Bài văn phân tích tác phẩm văn học phải thực hiện được các nhiệm vụ sau đây:
- Giới thiệu chung về tác phẩm được phân tích: tác giả, xuất xứ tác phẩm, đánh giá tổng quát vê tác phẩm ấy.
Đây là phần không thể thiếu, chứng tỏ người làm bài hiểu được tác phẩm của ai, thuộc thời kì văn học nào, thuộc thể loại nào, đã được đánh giá tổng quát ra sao. Điều này góp phần cho người viết xác định hướng phân tích tác phẩm.
- Giới thiệu định hướng phân tích của bài làm.
Bài làm văn phân tích có thể được thực hiện theo mấy dạng sau:
+ Phân tích toàn tác phẩm: phân tích các bộ phận để nêu ra nhận định, đánh giá về toàn bộ tác phẩm, cả nội đung lẫn nghệ thuật (yêu cầu toàn diện).
+ Phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề: nội dung, nghệ thuật hay nhân vật (yêu cầu từng mặt).
Người làm bài căn cứ yêu cầu của đề mà giới thiệu hướng phân tích của bài làm.
- Phân tích từng phần của tác phẩm: Đây là phần trọng tâm tạo thành nội dung cơ bản của bài làm. Tác phẩm có thể chia làm bao nhiêu bộ phận thì việc phân tích phải có từng ấy bộ phận. Nếu phân tích theo một vấn đề thì vấn đề ấy có thể chia ra làm mấy khía cạnh, mỗi khía cạnh phải chiếm một phần của bài làm.
- Tổng hợp kết quả phân tích, đưa ra nhận định, đánh giá chung. Nhận định, đánh giá ở phần này phải sâu hơn, rộng hơn hoặc cụ thể hơn so với nhận định, đánh giá ở phần đầu.
* Dàn bài chung của bài phân tích tác phẩm:
1. Mở bài
Giới thiệu chung về tác phẩm cần được phân tích: tác giả, tác phẩm, vấn đề cần quan tâm.
2. Thân bài
- Phân tích từng phần (chia theo đoạn, chia theo từng cặp câu thơ, chia theo nhân vật) theo từng biểu hiện của vấn đề hay theo trình tự xuất hiện, diễn biến của cốt truyện có vấn đề.
- Cuối mỗi phần có tiểu kết, chuyển sang phần mới, phân tích, rồi tiểu kết. Cứ thế cho đến hết các phần cần phải phân tích.
- Tổng hợp kết quả phân tích của các phần để nêu ra nhận định, đánh giá chung về tác phẩm theo yêu cầu đề ra.
3. Kết bài:
- Đánh giá tổng quát về tác phẩm.
- Nêu ý nghĩa của các tác phẩm đối với người đọc, đối với lịch sử văn học.