Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Vấn đề sử dụng điện thoại di động của học sinh trong trường học?

Chủ nhật - 18/10/2015 11:25
Với nhiều chức năng hữu ích, điện thoại di động được dùng phổ biến, bởi nó không chỉ là vật dụng liên lạc khi cần thiết mà còn là phương tiện giải trí do sử dụng các chức năng quay phim, chụp ảnh, nghe nhạc, kết nối internet. Chính vì vậy giới trẻ - nhất là học sinh, sinh viên- càng có nhu cầu sử dụng điện thoại. Nhưng có nên để các em học sinh sử dụng điện thoại trong trường học ? Đó là vấn đề đang được nhiều thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục bàn đến.
Điện thoại di động (ĐTDĐ) là một phương tiện chuyển tải thông tin hữu ích. Nhưng đôi khi người sử dụng - nhất là học sinh sinh viên - đã có những việc làm thiếu văn hóa dẫn đến hậu quả khôn lường. Đáng lưu ý là những vi phạm “văn hóa điện thoại” đó lại đang xuất hiện nhiều ở lớp trẻ. Chính những điều đó đã “tiếp tay” cho bạo lực học đường…

Chỉ cần 500.000đ đến 1 triệu đồng là bố mẹ có thể mua cho con mình một chiếc điện thoại, điều đó bây giờ không quá khó. Với những gia đình có điều kiện về kinh tế thì việc trang bị ĐTDĐ công nghệ cao có nhiều chức năng quay phim, kết nối internet là “chuyện nhỏ”. Tuy nhiên, việc cho trẻ em lứa tuổi học sinh THCS và THPT sử dụng điện thoại di động, ngoài những tiện lợi còn kéo theo nhiều hệ lụy không nhỏ.

Những hệ luỵ của việc học sinh dùng ĐTDĐ

Do nhu cầu của cuộc sống, người lớn bận nhiều thời gian cho việc mưu sinh, nên trẻ em phải tự lo cuộc sống khi không có cha mẹ ở bên. Điều này nảy sinh nhu cầu liên lạc giữa con cái với bố mẹ và các em rất cần điện thoại. Mặt khác, có những ông bố bà mẹ muốn quản lý con nên đã sắm cho con điện thoại di động. Theo họ, đó là nhu cầu chính đáng. Nhưng nếu không quản lý sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trào lưu sử dụng điện thoại di động trong học sinh bắt đầu từ khoảng 5 năm trở lại đây. Mới đầu chỉ phổ biến ở các đô thị lớn và tập trung trong học sinh THPT, sau lan dần đến vùng nông thôn, học sinh THCS và gần đây cả học sinh tiểu học cũng đã sử dụng điện thoại di động.

Các em dùng điện thoại vào việc gì?

Khi trả lời câu hỏi đó, nhiều em hồn nhiên nói: tất nhiên chúng em liên lạc với gia đình, bạn bè, trao đổi với thầy cô giáo.

Nhưng điều đó chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều mục đích của các em khi sử dụng. Bởi mỗi ngày các em đến trường trong vòng 4 tiếng đồng hồ, chủ yếu để học bài và tiếp thu kiến thức trên lớp; buổi trưa lại về gia đình. Thời gian đó cần gì phải liên lạc nhiều với bạn bè, gia đình nữa?

Vậy, các em dùng điện thoại chỉ với mục đích giải trí là chính. Có nhiều em trong lớp học không chú ý nghe giảng mà nghe nhạc hoặc nhắn tin cho bạn hết cả tiết. Điều này dẫn đến sự mất tập trung trong giờ học. Người viết bài này đã không ít lần khi đang say sưa giảng bài trên lớp, chợt một điệu nhạc chuông vang lên khiến cả lớp mất tập trung, cô giáo lại phải dừng lại nhắc nhở dẫn đến cắt ngang mạch cảm xúc, làm giảm hiệu quả tiết dạy. Đó là chưa kể cá biệt có em còn xem phim trong lớp học. Mà không phải chỉ xem một mình: các em cùng bàn túm năm tụm ba xem, không để ý đến lời cô giáo giảng. Thậm chí xem những phim có nội dung thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến nhân cách của tuổi mới lớn.

Gần đây, nhiều em có “trò đùa” ác ý bằng cách chụp những bức ảnh ở tư thế hớ hênh khó coi của bạn rồi phát tán. Có những em còn tổ chức “đánh hội đồng” bạn mình (trong đó có cả nữ sinh) rồi quay clip tung lên mạng làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể diện của bạn… dẫn đến hậu quả khôn lường: có bạn vì xấu hổ mà phải bỏ học, hoặc có ý định tự tử sau khi ảnh và clip đã được phát tán khắp nơi. Một số học sinh còn dùng điện thoại quấy rồi người khác.

Việc sử dụng ĐTDĐ có hai mặt: Nếu các em sử dụng đúng mục đích là để tiện liên lạc với gia đình, trao đổi bài vở với bạn bè thì là điều tốt. Nhưng phần lớn các em sử dụng vào mục đích khác (như đã nêu ở trên) làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục.

Đó là chưa kể đến ở nông thôn, điều kiện kinh tế không đồng đều. Không phải gia đình nào cũng có thể trang bị điện thoại cho con. Một số em do chạy theo trào lưu, muốn “học đòi” nhưng điều kiện gia đình không thể có được điện thoại. Đã từng có em lấy cắp điện thoại của bố mẹ, thậm chí của thầy cô giáo. Có em còn trộm tiền của người lớn hoặc theo kẻ xấu làm việc phi pháp để có tiền mua điện thoại.

Giải pháp nào

Hiện nay, luật pháp không cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nên nhà trường rất khó quản lý các em. Ở một số nơi, ngành giáo dục mới chỉ có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học chứ chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này.

Theo ý kiến của nhiều thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục, ở tuổi các em, chưa nên dùng điện thoại di động vì các em cũng không thật cần thiết đến mức phải liên lạc thường xuyên hàng giờ với cha mẹ. Nếu có nhu cầu cấp thiết gì có thể gọi nhờ điện thoại của trường.

Trên lớp, thầy cô nên hướng dẫn cho học sinh biết về văn hoá giao tiếp qua điện thoại. Đặc biệt, trước tình trạng học sinh sử dụng điện thoại di động để quay clip “dằn mặt” bạn rồi tung lên mạng như hiện nay, nhà trường cần quán triệt các em khi dùng điện thoại tuyệt đối không làm ảnh hưởng xấu đến người khác (quấy rối, quay phim chụp ảnh…). Trong các giờ học hoặc sinh hoạt tập thể (đặc biệt là chào cờ), tuyệt đối tắt máy không được sử dụng điện thoại làm ảnh hưởng đến người xung quanh và không khí buổi học, buổi lễ. Khi giao tiếp qua điện thoại, nên nói với thái độ lịch sự vừa phải. Nếu cần chuyển tải nội dung, hãy chắt lọc sao cho vừa đủ thông tin ngắn gọn dễ hiểu, tạo ấn tượng tốt đẹp với người nghe. Lời nói khi giao tiếp điện thoại phải đúng mực. Hãy xưng hô tên tuổi trước khi giao tiếp để biết cách nói chuyện vừa đủ, văn minh lịch sự. Nếu muốn chủ động chấm dứt thời gian nói chuyện thì nên tìm một cách nào vừa khéo léo tế nhị, lại tránh đột ngột gây sự khó chịu cho người đang giao tiếp. Nếu đang đi đường mà có tín hiệu điện thoại, không được nghe máy ngay mà phải tìm cách tạt vào lề đường rồi mới nghe…

Để làm được điều này, thầy cô cần làm gương khi sử dụng điện thoại. Ở một số trường phổ thông đã có quy chế nội bộ với giáo viên khi sử dụng điện thoại: yêu cầu để chế độ rung khi hội họp, khi lên lớp. Nhà trường cũng nên đưa vấn đề này ra trước cuộc họp phụ huynh học sinh để thống nhất phương án và yêu cầu phụ huynh học sinh cùng kết hợp thực hiện.

Với cha mẹ học sinh, khi con em mình đang độ tuổi đi học, không nhất thiết phải trang bị điện thoại cho các em. Cũng không nên cho con mang điện thoại đến trường nếu không thật khẩn cấp. Nếu có mua điện thoại cho con, chỉ nên trang bị điện thoại bình thường với mục đích nghe nhận thông tin là chính. Cho dù gia đình có điều kiện cũng không nên chiều theo trào lưu “sành điệu” mà sắm cho con những 3G, 4G tràn lan sẽ gợi sự hiếu kỳ và tò mò của các em. Điện thoại hiện đại khiến cho nhiều học sinh dễ dàng có được những clip không lành mạnh, đồi trụy khiêu khích. Nếu được phát tán sẽ gây hậu quả khôn lường. Theo tôi, nhà trường cũng cần gắn trách nhiệm cho phụ huynh nếu con em mình vi phạm việc sử dụng điện thoại không đúng quy định.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng nên có một quy định chặt chẽ. Có một số nơi đã cho học sinh làm đơn đăng ký sử dụng số điện thoại cụ thể, có chữ ký của phụ huynh. Một số trường đã đưa nội dung sử dụng điện thoại vào nội quy như không dùng trong giờ học, giờ sinh hoạt tập thể, không dùng điện thoại để tải nội dung xấu, hoặc quay phim chụp ảnh không lành mạnh, mục đích không thiện ý, và cho ký cam kết, nếu vi phạm đều bị lập biên bản xử lý. Khi cần thiết sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn, pháp luật can thiệp. Dù không thật triệt để nhưng cách làm này cũng đã “cảnh báo” đến các em về một hình thức kỷ luật nếu vi phạm, và phần nào đã ngăn chặn được việc dùng điện thoại không đúng mục đích của học sinh.

Giao tiếp qua điện thoại là một giao tiếp văn minh vì nó tiết kiệm được thời gian, lại có thể chuyển tải thông tin bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại trong học sinh phổ thông tiện dụng ít, rắc rối nhiều, ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của các em. Nó như con dao hai lưỡi khiến người sử dụng có thể “đứt tay” bất cứ lúc nào, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Không nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học. Điều này có thể bước đầu sẽ chưa nhận được sự đồng tình tuyệt đối nhưng rất nên như thế, bởi làm vậy sẽ xây dựng được nếp sống văn minh thanh lịch của học sinh, làm giảm thiểu bạo lực học đường và những hậu quả xấu không đáng có, góp phần xây dựng trường học thân thiện như nội dung cuộc vận động gần đây mà ngành giáo dục đã phát động. Để thực hiện được, ngoài các thầy cô giáo, rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các bậc phụ huynh.

Nguyễn Thị Diệp

  Ý kiến bạn đọc

  • Quỳnh
    theo tôi việc học sinh sử dụng điện thoại không hẳn là xấu
    bởi điện thoại hỗ trợ rất nhiều cho các em, học sinh trong học tập cũng như công việc hằng ngày
    chỉ cần các em ý thức tốt thì chiếc điện thoại sẽ hữu ích rất nhiều
      Quỳnh   27/02/2018 21:51
  • Khánh Uyên
    tôi đồng tình với ý kiến này mặc dù tôi còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, việc sd điện thoại đang dùng phổ biến rất rộng trên toàn thế giới. Trong lớp tôi ai ai cũng có 1 cái điện thoại tôi tự nhủ trong lòng tại sao trong lớp ai ai cũng có đtdt mà tại sao tôi k có tại sao bố mẹ k mua cho tôi... Vâng và tôi đã nhận ra việc hs sd đtdt đang rất cs hại, nó k hề tốt lành gì cả. Tôi rất muốn cs 1 cái đth nên lâu lâu tôi mới cầm đc đth của mẹ tôi, cuối tuần mẹ ms cho nên tôi cầm và cắm đầu vào màn hình đth k rời mắt, vâng và nếu tôi cs đth chắc việc học của tôi chắc chắn sẽ sa sút. Bởi vậy bố mẹ k cho tôi dùng đth, đến khi học vào đại học bố mẹ mới mua cho tôi........
      Khánh Uyên   30/10/2017 10:30
  • Linh
    Nếu mẹ tôi k đọc bài báo này thì mẹ tôi đã k thu đthoại của tôi.Tôi hận
      Linh   15/06/2017 03:57
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây