Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải SGK Khoa học 7 sách Kết nối tri thức, bài 26: Một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào - Trang 113

Thứ sáu - 18/11/2022 02:35
Giải SGK Khoa học 7 sách Kết nối tri thức, bài 26: Một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào - Trang 113,...
Câu hỏi mở đầu trang 113: Tại sao rau, quả cất giữ trong tủ lạnh lại lâu hỏng hơn so với rau, quả để ngoài không khí? Tại sao muốn cất giữ các loại hạt được lâu lại phải phơi khô mà không để ẩm?
Trả lời:
- Rau, quả cất giữ trong tủ lạnh lại lâu hỏng hơn so với rau, quả để ngoài không khí vì: Nhiệt độ ở trong tủ lạnh thấp hơn so với nhiệt độ bên ngoài → giảm quá trình hô hấp tế bào của rau, quả → giảm sự phân giải các hợp chất hữu cơ → rau, quả lâu hỏng hơn.
- Muốn cất giữ các loại hạt được lâu lại phải phơi khô mà không để ẩm vì:
+ Ở nhiệt độ thường, khi có độ ẩm (hơi nước) cao thì sẽ thúc đẩy quá trình hô hấp tế bào diễn ra mạnh gây giảm sút về khối lượng và chất lượng các loại hạt.
+ Để bảo quản ta cần đưa cường độ hô hấp của nông sản xuống mức tối thiểu bằng cách điều chỉnh các yếu tố của môi trường (độ ẩm,…)
 

I. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp tế bào

Câu hỏi trang 113: Từ kết quả thí nghiệm trong bảng trên, em hãy nhận xét về mối liên quan giữa hàm lượng nước và cường độ hô hấp của hạt.
Thí nghiệm Hàm lượng nước trong hạt Cường độ hô hấp
Thí nghiệm 1 11% đến 12% 1,5 mg CO2 /1kg hạt/giờ
Thí nghiệm 2 14% đến 15% Tăng lên 4 đến 5 lần
Thí nghiệm 3 30% đến 35% Tăng lên hàng nghìn lần
Trả lời:
Nhận xét về mối liên quan giữa hàm lượng nước và cường độ hô hấp của hạt : cường độ hô hấp tỉ lệ thuận với hàm lượng nước.

Câu hỏi trang 113: Vì sao trong trồng trọt, người ta thường cày bừa đất trước khi gieo trồng và tháo nước khi cây bị ngập úng?
Trả lời:
Trong trồng trọt, người ta thường cày bừa đất trước khi gieo trồng và tháo nước khi cây bị ngập úng để tạo điều kiện thuận lợi cho oxygen khuếch tán vào trong đất giúp rễ cây hấp thụ được oxygen một cách dễ dàng → Khi rễ hấp thụ được oxygen, oxygen sẽ là nguyên liệu để thực hiện quá trình hô hấp tế bào giúp tạo ra năng lượng để rễ thực hiện chức năng hấp thụ nước và muối khoáng cung cấp cho cây. Nhờ đó, cây có thể sinh trưởng và phát triển được tốt hơn.

Câu hỏi trang 114: Vì sao không nên để nhiều hoa hoặc cây xanh trong phòng ngủ kín?
Trả lời:
Không nên để nhiều hoa và cây xanh trong phòng ngủ kín vì:
- Khi không có ánh sáng, đa số cây xanh ngừng quang hợp (lấy carbonic và thải oxygen), nhưng vẫn duy trì quá trình hô hấp tế bào (lấy oxygen và thải carbonic). Như vậy, khi đó, quá trình hô hấp tế bào của cây và hoa sẽ lấy đi rất nhiều khí oxygen của không khí trong phòng, đồng thời lại thải ra rất nhiều khí carbonic.
- Mặt khác, trong phòng ngủ đóng kín cửa, không khí không được đổi mới liên tục với môi trường bên ngoài phòng.
⇒ Không khí trong phòng ngủ sẽ có hàm lượng oxygen ngày càng thấp và hàm lượng carbonic ngày càng cao. Điều này sẽ gây ngạt khí, ảnh hưởng đến tính mạng cho người ngủ trong phòng.
 

II. Vận dụng hiểu biết về hô hấp tế bào vào thực tiễn

Câu hỏi 1 trang 114: Theo em, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường như nước, nhiệt độ, nồng độ khí carbon dioxide như thế nào để có thể bảo quản được nông sản? Giải thích.
Trả lời: 
Cần điều chỉnh các yếu tố môi trường như nước, nhiệt độ, nồng độ khí carbon dioxide như sau:
- Làm giảm lượng nước: phơi khô, sấy khô. VD: Trước khi đưa hạt vào kho, hạt được phơi khô với độ ẩm khoảng 13 – 16oC tùy theo từng loại hạt.
- Làm giảm nhiệt độ: để nông sản nơi thoáng mát, bảo quản trong tủ lạnh kho lạnh. VD: khoai tây ở 4oC, cải bắp ở 1oC, cam chanh ở 6oC, các loại rau khác là 3 – 7oC.
- Tăng nồng độ CO2 gây ức chế quang hợp: bơm CO2 vào buồng, kho bảo quản
- Các biện pháp trên ức chế quá trình hô hấp, đưa quá trình hô hấp ở nông sản về mức tối thiểu giúp bảo quản nông sản tốt hơn.

Câu hỏi 2 trang 114: Kể tên một số biện pháp bảo quản nông sản mà em biết.
Trả lời: 
Một số biện pháp bảo quản nông sản mà em biết là: Phơi, sấy khô, muối chua, bảo quản trong tủ lạnh, kho lạnh, ….

Hoạt động 1 trang 115: Khi vào phòng kín có hàm lượng carbon dioxide cao, em cần lưu ý điều gì?
Trả lời: 
- Ở người, khi nồng độ khí CO2 ngoài môi trường cao sẽ dẫn đến tình trạng CO2 cạnh tranh với O2 để liên kết với các tế bào hồng cầu, cơ thể bị thiếu khí O2 ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Như vậy, khi vào phòng kín có hàm lượng carbon dioxide cao, để tránh nguy hiểm, em cần lưu ý không ở đó trong thời gian quá lâu hoặc nên mở cửa để giảm bớt hàm lượng khí carbon dioxide tạo điều kiện cho quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi.

Hoạt động 2 trang 115:. Theo em, có nên bảo quản rau quả tươi ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn 0°C để kéo dài thời gian bảo quản hay không? Giải thích.
Trả lời: 
Không nên bảo quản rau quả tươi ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn 0°C vì:
- Khi bảo quản quá lạnh sẽ khí lượng nước trong tế bào bị đóng băng, phá vỡ cấu trúc của tế bào, khiến khi rã đông thực phẩm sẽ mất đi độ tươi ngon và giảm hàm lượng chất dinh dưỡng.

Hoạt động 3 trang 115:. Cho một số loại nông sản sau: hạt lúa, quả cà chua, rau muống, hành tây, hạt đỗ, bắp ngô tươi, hạt lạc, quả dưa chuột, rau cải bắp, khoai tây, quả cam. Hãy lựa chọn biện pháp bảo quản phù hợp cho từng loại nông sản và giải thích.
Trả lời: 
Tùy từng loại nông sản khác nhau mà có các biện pháp bảo quản phù hợp. Bảo quản khô thường sử dụng để bảo quản các loại hạt. Bảo quản lạnh, sử dụng cho phần lớn các loại thực phẩm, rau, quả. Bảo quản trong điều kiện khí carbon dioxide bảo quản các loại nông sản trong các kho kin, quy mô lớn.
- Bảo quản khô: hạt đỗ, hạt lạc
- Bảo quản lạnh: quả cà chua, rau muống, hành tây, bắp ngô tươi, quả dưa chuột, rau bắp cải, khoai tây, quả cam.
- Bảo quản trong điều kiện nồng độ khí carbon dioxide cao: hạt lúa
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây