Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Soạn văn 6 sách Cánh diều bài: Thực hành tiếng Việt - Trang 41

Thứ tư - 21/07/2021 22:25
Soạn văn 6 sách Cánh diều bài: Thực hành tiếng Việt - Trang 41
Câu 1 - Trang 41: (Ngữ Văn 6 tập 1 sách Cánh Diều)
 Tìm từ láy trong những câu thơ dưới đây. Chỉ ra nghĩa và tác dụng của chúng đối với việc thể hiện nội dung mà tác giả muốn biểu đạt.
a)
Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi
(Bình Nguyên)

b) 
Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.
(Đinh Nam Khương)
Trả lời: 
Từ láy trong những câu thơ:
a) 
- Chắt chiu: Dành dụm cẩn thận, từng tí một.
- Dãi dầu: chịu đựng lâu ngày tác động của nắng mưa, sương gió và những nỗi gian khổ, vất vả.
→ Tác dụng: Nhấn mạnh, làm rõ sự lam lũ, khổ cực của người mẹ để tạo ra những phép nhiệm mầu đem đến một cuộc sống tốt đẹp cho đứa con của mình.

b) 
- Nghẹn ngào: xúc động không nói thành lời.
- Rưng rưng: chỉ nước mắt ứa ra đọng đầy ở tròng mắt nhưng chưa chảy xuống thành giọt.
→ Tác dụng: Bày tỏ sự xúc động từ sâu kín trong lòng tác giả khi chứng kiến những hành động, công việc chất chứa tình yêu thương của mẹ dành cho mình.

Câu 2 - Trang 41: (Ngữ Văn 6 tập 1 sách Cánh Diều)
Tìm ẩn dụ trong những câu thơ dưới đây. Nêu tác dụng của các ẩn dụ đó đối với việc miêu tả sự vật và biểu cảm
Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi…
[…]
À ơi này cái Mặt Trời bé con…
(Bình Nguyên)
Trả lời: 
Ẩn dụ cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng, Mặt Trời bé con để gọi tên thay cho đứa con bé bỏng của người mẹ.
→ Tác dụng: Đó là những hình ảnh thiên nhiên vĩ đại, duy nhất. Qua đó bày tỏ tình cảm yêu thương to lớn, dạt dào của người mẹ dành cho người con – điều quý giá nhất trần đời của mẹ.

Câu 3 - Trang 41: (Ngữ Văn 6 tập 1 sách Cánh Diều)
Trong cụm từ và các tục ngữ (in đậm) dưới đây, biện pháp ẩn dụ được xây dựng trên cơ sở so sánh ngầm giữa những sự vật, sự việc nào?
a) 
Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.
(Bình Nguyên)
b) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
(Tục ngữ)
c) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
(Tục ngữ)
Trả lời:
a) Cái khuyết tròn đầy: 
- Cái khuyết là cái không đầy đủ → Đứa bé còn nhỏ, chưa phát triển đầy đủ.
- Cái khuyết tròn đầy: Hình ảnh đứa bé phát triển, bụ bẫm, đáng yêu.
⇒ Tình yêu lớn lao, hi vọng con sẽ lớn khôn, khỏe mạnh.
b) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Ăn quả: Hành động thưởng thức trái ngọt sau một khoảng thời gian trồng trọt→ Hưởng thụ thành quả có sẵn.
- Kẻ trồng cây: Những người trồng trọt, chăm sóc để cây phát triển → Những người bỏ công sức, mồ hôi nước mắt để đem lại những thành quả đó.
⇒ Khi được hưởng một thành quả nào đó, cần phải biết ơn những người đã tạo ra nó, từ đó mà trận trọng thành quả mà mình được hưởng.
c) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
- Mực: mực tàu dùng để viết bằng bút lông, nếu bất cẩn thì sẽ dây mực ra người, bị lem nhem, xấu xí.
- Đen: những điều không tốt, tối tăm, tiêu cực
→ Gần mực thì đen: ở trong một môi trường không tốt, với những con người có lối sống không lành mạnh thì dễ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực
- Đèn: vật phát ánh sáng soi rọi mọi thứ. 
- Sáng: những điều tốt đẹp, sáng rực, tích cực.
→ Gần đèn thì sáng: ở trong một môi trường ành mạnh với những cá nhân có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, con người sẽ dễ dàng chịu những tác động tốt để từ đó phát triển và hoàn thiện bản thân.
⇒ Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của môi trường sống tác động lên mỗi con người, ở trong một môi trường tốt đẹp thì ta sẽ có điều kiện để phát triển bản thân, trong khi ở trong một môi trường không lành mạnh thì dễ bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta nên tránh xa những điều xấu và xây dựng một môi trường sống lành mạnh.

Câu 4 - Trang 41: (Ngữ Văn 6 tập 1 sách Cánh Diều)
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 4 – 5 dòng) về chủ đề tình cảm gia đình, trong đó sử dụng ít nhất một ẩn dụ.
Trả lời:
Bài 1:
Bà tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Ở nhà bà là người thương và cưng chiều tôi nhất. Bà nhắc nhở tôi phải biết đạo lí, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiện điều nhân nghĩa kể cho tôi nghe qua đó giáo dục tôi. Bà tôi ngày ngày thắp những ánh lửa hồng để sưởi ấm cho tâm hồn tôi.
Ẩn dụ: Bà tôi ngày ngày thắp những ánh lửa hồng để sưởi ấm cho tâm hồn tôi

Bài 2:
Gia đình là bến đỗ bình yên nhất của mỗi con người. Vì ở đó chúng ta nhận được sự yêu thương, chăm sóc và bảo vệ của những người thân yêu. Nhờ có tình cảm gia đình, con người sẽ có thêm nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Bởi vậy mỗi người cần phải trân trọng tình cảm gia đình từ những hành động cụ nhỏ bé nhất. Tình cảm gia đình thật đáng trân trọng và bảo vệ.
Ẩn dụ: Gia đình là điểm tựa của mỗi con người. (bến đỗ - nơi để mỗi người trở về, không thay đổi).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây