, ĐÁNG TIẾC: một lỗi lầm của bản thân; sự việc em đã gây ra khiến bố mẹ buồn phiền; gia đình chuyển nhà; em hiểu lầm một người hoặc bị người khác hiểu lầm;....
TRẢI NGHIỆM KHIẾN EM THAY ĐỔI, TỰ HOÀN THIỆN BẢN THÂN: câu chuyện đã làm em thay đổi suy nghĩ, cách sống của em; một lần bị lạc đường; một hành trình khám phá, một lần bị phê bình; câu chuyện về sự lớn khôn của em;...
Đề luyện tập:
Đề 1: Bằng tất cả tình yêu và sự kính trọng đối với mẹ, em hãy viết bài văn kể lại một kỉ niệm sâu sắc, đáng nhớ của em với mẹ.
Dàn ý tham khảo:
Mở bài: Giới thiệu khái quát về trải nghiệm đáng nhớ của em với mẹ.
Gợi ý phần MB: Tuổi thơ nào cũng có những cảm xúc trong trẻo. Cuộc sống nào cũng có những kỉ niệm. Những kỉ niệm khó phai và những cảm xúc hồn nhiên, bé bỏng đó đối với tôi vô cùng quý giá khó có thứ gì thay thế được. Một trong những kỉ niệm mà tôi không thể nào quên chính là..... Kỉ niệm ấy càng đáng nhớ, hạnh phúc hơn khi tôi có mẹ bên cạnh.
Thân bài:
- Tình huống: (hoàn cảnh: địa điểm và thời gian) xảy ra trải nghiệm, các nhân vật liên quan.
- Diễn biến trải nghiệm:
- Điều đặc biệt của trải nghiệm đó khiến em nhớ nó đến tận bây giờ hoặc khiến em thay đổi, tự hoàn thiện bản thân.
(Lưu ý: ở hai nội dung trên khi kể sự việc thông qua các hành động, lời thoại của nhân vật... cần kết hợp các yếu tố miêu tả, thể hiện cảm xúc của người viết đối với sự việc được kể)
Kết bài: Nêu ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân hoặc rút ra bài học từ trải nghiệm ấy.
Gợi ý phần KB: Kỉ niệm.... đã trôi qua, nhưng những cảm xúc trong tôi sẽ không bao giờ phai mờ. Với tôi kỉ niệm...... chỉ mới như ngày hôm qua mà thôi. Những vui buồn, hạnh phúc, thích thú,.... cùng với tình yêu thương mà mẹ dành cho tôi sẽ còn đọng mãi trong tôi giúp tôi thêm vững bước trên đường đời.
Đề 2: Hãy kể lại một trải nghiệm mà em ấn tượng nhất.
Hướng dẫn làm bài: HS có thể chọn trải nghiệm mà em ấn tượng nhất (chuyến đi tham quan cùng các bạn trong lớp, chuyến đi du lịch cùng gia đình...)
- Về hình thức: bài văn cần có 3 phần rõ ràng mở bài, thân bài và kết bài.
- Về về nội dung
1. Mở bài:
- Giới thiệu câu chuyện.
- Ấn tượng của em em về câu chuyện đó.
2. Thân bài
- Giới thiệu kỷ niệm về chuyến trải nghiệm
- Xảy ra trong thời gian, không gian nào?
- Nhân vật liên quan đến câu chuyện (hình dáng, tuổi tác, tính cách, cách cư xử của người đó...)
- Diễn biến của câu chuyện.
- Đỉnh điểm của câu chuyện.
- Thái độ tình cảm của nhân vật trong câu chuyện.
3. Kết bài: Kết thúc câu chuyện và cảm xúc của người viết.
Đề 3: Hãy kể lại một trải nghiệm khiến em ân hận/đáng tiếc/mắc lỗi.
1. Mở bài: Giới thiệu về người thân và sự việc, tình huống người thân khiến em ân hận.
2. Thân bài
a. Giới thiệu khái quát về câu chuyện
- Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện.
- Giới thiệu những nhân vật có liên quan đến câu chuyện.
b. Kể lại các sự việc trong câu chuyện
- Điều gì đã xảy ra?
- Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?
- Cảm xúc của người viết khi xảy ra câu chuyện, khi kể lại câu chuyện?
3. Kết bài
Nêu cảm xúc của người viết với câu chuyện đã xảy ra.
Đề 4: Kể về một lần em mắc lỗi (bỏ học, nói dối, không làm bài,...)
1. Tìm hiểu đề.
a) Yêu cầu về nội dung:
+ Kể về một lần phạm lỗi của bản thân. Đề bài thuộc loại đề mở, do vậy, trong khi làm bài, em có thể lựa chọn một lỗi lầm nào đó để kể lại một cách chân thực (chẳng hạn trốn học, chơi game, nói dối mẹ; nói dối thầy, cô, bè bạn; quay cóp khi thi cử, không làm bài, gây gổ đánh nhau,...). Điều quan trọng là từ câu chuyện đó, em cần rút ra một bài học có tác dụng giáo dục đối với bản thân và những người khác.
Yêu cầu về hình thức:
+ Kiểu bài: đề bài yêu cầu kể về một lần em mắc lỗi, do đó, trong bài viết, em cần sử dụng phương thức tự sự.
+ Bố cục: đề bài yêu cầu tạo lập văn bản tự sự dưới hình thức kể chuyện, do đó em sẽ trình bày bài văn của mình theo bố cục ba phần của một văn bản tự sự: Mở bài (giới thiệu sự việc em mắc lỗi); Thân bài (kể diễn biến cụ thể lỗi đó); Kết bài (Nêu bài học nhận thức từ việc mắc lỗi)
+ Ngôi kể: kể chuyện ở ngôi thứ nhất (Xưng “tôi” hoặc “em”)
+ Lời văn: lời kể chân thành, kết hợp kể với tả và nêu cảm nghĩ.
2. Dàn bài:
a) Mở bài: giới thiệu về bản thân và một lần lầm lỗi của mình (Ví dụ: một lần gian lận trong giờ kiểm tra toán,...)
b) Thân bài: kể lại diễn biến của câu chuyện.
- Hoàn cảnh phạm lỗi (Giờ kiểm tra môn Toán, bài khó, em không làm được...)
- Nguyên nhân phạm lỗi (do đêm trước mải mê xem phim hoặc chơi game, mê bóng đá; đi dự sinh nhật bạn về muộn, không học bài, ôn tập ....).
- Những hành động cụ thể khi phạm lỗi (em loay hoay không làm nổi bài, lo sợ bị điểm kém, mất mặt với các bạn; sau đó, em chép bài của bạn; hoặc quay cóp,...)
- Hậu quả của hành động:
+ Bài đạt điểm tối đa, bạn bè nể phục, cô giáo tin cậy;
+ Đỉnh điểm của câu chuyện: tiết thứ hai, cô giáo thao giảng. Em được cô giáo gọi lên bảng, giải bài tập. Khi ấy, em đã bó tay không giải nổi chính bài toán đó.
+ Em cảm nhận sâu sắc nỗi nhục nhã, ê chề cũng như tác hại của sự gian lận trong kiểm tra, thi cử.
Kết bài: bài học rút ra cho bản thân từ sự việc:
- Sự gian lận trong học tập (cũng như trong cuộc sống) không bao giờ mang lại điều tốt đẹp.
- Trung thực là đức tính quý của mỗi người.
Đề 5: Kể về một kỉ niệm em hồi ấu thơ làm em nhớ mãi.
1. Tìm hiểu đề.
a) Yêu cầu về nội dung:
Kể về một kỉ niệm thời thơ ấu.
Nội dung bài văn khá tự do, bao gồm những sự kiện, những câu chuyện đáng nhớ khi em còn nhỏ. Vậy nên, khi viết bài, em được quyền lựa chọn bất kỳ sự việc nào để kể, với điều kiện đó thực sự là một kỉ niệm khiến em em có ấn tượng sâu sắc, không thể nào quên. Kỷ niệm đó có thể vui, hoặc buồn, nhưng phải chân thực, mang một ý nghĩa sâu sắc nào đó với bản thân em, với người đọc.
Cần chọn về một kỷ niệm có thật để câu chuyện chân thực.
b) Yêu cầu về hình thức:
+ Kiều bài: đề bài yêu cầu kể về một kỉ niệm thơ ấu nên em cần vận dụng phương thức tự sự để kể chuyện. Thời gian diễn ra câu chuyện thuộc về thời gian quá khứ, khi em còn nhỏ, do đó, em cần kể theo lối hồi tưởng (nhớ lại mà kể).
+ Bố cục: bài văn kể chuyện của em cần được trình bày theo 3 phần của một văn bản tự sự: mở bài (giới thiệu kỉ niệm thời thơ ấu); Thân bài (diễn biến kỷ niệm thời thơ ấu); Kết bài (cảm nghĩ về kỉ niệm thời thơ ấu).
+ Ngôi kể: kể chuyện từ ngôi thứ nhất (Xưng tôi hoặc em)
+ Lời văn: giọng kể hồn nhiên, phù hợp với độ tuổi của người kể chuyện, kể kết hợp với tả.
2. Dàn bài:
a) Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về kỉ niệm thời thơ ấu (ví dụ: kỷ niệm về một người bạn nhỏ, một đồ vật, con vật)
b) Thân bài: kể diễn biến kỷ niệm thời thơ ấu:
- Sự kiện chính trong câu chuyện là gì? Trong câu chuyện có những ai? Vào thời điểm đó, em là người như thế nào?
- Câu chuyện diễn ra ở đâu? Khi nào? Việc đó đối với em đặc biệt ở chỗ nào? - Diễn biến câu chuyện và những suy nghĩ, hành động của em từ câu chuyện. Chẳng hạn, nếu kỉ niệm thời thơ ấu của em là câu chuyện liên quan đến loài vật (như chú mèo, chú chó) thì hệ thống sự việc cần kể (gợi ý) sẽ là :
- Bà ngoại cho em một con mèo. Em rất yêu con mèo ấy.
- Mùa đông, trời lạnh em may áo cho mèo, em mặc áo cho mèo.
- Mèo bị ốm chết/ bị đi lạc mất...
- Ngoại cho em con mèo mới, dù con mèo rất đẹp nhưng em không quên được con mèo cũ.
c) Kết bài: kỉ niệm thời thơ ấu là một hành trang tinh thần làm giàu có thêm cuộc đời của mỗi con người. Kỷ niệm giúp ta sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.