Nói thì nói cho vui vậy thôi, chứ nhìn nhận vấn đề khách quan mới thấy sự “ỷ lại” trong mỗi con người hiện đang nghèo đói, cực khổ này. Các chế độ hỗ trợ, từ thiện hiện nay chỉ là giúp đỡ phần ngọn của căn bệnh “đói nghèo”, chỉ là “chữa cháy” mà thôi. Mỗi năm, mỗi khi Tết đến, xuân về các nhà từ thiện, các nhà hảo tâm, các công ty, xí nghiệp, … thi đua nhau ủng hộ đồng bào vùng khó khăn, đói kém, bất hạnh. Tiền của rót về các địa phương hàng tỷ đồng, nào là chăn, áo, mùng, mềm, gạo, mì, …Nhưng qua đợt đó rồi mọi thứ lại trở về nguyên trạng, đến năm sau nghèo vẫn hoàn nghèo, lại tiếp tục cứu đói, cứu trợ.
Cách đây 4 năm một câu chuyện rúng động cư dân mạng và là đề tài bàn tán xôn xao của dân chúng về một đứa bé bị bạo hành dã man, tàn độc. Không ai khác đó chính là Nguyễn Hoàng Anh (thường gọi Hào Anh), thời điểm ấy các mạnh thường quân đau đớn, xót xa trước cảnh đời bất hạnh của em đã gom góp hỗ trợ tiền của mong bù đắp phần nào nỗi thống khổ, đoạ đày mà em đã chịu. Thế nhưng 4 năm sau một tin tức tràn ngập các mặt báo: Hào Anh ngược đãi đấng sinh thành, tiêu phá hết mấy trăm triệu làm ngỡ ngàng, chua xót cho biết bao nhiêu người.
Từ hai câu chuyện trên cho ta thấy: Một người nghèo và một người bất hạnh họ có cùng một điểm chung là thiếu kiến thức, hiểu biết, thiếu sự giáo dục. Họ chưa được đào tạo để quản lý, sử dụng số tiền hỗ trợ ấy sao cho hiệu quả. Đối với họ dù có đưa cho họ đống tiền thì với sự vụng tính trong thoáng chốc số tiền ấy cũng thành mây khói.
Vì thế nếu đem tiền để cứu giúp cho người bất hạnh, nghèo khổ chỉ làm cho họ thêm khổ, thêm bất hạnh mà thôi. Hãy trang bị cho họ kiến thức, văn hoá, sự hiểu biết, đạo đức làm người, đào tạo, dạy dỗ, hướng nghiệp cho họ để họ tự kiếm sống, tự giúp bản thân mình trước khi chờ đợi sự giúp từ người khác. Xin đừng đưa cho họ đống tiền, giống như một người dốt nát trúng số, cuối cùng cũng sẽ nghèo, thê thảm, bi kịch nối tiếp bi kịch. Xin hãy đưa cho họ cái cần câu và dạy họ cách để câu được cá. Đó mới là cách giúp họ thành công, đồng tiền hỗ trợ ấy mới phát huy tác dụng.
Vậy làm thế nào để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: Nghèo, khổ -> cứu trợ -> Nghèo, khổ ấy. Chỉ duy nhất một con đường đó là: Giáo dục - Tầm quan trọng bậc nhất của của mỗi con người là được giáo dục tử tế. Có được kiến thức, tự mỗi người sẽ vận dụng kiến thức ấy mưu sinh, lập nghiệp. Không còn cảnh dựa dẫm, ỷ lại, chờ đợi người khác ban phát mà trong lòng không thấy hổ thẹn. Suy cho cùng: Giúp tiền bạc chỉ là giúp "ngặt" - Giúp kiến thức mới là giúp "nghèo".
Xin gửi lại cho những nhà hảo tâm, những nhà giáo dục một câu nói dựa theo lời dạy của Bác Hồ rằng: Người nghèo Việt Nam có trở nên giàu có hay không? Dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không? Phụ thuộc không nhỏ vào tầm nhìn giáo dục của quý vị đấy!