Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thế nào là văn giải thích?

Chủ nhật - 05/03/2017 03:15
Giải thích là kiểu bài tập làm văn có nhiệm vụ trình bày, giảng giải, cắt nghĩa về nội dung, lí do, quy luật, ý nghĩa của các hiện tượng, sự vật và lời nói của con người.
Nhu cầu được giải thích của con người trong cuộc sống là rất lớn. Gặp điều gì không biết thì người ta thường nêu câu hỏi “là cái gì”, “như thế nào”, “tại sao, “để làm gì?”. Chẳng hạn sấm chớp là gì, tại sao phải sống có vệ sinh, tại sao ăn nói phải có lễ độ, bảo vệ môi trường để làm gì, một người có văn hóa là như thế nào? v.v... Trả lời các câu hỏi ấy bằng các bài văn lớn nhỏ thì ta có các bài giải thích.
 
Giải thích là cơ sở để hiểu và đánh giá đúng sự thật. Do đó bài giải thích là một cơ sở không thể thiếu của văn nghị luận nói chung.
 
Những yêu cầu  của bài văn giải thích:
 
- Giải thích đúng yêu cầu của đề ra. Nghiên cứu kĩ để, xác định đúng đòi hỏi của nó, chú ý đến những từ quan trọng, cách diễn đạt độc đáo, nội dung tinh thần nhiều mặt của đề.
 
- Bài giải thích phải chính xác, có sức thuyết phục và độ tin cậy cao. Người giải thích phải có hiểu biết vấn đề được giải thích, phải tìm hiểu, tra cứu, hỏi han sao cho bài giải thích cung cấp được những căn cứ lí lẽ, dẫn chứng, ví dụ, phân tích xác đáng làm cho vấn đề được giải thích cụ thể sáng tỏ, dễ hiểu.
 
- Bài giải thích cố gắng làm sáng tỏ vấn đề một cách toàn diện, thấu triệt, bao quát được nghĩa đen, nghĩa bóng của lời văn; nội dung của sự vật, hiện tượng; tư tưởng, lí do và ý nghĩa của vấn để. Người làm bài giải thích phải trả lời các câu hỏi mình tự đặt ra khi tìm hiểu vấn đề: Nó là gì, bao gồm những nội dung gì, do đâu mà có sự việc và tư tưởng đó, nó có ý nghĩa, tác dụng gì đối vối đời sống con người? Người làm bài phải biết nêu những câu hỏi thích hợp sát đúng thì bài tập làm văn giải thích mới hay, mới giải đáp được thắc mắc cho người đọc.
 
- Bài làm giải thích phải tỏ ra có kĩ năng giải thích. Chẳng hạn biết đặt vấn đề vào hoàn cảnh của nó mà giải thích, biết phân tích để phát hiện một ý được giấu kín, biết đối lập cách hiểu đúng và hiểu sai. biết đối chiếu các sự vật gần gũi nhau để chỉ ra sự khác biệt, tránh sự nhầm lẫn...
 
- Có hành văn trang nhã, khiêm tốn, tỏ ra người biết giới hạn hiểu biết của mình. Đối với vấn đề khó thì nên nói: “Theo cách hiểu của em thì...” (nhưng cũng phải có lí lẽ!) hoặc “Có thể hiểu răng...” để cho người đọc biết, còn có thể có những cách hiểu khác.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây