Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Xây dựng những tình huống đạo đức và pháp luật dựa trên những câu chuyện có thật

Chủ nhật - 04/10/2015 02:48
Việc xây dựng tình huống dựa trên các câu chuyện, vụ án có thật, có tính thời sự ở địa phương và trong nước đưa vào bài dạy Giáo dục công dân là thể hiện sự sáng tạo của giáo viên và học sinh nhằm gây sự hứng thú trong học tập, tránh nhàm chán, khô khan; khơi dậy lòng say mê, yêu thích môn học Giáo dục công dân của học sinh.
Ví dụ: Bài 18: QUYỀN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
(GDCD8 - đây là một bài khó dạy nhất trong chương trình GDCD ở THCS)
     +  Để khai thác nội dung quyền khiếu nại, tố cáo theo chuẩn kiến thức tôi đã xây dựng những tình huống trên cơ sở những câu chuyện, vụ án có thật, có tính thời sự.
- GV cho HS theo dõi đoạn phim có nội dung sau:
    Bác Tam là người tàn tật nhưng phòng thuế của phường lại định mức đóng thuế cho cửa hàng của bác bằng mức thuế của những người bình thường khác. Bác Bình khuyên bác Tam làm đơn khiếu nại vì người tàn tật là đối tượng được xét miễn giảm thuế.
   Hỏi: - Em hãy cho biết nội dung đoạn phim nói điều gì?
           - Theo em, bác Bình khuyên bác Tam như vậy là đúng hay sai? Vì sao?
- HS: trả lời cá nhân
GV: kết luận: bác Bình khuyên bác Tam như vậy là đúng vì người khuyết tật được quyền đề nghị xem xét miễn giảm thuế kinh doanh đối với mình.
- GV nêu tình huống và yêu cầu học sinh suy nghĩ (động não) trả lời.
Tình huống:  Ông Hiệu trưởng trường THCS H ra quyết định kỉ luật với hình thức đuổi học đối với học sinh Nguyễn Văn A vì đã có hành vi quay cóp trong khi làm bài thi Học kì I vừa qua.
    Hỏi: Nếu em là A, sau khi nhận được quyết định trên thì em sẽ là gì?
- HS: trả lời cá nhân 
? Em hiểu thế nào là quyền khiếu nại?
- HS: trả lời cá nhân
GV: kết luận: Quyền khiếu nại là quyền của công dân đề nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại các quyết định, các việc làm của cán bộ công chức nhà nước khi thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật, quyết định kỉ luật, khi cho rằng, quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- GV cho HS quan sát đoạn phim bạo hành trẻ em của người giữ trẻ.
? Đây là đoạn phim nói về vụ án gì? Khi thấy hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể, sức khỏe, tính mạng của công dân thì các em làm gì?
- HS: trả lời cá nhân
GV: Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này của bà giữ trẻ đã bị pháp luật xử lí nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
- HS: trả lời cá nhân
? Em hiểu thế nào là quyền tố cáo?
- HS: trả lời cá nhân
GV: kết luận: Quyền tố là quyền của công dân, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về một vụ, việc vi phạm pháp luật  vụ, việc vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
     +  Để khai thác trách nhiệm của công dân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền khiếu nại và tố cáo theo chuẩn kiến thức tôi đã xây dựng những tình huống trên cơ sở vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tính thời sự: là địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất của tỉnh nhà.
- GV nêu tình huống và yêu cầu học sinh suy nghĩ (động não) trả lời.
Tình huống:   Lúc 14g 5phút ngày 1/1/2010 Tài xế Lê Văn Cương điều khiển xe ôtô mang BS: T12-6559 đi trên QL1A theo hướng Huế-ĐN trên địa phận huyện Phú lộc thì đâm vào xe môtô mang BS: 75T-6601 do anh Lê Văn Hai điều khiển chạy phía trước cùng chiều làm anh Hai bị thương nặng. Sau khi gây tai nạn Cương điều khiển xe ôtô chạy vào phía nam.  
  Hỏi: - Khi em chứng kiến vụ tai nạn trên với tư cách là công dân thì em sẽ làm gì?
          - Vì sao em phải báo vụ tai nạn trên đúng sự thật?
- HS trả lời bằng sự hiểu biết của mình...
GV: kết luận: Các em sẽ báo với cơ quan có thẩm quyền (Công an…) về vụ tai nạn trên đúng sự thật. Vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, để cơ quan có thẩm quyền xử lý khách quan, đúng người đúng tội nhằm đảm bảo sự công bằng của mọi công dân trước pháp luật
    +  Để củng cố và khắc sâu kiến thức bài học.
- GV nêu tình huống và yêu cầu học sinh làm ở phiếu học tập.
Tình huống:  Cơ sở sản xuất bún của bà Bảy ở cạnh trường học, khu dân cư có mùi hôi thối đặc trưng do nước thải trong cơ sở sản xuất bún thải ra làm ô nhiễm môi trường học tập, sinh sống của chúng ta.
Hỏi: Trứơc sự việc đó thì các em sẽ làm gì?
   2.3. Giáo viên yêu cầu học sinh tự tìm tòi, chuẩn bị trước các câu chuyện, các vụ án có thật, có tính thời sự mà em biết hoặc qua tivi, báo,…; giáo viên hướng dẫn học sinh tự xây dựng tình huống để đưa vào bài học sao cho phù hợp.

Ví dụ: Bài 16: QUYỀN ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO HỘ VỀ TÍNH MẠNG, THÂN THỂ, SỨC KHỎE, DANH DỰ VÀ NHÂN PHẨM  (Giáo dục công 6)                                       
   + Để phân tích, đánh giá những tình huống liên quan đến quyền được bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của công dân tôi đã xây dựng những tình huống trên cơ sở những câu chuyện, vụ án có thật, có tính thời sự.
- GV tổ chức thảo luận nhóm.
- GV chia lớp thành 6 nhóm, giao tình huống và giao cho mỗi nhóm thảo luận về một tình huống sau 5 phút các nhóm cử đại diện trình bày.
- HS các nhóm tiến hành thảo luận và cử người trình bày
- HS các nhóm lắng nghe, nhận xét, bổ sung.
GV:  nhận xét, bổ sung và kết luận sau khi mỗi trình bày.

Tình huống 1: Trên đường đi học, Lan bị một nhóm bạn trai lớn hơn trêu ghẹo và có hành vi sàm sỡ, đụng chạm vào người.
   Hỏi: Em có nhận xét gì về hành vi của nhóm bạn trai? Theo em, Lan nên ứng xử như thế nào trong tình huống đó?
Trả lời: - Hành vi của nhóm bạn trai là không đúng, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
              - Theo em, Lan nên ứng xử: phản đối lại, báo cho nhà trường và cơ quan công an về sự việc trên, hành vi của nhóm bạn trai đó phải bị phê bình, cảnh cáo.

Tình huống 2: Vì không thích Tân làm lớp trưởng nên một nhóm bạn nữ tung tin đồn, bịa đặt, nói xấu Tân.
   Hỏi: Theo em, hành vi của nhóm bạn nữ có vi phạm quyền được bảo hộ về danh dự, nhân phẩm không? Vi phạm như thế nào? Bạn Tân nên làm gì trong tình huống đó?
Trả lời: - Hành vi của nhóm bạn nữ đã vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm. Nhóm bạn nữ đã tung tin đồn, bịa đặt, nói xấu Tân – hành vi đó là vu khống người khác.
              - Tân sẽ giải thích cho các bạn biết hành vi của các bạn như vậy là không tốt và vi phạm pháp luật, nếu các bạn thấy mình không đủ năng lực làm lớp trưởng thì đề nghị lớp bầu lại lớp trưởng đồng thời Tân báo sự việc với thầy cô giáo chủ nhiệm biết.
Tình huống 3: Trong lúc ăn sáng ở quán, cho là Trường “nhìn đểu” mình nên tan học, Quân đã dùng dao đón đường đâm Trường làm Trường bị thương tổn hại 15% sức khỏe.
  Hỏi: Theo em, hành vi của Quân đã vi phạm điều gì?
Trả lời: - Quân đã vi phạm pháp luật xâm hại bất hợp pháp đến sức khỏe của người khác (sức khoẻ của Trường), Quân đã phạm tội cố ý gây thương tích  (theo điều 104- tội cố ý gây thương tích)

Tình huống 4: Nam và Sơn là 2 học sinh lớp 6 ngồi cạnh nhau. Một hôm Sơn bị mất một cái máy tính vừa mới mua. Tìm mãi không thấy, Sơn đỗ tội cho Nam lấy cắp. Namvà Sơn to tiếng, tức quá Nam đánh Sơn chảy máu mũi. Cô giáo kịp thời mời 2 bạn lên phòng hội đồng kỉ luật.
Hỏi:  Em hãy nhận xét cách ứng xử của 2 bạn? Nếu là Nam thì em sẽ xử lí như thế nào? Nếu là bạn cùng lớp của Nam và Sơn thì em sẽ làm gì?
Trả lời: - Cả 2 bạn Sơn và Nam đều sai.
    + Sơn sai: Vì chưa có đủ chứng cứ đã khẳng định Nam ăn cắp, hành vi đó đã xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của Nam - vu khống người khác.
    + Nam sai: Vì không giải quyết khéo léo mà đánh Sơn chảy máu mũi, hành vi đó đã xâm hại bất hợp pháp đến thân thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của Sơn.

Tình huống 5: Lợi dụng lòng tin và sự tín nhiệm của bạn hàng, Ân vay nợ 25.000.000 đồng để tiêu dùng phung phí và không còn khả năng trả nợ nên đã bỏ trốn. Không chờ các cơ quan chức năng Nhà nước, Ba là một trong những chủ nợ đã tự đi tìm Ân bắt về giao nộp cho cơ quan Công an.
Hỏi:   Em hãy cho biết hành động của Ba đúng hay sai? Vì sao?
Trả lời: - Hành động của Ba sai. Vì: theo quy định tại điều 71 Hiến Pháp năm 1992 “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân”. Hành vi của Ba sẽ bị truy tố trước pháp luật theo điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội bắt người trái pháp luật.

? Từ các tình huống trên, các em thấy đối với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác chúng ta cần phải có thái độ xử sự như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật?
DK – Chúng ta cần phải tôn trọng với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.

? Mỗi khi các quyền đó của mình bị xâm hại thì chúng ta phải làm gì?
DK - Chúng ta cần phải phản đối và tìm sự giúp đỡ của mọi người ngăn chặn những hành vi xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm (báo cho cha mẹ, thầy cô, những người có trách nhiệm biết).  
GV kết luận: Khi tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm bị xâm hại thì cần biết phản đối và thông báo, tìm sự giúp đỡ của những người có trách nhiệm.
    +  Để củng cố nội dung bài học, rèn luyện cho học sinh kĩ năng tư duy sáng tạo, trình bày suy nghĩ, ý tưởng, ứng phó trong những tình huống bị xâm hại đến tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
- GV tổ chức trò chơi “Tư vấn pháp luật”
- GV mời một nhóm tham gia đóng vai các “Luật sư” để tư vấn pháp luật cho các công dân (sử dụng kĩ thuật dạy học Tư vấn chuyên gia). Giáo viên cung cấp thêm tư liệu ( Điều 71 Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật Hình sự từ Điều 93 đến Điều 123) cho nhóm“Luật sư”. Số học sinh còn lại trong lớp đóng vai các công dân muốn tư vấn pháp luật.
- GV yêu cầu mỗi học sinh chuẩn bị 1 - 2 câu hỏi / tình huống hoặc câu chuyện, vụ án có thật, có tính thời sự (vụ án Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm ở tỉnh Cà Mau chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ cháu Nguyễn Anh Hào, 14 tuổi làm công cho vợ chồng Giang, Thơm; vụ án trộm cắp tài sản ở thành phố Huế trong thời gian qua,…) đã sưu tầm được có liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm để hỏi các “Luật sư”.
- Khi các “Công dân” nêu câu hỏi / tình huống…, các “Luật sư” có thể trao đổi và cử đại diện trả lời.
    Trò chơi cứ tiếp tục cho đến khi các “Luật sư” trả lời hết câu hỏi của “Công dân”.Dưới đây là một số tình huống, vấn đề mà học sinh đã chuẩn bị cho tiết học của mình.

1. Ở nước ta văn bản pháp luật nào quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân?
  Trả lời:
     - Ở nước ta văn bản pháp luật quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân là Hiến Pháp năm 1992, Điều 71 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.

2. Pháp luật nước ta bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân cụ thể như thế nào?
 Trả lời:
  - Công dân được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Mọi hành vi xâm hại bất hợp pháp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác đều bị pháp luật trừng trị.
  - Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định tại chương 12 các tội xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân - gồm 30 điều (từ Điều 93 đến điều 122)

Tình huống: Ông Nguyễn Văn A bị mất 1 chiếc máy tính xách tay trị giá 15 triệu đồng. Ông A trình báo với Công an phường H, Công an phường H nghi ngờ T lấy trộm của ông A nên bắt giữ T để tra hỏi 1 tuần. 1 tuần sau ông A đến báo với Công an phường H là chiếc máy tính của ông do con trai ông trộm cắp đem bán để lấy tiền cá độ bóng đá.
   Hỏi: Công an phường H có vi phạm pháp luật không? Vi phạm như thế nào?
Trả lời:
   Công an phường H vi phạm pháp luật. Vì T không lấy trộm tài sản của ông A mà bị Công an phường bắt giữ và giam 7 ngày.
   + Theo quy định của pháp luật hình sự, Công an phường không có quyền bắt giam người (trừ người phạm tội quả tang, truy nã).
    + Vì vậy việc bắt và tạm giữ người nêu trên của Công an phường H có dấu hiệu phạm tội: “Bắt giữ người hoặc giam người trái pháp luật” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999

Tình huống: Ông X và ông K tranh chấp nhau lối đi chung và dẫn đến xô xát, đánh nhau. Ông K dùng gậy gỗ đánh ông X gãy chân bị thương, tổn hại 12% sức khỏe.
   Hỏi: Ông K có vi phạm pháp luật không? Vi phạm như thế nào?
Trả lời:  Hành vi của ông K đã phạm tội: “Cố ý gây thương tích”, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tình huống: Vợ chồng G và T là chủ trại tôm đã nhận A về làm thêu. Họ đã hành hạ A bằng nhiều hình thức dã man như dùng bàn là nóng ấn vào người; dùng kìm bẻ răng, kẹp môi; dùng gậy đánh; dùng dây trói rồi mang phơi nắng…
   Hỏi: Hành vi của G và T có vi phạm pháp luật không? Vi phạm tội gì?
Trả lời:  Hành vi của G và T đã phạm tội: “Hành hạ người khác”, quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999.
- GV liên hệ vấn đề thực tế liên quan quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (bạo hành trong học đường hiện nay).

1. Em có suy nghĩ gì về nạn bạo hành học đường, đặc biệt là nạn bạo hành trong học sinh nữ hiện nay? Địa phương em có tình trạng đó không? Nếu có, hãy nêu một vài trường hợp?
DK- Bạo hành học đường đang là vấn đề gây nhức nhối hiện nay. Đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, mà lại xảy ra ở lứa tuổi học sinh, là lứa tuổi được chăm sóc giáo dục từng ngày.
    - Nữ sinh đáng lẽ phải dịu dàng, duyên dáng, nhân hậu. Một số nữ sinh đã không còn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc, có những việc làm trái với đạo đức, rất phản cảm, đáng lên án.
    - Mỗi HS chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc và có hành động thiết thực để góp phần cùng người lớn ngăn chặn nạn bạo hành học đường. 

2. Nếu chứng kiến hành vi bạo lực giữa học sinh với nhau, em và các bạn phải làm gì?
DK - Nếu chứng kiến hành vi bạo lực trong học sinh, chúng ta phải:
  + Không được xúi giục hoặc thờ ơ vì đó chính là biểu hiện của cái xấu, cái ác.
  + Phải tìm cách ngăn cản hành động đó.
  + Nếu không ngan cản được thì phải tìm sự giúp đỡ của người lớn và những người có trách nhiệm.

Kết luận: GV chốt lại kết thúc bài học.

Chúng ta có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm thì chúng ta cần phải biết tôn trọng sức khoẻ, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người khác; biết bảo vệ thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của mình; phản đối những hành vi xâm phạm đến tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của người khác.

Hoàng Thị Phương Diễm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây