PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
CÂY TÁO THẦN
Ngày xửa ngày xưa, có một cây táo thần mọc trong vườn ở ngoại ô thành phố. Hàng ngày, bọn trẻ thường đến chơi ở đó, nô đùa xung quanh cây táo và bứt những quả táo thơm ngon cùng chia nhau ăn. Một hôm, có một cậu bé xuất hiện. Cậu bé cau mày nói với bọn trẻ:
- Khu vườn này là của tôi. Cây táo này cũng là của tôi. Các bạn đi chỗ khác mà chơi, và không bao giờ được đến đây nữa!
Nghe vậy, bọn trẻ rất buồn. Tất cả cúi đầu lặng lẽ ra về, chỉ còn cậu bé hống hách ở lại. Cây táo biết tất cả mọi chuyện. Cây táo hóa phép cho cậu bé ngủ thiếp đi dưới gốc cây và làm cho cậu chìm dần vào giấc mơ. Trong giấc mơ, cậu bé thấy trên thân cây táo có một cái hốc rất lớn. Cậu bé cảm thấy bụng đói cồn cào. Cậu trèo lên cây và định bứt táo để ăn. Nhưng mỗi khi tay cậu bé sắp chạm vào một quả táo thì cây táo lại quay đi chỗ khác và quả táo lại rơi vào trong cái hốc to tướng ở thân cây. Cứ như vậy cho đến khi tất cả táo trên cành rơi hết vào hốc cây, chỉ còn lại một quả trên cành. Cậu bé ngồi dưới gốc cây và khóc. Đến lúc đó cây táo mới cất tiếng hỏi:
- Tại sao cháu khóc?
Cậu bé mếu máo trả lời:
- Ông ích kỉ quá. Ông ăn hết táo, ông không cho cháu một quả nào. Cháu đói lắm rồi, ông ạ!
Cây táo cười và nói:
- Cháu có nhớ là cháu đã đuổi hết tất cả các bạn không? Các bạn cũng muốn ăn táo, nhưng cháu không cho các bạn một quả nào. Như vậy cháu có ích kỉ không?
Cậu bé nhớ lại lúc các bạn buồn rầu ra về và thấy ân hận vô cùng. Cậu bé ngước nhìn cây táo và nói:
- Vâng ạ, cháu biết lỗi rồi!
Cây táo cất tiếng cười vang, rung cả cây, làm cho quả táo còn lại rơi trúng đầu cậu bé. Cậu bé giật mình tỉnh giấc và ngơ ngác nhìn xung quanh. Cậu thấy mình vẫn nằm dưới gốc cây. Cái hốc to tướng trên cây táo biến mất. Cây táo vẫn đứng yên lặng và trên cây vẫn sai trĩu quả. Cậu bé ngồi dậy, nhớ đến giấc mơ, cậu vội chạy đi gọi các bạn:
- Các bạn ơi! Quay lại đây chơi đi. Mình xin lỗi vì đã đuổi các bạn đi!
Thế là tất cả cùng nhau chạy ra vườn. Cậu bé tự mình trèo lên bứt những quả chín ném xuống cho các bạn. Các bạn lại cười đùa vui vẻ. Cậu bé chợt hiểu ra rằng: Điều hạnh phúc nhất là cùng chia sẻ niềm vui với mọi người.
(Truyện cổ dân gian)
Trả lời các câu hỏi bằng cách ghi lại chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng nhất vào giấy kiểm tra:
Câu 1. Truyện “Cây táo thần” thuộc thể loại gì?
A. Truyện đồng thoại
B. Truyện cổ tích
C. Truyện truyền thuyết
D. Truyện ngụ ngôn
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của truyện “Cây táo thần” là gì?
A. Miêu tả B. Tự sự C. Biểu cảm D. Nghị luận
Câu 3. Truyện “Cây táo thần” được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Ngôi thứ nhất số nhiều
Câu 4. Văn bản trên đã kể về sự việc nào?
A. Cậu bé chia táo cho các bạn và cùng nhau vui đùa
B. Cậu bé tự tay bứt táo và ăn hết một mình
C. Cậu bé mơ thấy cây táo không cho mình ăn táo vì tính ích kỷ
D. Cây táo biến mất khi cậu bé tỉnh giấc
Câu 5. Từ “hống hách” trong câu “Tất cả cúi đầu lặng lẽ ra về, chỉ còn cậu bé hống hách ở lại.” có nghĩa là gì?
A. Khiêm tốn, nhún nhường
B. Nhút nhát, e dè
C. Vui vẻ, hòa đồng
D. Hung hăng, kiêu căng, coi thường người khác
Câu 6. Trong câu “Cây táo cất tiếng cười vang, rung cả cây, làm cho quả táo còn lại rơi trúng đầu cậu bé.” tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. Ẩn dụ B. Hoán dụ C. So sánh D. Nhân hóa
Câu 7. Chi tiết “Cậu bé ngồi dậy, nhớ đến giấc mơ, cậu vội chạy đi gọi các bạn: Các bạn ơi! Quay lại đây chơi đi. Mình xin lỗi vì đã đuổi các bạn đi!” thể hiện điều gì?
A. Cậu bé thấy buồn vì các bạn không chơi với mình.
B. Cậu bé không còn muốn ăn táo một mình.
C. Cậu bé muốn các bạn hái táo cho mình.
D. Cậu bé đã nhận ra tính ích kỉ của mình và thấy ân hận vô cùng.
Câu 8. Dòng nào nêu lên thông điệp của truyện “Cây táo thần”?
A. Hạnh phúc đến từ sự chia sẻ và yêu thương mọi người.
B. Hãy tin vào những giấc mơ
C. Không nên tranh giành với người khác
D. Cây táo thần có phép thuật giúp cậu bé hiểu ra điều đúng.
Câu 9. Chỉ ra một chi tiết kì ảo có trong truyện “Cây táo thần”. Theo em, chi tiết đó có ý nghĩa như thế nào?
Câu 10. Từ nội dung truyện “Cây táo thần”, em hãy viết (khoảng 5 – 7 câu) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của sự chia sẻ?
PHẦN II: VIẾT VĂN (4,0 điểm)
Hãy kể lại một truyện truyền thuyết (hoặc cổ tích) mà em đã được đọc.
-----------------
ĐÁP ÁN
PHẦN I:
1. B 2. B 3. C 4. C
5. D 6. D 7. D 8. A
Câu 9. Chi tiết kì ảo trong truyện cây táo thần:
“Cây táo biết tất cả mọi chuyện. Cây táo hóa phép cho cậu bé ngủ thiếp đi dưới gốc cây và làm cho cậu chìm dần vào giấc mơ.”
Chi tiết này trực tiếp làm cho một cậu bé hung hăng, ngang ngược tạm chấm dứt thái độ của mình. Để sau đó dẫn dụ cậu bé vào một tình huống khác để cảm hoá bản tính cậu bé. Làm cho cậu bé nhận ra sai lầm của mình.
Câu 10. Ý nghĩa của sự chia sẻ:
Sự chia sẻ giúp chúng ta gần gũi hơn, tạo nên một tình cảm thân thiết giữa mọi người. Khi ta biết chia sẻ yêu thương, ta sẽ được mọi người yêu quý và tôn trọng. Hơn nữa, việc biết chia sẻ cũng làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp và bình yên hơn. Vì vậy chúng ta hãy sống với một trái tim biết yêu thương, san sẻ. Thêm bạn bớt thù, đó là điều môi chúng ta luôn nhớ để có một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc nhé!
PHẦN II.
Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt là một câu chuyện hay và ý nghĩa đối với các bạn nhỏ.
Câu chuyện kể về cuộc đời của một anh nông dân hiền lành, tốt bụng lại chăm chỉ có tên là Khoai. Năm đó, anh đến xin làm thuê cho nhà phú ông. Thấy anh làm việc giỏi và thật thà, hắn liền gọi anh đến và bảo rằng nếu anh Khoai làm lụng chăm chỉ cho nhà hắn mà không lấy tiền công, thì sau ba năm sẽ gả con gái cho anh. Nghe phú ông nói, anh bằng lòng ngay.
Sau ba năm, nhà phú ông có thêm biết bao là của cải, ruộng vườn do anh Khoai gây dựng. Ấy thế mà, hắn lại quyết định lừa gạt anh. Hắn lừa anh lên rừng tìm một cây tre trăm đốt để làm sính lễ. Nhưng thật ra, là muốn lừa anh đi xa, đi sâu vào rừng cho cọp vồ. Còn ở nhà, hắn tổ chức đám cưới linh đình cho con gái mình và con trai của một nhà giàu khác trong vùng.
Anh Khoai sau nhiều ngày trèo đèo lội suối vẫn không tìm được cây tre như ý, đã bất lực òa khóc nức nở. Thấy thế, ông Bụt bèn hiện lên và giúp đỡ cho anh. Ông bảo anh đi tìm một trăm đốt tre rời về, rồi dạy cho anh câu thần chú “khắc nhập khắc nhập” để gắn chúng lại thành cây tre trăm đốt. Rồi dạy thêm câu thần chú “khắc xuất khắc xuất” để gỡ chúng ra cho tiện di chuyển.
Sau khi rối rít cảm ơn ông Bụt, anh Khoai sung sướng xách một trăm đốt tre về nhà để hỏi vợ. Nhưng vừa về đến sân, anh đã chứng kiến một đám cưới linh đình của con gái phú ông. Tức giận vô cùng, anh quyết định dạy cho lão ta một bài học. Anh dùng câu thần chú “khắc nhập khắc nhập” để dính một trăm đốt tre lại với nhau, rồi còn dính cả luôn lão phú ông lên đó. Tên nhà giàu thông gia kia thấy vậy, vội chạy vào ứng cứu thì cũng bị dính vào. Vừa đau lại xấu hổ, hai lão ta kêu la oai oái. Phải đến khi chúng cam kết thực hiện lời hứa, thì anh Khoai mới thả ra. Sau đó, anh được tổ chức đám cưới với con gái phú ông như đã hứa hẹn từ trước.
Qua câu chuyện cổ tích này, ông cha đã gửi gắm đến chúng ta bài học về lòng trung thực và biết giữ lời hứa trong cuộc sống.