Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải Kinh tế và pháp luật lớp 10, bài 19: Đặc điểm, cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam

Thứ năm - 16/11/2023 03:23
Giải Kinh tế và pháp luật lớp 10, bài 19: Đặc điểm, cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam - Trang 115, 116, ..., 122.
Mở đầu trang 115: Em hãy kể một số hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trả lời:
- Ví dụ: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị với các chủ đề, như:
+ “Con đường cách mạng của thanh niên thời kỳ mới”,
+ “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”
+ “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn”
+ Thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với chủ đề: “Ánh sáng soi đường”, v.v.
 

1. Cấu trúc của hệ thống chính trị Việt Nam

Câu hỏi trang 116: Hệ thống chính trị Việt Nam gồm những cơ quan nào? Hãy chia sẻ hiểu biết của em về vị trí của cơ quan đó trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Trả lời:
- Hệ thống chính trị Việt Nam gồm:
+ Đảng Cộng sản Việt Nam
+ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị- xã hội khác, như: Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

- Vị trí của cơ quan đó:
+ Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
+ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công cụ tổ chức thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân để quản lí toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội.
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội là các cơ quan, tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đảng của nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng của các đoàn viên, hội viên.
 

2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam

a. Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam
Câu hỏi 1 trang 117: Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng được quy định trong Hiến pháp Việt Nam như thế nào?

Trả lời:
- Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng được quy định tại khoản 1 Điều 4 trong Hiến pháp 2013. Theo đó: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc; lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Câu hỏi 2 trang 117: Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị ở xã A thể hiện qua những việc làm cụ thể nào
Trả lời:
- Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị ở xã A thể hiện ở việc:
+ Đảng bộ xã lãnh đạo toàn diện các hoạt động trong xã.
+ Đảng bộ xã chỉ đạo các cấp chính quyền và các đoàn thể trong xã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi.
+ Đảng bộ xã không chỉ thể hiện vai trò lãnh đạo trong công tác tổ chức cán bộ mà còn kiểm tra, giám sát sự hoạt động của hệ thống chính trị thông qua việc quản lí đội ngũ lãnh đạo của các tổ chức này.

Câu hỏi 3 trang 117: Em hiểu nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị như thế nào?
Trả lời:
- Nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị
- Đảng Cộng sản Việt Nam là một thành viên của hệ thống chính trị, đồng thời cũng là tổ chức lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội.
- Đảng lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối trên các lĩnh vực như cán bộ, công tác đối ngoại, an ninh, quốc phòng.
- Tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải tuân thủ theo sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và hoạt động.
- Sự lãnh đạo của Đảng được biểu hiện qua nhiều phương thức như:
+ Lãnh đạo bằng chủ trương nghị quyết:
+ Lãnh đạo thông qua công tác tư tưởng;
+ Lãnh đạo thông qua công tác tổ chức, cán bộ
+ Lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát.

b. Nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về dân
Câu hỏi 1 trang 118: Thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
- Thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được thể hiện: Người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.

Câu hỏi 2 trang 118: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống chính trị Việt Nam? Khi thực hiện quyền lực nhà nước, các cơ quan, tổ chức đó cần phải làm gì để thực hiện nguyện vọng của nhân dân?
Trả lời:
- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân
- Khi thực hiện quyền lực nhà nước, Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần:
+ Thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân
+ Chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.
+ Lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.

Câu hỏi 3 trang 118: Em hiểu nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị như thế nào?
Trả lời:
Tất cả quyền lực nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc về nhân dân. Nhân dân bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu dân cử thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, mới lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, chịu sự giám sát chặt chế của nhân dân, không còn được sự tín nhiệm của nhân dân thi đại biểu dân cử có thể bị bãi nhiệm. Những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trước khi quyết định phải lấy ý kiến của nhân dân hoặc phải do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc trưng cầu ý kiến của nhân dân.

c. Nguyên tắc tập trung dân chủ

Câu hỏi 1 trang 119: Em hãy cho biết các văn bản luật trong hình ảnh trên quy định việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống chính trị Việt Nam? Điều đó thể hiện nguyên tắc đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hệ thống chính trị như thế nào?
Trả lời:
- Các văn bản luật trong hình ảnh trên quy định việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Chính phủ trong hệ thống chính trị Việt Nam.
- Điều đó thể hiện: sự tôn trọng, tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, nhân viên nhà nước, của các tổ chức xã hội và mọi công dân.

Câu hỏi 2 trang 119: Em hiểu nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam như thế nào?
Trả lời:
- Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam được hiểu là:
+ Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam đều có địa vị pháp lí vững chắc và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
+ Vị trí, chức năng, tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật quan trọng của đất nước như: Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
+ Trong quá trình hoạt động, các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lí theo quy định của pháp luật.
 

3. Đặc điểm cơ bản của hệ thống chính trị Việt Nam

a. Tính nhất nguyên chính trị
Câu hỏi 1 trang 120: Em hiểu như thế nào là nhất nguyên chính trị?

Trả lời:
- Nhất nguyên chính trị được hiểu là: sự khẳng định, thừa nhận một hệ tư tưởng, một đường lối của một đảng phái đại diện cho một giai cấp về thể chế chính trị. Thông qua nhà nước, đường lối của đảng đó được cụ thể hóa, thể hiện tập trung ý chí, quyền lực của giai cấp giữ vai trò lãnh đạo.

Câu hỏi 2 trang 120: Trong hệ thống chính trị Việt Nam, tính nhất nguyên chính trị được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay chỉ có một đảng chính trị, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả hệ thống chính trị đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

b. Tính thống nhất chính trị
Câu hỏi 1 trang 120: Em hiểu thế nào là tính thống nhất?
Trả lời:
- Tính thống nhất thể hiện sự phù hợp, nhất quán, gắn kết thành một khối, không có sự mâu thuẫn của một tổng thể chung.

Câu hỏi 2 trang 120: Tính thống nhất được thể hiện như thế nào trong hệ thống chính trị Việt Nam?
Trả lời:
Hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm nhiều tổ chức có tinh chất, vị trí, vai trò, chức năng khác nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ, gắn bó với nhau, tạo thành một thể thống nhất. Tính thống nhất của hệ thống chính trị xuất phát từ nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Sự thống nhất của hệ thống chính trị được thể hiện trên nhiều phương diện như: Sự lãnh đạo thống nhất của một đảng duy nhất cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam

c. Tính nhân dân
Câu hỏi 1 trang 121: Em hiểu thế nào là tính nhân dân?
Trả lời:
- Tính nhân dân là khái niệm chỉ mối liên hệ sâu xa, lâu bền của một lĩnh vực nào đó với lợi ích, tư tưởng, tình cảm, vai trò… của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Câu hỏi 2 trang 121: Tính nhân dân được thể hiện như thế nào trong hệ thống chính trị Việt Nam?
Trả lời:
- Tính nhân dân được thể hiện trong hệ thống chính trị Việt Nam: tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được nhân dân lập ra, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
 

4. Luyện tập

Luyện tập 1 trang 121: Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai? Vì sao?
a. Tất cả quyền lực của hệ thống chính trị Việt Nam đều tập trung vào một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.
b. Những người đứng đầu các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị có quyền quyết định mọi công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó.
c. Nhân dân có thể thực hiện quyền lực chính trị của mình thông qua việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
d. Việc xây dựng hệ thống chính trị là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, trong đó có đoàn viên thanh niên.
Trả lời:
a. Sai, vì hệ thống chính trị Việt Nam gồm nhiều cơ quan, tổ chức cấu thành. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
b. Sai, vì hệ thống chính trị Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Những vấn đề quan trọng của đất nước phải được thông qua ý kiến của tập thể (trong đó có những vấn đề phải lấy ý kiến của nhân dân như việc sửa đổi Hiến pháp,...).
c. Đúng, vì thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, nhân dân có thể đánh giá được hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện những sai phạm và khiếu nại, yêu cầu các tổ chức, cơ quan điều chỉnh, sửa chữa.
d. Đúng, vì hệ thống chính trị hoạt động để phục vụ cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội nên mọi người đều phải có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ hệ thống.

Luyện tập 2 trang 121: Em có nhận xét gì hành vi của mỗi nhân vật trong tình huống sau?
a. Ông K - chủ tịch xã A kí quyết định cho phép một công ty xây dựng khai thác đất, đá ở địa phương mà không thông qua ý kiến tập thể.
b. Là cán bộ lãnh đạo xã B, ông D luôn quan tâm xem xét, giải quyết những bức thư góp ý, phản ánh của người dân trong xã.
c, Giáo viên H thường xuyên nhắc nhở học sinh không nên chia sẻ những bài viết có nội dung tiêu cực liên quan đến chính trị khi sử dụng mạng xã hội.
d, Bà X thường lợi dụng chức vụ để bao che cho các hành vi sai phạm của một số đối tượng xấu
Trả lời:
- Trường hợp a. Việc ông K tự ý quyết định cho phép khai thác đất đá mà không thông qua ý kiến tập thể, không tiếp thu ý kiến đóng góp, khiếu nại của nhân dân là hoàn toàn sai. Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, các cơ quan trong bộ máy nhà nước và các cán bộ nhà nước là đại diện để nhân dân thực thi quyền lực của mình. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, lãnh đạo chính quyền phải lấy ý kiến tập thể, ý kiến của nhân dân.
- Trường hợp b. Việc làm của ông D là đúng, đảm bảo nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam. Đồng thời, thông qua những việc làm đó, xã B sẽ đánh giá được hiệu quả các hoạt động của chính quyền địa phương, kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hoạt động chưa tốt, chưa phù hợp với nhân dân và xây dựng những hoạt động có hiệu quả hơn.
- Trường hợp c. Việc làm của giáo viên H là đúng, vì đã giúp HS nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ hệ thống chính trị Việt Nam cũng như giúp các em tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc.
- Trường hợp d. Hành vi của bà X là sai trái, đáng bị phê phán. Bà X đã không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân, lợi dụng chức vụ để vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân và đất nước.

3. Em hãy xừ lí các tình huống sau:
a. Một người bạn thân vừa gửi cho N một thông tin thất thiệt, nói xấu chính quyền địa phương và nhắc N chia sẻ cho nhiều người khác biết.
Nếu là N, em sẽ làm gì?
b. Đoàn trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam. Lớp trưởng phổ biến nội dung cuộc thi cho cả lớp và vận động các bạn đăng kí tham gia. Lớp trưởng vừa nói xong thi Đ nói: "Theo tớ, bạn nào có ý định phấn đấu kết nạp vào tồ chức Đảng để tương lai làm cán bộ thì nên đăng kí tham gia cuộc thi này. Còn những ai xác định sẽ làm "thường dân" như tớ thì miễn thôi".
Một số bạn cũng nhận mình là "thường dân" giống Đ.
Nếu là lớp trưởng, em sẽ làm gì?

Trả lời:
a. Nếu là N, em sẽ không chia sẻ những thông tin xấu đó; đồng thời khuyên người bạn: nên xem xét kĩ càng các thông tin, không chia sẻ những tin xấu đó tới người khác.
Nếu bạn ấy không nhận thức được hành vi sai trái của bản thân, tiếp tục chia sẻ các thông tin xấu, em sẽ báo với chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lí.
b. Nếu là lớp trưởng, em sẽ tham gia và vận động cả lớp tham gia cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam vì đây là hoạt động bổ ích giúp các bạn có những thông tin, kiến thức về Đảng.
 

5. Vận dụng

Vận dụng 1 trang 122: Em hãy viết một bài luận về vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc xây dựng và phát triển thống trị nước ta hiện nay.
Trả lời:
Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiến tiến, phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh định hướng về chính trị, tư tưởng cho hoạt động của Hội. Thường xuyên thông báo cho Hội những chủ trương công tác và chương trình hoạt động của Đoàn, tham gia ý kiến với Hội để Hội xây dựng chương trình phối hợp nhằm triển khai sâu rộng yêu cầu hoạt động của Đoàn trong hội viên, thanh niên. Đoàn còn phát huy vai trò xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.


Vận dụng 1 trang 122: Em hãy viết một bài luận về vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc xây dựng và phát triển thống trị nước ta hiện nay.
Trả lời:
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư diễn ra hàng năm vào ngày truyền thống Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam 18/11. Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cứ em bao gồm phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ được tổ chức ngắn gọn và đổi mới phần nội dung để tập trung vào phần Hội tạo không khí vui tươi, thu hút sự tham gia của người dân. Đôi khi do cuộc sống quá bận rộn khiến mọi người lãng quên đi ngày hội đặc biệt này nên theo em Công tác tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Ngày hội, nhất là ở cơ sở, địa bàn dân cư nhằm tạo sự quan tâm, chú ý và nâng cao nhận thức cho Nhân dân về Ngày hội. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động Ngày hội của Nhân dân trên địa bàn dân cư. Tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của Ngày hội đến các tầng lớp Nhân dân, chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, qua đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Mọi người cũng nên dành chút thời gian tham gia Ngày hội để cuộc sống gắn kết hơn với các hoạt động của Đảng và Nhà nước. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây