Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải Kinh tế và pháp luật lớp 10, bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ sáu - 17/11/2023 06:38
Giải Kinh tế và pháp luật lớp 10, bài 20: Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Trang 123, 124, ..., 130.
Mở đầu trang 123: Em hãy tên các cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chia sẻ hiểu biết của mình về một trong các cơ quan đó.
Trả lời:
- Bộ máy Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm: Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương
- Chia sẻ hiểu biết về Quốc hội:
+ Là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân bầu ra.
+ Quốc hội có chức năng: lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước…
+ Quốc hội tổ chức các kì họp công khai, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Trong trường hợp cần thiết. Quốc hội quyết định họp kín.
 

1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a. Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam
Câu hỏi 1 trang 124: Theo em, Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước trên những phương diện nào? Hãy nêu ví dụ minh họa.
Trả lời:
- Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước được thể hiện qua các phương diện như:
+ Đảng đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng lớn cho Nhà nước:
+ Đảng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Nhà nước;
+ Đảng đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, giới thiệu nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước,...
- Ví dụ: Đảng đề ra chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong thời kì đổi mới từ năm 1986 đến nay.

Câu hỏi 2 trang 124: Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được thể hiện như thế nào trong thông tin 2?
Trả lời:
- Trong thông tin 2, Đảng đã giới thiệu nhân sự vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước,…

b. Nguyên tắc quyền lực nhà nước là sự thống nhất nhưng có sự phân công , phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan
Câu hỏi 1 trang 124: Em hãy cho biết các luật, nghị quyết, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thông qua sẽ do những cơ quan nào tổ chức thi hành, thực hiện.
Trả lời:
Các luật, nghị quyết, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thông qua sẽ được Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân,... và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước tổ chức thi hành, thực hiện. Ví dụ, để luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, Chính phủ triển khai thực hiện bằng cách ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết.

Câu hỏi 2 trang 124: Em hiểu như thế nào về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát? Thực hiện nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
- Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan:
+ Quyền lực nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định bởi chính chủ thể duy nhất và tối cao là nhân dân.
+ Quyền lực nhà nước được phân chia thành quyển lập pháp, hành pháp, tư pháp và được giao cho các cơ quan tương ứng thực hiện một cách độc lập.
+ Các cơ quan trong bộ máy nhà nước không tách rời nhau mà có sự phối hợp, kiểm soát, giám sát lẫn nhau để thực hiện quyền lực nhà nước, đảm bảo mục tiêu chung phục vụ nhân dân và phục vụ dân tộc.
- Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát đảm bảo hiệu quả và sự đồng bộ, xuyên suốt, đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; hạn chế các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân,...

c. Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Câu hỏi 1 trang 125: Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như thế nào? Em hãy cho biết nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng phương thức và qua cơ quan, tổ chức nào?
Trả lời:
- Luật Trưng cầu ý dân của Nhà nước Việt Nam thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Luật này quy định về các vấn đề quan trọng như:
+ Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp
+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;
+ Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;... đều phải được lấy ý kiến của nhân dân.
- Đồng thời, luật này cũng quy định tất cả công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.
- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và tất cả các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước Việt Nam.

Câu hỏi 2 trang 125: Em hãy nêu biểu hiện của nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam.
Trả lời:
Biểu hiện của nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân:
- Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân và bộ máy nhà nước là công cụ để nhân dân thực thi những quyền lực đó.
- Các cơ quan quyền lực nhà nước như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trên cơ sở dân chủ.
- Các đại biểu dân cử thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, và khi không còn được sự tín nhiệm của nhân dân thì đại biểu dân cử có thể bị bãi nhiệm.
- Những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trước khi quyết định phải lấy ý kiến của nhân dân hoặc phải do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc trưng cầu ý kiến của nhân dân.
- Nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, có quyền tố cáo, khiếu nại, góp ý,... nếu phát hiện sai phạm.

d. Nguyên tắc tập trung dân chủ
Câu hỏi 1 trang 126: Qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, em hiểu thế nào là tập trung dân chủ?
Trả lời:
- Tập trung dân chủ nghĩa là tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Những vấn đề quan trọng nhất thường được bàn bạc, quyết định bởi tập thể. Khi mọi việc đã được tập thể xác định rõ sẽ giao cho cá nhân phụ trách thực thi để đảm bảo hiệu quả.

Câu hỏi 2 trang 126: Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
- Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một mặt phải đảm bảo sự chỉ đạo, lãnh đạo tập trung, thống nhất của trung ương với địa phương, của cấp trên với cấp dưới nhưng mặt khác phải mở rộng dân chủ, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương và cấp dưới; phải coi trọng vai trò của tập thể nhưng mặt khác phải để cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo.
- Các cơ quan, tổ chức cấp dưới có trách nhiệm thực hiện những chủ trương, chính sách, quy định của cơ quan, tổ chức cấp trên.
- Trong quá trình hoạt động, những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương sẽ được quyết định thông qua hình thức biểu quyết lấy ý kiến của tập thể.

e. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa
Câu hỏi 1 trang 127: Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan nào trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Trả lời:
Các văn bản pháp luật trong hình ảnh trên quy định tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

Câu hỏi 1 trang 127: Theo em, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
- Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:
+ Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
+ Pháp luật quy định rõ, cụ thể, minh bạch việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và việc tổ chức bộ máy nhà nước phải tuân theo các quy định đó.
- Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lí.
 

2. Đặc điểm của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a. Tính thống nhất
Câu hỏi 1 trang 127: Việc thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện như thế nào trong bộ máy nhà nước Việt Nam?
Trả lời:
- Việc thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
+ Đảng đề ra đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế.
+ Các cơ quan trong bộ máy nhà nước hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng việc phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch, công việc cụ thể trên nhiều mặt để phát triển toàn diện nền kinh tế.

Câu hỏi 2 trang 127: Theo em, tính thống nhất của bộ máy nhà nước Việt Nam được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
- Tính thống nhất của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:
+ Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, tạo thành một thể thống nhất từ trung ương xuống địa phương.
+ Những cơ quan này đều hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

b. Tính nhân dân
Câu hỏi 1 trang 128: Việc đẩy mạnh cải cách hành chính thể hiện tính nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước ta như thế nào? Nhân dân thực hiện quyền gì để tham gia thành lập bộ máy nhà nước?
Trả lời:
- Việc đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi, giúp nhân dân tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc khi thực hiện các thủ tục hành chính.
- Nhân dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử để tham gia thành lập bộ máy nhà nước.

Câu hỏi 2 trang 128: Em hãy nêu biểu hiện của tính nhân dân trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trả lời:
- Biểu hiện của tỉnh nhân dân trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
- Các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước được nhân dân thành lập nên và hoạt động để phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
- Người dân có quyền tham gia quản lí nhà nước, nếu các cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước hoạt động không hiệu quả thì nhấn dân có quyền khiếu nại, tố cáo.
- Hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới việc chăm lo cho nhân dân, bảo đảm, bảo vệ lợi ích cho nhân dân.
- Mọi cán bộ, nhân viên nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, tham gia vào bộ máy nhà nước là để phục vụ, phụng sự nhân dân. Họ có trách nhiệm phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải gần gũi nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, đồng thời phải chịu sự giám sát của nhân dân, họ có thể bị bãi miễn nếu không còn được nhân dân tín nhiệm.

c. Tính quyền lực
Câu hỏi 1 trang 129: Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của mình thể hiện điều gì?
Trả lời:
- Việc Chính phủ phải báo cáo và chịu sự giám sát của Quốc hội về các công việc của minh thể hiện vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là cơ quan cấp dưới nên phải có trách nhiệm báo cáo công việc và chịu sự giám sát của Quốc hội.

Câu hỏi 2 trang 129: Theo em, vì sao các cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân công quyền lực để thể hiện nhiệm vụ riêng nhưng vẫn phải có sự phối hợp, quan sát lẫn nhau?
Trả lời:
- Các Cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân chia quyền lực để thực hiện các nhiệm vụ riêng nhưng vẫn phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau vì bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thể thống nhất, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung và hướng đến những mục tiêu giống nhau.
- Các cơ quan phải có sự phối hợp, giám sát lẫn nhau để đảm bảo tất cả các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước đều được thực hiện đúng, tránh các sai phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Câu hỏi 3 trang 129: Tính quyền lực của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
- Biểu hiện của tính quyền lực của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
+ Tất cả các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước đều được Nhà nước trao các quyền cụ thể để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.
+ Các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ riêng, tuy nhiên giữa các cơ quan luôn có mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong việc giải quyết công việc, cơ quan này giảm sát cơ quan khác.
+ Các cơ quan cấp dưới phải phục tùng, thực hiện các quyết định của cơ quan cấp trên.

d. Tính pháp quyền của xã hội chủ nghĩa
Câu hỏi 1 trang 129: Trong thông tin 2, vì sao các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy?
Trả lời:
- Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cả nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ Luật Phòng cháy, chữa cháy vì tất cả mọi người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

Câu hỏi 2 trang 129: Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa được biểu hiện như thế nào trong toàn bộ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Trả lời:
Tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa của bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được biểu hiện:
- Tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật;
- Các cơ quan trong bộ máy nhà nước sử dụng pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm quản lý nhà nước và xã hội.
 

3. Luyện tập

Luyện tập 1 trang 130: Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?
a. Tất cả các cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền ứng cử tham gia vào bộ máy nhà nước.
b. Khi không đồng tình với quyết định, việc làm trái pháp luật của các cơ quan trọng bộ máy nhà nước, người dân có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo.
c. Cơ quan nhà nước cấp dưới phải thực hiện tất cả các chủ trương, quyết định cơ quan nhà nước cấp trên.
d. Người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan trong bộ máy nhà nước có quyền quyết định tắt cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan đó.
Trả lời:
a. Sai, vì chỉ có công dân Việt Nam, không bị giới hạn về năng lực xã hội (ví dụ: không bị giam giữ do vi phạm pháp luật) và đủ 21 tuổi trở lên mới có quyền ứng cử vào bộ máy nhà nước.
b. Đúng, vì tất cả cơ quan trong bộ máy nhà nước Việt Nam đều hoạt động vì mục đích chung là lợi ích của nhân dân, hoạt động theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo nếu không đồng tình với các quyết định của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
c. Đúng, vì bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức phân cấp. Các cơ quan trong bộ máy nhà nước sử dụng quyền lực nhà nước được phân chia để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan cấp dưới phải thực hiện chủ trương, quyết định của cơ quan cấp trên.
d. Sai, vì những vấn đề quan trọng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được quyết định bởi tập thể, người lãnh đạo không được quyền tự ý quyết định.

Luyện tập 2 trang 130: Em đồng tình hay không đồng tình với những hành vi nào sau đây? Vì sao?
a. N luôn tìm hiểu và bày tỏ quan điểm ủng hộ các bài viết có nội dung về hoạt động mang tính thời sự của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đối với nhân dân và xã hội.
b. D kiên quyết từ chối in tài liệu có nội dung tiêu cực về bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
c. Là cán bộ một cơ quan nhà nước, ông A phát hiện quyết định của lãnh đạo có nhiều sai phạm nhưng vẫn giữ im lặng.
d. Chính quyền địa phương C đến trường học để lấy ý kiến đóng góp của học sinh về việc xây dựng một dự án cho trẻ em trên địa bàn.
Trả lời:
- Trường hợp a. Đồng tình. Đây là một hành vi nên được mọi người học tập. Việc tìm hiểu, quan tâm các bài viết có nội dung về hoạt động mang tính thời sự của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đối với nhân dân và xã hội sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều thông tin, hiểu biết về bộ máy Nhà nước cũng như cách hoạt động của nó. Điều này giúp chúng ta thực hiện đúng quyền lợi của bản thân trong xã hội.
- Trường hợp b. Đồng tình. Hành vi này là hành vi thích hợp. Bởi với những nội dung tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân. Những tiêu cực này có thể được phản ánh trong những cuộc Trưng cầu ý dân.
- Trường hợp c. Không đồng ý. Hành vi của ông A ảnh hưởng đến nhiều người nên vi phạm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát giữa các tổ chức, cơ quan
- Trường hợp d. Đồng tình. Hành động thể hiện tính nhân dân trong bộ máy quyền lực nhà nước.

Luyện tập 3 trang 130: Em hãy xử lí các tình huống sau:
- Tình huống a. Giờ ra chơi, K tỉnh cờ thấy một số bạn trong lớp đọc những tin tức có nội dung sai lệch về cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước trên mạng xã hội.
Nếu là K, em sẽ làm gì?
- Tình huống b. Khi tới Uỷ ban nhân dân xã để làm thủ tục xác nhận một số giấy tờ cá nhân, T thấy một bác đã cao tuổi đang muốn được giải đáp một số thủ tục hành chính chưa rõ nhưng các cán bộ tiếp dân đều tỏ ra đang bận việc, không nhiệt tình trả lời.
Nếu là T, em sẽ làm gì?
- Tình huống c. Bác tổ trưởng khu phố nhà H đến từng hộ gia đình phát tài liệu hướng dẫn phòng chảy chữa cháy và yêu cầu mối gia đình cam kết việc ra soát các thiết bị để để phỏng các trường hợp cháy nổ trong gia đình mình nhưng có một số hộ không kí bản cam kết.
Nếu chứng kiến tình huống trên, em sẽ làm gì?
Trả lời:
- Tình huống a. Nếu là K, em sẽ khuyên các bạn không nên đọc những tin tức có nội dung sai lệch về cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước trên mạng xã hội. Đó là những thông tin sai, không chính xác, làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng vào bộ máy cơ quan nhà nước.
- Tình huống b. Nếu là T, em sẽ lên tiếng yêu cầu các cán bộ tiếp dân cần thay đổi thái độ. Vì trong Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
- Tình huống c. Em sẽ yêu cầu mọi người kí cam kết. Vì mọi tổ chức, cơ quan, hộ gia đình, cá nhân đều phải tuần thủ Hiến pháp và luật của nhà nước.
 

4. Vận dụng

Vận dụng 1 trang 130: Em hãy viết một bài luận thể hiện vai trò của người dân trong việc góp phần xây dựng bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh.
Trả lời:
Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Đảng coi việc củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng, bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới.
Phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng 2 trang 130: Em hãy viết bài chia sẻ tác dụng tích cực của việc cải cách hành chính ở địa phương em.
Trả lời:
Tác dụng tích cực của việc cải cách hành chính ở địa phương em là:
- Giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước.
- Tăng lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy nhà nước.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây