Từ câu chuyện ở trường tiểu học nọ, có một thầy giáo thiếu tâm huyết với nghề nên việc dạy học thường theo kiểu được chăng hay chớ, có khi bỏ lớp hay đến muộn. (Đây là chuyện 30 năm trước, khi đó các quy định quản lý, thông tin liên lạc đều có hạn chế). Một lần, vị giáo viên này không đến lớp mà cũng không báo trước, học sinh tưởng là thầy đến trễ nên không dám ra về. Một số học sinh “tranh thủ” tổ chức các trò chơi, trong đó có một nhóm chơi trò kéo co, kết quả là một học sinh bị ngã chấn thương sọ não, phải sống đời sống tật nguyền suốt đời…
Người thầy là "kỹ sư tâm hồn"
Sự vô tâm, thiếu trách nhiệm dù nhỏ của người thầy có thể ảnh hưởng lớn đến một số học sinh nào đó. Chẳng hạn, một lời chê bai, phê bình quá nghiêm khắc hoặc thiếu hợp tình, hợp lý có thể đưa đến hành động nông nỗi, sai lầm của một học sinh. Tôi từng biết có một học sinh nữ đang học lớp 8, vì bị thầy dạy toán đánh đòn trước lớp do không làm bài được, đã xấu hổ nghỉ học. Hay vì sự nghi oan, tạo áp lực thái quá của giáo viên mà đã có học sinh tự tử. Ở mức độ nhẹ hơn, sự thiếu nhiệt tình, thiếu chăm chút đúng mực (ở mức độ trách nhiệm) cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh. Thí dụ, biết học sinh nào đó không nắm vững bài, có thể mất căn bản nhưng giáo viên không quan tâm, tìm cách kèm cặp, bồi dưỡng để học sinh đó lấy lại căn bản, để mặc em ấy “tự bơi” thì cũng coi như là vô tâm.
Trái lại, sự chăm chút, chú ý đến các biểu hiện của từng học sinh và có biện pháp tác động, hỗ trợ phù hợp là sự thành tâm, nhiệt tâm đối với nghề nghiệp, đối với học trò, xa hơn là đối với con người, đối với xã hội. Người thầy có sự động viên, quan tâm, hỗ trợ dù nhỏ vẫn có thể giúp một học sinh không phải bỏ học và từ đó học sinh này có thể có cuộc sống tốt hơn; hay một sự khích lệ có thể khuyến khích học sinh đi đúng hướng, từ đó phát triển được năng lực và thành công, không chỉ thay đổi số phận một cách tích cực bản thân học sinh đó mà còn trở thành người có ích cho xã hội… Như vậy, trái với sự vô tâm là sự tận tâm, chính điều này tạo nên giá trị thực sự của người thầy, bởi qua đó đã bồi đắp nghề nghiệp thành một thiên chức, từ chỗ dạy văn hóa, dạy kỹ năng thành dạy làm người, từ chỗ cung cấp kiến thức thành đào tạo con người, từ chỗ chỉ là giáo viên, người dạy học trở thành “kỹ sư tâm hồn”, là người “trồng người”…
Thiên chức của người thầy
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là ngày xã hội tôn vinh những người thầy, không phải chỉ do tư cách, đạo đức của cá nhân mà phần nhiều là do thiên chức của người thầy. Một phụ huynh không tiếp xúc thường với giáo viên nhưng qua cách dạy, cách ứng xử, cách quan tâm con em mình cũng có thể nhận biết được cái tâm của người thầy đó. Nên có thể nói, cái tâm của người thầy không thể ngụy tạo, nó xuất phát từ tấm lòng cũng như sự rèn luyện nhân cách không ngừng của cá nhân họ…
Nghề giáo xưa nay luôn được xã hội quan tâm, trân trọng. Vì những đóng góp trong sự nghiệp “trồng người”, nhà giáo xứng đáng được tôn vinh, được kính trọng, được chăm sóc nhiều hơn. Nhưng cũng vì lẽ đó, nhà giáo phải nỗ lực hơn, gương mẫu hơn, trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn. Năng lực của mỗi người có thể khác nhau, có thể góp phần xây dựng, bồi đắp tài năng của học sinh khác nhau nhưng tấm lòng với học trò, với nghề, với người nên giống nhau, đó là nên lấy sự tiến bộ của học trò, nên lấy yếu tố “nên người” là niềm vui và là thước đo về sự thành tích hay sự trọng vọng. Ở góc nhìn đó, nhà giáo giúp một học sinh “cá biệt” không bỏ học, trở nên ngoan ngoãn, sống có ích… thì càng có ý nghĩa hơn so với giúp một học sinh thông minh trở thành thủ khoa!
Và cũng vì vậy, cái tâm kia còn đáng bằng ba cái tài của nhà giáo!